Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương III -Phần 1)
Chương III: Bài Giảng Và Cách Giảng (Sứ Điệp Và Cách Giải Bày Sứ Điệp)
Phần 1
Trong chương 1, chúng ta đã trưng dẫn Lời của Thượng Đế để xác nhận rằng thiên chức công bố Phúc Âm với quyền năng và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh là chức vụ ưu việt của Hội thánh và của người hầu việc Chúa. Qua chương 2, chúng ta đã trả lời hai câu hỏi: “Thời gian đã thay đổi, tại sao các hoạt động lại không thay đổi?” và câu hỏi: “Tại sao không dùng các phương tiện như sách báo, truyền hình, truyền thanh mà cứ phải rao giảng Phúc Âm?”
Trong chương này, chúng ta đề cập đến câu hỏi thứ ba, là: “Tại sao phải rao giảng Phúc Âm mà không dùng các phương pháp khác, như: thảo luận từng nhóm, đối thoại, trao đổi ý kiến, để cho thính giả chất vấn Mục sư sau mỗi bài giảng v.v…?” Cũng có người đề nghị nên có các toán tranh luận trên chương trình truyền hình, toán này gồm vài người tin Chúa, vài người chưa tin Chúa, dành cho hai bên thì giờ bằng nhau, để thảo luận và trình bày quan điểm của họ. Người đưa ra đề nghị này cho rằng: chẳng những phương pháp tranh luận này là một phương pháp tốt để phổ biến Phúc Âm, mà còn là một phương pháp hợp thời, hữu hiệu cho thời đại này hơn là việc rao giảng Phúc Âm nữa.
Vào năm 1942 Mục sư Martyn Lloyd-Jones được mời tham dự một cuộc tranh luận tại viện đại học Oxford với một diễn giả vô thần rất nổi tiếng ở Anh quốc là tiến sĩ C.E.M.Joad. Mục sư Lloyd-Jones không nhận lời mời này. Có nhiều người cho rằng việc Mục sư khước từ cuộc tranh luận với tiến sĩ Joad là một quyết định sai lầm, vì biết đâu đó là cơ hội hiếm có để trình bày Phúc Âm cho nhiều người, vì danh tiếng của tiến sĩ Joad chắc chắn sẽ thu hút được rất đông thính giả, và thế nào báo chí toàn quốc cũng tường thuật cuộc tranh luận cho hàng triệu độc giả của họ. Nhưng đến vài chục năm sau, Mục sư Lloyd-Jones vẫn giữ vững lập trường vì cho rằng một cuộc tranh luận như vậy chỉ nặng tính cách giải trí, mua vui, chứ không thu lượm được kết quả lâu dài là hướng dẫn tội nhơn đến với Chúa Cứu Thế. Mục sư Lloyd-Jones đưa ra bốn lý do tại sao ông không đồng ý với hình thức tranh luận:
(1). Lý do thứ nhất: Thượng Đế không phải là một vấn đề, hay một đề tài để đem ra tranh luận, vì Thượng Đế là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu
Người vô tín không chấp nhận chân lý này, nhưng dù họ chấp nhận hay không, Thượng Đế vẫn là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và không phải là một đề tài để đem ra tranh luận, đấu lý hay điều tra. Mục sư Lloyd-Jones nói rằng ông căn cứ trên lời của Chúa là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán với Mai-sen trong Xuất 3:1-6. Khi thấy một bụi gai cháy mà không tàn, Mai-sen định đến gần để quan sát hiện tượng ky lạ đó. Nhưng Chúa quỡ trách ông: “Đừng lại gần! Mau cỡi giày ra, vì con đang đứng trên đất thánh”. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch của Thượng Đế, vì Lời Chúa dạy rằng người đến gần Thượng Đế phải đến “với lòng nhiệt thành và kính sợ để Chúa vui lòng. Vì Thượng Đế chúng ta là một Ngọn lửa thiêu đốt” (Hi-bá 12:28-29). Tranh luận về thân vị của Thượng Đế một cách không kỉnh kiền và thiếu nghiêm trang, như cách người ta tranh luận một đề tài triết lý, đạo đức hay chính trị là một điều tôi kỵ đối với người biết kính sợ Thượng Đế.
(2). Lý do thứ hai: vấn đề người ta muốn đem ra tranh luận là một vấn đề vô cùng quan trọng, chẳng những quan trọng cho cuộc sống hiện tại mà còn quan trọng cho cuộc sống vĩnh cửu nữa.
Khi nói đến vấn đề này chúng ta phải có môi trường thích hợp và với thái độ nghiêm trang chứ không phải có thái độ coi thường của người đi đấu lý hay thái độ của “người làm trò mua vui” (entertainer). Khi tổ chức một cuộc tranh luận để cho hai bên (người vô tín và người tin Chúa) có thì giờ bằng nhau, người này nói qua người kia nói lại, và để giữ cho không khí không căng thẳng, hai bên thường chen vài một vài câu trào phúng, bông đùa. Với không khí đó làm sao có thể đi sâu vào một vấn đề liên hệ đến sự sống và sự chết đời đời của linh hồn được? Ngoài ra, khi đấu lý thường phải có bên thắng bên bại. Nếu người vô tín bị bại, người này sẽ ấm ức và tìm cơ hội khác để trả đũa. Còn nếu người tin Chúa, vì sơ hở và vì thiếu chuẩn bị nên bị lúng túng không kịp thời trả lời những câu hỏi hóc búa của đối thủ làm cho người nghe có thể tưởng là phe vô tín đã thắng thế, thì kết quả đó có đem lại ích lợi gì cho Phúc Âm?
