Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương IV -Phần 2)

Chương IV: Hình Thức Của Bài Giảng

images (7)

Phần 2

Trong thời đại Tân ước và trong Hội thánh vào mấy thế kỷ đầu tiên, những người công bố Phúc Âm không soạn bài giảng và giảng như cách chúng ta làm ngày nay. Họ không đem một đoạn văn Tân ước để phân tích, giải thích rồi ứng dụng, vì lúc đó chưa có Tân ước. Như vậy họ giảng cách nào? Họ giảng “đại sứ điệp” đã được Thánh Linh ủy nhiệm cho họ giảng, tức là giảng toàn bộ khối chân lý, toàn bộ giáo lý về sự cứu rỗi. Mặc dù ngày nay chúng ta đem ra một vài đoạn văn Thánh Kinh để phân tích và giải thích, chúng ta cũng phải giảng “đại sứ điệp”, toàn bộ khối chân lý như họ. Đấy là nguyên tắc giữ mối liên hệ giữa thần học và việc công bố Phúc Âm.

Một điểm quan trọng không kém chúng ta phải ghi nhớ là: chúng ta giảng Phúc Âm, chứ không phải chỉ giảng về Phúc Âm. Mặc dù khó cắt nghiã rõ ràng sự khác biệt giữa “giảng Phúc Âm” và “giảng về Phúc Âm”, nhưng sự khác biệt này rất quan trọng. Một số người “giảng về Phúc Âm” nhưng lại tưởng họ “giảng Phúc Âm”. Họ giảng “về Lời Chúa”, đưa ra những điểm nói “về Lời Chúa”. Đó không phải là việc làm của người được Thượng Đế kêu gọi để công bố Phúc Âm. Chúng ta được kêu gọi để giảng Lời Chúa, để trình bày Lời Chúa, để đem Lời Chúa đến trực tiếp với thính giả, đồng thời chúng ta tin rằng Thánh Linh dùng Lời Chúa tác động trong lòng thính giả. Chúng ta không nói những điều về Lời Chúa, nhưng phải chuyển Lời Chúa trực tiếp đến với người nghe. Chúng ta là cái máng dẫn, là phương tiện để Lời Chúa truyền qua chúng ta mà đến với thính giả, chẳng những chỉ đến với tâm trí hay chỉ đến với xúc cảm, nhưng đến với “con người toàn diện” của thính giả. Vì vậy, chúng ta không giảng về Phúc Âm, coi Phúc Âm như một cái gì ở bên ngoài chúng ta như một vấn đề chúng ta đem ra thảo luận, nhưng Phúc Âm phải phát xuất từ tận đáy lòng để đến với thính giả.

Chúng ta cũng cần nhấn mạnh điểm quan trọng này một lần nữa: chúng ta phải trình bày “Phúc Âm toàn diện” với mọi khiá cạnh của Phúc Âm. Khía cạnh chúng ta phải đề cập đến trước tiên là khiá cạnh cá nhân (personal side), rồi sau đó mối đề cập đến khiá cạnh xã hội (social side) và khiá cạnh vũ trụ (cosmic side). Chúng ta phải trình bày toàn thể chương trình cứu rỗi của Thượng Đế do Thánh Kinh bày tỏ, theo chương trình đó Chúa Cứu Thế sẽ thống nhất và lãnh đạo muôn loài vạn vật, cả trên trời lẫn dưới đất, như được Lời Chúa cho thấy trong Ê-phê-sô 1:10. Đó là điều chúng ta phải làm và đó là lý do tại sao chúng ta phải chia ra ba loại bài giảng: bài giảng cho người chưa tin, bài giảng có tính cách thực nghiệm cho người đã tin, và bài giảng có tính cách dạy dỗ để tăng kiến thức thuộc linh cho người đã tin. Với loại bài giảng thứ ba này, chúng ta không giảng cho người chưa tin, cũng không tìm cách giải quyết các vấn đề cá nhân của thính giả, nhưng chúng ta phải nhân mạnh rằng: sự cứu rỗi do Chúa Cứu Thế Jê-sus thực hiện chẳng những đem lại bình an, phước hạnh cho người tin mà còn ảnh hưởng đến cả vũ trụ nữa. Người đã tin Chúa cần phải biết phạm vi vô cùng vĩ đại của Phúc Âm để họ có thể có khái niệm đúng về chương trình cứu rỗi của Thượng Đế.

