Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương III -Phần 3)

Chương III: Bài Giảng Và Cách Giảng (Sứ Điệp Và Cách Giải Bày Sứ Điệp)

images (5)

 Phần 3

Bây giờ chúng ta đề cập đến bài giảng. Chúng ta chia mục “bài giảng” này làm hai phần. Phần thứ nhất, chúng ta thảo luận về nội dung của bài giảng (sứ điệp), và phần thứ hai, chúng ta nói về hình thức của bài giảng (sứ điệp).

Khi bắt đầu thảo luận về nội dung bài giảng, chúng ta cần trả lời câu hỏi: nội dung của một bài giảng “thật” (đúng với Tân Ước) phải có những yếu tố nào?

Chúng ta nhớ câu chuyện được ghi chép trong Công vụ 3:1- 6. Phi-e-rơ và Giăng lên Đền thờ để cầu nguyện. Khi đến Cửa Đẹp, hai sứ đồ gặp một người què ngữa tay xin bố thí. Người què này nhìn hai sứ đồ và mong chờ hai sứ đồ cho mình một ít tiền hay một món gì đó. Nhiều người khác đã bố thí cho anh ta. Với các món tiền hay món quà, họ có thể làm cho anh ta sống lây lất qua ngày nhưng không thể làm gì hơn được. Khi thấy các sứ đồ, người què này cũng chỉ trông mong có bấy nhiêu. Nhưng lần này, anh ta không được tiền hay quà, vì Phi-e-rơ nói rằng: “Tôi không có bạc vàng nhưng tôi biếu anh điều tôi có: Nhân Danh Chúa Jê-sus ở Na-xa-rét, đứng dậy và bước đi!”

Chúng ta chú ý đến câu trả lời, tức là sứ điệp của Phi-e-rơ. Sứ điệp này gồm có hai phần: phần tiêu cực và phần tích cực. Người công bố Phúc Âm phải luôn luôn nhớ hai phần tiêu cực và tích cực này. Phần tiêu cực nhắc nhở và cảnh cáo chúng ta: có những việc chúng ta không có phép làm, có những điều chúng ta không cọ phép, nói đến, vì người công bố Phúc. Âm không được Thánh Linh trang bị để làm hay nói đến những điều đó. Phần tích cực cho chúng ta thấy những điều chúng ta phải làm, những điều chúng ta phải nói, vì chúng ta được Thánh Linh trang bị và Lời của Thượng Đế truyền dạy chúng ta phải làm hay phải nói những điều đó.

images

1. Phần tiêu cực:

Chúng ta thử kể ra một số thuộc về phần tiêu cực, tức là những thứ người truyền đạo thật của Thượng Đế không thể làm.

Thứ nhất, bài giảng nào chỉ gồm những đề tài thời sự và lời bình luận của người giảng, là bài giảng không thích hợp với Tân Ước. Người truyền đạo thật không thể nào chỉ đem kể cho hội chúng nghe những đề tài thời sự, những biến cố đăng trên báo chí, những hoạt động chính trị v.v…, rồi thêm lời dẫn giải, chỉ trích hay phê binh của mình. Đây là lối “giảng theo đề tài” của một số người vẫn đứng trên toà giảng hiện nay. Có người cũng giảng theo đề tài, nhưng dùng sách vở ngoài đời, như các bài tiểu luận luân lý, các câu chuyện tưởng tượng, để làm đề tài cho bài giảng, rồi dùng phần kết luận để dạy cách xử thế ở đời.

Thứ hai, có người coi bài giảng là một “tiểu luận luân lý”, hay một bài nghiên cứu tỉ mỉ về đạo đức, để dùng kêu gọi thính giả nên theo một nếp sống đạo đức hay một lối xử thế tốt đẹp nào đó.

Thứ ba, có người khác coi bài giảng là một bài luận thuyết về tâm lý học có tác dụng làm cho người nghe được “lên tinh thần”. Những người giảng cách này có thể dùng các từ ngữ hay thuật ngữ Cơ-đốc, nhưng không dùng đúng Ý nghĩa của Thánh Kinh. Họ giảng với mục đích dùng các yếu tố tâm lý để làm cho người nghe cảm thấy vui vẻ thoải mái, hay giảng để dạy người nghe hãy nhìn đời cách tích cực, lạc quan v.v…

Thứ tư, là đến những người giảng bằng cách thuyết lý, đem triết học, tri thức và khôn ngoan của đời vào bài giảng. Theo họ thì phải giảng trên bình diện “cao” như vậy mới thích hợp với trình độ của người hiện đại, người của thời đại nguyên tử.

Tại sao các lối giảng trên đây đều bị kể vào loại tiêu cực, không thích hợp cho người truyền đạo thật của Thượng Đế, người đứng trên toà giảng của Hội thánh Chúa? – Vì các lối giảng này thế gian có thể làm được, không có gì đặc biệt cả. Đó là các lối giảng này thuộc vào loại “bạc vàng” mà sứ đồ Phi-e-rơ nói đến. Thế gian đang làm những việc đó, thế gian có thể làm những việc đó, nhưng người truyền đạo thật không được Thượng Đế ủy nhiệm các công việc đó. Chúng ta không nói rằng bài giảng thật (đúng với Tân Ước) không làm cho người nghe vui vẻ thoải mái. Trái lại, bài giảng thật rất có thể làm cho người nghe vui vẻ thoải mái, nhưng điều này chỉ là kết quả phụ thuộc, còn mục đích chính của bài giảng thật là tác động, là ảnh hưởng trên con nguời toàn diện, như chúng ta đã nói trên đây. Công bố Phúc Âm cách chân chính, đúng tinh thần của Tân Ước, không phải là giảng theo đề tài thời sự. Người truyền đạo thật có lúc cũng áp dụng đề tài thời sự, nhưng việc áp dụng này chỉ là ngẫu nhiên, chứ không phải là mục đích chính của sứ điệp. Thế gian lúc nào cũng có những hội đoàn, những câu lạc bộ luân lý, triết lý, xã hội, chính trị để làm việc đó, là việc người truyền đạo của Thượng Đế không được Chúa kêu gọi để làm.