(3). Lý do thứ ba: Người tin Chúa tham dự một cuộc tranh luận như vậy là một việc làm không hợp lý.
Vì chúng ta phải nói đến những điều liên hệ đến lãnh vực thuộc linh, nói đến kinh nghiệm sống trong Chúa Cứu Thế và Chúa sống trong chúng ta, người “thiên nhiên” làm sao có thể hiểu những điều đó được để mà tranh luận? ICổ-linh 2:14 chép rằng: “Người không có Thánh Linh (tức là người thiên nhiên, người xác thịt) không nhận lãnh được những ân tứ của Thượng Đế, chỉ coi như chuyện khờ dại, vì phải nhờ Thánh Linh mới hiểu giá trị những ân tứ đó”. Người vô tín, người chưa được sinh lại, không có tri thức thuộc linh để hiểu những vấn đề thuộc linh. Đó là một sự thật hiển nhiên do Thánh Kinh bày tỏ.
(4). Lý do thứ tư: Người chưa tin phải được Chúa Thánh Linh bắt phục để biết mình chẳng những bất toàn mà cũng bất năng không thể nào tự tìm ra con đường cứu rỗi.
Bất kỳ người thiên nhiên nào cũng tự kiêu tự đại cả. Chỉ có Chúa Thánh Linh mới có thể “tiêu diệt óc khôn ngoan của người khôn ngoan, loại bỏ trí sáng suốt của người sáng suốt. Nhà triết học ở đâu? Nhà văn hào ở đâu? Nhà hùng biện, thuyết khách lừng danh ở đâu? Thượng Đế đã chẳng khiến sự khôn ngoan của thế gian trở thành khờ dại sao?” (ICổ-linh 1:19-20). Việc đầu tiên của Thánh Linh làm trên một tội nhơn là bắt phục người này, làm cho người này thú nhận tội lỗi và tình trạng tuyệt vọng của mình, vì nếu “không đổi mới thành như em bé, các con chẳng được vào Nước Trời” (Mã-thi 18:3). Lời này của Chúa Jê-sus là điều kiện thiết yếu áp dụng cho tất cả mọi người, vì mọi người phải được đổi mới thành như em bé. Con người, dù có học thức đến đâu, dù có địa vị nào trong xã hội, dù đã làm bao nhiêu việc công đức công quả cũng đều vô dụng và người ấy phải trở thành em bé, phải đầu hàng Thượng Đế vô điều kiện. Do đó chúng ta phải giữ vững lập trường, không tranh luận với người vô tín về Thượng Đế, nhưng phải cầu thay cho họ để họ được Chúa Thánh Linh là Thần Ân Phúc và Nài Xin mở mắt ra, để “họ sẽ đứng nhìn Ta, Đấng họ đã đâm và sẽ khóc thương như người khóc con một, khóc đắng cay như khóc con đầu lòng” (Xa- chạ-ri 12: 10). Việc làm của Chúa Thánh Linh được Chúa Jê-sus bày tỏ khi Ngài cầu nguyện với Đức Chúa Cha trong Mã-thi 11:25-27 “Thưa Cha, là Chúa Tể vũ trụ, Con tạ ân Cha, vì đối với người tự cho là khôn ngoan, Cha đã giấu kín chân lý để tiết lộ cho trẻ con biết. Thưa Cha, việc ấy đã làm Cha hài lòng. Cha Ta đã giao hết mọi việc cho Ta. Chỉ một mình Cha biết Con, cũng chỉ một mình Con — và những người được Con tiết lộ — biết Cha mà thôi.”
Cũng có thể có người còn thắc mắc, nói rằng: trên lãnh vực thần học, những lý do trên đều đúng cả, nhưng trên thực tế, người chưa tin không chịu đến nhà thờ để nghe Phúc Âm, vậy phải làm sao để kéo họ đến chứ? Người chưa tin chỉ biết lo làm ăn, lo danh lo lợi, lo cho bản thân cho gia đình, chứ có bao nhiêu người chú ý đến sự cứu rỗi, đến linh hồn đời đời? – Câu trả lời là: người ta sẽ đến khi Phúc Âm được rao giảng cách trung thực, vì Thượng Đế không bao giờ thay đổi và con người vẫn y nguyên. Khi có “sự rao giảng Phúc Âm thật”, (tức là khi người giảng Phúc Âm trung tín với Lời. Chúa, giảng với quyền năng của Thánh Linh), thì chính Chúa kéo người ta đến, chính quyền năng của thập tự giá thu hút tôi nhớn, như lời Chúa Cứu Thế bảo đảm rằng: “Còn Ta, khi chịu treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người đến với Ta” (Giăng 12:32). Nếu chúng ta vẫn còn thắc mắc nghi ngờ thì chúng ta vẫn còn chưa đặt trọn đức tin vào Chúa Thánh Linh, vào Lời Hằng Sống của Thượng Đế, vào phương pháp do chính Thượng Đế truyền dạy. Công bố Phúc,Âm với quyền năng của Thánh Linh là phương pháp của Thượng Đế. Chính Thượng Đế dạy bảo chúng ta phải áp dụng và cũng chính Ngài đem lại kết quả khi chúng ta hoàn toàn đầu phục. Đó là phương pháp Thượng Đế dùng để thiết lập Hội thánh lúc ban đầu (Công vụ chương 2) và là phương pháp Ngài dùng để gây dựng và phục hưng Hội thánh qua các thời đại.