Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương V -Phần 2)

Chương V: Hành Động Công Bố Phúc Âm

NguoiGieoGiong

Phần 2

6. Người giảng Lời Chúa phải “sống động.” Chúng ta nhắc đến yếu tố này ngay sau yếu tố nghiêm trang để nhấn mạnh rằng: nghiêm trang chân chính không phải “trịnh trọng theo nghi thức”, hay nghiêm nghị một cách rầu rĩ như nét mặt của người đưa đám tang. Chúng ta phải thấy rõ sự khác biệt đó, vì người công bố Phúc Âm phải nghiêm trang nhưng vẫn sống động linh hoạt. Hai đặc tính này phải đi đôi với nhau.

Người giảng Lời Chúa không thể nào là người lờ đờ, buồn tẻ, nặng nề. Nói đúng ra, không thể nào có người giảng Phúc Âm buồn tẻ chán nản được, vì Phúc Âm là Tin Mừng, tin làm cho vui mừng khấp khởi, nên Phúc Âm không thể nào đi chung với thái độ buồn tẻ, chán nản, nặng nề được. Làm sao người rao giảng Tin vui mừng lại có thái độ đó? Chúng ta có thể nói rằng: người nào tự cho mình là người rao giảng Phúc Âm mà có thái độ đó chắc chắn không phải là người giảng Phúc Âm chân chính, vì người đó chưa nắm vững Phúc Âm, chưa có kinh nghiệm sống với Phúc Âm, chưa nếm biết Phúc Âm thật. Sứ điệp của Phúc Âm phải là sứ điệp linh hoạt, sống động, thích thú nhất hoàn vũ chứ không thể nào buồn tẻ được.

7. Người giảng Phúc Âm phải có cả lòng sốt sắng (nhiệt tâm) lẫn lòng lo tưởng đến người nghe. Hai yếu tố này có mối tương quan mật thiết với nhau. Người giảng Phúc Âm có nhiệt tâm vì chính mình đã được Lời Chúa nắm chặt lấy. Nếu không được Lời Chúa nắm chặt và được thiên chức công bố Lời Chúa thu hút, người đứng trên toà giảng sẽ không thu hút hay nắm chặt được ai cả. Vì Lời Chúa đầy dẫy tấm lòng và thiên chức chia sẻ Lời Chúa tác động trong tâm hồn chúng ta đến cao độ nên chúng ta muốn chia sẻ Lời ấy cho người khác, với lòng lo tưởng đến họ, muôn giúp đỡ họ, muốn họ biết rõ chân lý của Thượng Đế. Vì vậy chúng ta công bố Phúc Âm với tất cả năng lực, tất cả nhiệt tâm và lòng lo tưởng đến thính giả. Người nào giảng chân lý của Phúc Âm với thái độ khách quan, dù lời người đó nói là đúng, người đó vẫn chưa phải là người công bố Phúc Âm chân chính.

Mục sư Martyn Lloyd-Jones có kể câu chuyện thật này: Một lần nọ, Mục sư Lloyd-Jones về một vùng quê bên Anh để nghỉ dưỡng bệnh và có cơ hội nghe một Mục sư địa phương giảng, Mục sư này tuyên bố với hội chúng ông sẽ giảng một loạt bài căn cứ trên sách tiên tri Giê-rê-mi. Hôm đó ông bắt đầu với tâm trạng của Giê-rê-mi, như được bày tỏ trong Giê-rê-mi 20:9 “Nếu con nói:’Con sẽ không nói đến Chúa nữa, con sẽ không nhân danh Ngài mà nói nữa’, lời Chúa liền đốt cháy tấm lòng con, lửa hừng bọc kín xương cốt con; con mệt mỏi vì câm nín, không chịu nổi”. Mục sư Lloyd-Jones nói rằng: ông ấy nói về lửa, nhưng suốt cả bài giảng không ai cảm thấy lửa đâu cả, mà thấy ông ấy như đang ngồi trên một tảng nước đá, vì ông ấy giảng một cách khách quan, vô tư, lạnh lẽo! Bài giảng đó lập luận vững vàng, tỏ ra ông Mục sư đó đã chuẩn bị kỹ càng, đã viết ra từng chữ và đọc bản thảo bài giảng. Nhưng điều quan trọng nhất là lửa, mà lại không có lửa! Khi giảng Mục sư đó không lộ ra nhiệt tâm, hăng say mà cũng không bày tỏ lòng lo tưởng đến người nghe nữa. Ông ấy rất chững chạc, vô tư, như giáo sư giảng bài, nhưng không có lửa!

