Thiên Chức Công Bố Phúc Âm – Thay Lời Tựa
Thay Lời Tựa
D.Martyn Lloyd-Jones đã được gọi là “nhà truyền đạo lỗi lạc nhất” của thế kỷ 20. Phần đông các tín hữu Việt Nam chỉ mới biết ông qua tác phẩm Nguyên Tắc Phục Hưng và vài sách nhỏ, nên chưa được biết sự nghiệp vĩ đại của ông trong lĩnh vực truyền giảng lời Chúa với phương pháp giải kinh.
Lloyd-Jones sinh trưởng tại xứ Wales, miền tây-nam Anh quốc. Tốt nghiệp y khoa bác sĩ và hành nghề nhiều năm rồi cộng tác với Lord Hoaler, một bác sĩ thời danh; đồng thời cũng tích cực tham gia các công tác và sinh hoạt của Hội Thánh. Năm 1927, thình lình được nghe tiếng gọi của CHÚA CỨU THẾ bảo ông dâng trọn cuộc đời vào chức vụ truyền giảng lời Chúa, Lloyd-Jones “tức khắc vâng lời, không bàn tính thiệt hơn.” Ngay năm ấy ông bỏ ngành y khoa để dẫn thân vào việc nghiên cứu Lời Chúa theo chiều sâu và công bố Lời Ngài cách trung thực. Bắt đầu đảm nhiệm chức vụ chăn bầy, nuôi chiên, ông trung tín thi hành thiên chức truyền giảng Lời Chúa tại Chi hội Welsh Presbyterian Church ở Aberavon, xứ Wales, hơn 11 năm. Đến năm 1938, Lloyd-Jones dời lên thủ đô London, bắt đầu một thiên chức kéo dài suốt 30 năm tại Hội Thánh Westminster, Buckingham Gate: Năm năm đầu còn cộng tác với Mục sư Tiến sĩ G.Campbrell Morgan- một học giả Kinh Thánh rất uyên bác, đã hoàn thành nhiều tác phẩm giải kinh danh tiếng.
Đến năm 1943, Mục sư Campbrell Morgan nghỉ hưu nên Mục sư Lloyd-Jones phải một mình chu toàn nhiệm vụ lãnh đạo Hội Thánh và tiếp tục thiên chức Chúa giao thác, mãi đến năm 1968 mới về hưu, rồi về với Chúa năm 1981, sau cuộc đời phụng sự Chúa 41 năm rưỡi.
Suốt mấy mươi năm trung kiên truyền giảng Lời Chúa, Mục sư Lloyd-Jones được công nhận là vị diễn giả đã “liên tục thu hút đông đảo thính giả nhất khắp cả Anh Quốc.”
Giáo sư thần học Người Đức Emil Brunner đã nhận định về các bài giảng của Mục sư Lloyd-Jones như sau: “Đó là lối giảng thần học Cải chánh tuyệt vời.”
Một đặc điểm trong tác phẩm Thiên Chức Truyền Giáo là không thấy tác giả liệt kê các sách tham khảo, cũng như trường hợp nhiều tác phẩm khác. Mục sư Lloyd-Jones đã ghi rõ lý do; chỉ xin tóm lược như sau:
Dù ông đã đọc nhiều sách vở, tư liệu, nhưng khi viết sách của mình, ông không trích dẫn trực tiếp của các tác giả khác, cũng không dùng sách của họ, nhưng chỉ trình bày những gì ông đã được học với Chúa, qua kinh nghiệm bản thân; còn những gì tiếp thu được nơi các tác giả khác thì cũng đã được “gạn lọc”, “sửa đổi” và “tiêu hóa” trước và trở thành một thành phần của sự sống, của thói quen, của nguyên tắc và phương pháp truyền giảng của ông rồi.
Mặc dù Mục sư Martyn Lloyd-Jones là một thiên tài lỗi lạc với một óc thông minh xuất chúng và khả năng làm việc dai sức hiếm có, nhưng không một ai có thể hiểu hoặc giải thích được thành quả vĩ đại của chức vụ của ông mà không nhấn mạnh nhân tố THÁNH LINH. Chính vì thế mà suốt tác phẩm này, tác giả không lưu ý mấy đến “phương pháp”, đến “nghệ thuật” truyền giảng, nhưng nhấn mạnh sự chuẩn bị tâm linh, hay nói đúng hơn, soạn bài giảng “ TRONG THÁNH LINH và với THÁNH LINH.”
Mục sư Lloyd-Jones đã viết trên 20 tác phẩm. Sau đây là các tác phẩm quan trọng nhất:
The Plight of Man and The Power of God
The Sermon on the Mount, Spiritual Depression
Faith on Trial, Authority, Truth Unchanged
Unchanging, God’s Way of Reconciliation
Preaching and Preachers…
Ngoài ra, ông còn xuất bản nhiều bộ giải kinh có giá trị như:
Giải Kinh thư La-Mã
Giải Kinh thư Ê-phê-sô
Giải Kinh thư Phi-líp
Giải Kinh thư I Giăng…
Chúng tôi đã soạn dịch quyển Preaching and Preachers và thêm bớt một số tài liệu cho thích hợp với các tôi tớ con cái Chúa với các Hội Thánh Việt Nam. Ước mong Chúa Thánh Linh đoái dùng quyển sách này để nhóm lên tinh thần học hỏi nghiên cứu Lời Chúa với vị giáo sư lớn là CHÚA THÁNH LINH để chúng ta có thể truyền lại Lời Chúa cách trung thực và trung tín.
Mục sư Lê Hoàng Phu