Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương III -Phần 4)
Chương III: Bài Giảng Và Cách Giảng (Sứ Điệp Và Cách Giải Bày Sứ Điệp)
Phần 4
2. Phần tích cực:
Bây giờ chúng ta đề cập đến “phần tích cực” của bài giảng, tức là phần được sứ đồ Phi-e-rơ gọi là: “điều tôi có”. Tôi không được Thượng Đế ủy nhiệm để nói đến các điều kia, nhưng “tôi biếu anh điều tôi cớ”, là điều tôi đã nhận từ Thượng Đế, là điều Ngài truyền cho tôi phải làm. Sứ đồ Phao-lô cũng nói như vậy trong ICổ-linh 11:23 “Điều tôi được Chúa dạy dỗ, tới đã truyền lại cho anh em”.
Lời Chúa, như hai câu Công vụ 3:6 và ICổ-linh 11:23 trên đây cho chúng ta thấy nguyên tắc bất di bất dịch này: sứ điệp hay bài giảng là điều ngựờị giảng nhân trực tiếp từ Thượng Đế. Người giảng Phúc Âm là “sứ thần” của Thượng Đế (IICổ-linh 5:20; Ê-phê-sô 6:20) nên không được phát biểu ý kiến, quan niệm hay ý muốn của mình. Một vị sứ thần trong đời này được quốc trưởng, chủ tịch, tổng thống hay vua sai phái đi không được phép và cũng không có quyền phát biểu ý kiến riêng, vì sứ thần là người được bổ nhiệm, được sai phái để đem sứ điệp của chính phủ mình đến với một quốc gia khác.
Nói cách khác, nội dung bài giảng hay sứ điệp của chúng ta, theo mạng lệnh của Thượng Đế trong Tân Ước, là Lời Chúa (IITim 4:2), là Phúc Âm (Ê-phê-sô 6:19-20), là mệnh lệnh của Chúa (Công vụ 20:27), hay chúng ta cũng có thể gọi là “sứ điệp của Thánh Kinh”, “sứ điệp của Lời Thượng Đế”.
Người giảng Phúc Âm trung tín với Chúa chỉ giảng “điều tôi có, điều tôi đã nhận được từ Chúa, đã học trực tiếp với Chúa”. Đó là giới hạn không thay đổi của bài giảng thật. Tôi giảng điều tôi có, tôi nói lại điều tôi đã nhận được, không thêm, không bớt. Tôi nhận được điều gì, tôi truyền lại điều ấy. Tôi chỉ là cái máng, cái ống dẫn, là dụng cụ trong tay Chúa, là sứ thần đại diện cho Chúa.
Đó là định nghĩa dứt khoát của bài giảng hay sứ điệp, nhưng có hai thứ bài giảng: (1) bài giảng về sự cứu rỗi, tức là sứ điệp truyền giảng cho người chưa tin và (2) bài giảng có tính cách dạy Đạo (Lời Chúa) để gây dựng người đã tin Chúa (ICổ-linh 14:3- 4). Người công bố Phúc Âm phải lưu ý đến các đặc tính của hai loại sứ điệp này. Nhưng cũng đừng quên rằng: trong số thính giả sẽ nghe bài giảng thuộc loại thứ hai (gây dựng người đã tin) chắc chắn thế nào cũng có người chưa được cứu rỗi, như thân hữu đến nhà thờ lần đầu, con Mục sư con tín đồ chưa được tái sinh, và cũng có thể có nhiều người “theo đạo” lâu năm, tưởng mình “có đức tin”, nhưng kỳ thực không có Chúa Cứu Thế sống trong lòng (IICổ-linh 13:5). Vì vậy, việc nhắc đi nhắc lại quyền năng tẩy sạch, tội lỗi của huyết Chúa, và công bố “sự chết của Chúa cho tới lúc Chúa trở lại” (ICổ-linh 11:26) ngay cả cho số thính giả “tín hữu” là việc tối cần thiết.
