Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương IV -Phần 4)

Chương IV: Hình Thức Của Bài Giảng

images (1)

Phần 4

Như vậy, chúng ta phải theo hình thức nào để soạn một bài giảng với các đặc điểm thích hợp? Chúng ta phải bắt đầu việc soạn bài giảng bằng cách giải kinh, tức là dẫn giải đoạn văn hay câu Thánh Kinh chúng ta đã chọn. Đây là điều tôi cần thiết, vì như chúng ta đã nói, tất cả các bài giảng phải là bài giảng giải kinh. Chúng ta không bắt đầu việc soạn bài giảng với một tư tưởng, dù tư tưởng ấy là tư tưởng đúng. Đừng bao giờ bắt đầu bằng một tư tưởng rồi tìm cách khai triển tư tưởng ấy thành một bài giảng. Nếu soạn bài giảng bằng cách đó, chúng ta sẽ trở lại những tư tưởng cũ và sẽ giảng đi giảng lại một số đề tài. Đó là một trong những lý do tại sao người công bố Phúc Âm phải giảng theo cách giải kinh, vì giảng giải kinh lúc nào cũng phong phú, khỏi lặp đi lặp lại. Giảng giải kinh là cách giảng tốt đẹp nhất cho cả người nghe lẫn người giảng. Nhưng lý do quan trọng hơn cả trong việc giảng giải kinh là chúng ta phải trình bày Thánh Kinh, sứ điệp của Thánh Kinh, những điều học hỏi trực tiếp từ Thánh Kinh. Có một số người mở Thánh Kinh ra đọc một vài câu rồi để cuốn Thánh Kinh qua một bên và nói thao thao bất tuyệt. Đó không phải là cách giảng Phúc Âm, vì người giảng Thánh Kinh phải cho thính giả nhận thây rằng những điều họ đang nghe là từ Thánh Kinh. Thánh Kinh là nguồn gốc của tất cả các lời rao giảng.

Sau khi bắt đầu bằng việc giải kinh, người công bố Phúc Âm sẽ được Thánh Linh cho thây giáo lý tiềm tàng trong đoạn văn hay trong câu Thánh Kinh mình đang dùng làm nền tảng cho bài giảng. Đó là một giáo lý đặc biệt của đoạn văn đó, nhưng giáo lý đó cũng là một phần củakhối chân lý toàn bộ”, tức là toàn bộ sứ điệp của Thánh Kinh. Người giảng Phúc Âm phải có trách nhiệm nghiên cứu, đào sâu, tìm kiếm kỹ càng. Phải đặt câu hỏi: Chúa muốn dạy dỗ tôi điều gì qua đoạn văn này? Giáo lý, hay sứ điệp đặc biệt Chúa muốn dạy dỗ qua đoạn văn này là gì? Đây là điều vô cùng quan trọng mà người công bố Phúc Âm phải làm khi soạn bài giảng.

Một khi đã tìm ra và nắm vững được giáo lý của đoạn văn, chúng ta phải đặt một câu hỏi khác: làm thế nào để ứng dụng cách thích hợp cho những người sẽ nghe chúng ta giảng? Đừng bao giờ quên câu hỏi này, vì chúng ta không đăng đàn diễn thuyết hay đọc lên một bản thuyết trình. Mục đích của người công bố Phúc Âm là dùng lời Chúa tác động, gây ảnh hưởng trên cả cuộc sống của thính giả. Người giảng Phúc Âm không nói về lịch sử, về văn hoá của những thời xa xưa, nhưng nói với những người đang sống, đang phải đối phó với những vấn đề hàng ngày trong cuộc sống của họ. Vì vậy bài giảng không phải là lý thuyết suông, nhưng là một sứ điệp hết sức quan trọng cho người nghe làm cho họ phải tập trung vào bài giảng để có thể lãnh hội được nhiều điều bổ ích cho chính họ.