Mỗi phần của bài giảng, là một thành phần của toàn bộ, và người giảng phải cho thính giả thấy như vậy. Chúng ta thấy đặc tính này rất rõ rệt trông tất cả các thư tín của sứ đồ Phao-lô. Nói chung, mỗi thư tín của sứ đồ Phao-lô có thể chia thành hai phần chính. Sau khi viết những lời chào thăm, Phao-lô nhắc cho độc giả những giáo lý quan trọng mà họ đã tin. Khi xong phần này, tức là vào khoảng giữa lá thư, sứ đồ Phao-lô dùng phó từ “vậy” (vì vậy, vì thế) để dẫn độc giả qua phần thực hành những điều họ đã học. “Vậy” có nghiã là: dưới ánh sáng của chân lý, của các giáo lý anh chị em đã biết, bây giờ đến lúc anh chị em phải thực nghiệm, phải sống, phải đem các điều đó vào cuộc sống”. Nói chung, phần đầu các thư tín của Phao-lô là phần giáo lý, còn phần thứ hai là phần thực hành. Nhưng có một điểm làm chúng ta vô cùng thích thú là ngay trong phần thứ hai, là phần thực hành, sứ đồ Phao-lô vẫn tiếp tục nhắc nhở các giáo lý quan trọng. Chúng ta chia mỗi thư tín của Phao-lô làm hai phần để nghiên cứu, nhưng phải nhớ rằng việc phân chia này không bao giờ tuyệt đối cả, vì phương diện giáo lý và phương diện thực hành của các thư tín này liên hệ chặt chẽ với nhau và luôn luôn đi song song với nhau.

psalm-32-1

Nói cách khác, khi đem các nguyên tắc luân lý đạo đức trong một đoạn văn Thánh Kinh ra để khuyến khích thính giả đem áp dụng vào cuộc sống, người công bố Phúc Âm đừng bao giờ quên phần giáo lý. Nếu chỉ nói đến luân lý đạo đức, bài giảng sẽ trở thành một bài dạy luân lý không có quyền năng của Phúc Âm, và vì thế bài giảng đó không hơn gì một bài thuyết pháp luân lý của các tôn giáo khác. Chúng ta đưa ra một vài ví dụ để làm sáng tỏ điểm quan trọng này:

(1). Ê-phê-sô 4:25 “Vậy, hãy chừa bỏ sự dối trá, anh em phải nói thật với nhau...”. Đây là một lời kêu gọi, nhưng không phải một bài học luân lý, vì chữ “vạy” nối liền với “Chúa Cứu Thế là Đầu, Hội thánh là thân thể”.

(2). Ê-phê-sô 4:32 “Phải có lòng nhân từ, yêu mến nhau, phải tha thứ nhau như Thượng Đế đã tha thứ anh em trong Chúa Cứu Thế”. Giáo lý và quyền năng của lời kêu gọi này là “trong Chúa Cứu Thế”. Thượng Đế tha thứ chúng ta “trong Chúa Cứu Thể”, muôn có lòng nhân từ, yêu mến nhau, tha thứ nhau, chúng ta cũng phải ở “trong Chúa Cứu Thế” được cứu chuộc bởi huyết Chúa, sống trong Chúa và có Chúa sống trong lòng. Nếu chúng ta cắt mấy chữ “trong Chúa Cứu Thế” ra khỏi câu Ê-phê-sô 4:32, lời kêu gọi này đặt chúng ta trước một việc không một người nào, kể cả sứ đồ Phao-lô, có thể làm được. Ngoài ra, chúng ta đừng quên rằng Thượng Đế chỉ có thể tha thứ chúng ta trong Chúa Cứu Thế. ” Nếu Thượng Đế tha thứ chúng ta “ngoài Chúa Cứu Thế” thì sự chết trên cây thập tự của Chúa Jê-sus là vô ích. Có người đã giảng câu này mà không đá động đến mấy chữ “trong Chúa Cứu Thế”. Bài giảng của họ cũng lâm ly hùng tráng, bùi tai lắm, nhưng không có quyền năng của Đấng đã chết và đã sống lại. Người nghe dù có thích thú đến đâu cũng chỉ có thể kết luận: “Nói vậy chứ làm sao được? Tôi là người làm sao tôi tha thứ như Thượng Đế được?

Mặc dù người công bố Phúc Âm phải ghi nhớ nguyên tắc “ba loại sứ điệp” để có bài giảng thích hợp với nhu cầu của thính giả, chúng ta phải cảm tạ Thượng Đế vì Ngài thường làm những việc diệu kỳ theo ý muốn tốt lành và quyền tể trị tuyệt đối của Ngài. Kinh nghiệm sống của người công bố Phúc Âm cho thấy rằng có người chưa tin đến nghe truyền giảng (cho người chưa tin) nhiều lần nhưng vẫn chưa chịu đầu phục Chúa. Đến khi nghe bài giảng dành cho sự gây dựng người đã tin, họ lại được Chúa Thánh Linh dùng Lời Chúa bắt phục để tiếp nhận Chúa Cứu Thế, vì “gió muốn thổi đâu thì thổi”, Chúa Thánh Linh làm theo ý muôn của Ngài. Dù vậy, phần của người công bố Phúc Âm là chuẩn bị bài giảng cho đúng phương pháp và đồng thời vâng phục và cảm tạ Chúa khi thấy Thánh Linh làm việc “vượt quá mức chúng ta cầu xin và mong ước” (Ê-phê-sô 3:20).

Chúng ta đã nói qua về nội dung của bài giảng, bây giờ chúng ta thảo luận về hình thức bài giảng. Đây là vấn đề khó khăn nhưng lại là mọt trong những vấn đề quan trọng nhất.