Mục sư Lloyd-Jones cũng nói về một bài phê bình của một nhà báo nổi tiếng ở Tô-cách-lan. Ông này đi nghe hai diễn giả thuyết trình về một đề tài. Trong bài phê bình ông khen cả hai diễn giả đều là người có khả năng và có kiến thức. Nhưng trong phần kết luận ông viết: “Điểm khác biệt giữa hai diễn giả đó: người thứ nhất thuyết trình như một luật sư, còn người kia thuyết trình như là một nhân chứng‘’.

Luật sư là người đại diện cho một người khác trước toà án, nhưng không cần quan tâm đến thân chủ của mình. Khi ra toà, luật sư chỉ cần một hồ sơ tóm tắt vụ án, do nhân viên của luật sư nghiên cứu và soạn thảo, có ghi đầy đủ các chi tiết, các sự việc đã xảy ra, các điểm pháp lý v.v… Khi đứng trước toà bào chữa cho thân chủ, luật sư chỉ nói theo hồ sơ này mà không cần “dấn thân” vào việc mình làm.

Nhân chứng là người nói lại những điều chính mình đã thấy đã nghe, nói lại kinh nghiệm sông của mình. Người công bố Phúc Âm không phải là luật sư nhưng là nhân chứng, là người nói lại sự cứu rỗi chính cá nhân mình đã nhận được, là bằng chứng sống của quyền năng tái tạo của Phúc Âm. Khi đứng trên toà giảng, nhân chứng của Phúc Âm được cơ hội trình bày chân lý cứu rỗi, chứng minh quyền năng của Phúc Âm, phơi bày những lập luận giả dối lường gạt của Sa-tan. Chính Chúa Jê-sus gọi chúng ta là “chứng nhân” trong Giăng 15:27 “Các con cũng sẽ làm chứng cho Ta”. Đó là thiên chức của người rao giảng Phúc Âm, của nhân chứng cho Chúa Jê-sus. Người giảng Phúc Âm phải “dân thân” với Phúc Âm, vì nếu chỉ trình bày Phúc Âm cách khách quan, chúng ta chắc chắn sẽ thất bại thê thảm.

IMG_6399-1024x768

8. Xúc động sâu xa. Một người giảng Phúc Âm có thể làm mọi việc đều đúng cả, nhưng nếu trong lòng thiếu sự xúc động sâu xa, thì lời giảng của người ấy vẫn có cái gì lạnh lùng, thiếu hơi ấm của sự sống. Nếu chúng ta thật sự tin điều chúng ta nói, lòng chúng ta phải cảm động. Sứ đồ Phao-lô luôn luôn có sự xúc động này khi giảng dạy Phúc Âm, như trong lời từ biệt các trưởng lão ở Ê-phê-sô, ông nhắc họ rằng: “Anh em… đừng quên tôi đã đổ nhiều nước mất khuyên bảo mọi người, ngày cũng như đêm, ròng rã ba năm trời” (Công vụ 20:31). Khi cảnh cáo các anh em ở Phi-líp về gương những “người chăn hiểm độc”, Phao- lô viết “Dù đã nói nhiều lần, nay tôi lại khóc mà nhắc lại: Có nhiều người sống như kẻ thù của Đấng chịu chết trên cây thập tự” (Phi-lip 3:18). Phao-lô là một nhà đại trí thức, chẳng những của thế kỷ thứ nhất mà cũng của mọi thời đại, nhưng Phao-lô đã xúc động sâu xa đến nỗi sa nước mắt khi công bố Phúc Âm. Trong khi đó, chúng ta thấy nhiều người cho rằng người trí thức phải biết tự kìm hãm và không thể nào để lộ xúc cảm của mình!