Đến đây, chúng ta có thể phân chia sứ điệp thành đoạn, phân đoạn, nhưng đừng quên rằng mục đích chính của việc phân chia này là để làm sáng tỏ chủ đề hay giáo lý chính của bài giảng. Như nhạc sĩ khi sáng tác một bản nhạc giao hưởng (symphony) hay một bản nhạc đại hòa tấu (opera), thường tiết lộ cho người nghe biết các nhạc tố (motifs) của cả bản nhạc trong khúc mở màn (overture), người giảng cũng nên dùng lời mở đầu để tiết lộ cho thính giả biết qua về chủ đề và các phần của bài giảng, là những phần sẽ được tuần tự trình bày cách kỹ lưỡng trong cả bài giảng.

images

Việc phân chia và sắp đặt thứ tự các phần (hay tiểu mục) với các tiểu đề là một điều hết sức quan trọng, vì một khi đã có cái nhìn tổng quát và đã sắp đặt các tiểu mục theo thứ tự, người giảng sẽ tránh được việc trình bày cách lộn xộn. Sau khi đã nắm vững được giáo lý, thấy rõ được chủ đề để triển khai, chúng ta phải sắp đặt các phần (tiểu mục) theo thứ tự để phần một dẫn đến phần hai, phần hai dẫn đến phần ba v.v… và cuối cùng dẫn đến phần kết luận. Mỗi chi tiết của bài giảng phải được sắp đặt và trình bày cách nào để có thể nhấn mạnh và làm cho nổi bật giáo lý đặc biệt của bài giảng.

Các tư tưởng được trình bày trong bài giảng phải tuần tự tiến lên, nhưng đây không phải là những tư tưởng riêng rẽ mà tư tưởng này phải liên hệ với tư tưởng kia. Mỗi tư tưởng, mỗi phần là một thành phần của toàn bộ là bài giảng. Hình thức của bài giảng phải giúp cho việc tuần tự tiến lên đó, để người giảng có thể triển khai các luận cứ của mình một cách hữu hiệu và rõ rệt. Phần kết luận phải là cao điểm của bài giảng để làm nổi bật chân lý (giáo lý) của Thánh Kinh mà người giảng dùng làm chủ đề, để khi ra về thính giả vẫn còn ghi nhớ được chân lý họ đã nghe.

Chúng ta cũng đừng quên phần ứng dụng. Phần này không phải chỉ để đến lúc kết luận bài giảng mới được đưa ra, nhưng hễ thấy điểm nào có thể ứng dụng (cho cả người giảng lẫn người nghe), chúng ta liền đem ứng dụng. Có nhiều cách để ứng dụng các sự dạy dỗ của sứ điệp, và một trong những cách đó là: người giảng đặt câu hỏi rồi tự mình trả lời. Như vậy, bài giảng sẽ không có các đặc tính trừu tượng hay lý thuyết suông của bài diễn thuyết hay thuyết trình, nhưng đi thẳng vào con người và vào nếp sông của hộ. Đến phần kết luận, chúng ta lại nhắc nhở và đúc kết các điểm đã áp dụng bằng lời kêu gọi, thúc giục. Trên đây là hình thức của bài giảng. Người giảng phải giải kinh, tức là giải nghiã đoạn văn Thánh Kinh mình dùng làm nền tảng cho bài giảng, nhưng không phải giải nghiã cách rời rạc mà phải dùng bài giảng, với đặc tính toàn bộ và hợp nhất của sứ điệp, để chuyển đạt Lời Chúa đến với thính giả.

Mỗi bài giảng là một “thực thể” (entity), một toàn bộ. Dù người công bố Phúc Âm có thể dùng một đoạn văn Thánh Kinh để giảng một loạt bài giảng liên tục, nhưng không được chấm dứt bài giảng cách đột ngột bằng câu: “Hôm nay tôi chỉ giảng đến đây, để lần sau tôi sẽ nói tiếp”. Người giảng không nên làm như vậy, vì mỗi bài giảng, dù là một bài trong một loạt bài, đều phải là một toàn bộ, một bài giảng đầy đủ với lời mở đầu, triển khai các phần và kết luận. Đến khi giảng bài kế tiếp, người giảng phải mở đầu bằng ít câu tóm lược bài giảng trước để dẫn vào phần triển khai bài giảng mới một cách nhẹ nhàng trơn tru và cuối bài giảng mới này cũng phải có phần kết luận, vì mỗi bài giảng phải là một toàn bộ.