Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương V -Phần 1)
Chương V: Hành Động Công Bố Phúc Âm
Phần 1
Bây giờ chúng ta nói đến việc “trình bày” bài giảng, hay “hành động giảng” là phân nửa thứ hai của đề tài chúng ta đang thảo luận.
Trong chương này, chúng ta chỉ đề cập đến phần đại cương để chúng ta có một cái nhìn tổng quát, khi đặt câu hỏi: “Hành động công bố Phúc Âm” là gì, hay nói cách đơn sơ: “Giảng là gì?”, rồi sau đó chúng sẽ đi vào các chi tiết.
“Giảng” là một thiên chức, hay một công việc rất khó định nghiã. “Giảng” không phải là làm theo một số luật lệ, quy tắc bảo phải làm cái này, cấm làm điều kia v.v… Đó không phải là giảng, nhưng chúng ta thế nào cũng nhận biết ngay giảng là gì, khi nghe được một bài giảng chân chính.
Cách tốt nhất để định nghiã “giảng”, là cách chúng ta bắt chước sứ đồ Phao-lô đã làm khi định nghiã tình yêu trong chương 13, thư Cổ-linh thứ nhất. Vì tình yêu là một cái gì mầu nhiệm không thể định nghiã được nên Phao-lô chỉ kể ra các đặc sắc của tình yêu, nói lên những khía cạnh kỳ diệu Thánh Linh bày tỏ cho ông biết về tình yêu. Chúng ta sẽ làm như vậy và nêu lên những đặc tính cần thiết người đứng trên toà giảng phải có khi công bố Phúc Âm cách chân chính.
1. Thứ nhất, toàn thể con người của Mục sư (giảng sư) phải “tham dự” vào việc giảng. Nói cách khác, người giảng không phải chỉ dùng miệng nói mà thôi, nhưng phải dốc đổ cả tâm thần, linh hồn và thể xác của mình vào việc giảng. Người giảng không phải là một pho tượng chỉ nhép nhép cái môi, nhưng việc giảng phải vận dụng cả khả năng, tình cảm, ý chí, tâm tình, cũng như các cử động, điệu bộ của hai tay và của cả con người.
2. Người giảng phải cảm biết uy quyền của mình, phải hướng dẫn, kiểm soát thính giả và đừng có thái độ của người phải tự chống chế bào chữa, cũng đừng trình bày các ý kiến của mình cách ngập ngừng, thiếu quả quyết. Người giảng Phúc Âm là người có uy quyền của Thượng Đế, được Thượng Để uỷ nhiệm cho chức vụ công bố sứ điệp của Ngài. Người công bố Phúc Âm là sứ thần của Thượng Đế, là người được Thượng Đế sai phái. Nhưng thái độ đó không phải là thái độ tự tin. Tự tín là một thái độ sai lầm, một thói xấu, không thích hợp cho người công bố Phúc Âm. Chúng ta phải luôn luôn nhớ gương của sứ đồ Phao-lô: “Tôi có vẻ yếu đuối, sợ sệt và run rẩy khi đến thăm anh em” (ICổ-linh 2:3). Chúng ta cũng phải có thái độ đó vì ý thức được tính cách cao cả, uy nghiêm và quan trọng của việc giảng Phúc Âm. Chúng ta không tự tín, không nhờ cậy vào kiến thức, tài nói của mình hay dùng phương pháp tự kỷ ám thị để lên tinh thần, nhưng phải luôn nhớ rằng chúng ta ở dưới uy quyền của Chúa và được Chúa ban cho uy quyền để nói Lời Ngài. Thái độ này rất quan trọng và sẽ được đề cập đến cách kỹ càng hơn về sau. Ớ đây chúng ta chỉ nhắc nhở rằng người đứng trên toà giảng phải là người có uy quyền để kiểm soát thính giả chứ không để cho thính giả điều khiển.
3. Khi công bố Phúc Âm, người giảng phải tự do, linh động. Đây cũng là một điểm rất quan trọng. Người giảng phải chuẩn bị bài giảng cách kỹ càng thấu đáo, nhưng khi đứng lên giảng, người ấy phải tự do, linh động, không bị gò bó vì bài giảng. Đây là điểm tối cần thiết của hành động công bố Phúc Âm. Dù đã viết bài giảng mình ra từng lời từng chữ, hay chỉ viết ra các phần chính, chúng ta đừng bao giờ để mình làm “nô lệ” cho bài giảng mà phải “tự do”, tức là lúc nào cũng sẵn sàng đón nhận sự “hà hơi” của Chúa Thánh Linh. Khi đứng trên toà giảng, người công bố Phúc Âm phải đặt mình dưới quyền hướng dẫn, điều khiển của Chúa Thánh Linh, luôn luôn giữ lòng mình “nhạy cảm” để nghe tiếng Thánh Linh. Chúng ta phải nhớ rằng: bài giảng phải được chuẩn bị soạn thảo kỹ càng, nhưng Thánh Linh có quyền sửa chữa, thêm bớt bất cứ lúc nào. Ai có kinh nghiệm công bố Phúc Âm dưới quyền điều khiển của Chúa Thánh Linh cũng đều có kinh nghiệm thích thú này: nhiều khi những ý kiến, những câu nói đầy ơn và quyền nhất không phải là những ý kiến những câu nói chúng ta đã nghĩ hay đã viết ra trước, nhưng được Chúa Thánh Linh ban cho ngay khi đang đứng giảng.