Nhưng chúng ta quả quyết rằng, nếu ai chưa được chân lý của sự chết và sự sống lại của Chúa Cứu Thế cảm động cho mình khóc, như lời Chúa trong Xa-cha-ri 12:10 (Ta sẽ đổ Thần Ân Phúc và Cầu Xin trên nhà Đa-vít và trên Giê-ru-sa-lem. Họ sẽ đứng nhìn Ta, Đấng họ đã đâm và sẽ khóc thương như người khóc con một, khóc đắng cay như khóc con đầu lòng), thì người đó chưa được Thánh Linh dẫn đến thập tự giá, chưa nắm vững được Phúc Âm mình rao giảng. Con người có cả cái đầu (tâm trí) và quả tim (tấm lòng). Nếu cái đầu đã được Thánh Linh rọi sáng cho hiểu chân lý thập tự giá thì quả tim phải xúc động. La-mã 6:17 chép “anh em trước kia vốn làm nô lệ cho tội lỗi, nhưng nay đã thành tâm (với tấm lòng thành) vâng phục các lời giáo huấn của Chúa”. Nếu tấm lòng chưa xúc động thì trí óc cũng chưa tiếp nhận được ánh sáng của Thánh Linh, vì chân lý chúng ta ra giảng phải tác động trên con người toàn diện, cả tâm trí lẫn tấm lòng. Những người giảng Phúc Âm với quyền năng Thánh Linh đều đổ nước mắt như sứ đồ Phao-lô. Hầu như không có lần nào George Whitefield (sứ giả Phục hưng vào thế kỷ thứ 18) giảng mà không chan hoà nước mắt. Chúng ta ít thấy sự xúc cảm sâu xa đó trong nhiều người giảng Phúc Âm hiện nay, nhưng Chân lý của Thượng Đế vẫn không thay đổi. Nếu Chân lý đó thật sự tác động cách quyền năng trong lòng ta, chúng ta sẽ hạ mình trước mặt Chúa để được Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta tấm lòng tan vỡ và nước mắt của Chúa Cứu Thế Jê-sus.

9. Tính cách cấp bách. Người giảng Phúc Âm chân chính luôn luôn cảm biết tính cách cấp bách của chức vụ mình. Người diễn thuyết, thuyết trình hay làm việc gì khác có thể hoãn công việc của mình một vài ngày hay một vài tháng cũng không gây thiệt hại gì bao nhiêu, nhưng sứ điệp của Phúc Âm không thể đình hoãn được. Chúng ta không biết một tuần lễ nữa chính chúng ta có còn sống không, hay một vài người trong số thính giả (người chưa tin, cũng như người “có đạo” mà chưa có Chúa) có còn sống đến Chúa nhựt sau hay không? Rất có thể chỉ một vài ngày sau sẽ có người qua đời mà chưa được cứu rỗi. Mục sư William Chalmers Bums, một sứ giả Phục hưng được Thánh Linh đại dụng ở Tô-cách-lan vào thập niên 40 của thế kỷ thứ 19, một lần nọ đã đặt tay trên vai một Mục sư khác và nói rằng: “Anh ơi, chúng ta phải xúc tiến ngay”. Người nào không ý thức được tính cách cấp bách đó khi đứng trước cõi đời đời, là người không xứng đáng đứng lên toà giảng, nhưng người giảng Phúc Âm chân chính phải kêu gọi cách tha thiết cấp bách như sứ đồ Phao-lô: “Chúng tôi nài xin anh em, vì Danh Chúa Cứu Thế, hãy phục hòa với Thượng Đế“. Với lời kêu đó, chúng ta cầu xin Thánh Linh thuyết phục người nghe để họ tiếp nhận chân lý. Chúng ta không rao giảng Phúc Âm cách dửng dưng, như người bán hàng giới thiệu món hàng mình với thái độ “mua thì mua không mua thì để lại đó”, nhưng phải nhờ quyền năng của Thánh Linh để gây ảnh hưởng trên người nghe và thầm nguyện xin Thánh Linh cảm động, bắt phục họ.