Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương II -Phần 3)
Chương II : Không Công Tác Nào Có Thể Thay Thế Thiên Chức Công Bố Phúc Âm
Phần 3
Điểm quan trọng chúng ta cần lưu ý là: một khi đã bỏ qua nhiệm vụ ưu tiên Chúa ủy nhiệm là công bố Phúc Ầm để tập trung vào bất cứ hoạt động nào khác, thì dù có thiện chí đến đâu đi nữa, Hội thánh cũng phái thất bại. Chúng ta có thể quả quyết rằng lý do chính của tình trạng xuống dốc hiện nay trong Hội thánh, và của tình trạng đạo đức suy đồi trong xã hội hiện đại là vì Hội thánh tẻ tách khỏi chức vụ, tối quan trọng của mình. Hội thánh thất bại là vì cố gắng giảng luân lý mà không đứng trên nền tảng của Phúc Âm, giảng “hình thức đạo đức nhưng trong lòng chối bỏ quyền năng đạo đức” (IITim 3:4). Làm như vậy thì dù tạm thời thu lượm một vài kết quả theo mắt con người, nhưng dưới con mắt thấu suốt của Thượng Đế các kết quả đó chỉ là con số không và sẽ tiêu tan trong lửa hừng.
Ngoài ra, một khi đã để việc công bố Phúc Âm (theo tinh thần của Tân Ước) qua một bên để tập trung vào các công tác khác, người ta phải thay đổi liên tục. Lịch sử Hội thánh cho thấy rằng khi một “phương pháp hiện đại” được đưa ra áp dụng và được một số nhà thờ hưởng ứng, chỉ độ năm bảy năm sau, phương pháp đó không còn hấp dẫn nữa, và có người khác lại xướng lên một phương pháp khác, căn cứ trên “sự hiểu biết mới mẻ của tâm lý con người hiện đại”! Rồi một số người chạy theo phương pháp “mới” đó và rốt cuộc phương pháp đó cũng trở thành lỗi thời và cũng bị dẹp bỏ. Hội thánh thật của Chúa Cứu Thế Jê-sus phải được đặt vững vàng không lay động trên vầng Đá muôn đời, trên Chân lý vĩnh cửu, trên Lời Hằng sống của Thượng Đế trên mạng lệnh không thay đổi của Chúa Cứu Thế là “Khi Thánh Linh giáng trên các con, các con sẽ nhận được quyền năng làm chứng cho Ta”.
Khi nhắc đến các nhu cầu như công tác xã hội, công tác y tế, giáo dục, để giải quyết tình trạng nghèo đói, thất học v.v… chúng ta phải nhấn mạnh rằng Hội thánh thật của Chúa đã tích cực đóng góp rất nhiều, không phải vì bỏ qua chức vụ công bố Phúc Âm, nhưng chính là vì nhờ tập trung vào nhiệm vụ chính yếu này với quyền năng của Thánh Linh. Những người tự xưng là “người hiện đại”, “người của thế kỷ thứ 20” đã quên lịch sử của Hội thánh. Lịch sử chứng minh rằng khi Phúc Âm được công bố cách trung thực với quyền năng của Thánh Linh, cuộc Cải chánh được phát động, nhiều cuộc Phục hưng lớn được bùng cháy, và các cuộc cải chánh, Phục hưng này chính là nguyên nhân đã đem lại nhiều cải cách và giải quyết được nhiều tệ đoan trong xã hội. Chúng ta đừng quên rằng chính Hội thánh Chúa đã tổ chức ra các bệnh viện đầu tiên để chăm sóc người đau yếu. Các ngành giáo dục, khoa học đã thực hiện được những bước tiến quan trọng ở Âu châu sau cuộc cải chánh. Đạo luật phóng thích nô lệ được thông qua và áp dụng trên khắp Đế quốc Anh vào năm 1833 (30 năm trước khi tổng thống Lincoln ban bố đạo luật phóng thích nô lệ ở Hoa kỳ) là do công của một người yêu mến Chúa và sốt sắng công bọ Phúc Âm, là William Wilberforce. Ngay cả các tổ chức nâng đỡ công nhân thợ thuyền, như liên đoàn lao công cũng bắt nguồn từ Hội thánh của Chúa.
Bây giờ chúng ta đề cập đến lãnh vực cá nhân, với các vấn đề cá nhân. Những người chỉ trích việc công bố Phúc Âm thường nói rằng: Mục sư đứng trên toà giảng, giảng cách tập thể và tổng quát cho hội chúng, cho một đám đông thính giả, trong khi các vấn đề mỗi người phải đối phó, phải giải quyết là vấn đề cá nhân. Như vậy, theo mây người này thì Mục sư phải bớt giảng và dành nhiều thì giờ hơn cho việc nói chuyện riêng, cho việc “khải đạo” (căn cứ trên phân tâm học và tâm lý học).