Chương 21-Những Điều Khó Hiểu Trong Kinh Thánh
CHƯƠNG 21: CÓ QUẢ THẬT CHÚA JÊ-SUS ĐÃ Ở TRONG LÒNG ĐẤT BA NGÀY BA ĐÊM KHÔNG?
Trong chương mười hai của sách Phúc âm Ma-thi-ơ có chép là Chúa Jê-sus từng phán: “Vì Giô-na đã bị ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng một thể ấy, Con người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm” (Mat 12:40). Theo truyền thống chung đã được Hội thánh thừa nhận, thì chúa Jê-sus đã bị đóng đinh vào thập tự giá ngày thứ sáu, đã chết vào lúc 3 giờ chiều hoặc vào lúc nào đó giữa ba giờ chiều và lúc mặt trời lặn, rồi từ chết sống lại rất sớm vào sáng của ngày Chúa nhật tiếp theo đó. hiều độc giả Thánh Kinh hoang mang muốn biết làm thế nào khoảng cách giữa chiều thứ Sáu và sáng sớm Chúa nhật lại có thể được bảo là ba ngày, ba đêm. Dường như đúng hơn thì đó là hai đêm, một ngày, và một phần rất nhỏ của một ngày khác nữa.
Giải pháp mà nhiều nhà giải kinh đề xuất cho điểm dường như khó hiểu này là “một ngày một đêm” chỉ là một cách nói khác để chỉ “một ngày”, và dân Do-thái đời xưa kể một phần của một ngày như một ngày. Cho nên họ tính có một phần (rất nhỏ) của ngày thứ sáu là một ngày đêm; cả ngày thứ Bảy là một ngày khác nữa (một ngày đêm) và một phần (rất nhỏ) của Chúa nhật là một ngày (một ngày đêm) khác nữa. Đối với một số đông người thì giải pháp này là không thoả đáng, và tôi cũng xin thú nhận là bản thân tôi cũng không hài lòng nữa. Theo tôi thì nó có vẻ là một việc cực chẳng đã, và là một luận cứ cực chẳng đã rất yếu. Còn có giải pháp nào thật thoả đáng không? Có đấy. Sự kiện đầu tiên cần lưu ý trong giải pháp đúng, là đã chẳng có chỗ nào trong Thánh Kinh chép hay nói bóng gió rằng Chúa Jê-sus đã bị đóng đinh vào thập tự giá và chết vào ngày thứ sáu cả. Chỉ có lời chép rằng Chúa Jê-sus đã bị đóng đinh vào thập tự giá “hôm trước ngày Sa-bát” (Mac Mc 15:42). Vì ngày Sa-bát của người Do-thái là ngày thứ Bảy (bắt đầu vào lúc mặt trời lặn chiều hôm trước) cho nên câu kết luận tự nhiên được rút ra, là vì Chúa Jê-sus đã bị đóng đinh vào hôm trước ngày Sa-bát, cho nên Ngài đã phải chịu đóng đinh vào ngày thứ Sáu.
Tuy nhiên, có một sự kiện phổ biến mà Thánh Kinh có nhiều bằng chứng, là người Do-thái vốn có nhiều ngày Sa-bát khác bên cạnh ngày Sa-bát hằng tuần, rơi nhằm ngày thứ Bảy. Ngày đầu tiên của tuần lễ có lễ Vượt qua, cho dù có nhằm ngày nào trong tuần lễ, bao giờ cũng là một ngày Sa-bát (Xu 12:16; Le 23:7; Dan 28:16-18). Do đó, vấn đề được đặt ra là chẳng hay ngày Sa-bát tiếp sau ngày Chúa Jê-sus bị đóng đinh vào thập tự giá có phải là ngày Sa-bát hằng tuần (thứ bảy) hay đó là ngày Sa-bát của Lễ Vượt qua, rơi nhằm ngày rằm tháng Ni-san, mà năm đó, đã nói nhằm ngày thứ Năm?
Nhưng Thánh Kinh đã không bỏ mặc cho chúng ta suy luận xem trong trường hợp này thì ngày Sa-bát nào đã được đề cập, vì Giăng, trong GiGa 19:14 đã dùng khá nhiều lời lẽ để bảo cho chúng ta biết rằng ngày mà Chúa Jê-sus đã bị xét xử và đóng đinh vào thập tự giá là ngày sắm sửa về lễ Vượt qua”. Nói khác đi, đó không phải là ngày trước ngày Sa-bát hằng tuần (nghĩa là ngày thứ Sáu), nhưng là ngày trước ngày Sa-bát của lễ Vượt qua, mà năm đó, đã rơi nhằm thứ Năm – nghĩa là ngày mà Chúa Cứu Thế Jê-sus đã bị đóng đinh vào thập tự giá, là ngày thứ tư. Giăng đã khiến cho việc này sáng tỏ như ban ngày vậy.
