Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương IV -Phần 1)
Chương IV: Hình Thức Của Bài Giảng
Phần 1
Chúng ta đã biết rằng người công bố Phúc Âm phải sẵn sàng để soạn ba loại bài giảng. (Thật ra chỉ có hai loại, là loại bài giảng cho người chưa tin và loại bài giảng để gây dựng người đã tin, với loại thứ hai được chia làm hai loại nhỏ. Nhưng để tiện việc thảo luận, chúng ta kể là có ba loại bài giảng).
Chúng ta phải phân loại như vậy để người giảng có thể tập trung vào đa số thính giả đến nghe giảng, nhưng chúng ta đừng quên điểm vô cùng quan trọng này: các loại bài giảng đều phải liên hệ và liên lập với nhau (inter-related, inter-dependent), vì nếu bài giảng nào chỉ hoàn toàn nhắm vào người chưa tin thì bài giảng ấy vẫn còn thiếu sót, và bài giảng nào chỉ nhắm vào việc gây dựng người đã tin mà thôi, thì bài giảng ấy vẫn chưa đầy đủ. Vì vậy ở đây chúng ta phải đặt một câu hỏi rất quan trọng là: Làm thế nào có thể duy trì đặc tính liên hệ liên lập giữa cả ba loại bài giảng được? Câu trả lời là: đó là mối liên hệ giữa thần học và việc rao giảng, tức là tất cả các bài giảng đều phải luôn luôn đặt trên nền tảng thần học.
Người công bố Phúc Âm phải cẩn thận tránh việc dùng những khúc Thánh Kinh riêng biệt để giảng, mà không chú đến mạch văn và nhất là không chú ý đến chân lý toàn diện trong hệ thống thần học (systematic theology). Nếu giảng một bài giảng mà chỉ căn cứ trên một khúc Thánh Kinh duy nhất (không liên hệ với các khúc Thánh Kinh khác và với chân lý toàn diện), đến khi giảng lần sau với khúc Thánh Kinh khác, chúng ta rất có thể mâu thuẫn với một số điều đã trình bày trong bài giảng đầu tiên. Để tránh mâu thuẫn và để duy trì mối liên hệ giữa các bài giảng, cũng như giữa các loại bài giảng, chúng ta phải luôn luôn giữ đúng thần học, vì không có loại bài giảng nào là loại không căn cứ trên thần học (non- theological).
Có một số người cho rằng loại bài giảng cho người chưa tin không cần phải căn cứ trên thần học. Những người này cho rằng, chúng ta chỉ cần đem người chưa tin vào Giáo hội rồi sau đó mới dạy chân lý cho họ, tức là khi đó mới cần đề cập đến thần học. Nhưng ý kiến này hoàn toàn sai lầm, vì nếu không căn cứ vào thần học Thánh Kinh, tại sao chúng ta kêu gọi người ta phải ăn năn? Tại sao họ phải cần tiếp nhận Phúc Âm cứu rỗi? Không một ai có thể ăn năn nếu họ không biết giáo lý về con người, giáo lý về sự sa ngã của A-đam, giáo lý về tội lỗi và về cơn thịnh nộ của Thượng Đế. Nếu kêu gọi tội nhân đến với Chúa Cứu Thế, mở lòng ra tiếp nhận Chúa và giao phó đời sống mình cho Chúa mà không nói cho họ biết Chúa Cứu Thế Jê-sus là Ai thì làm sao chúng ta kêu gọi họ được? Như vậy chúng ta thấy bài giảng cho người chưa tin rất “nặng” thần học Thánh Kinh, vì truyền bá Phúc Âm mà không có chân lý (thần học) thì không còn phải là truyền bá Phúc Âm nữa, mà chỉ là việc kêu gọi người ta quyết định gia nhập Giáo hội, theo một tôn giáo, theo một nếp sống tốt đẹp, hay hưởng một số ích lợi tâm lý nào đó. Nhưng các mục đích đó không phải là mục đích của chức vụ truyền bá Phúc Âm thật.
Đồng thời, bài giảng không phải là một bài thuyết trình về thần học, dù bài giảng đó thuộc vào loại bài giảng cho người chưa tin hay loại bài giảng gây dựng người đã tin. Người công bố Phúc Âm không làm cho bài giảng, hay sứ điệp, của mình biến thành bài thuyết trình thần học. Khi nói: bài giảng phải căn cứ trên thần học, nhưng không phải là bài thuyết trình thần học, chúng ta thấy được nguyên tắc này là nguyên tắc áp dụng để duy trì mối liên hệ giữa thần học và bài giảng: người công bố Phúc Âm phải nắm vững toàn bộ sứ điệp Thánh Kinh (the whole biblical message) là sứ điệp lúc nào cũng hợp nhất. Nói cách khác, người công bố Phúc Âm phải nắm vững thần học Thánh Kinh, để dẫn đến một hệ thông thần học (systematic theology). Hệ thống thần học là “khối chần lý” (body of truth = các chân lý sắp đặt chặt chẽ thành một khối) phải hoàn toàn căn cứ vào Thánh Kinh và phải được người công bố Phúc Âm luôn luôn ghi nhớ và tham khảo khi soạn bài giảng. Mỗi một sứ điệp, dù dựa trên khúc Thánh Kinh nào, cũng phải là một thành phần, hay một khía cạnh của toàn bộ “khối chân lý” và không được đứng riêng rẽ một mình mà không liên hệ với các thành phần khác của “khối chân lý” đó. Chân lý rút tỉa từ một khúc Thánh Kinh nào cũng phải là thành phần của “chân lý toàn diện” của cả Thánh Kinh. Vì đó chúng ta phải áp dụng nguyên tắc: “lấy Thánh Kinh so sánh với Thánh Kinh”, hay “giải thích Thánh Kinh căn cứ trên Thánh Kinh”.
Đến đây chúng ta cần nêu lên một lời cảnh cáo là: đừng bao giờ áp dụng hệ thống thần học một cách vũ đoán khi giải thích bất cứ đoạn văn nào trong Thánh Kinh. Khi nghiên cứu hay giải thích một đoạn văn, người công bố Phúc Âm phải kiểm điểm, phải xét lại, xem thử những điều dạy dỗ mình rút tỉa từ đoạn văn đó có thích hợp với hệ thống thần học căn cứ trên Thánh Kinh hay không, chứ đừng bao giờ gán cho đoạn văn đó những điều dạy dỗ mà đoạn văn đó không đề cập đến. Rất có thể những điều dạy dỗ này là đúng, thích hợp với hệ thống thần học và được nói đến trong các đoạn văn Thánh Kinh khác, nhưng nếu đoạn văn đang dùng không đề cập đến các điều dạy dỗ đó, thì người công bố Phúc Âm đừng áp dụng cách vũ đoán mà phải hoàn toàn trung tín với đoạn Thánh Kinh mình đang trưng dẫn.