“Bài giảng về sự cứu rỗi” có những đặc tính nào? Chúng ta có thể trưng dẫn hai khúc Thánh Kinh sau đây, để học biết các đặc tính này. ITê-sa 1:9-10 chép rằng: “Anh em tiếp đón nồng hậu sứ giả Phúc Âm, lià bỏ thần tượng, trở về phụng sự Thượng Đế, Chân Thần hằng sống và kiên tâm chờ đợi Con Thượng Đế từ trời trở lại; vì Chúa Jê-sus đã phục sinh và cứu chúng ta khỏi cơn đoán phạt tương lai”. Khúc Thánh Kinh thứ hai trong Công vụ 20:20-21 “Tôi chẳng bao giờ từ chối truyền dạy cho anh em những điều hữu ích. Tôi đã huấn luyện anh em nơi công cộng cũng như tại các tư gia. Tôi kêu gọi cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp ăn năn quay về với Thượng Đế và tin cậy Chúa Cứu Thế Jê-sus là Chúa chúng ta”.
Qua các câu Thánh Kinh trên đây, chúng ta thấy sứ đồ Phao- lô luôn luôn công bố chân lý về thân vị Thượng Đế và nói đến quyền năng, vinh qụang của Thượng Đế. Suốt Tân ước, bài giảng cho người chưa tin nào cũng hướng về Thượng Đế Chí cao, Chí Thánh. Trong bài giảng cho người Hy-lạp ở A-then, Phao-lô cũng nói: “Tôi truyền giảng Thượng Đế, Đấng sáng tạo vũ trụ, là Chúa của trời đất…” (Công vụ 17:23-24). Phao lô cho thính giả thấy Thượng Đế khác hẳn các thần tượng người ta thờ phượng và cho thính giả biết về công lý của Thượng Đế. Thượng Đế dựng nên loài người, yêu thương loài người, nhưng loài người phản nghịch Thượng Đế và cắt đứt mối thông công với Thượng Đế. Từ đó, bài giảng nói đến Chúa Cứu Thế Jê-sus, đến Con đường cứu rỗi độc nhất Chúa đã mở bằng sự chết của Ngài trên cây thập tự. Tất cả những chi tiết đó đều có trong Giăng 3:16 “Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con Thượng Đế đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh cửu“. Thượng Đế yêu thương cũng là Thượng Đế thánh thiện kỵ tà. Vì thánh thiện kỵ tà, Thượng Đế sai phái Con Một Ngài xuống trần gian để lãnh tội lỗi của chúng ta và chịu hình phạt thay thế chúng ta. Nếu làm cho thính giả tưởng rằng họ có thể được cứu rỗi chỉ nhờ tình yêu của Thượng Đế mà thôi, người giảng Phúc Âm đã phản bội Chúa, làm cho sự chết của Chúa Cứu Thế trên thập tư trở thành vô nghiã.
Bây giờ chúng ta nói đến loại bài giảng để gây dựng người đã tin Chúa, và có thể chia loại này làm hai loại nhỏ, là: (a) bài giảng có tính cách thực nghiêm (experimental), và (b) bài giảng có tính cách dạy dỗ để tăng kiến thức thuộc linh (didactic, instructional). Trong các chương sau, chúng ta sẽ đi sâu vào chi tiết hơn, nhưng ở đây chúng ta chỉ đề cập đến hai loại bài giảng, với loại thứ hai chia ra làm hai loại nhỏ, để nhấn mạnh rằng: mỗi người giảng Phúc Âm cần biết và chuẩn bị để sẵn sàng truyền giảng cho người chưa tin, giảng dạy cho người đã tin với bài giảng có tính cách thực nghiệm, và bài giảng nặng phần giảng huấn (dạy dỗ) để cho người nghe được tăng kiến thức thuộc linh. Nhưng nên nhớ luôn rằng, dù giảng loại bài giảng nào, sứ địêp vẫn hoàn toàn là sứ điệp của Thánh Kinh. Điểm khác biệt là: các cách áp dụng khác nhau cho thính giả khác nhau.