Sách Phúc âm Giăng đã được viết sau các sách phúc âm khác, và từ lâu các học giả đã lưu ý rằng ở nhiều chỗ, đã có ý hướng rõ ràng nữa. Sửa lại nhiều ấn tượng sai lầm mà người ta có thể có khi đọc các sách Phúc âm khác. Một trong những ấn tượng sai lầm đó là Chúa Jê-sus đã ăn lễ Vượt qua với các môn đệ Ngài vào thì giờ thường lệ của lễ Vượt qua. Để sửa lại cái ấn tượng sai lầm ấy, Giăng nhấn mạnh rõ ràng rằng Ngài đã ăn lễ vào chiều tối hôm trước, và Ngài đã chết trên thập tự giá đúng vào lúc các chiên con của lễ Vượt qua bị giết “giữa hai buổi chiều” ngày mười bốn tháng Ni-san (xem XuXh 12:6 trong bản Hy-bá-lai văn và phần ghi chú bên lề bản Revised Version).
Do đó, Chiên Con của lễ Vượt qua đích thực của Đức Chúa Trời là Chúa Jê-sus mà tất cả các chiên con lễ Vượt qua khác đã được dâng lên qua nhiều thế kỷ chỉ là cái bóng, đã bị giết đúng vào thì giờ đã được Đức Chúa Trời chỉ định. Mọi sự về Chiên Con lễ Vượt qua đều đã ứng nghiệm vào Chúa Jê-sus. Thứ nhất, Ngài là một Chiên Con không tì không vết (Xu 12:5). Thứ hai, Ngài đã được chọn từ ngày mồng mười tháng Ni-san (Xu 12:3); vì chính là vào ngày mồng mười tháng ấy, tức là thứ Bảy tuần trước đó, cuộc diễn hành khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem đã diễn ra.
Sở dĩ chúng ta biết như thế vì Ngài đã từ Giê-ri-cô đến Bê-tha-ni sáu ngày trước lễ Vượt qua (Gi 12:1). Đó phải là sáu ngày trước ngày thứ Năm, tức là thứ sáu. Hơn nữa, cuộc vào thành Giê-ru-sa-lem đã diễn ra vào sau ngày hôm ấy (Gi 12:12 và tiếp theo), nghĩa là nhằm thứ Bảy, ngày mồng mười tháng Ni-san. Cũng chính vào ngày đó, Giu-đa đã đến với các thầy tế lễ cả và đề xuất việc phản nộp Chúa Jê-sus với ba mươi miếng bạc (Mac 14:3-11). Vì bấy giờ là sau bữa ăn tối trong nhà Si-môn là người phung, mà bữa ăn tối ấy đã xảy ra rất muộn vào ngày thứ sáu hay là vào sớm ngày thứ bảy sai khi mặt trời lặn, sau bữa ăn tối nhất định phải là ngày mồng mười tháng Ni-san.
Đây là cái giá mà các thầy tế lễ cả đã trả để mua Ngài, dĩ nhiên là bằng giá để người ta đem đến cho họ một chiên con, mà theo luật pháp thì phải xảy ra vào ngày mồng mười tháng Ni-san. Hơn nữa, họ đã trả đúng cái giá của Chiên Con mà lời tiên tri trong Cựu ước kinh đã báo trước (Xa 11:12; Mat 26:15).
Thứ ba, đã chẳng có chiếc xương nào của Ngài bị gãy khi Ngài bị giết (Gi 19:36; Xu 12:46; Dan 9:12; Thi 34:20). Và thứ tư, Ngài đã bị giết vào ngày mười bốn tháng Ni-san, giữa hai buổi chiều ngay trước lúc ngày rằm bắt đầu, khi mặt trời lặn (Xu 12:6). Nếu chúng ta căn cứ đúng vào những gì Thánh kinh nói, rằng Chúa Jê-sus phải bị giết trước ngày Sa-bát của lễ Vượt qua thì cách nói hình bóng đã ứng nghiệm lạ lùng đến từng chi tiết; nhưng nếu chúng ta chấp nhận thuyết truyền thống rằng Chúa Jê-sus đã bị đóng đinh vào thập tự giá nhằm ngày thứ sáu, thì nghĩa hình bóng đó bị sai về mọi phương diện.