4. Người giảng phải sẵn sàng đón nhận “sự hoàn ngược” (feedback) từ thính giả. Chúng ta đừng quên rằng trong số thính giả có thể có những người đầy dẫy Thánh Linh và những người này có thể “đóng góp” vào bài giảng bằng lời cầu thay, bằng nét mặt vui thoả khi tiếp nhận lời Chúa hay bằng một mối liên hệ mầu nhiệm giữa người giảng đầy dẫy Thánh Linh với người nghe cũng đầy dẫy Thánh Linh. Chúng ta có thể nói rằng người giảng Phúc Âm chân chính luôn luôn được “yếu tố” hoàn ngược” này khuyến khích nâng đỡ. Đây là yếu tố không thể nào có được trong những buổi thuyết trình, diễn thuyết, hay những giờ giảng “lạnh ngắt” không có Chúa Thánh Linh. Dù người giảng là một người ít học, hay có khi vì một lý do nào đó mà không thể soạn bài giảng như mình mong muốn, người giảng đó cũng có thể được nâng đỡ và lên tinh thần, khi thính giả biết cầu thay và biết đáp ứng khi nghe lời Chúa. Người giảng phải luôn luôn cởi mở để sẵn sàng đón nhận “yếu tố hoàn ngược” này. Đây cũng là một trong những lý do tại sao chúng ta nói trong chương trước rằng: chúng ta bước lên toà giảng với bài giảng đã chuẩn bị kỹ càng nhưng không biết được có gì sẽ xảy ra cho đến khi bắt đầu mở miệng giảng. Đây cũng có thể gọi là thái độ linh động của người giảng, khi người này biết để cho Chúa Thánh Linh toàn quyền điều động. Thái độ này không mâu thuẫn với việc chuẩn bị bài giảng cách kỹ càng. Thánh Linh là Đấng đã giúp chúng ta soạn bài giảng cũng có thể giúp chúng ta những điều dạy dỗ hoàn toàn mới mẻ đang khi chúng ta giảng, vì Chúa lúc nào cũng cầm quyền tể trị và làm những việc “vượt quá mức chúng ta cầu xin và mong ước” (Ê-phê-sô 3:20).
5. Người công bố Phúc Âm phải nghiêm trang và đừng bao giờ để cho thính giả nghĩ lầm rằng công bố Phúc Âm là một việc hời hợt, nông cạn, tầm thường. Người công bố Phúc Âm nhận lấy sứ điệp từ Thượng Đế, nói với thính giả về Thượng Đế, về số phận đời đời của linh hồn họ, nói cho họ biết họ đang ở dưới cơn thịnh nộ của Thượng Đế, cảnh cáo họ về hình phạt đời đời đang chờ đợi họ nếu họ không tin nhận Chúa Cứu Thế Jê-sus. Người giảng lời Chúa phải nhắc nhở cho thính giả nhớ rằng đời sống trên trần gian là tạm bợ. Tất cả những vấn đề nghiêm trọng này làm cho người giảng Phúc Âm phải nghiêm trang khi đứng trên toà giảng. Richard Baxter có hai câu thơ mô tả tính cách nghiêm trọng đó như sau:
“Tôi đứng giảng như đây là cơ hội cuối cùng,
Như người gần lâm chung trối trăn với người sắp chết”.
Lịch sử Phục hưng của Hội thánh có kể lại rằng, vào thế kỷ thứ 19, khi Mục sư Robert Murray McCheyne ở Tô-cách-lan bước lên tòa giảng thì hội chúng đã bắt đầu khóc, mặc dù ông chưa mở miệng nói một lời nào cả. Đó là yếu tố nghiêm trọng của việc giảng Lời Chúa cách chân chính. Khi vừa thấy người của Thượng Đế, thính giả đã ý thức ngay được rằng người đó vừa ở trong sự hiện diện của Thượng Đế bước ra để công bố cho mình sứ điệp của Thượng Đế. Người giảng Phúc Âm không có yếu tố nghiêm trọng chân chính này khi đứng lên giảng sẽ không có quyền năng, và người nghe cũng chẳng lãnh hội được gì quí giá từ Chúa cả.