Hơn nữa, nếu chúng ta chấp nhận thuyết truyền thống rằng Chúa Jê-sus đã bị đóng đinh vào thập tự giá nhằm ngày thứ sáu và ăn lễ Vượt qua vào ngày theo thường lệ của lễ Vượt qua, thì chuyến đi từ Giê-ri-cô đến Bê-tha-ni, vốn đã xảy ra sáu ngày trước lễ Vượt qua (Gi 12:1), sẽ rơi nhằm ngày thứ Bảy, nghĩa là ngày Sa-bát của Do-thái giáo. Một chuyến đi như thế nhằm ngày Sa-bát là trái với luật pháp của dân Do-thái.
Lẽ dĩ nhiên, Chúa Jê-sus đã không thể thực hiện một chuyến đi như thế nằm ngày Sa-bát của người Do-thái, vì cuộc vào thành Giê-ru-sa-lem cách khải hoàn của Ngài sẽ nhằm ngày Sa-bát của Do-thái giáo, tức là ngày thứ Bảy. Điều này hoàn toàn không thể có được vì ở nhiều chỗ khác trong Thánh Kinh cho chúng ta biết Bê-tha-ni cách xa Giê-ru-sa-lem khoảng một ngày đường được phép đi trong ngày Sa-bát Cong 1:12; Lu 24:50).
Các nhà thiên văn học cũng đã phỏng tính rằng vào năm 30 SC, là năm được chấp nhận phổ biến là năm Chúa chúng ta đã bị đóng đinh vào thập tự giá, thì lễ Vượt qua đã được cử hành nhằm ngày thứ Năm 6 tháng Tư d.l. là ngày trăng tròn. Các nhà niên đại học từng cho rằng biến cố Chúa chịu đóng đinh vào thập tự giá đã xảy ra nhằm ngày thứ sáu đã rất lúng túng vì sự kiện là vào năm 30 SC, lễ Vượt qua đã xảy ra nhằm ngày thứ Năm.
Có một tác giả, khi đi tìm một giải pháp cho điểm khó khăn này, đã gợi ý rằng ngài Chúa bị đóng đinh vào thập tự giá có lẽ là vào năm 33 SC. Tuy vào năm ấy, trăng cũng tròn nhằm ngày thứ Năm, về thì giờ thì chỉ còn hai tiếng rưỡi đồng hồ nữa là đến thứ sáu. Hệ quả là ông ta, nghĩ rằng có thể dân Do-thái cũng đã lấy ngày thứ sáu để giữ lễ Vượt qua, do đó, Ngày Chúa bị đóng đinh là ngày thứ Năm. Tuy nhiên, khi chúng ta thừa nhận điều mà đúng ra Thánh Kinh đã dạy – tức là Chúa Jê-sus đã không bị đóng đinh vào ngày lễ Vượt qua nhưng nhằm “ngày sắm sửa về lễ Vượt qua” (Gi 19:14) và rằng Ngài đã phải nằm trong mồ mả ba ngày ba đêm – thì sự kiện “ngày sắm sửa về lễ Vượt qua” năm ấy là ngày thứ Tư, và Ngài đã phục sinh vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần lễ, cho phép việc Ngài đã phải nằm trong mộ đúng ba ngày ba đêm.
Để tóm tắt tất cả lại, Chúa Jê-sus đã chết ngay trước lúc mặt trời lặn ngày thứ Tư. Bảy mươi hai giờ sau đó, nghĩa là đúng ba ngày và ba đêm, lúc bắt đầu ngày thứ nhất trong tuần lễ; là lúc mặt trời lặn ngày thứ Bảy, Ngài đã từ phần mộ sống lại. Lúc các phụ nữ đến thăm mộ ngay trước lúc rạng đông, thì họ đã thấy ngôi mộ trống không rồi.
Căn cứ vào đây, chúng ta không bị bó buộc phải cực chẳng đã giải thích rằng bất kỳ một phần nhỏ nào của một ngày cũng được tính là một ngày và một đêm trọn, nhưng nhận thấy rằng câu nói về Chúa Jê-sus quả đã ứng nghiệm theo đúng nghĩa đen thi hài đã chết của Ngài đã nằm trong mộ ba ngày và ba đêm. Lúc thân xác Ngài nằm chết thì chính Ngài, nhờ được Thần Linh “làm cho sống (IPhi 3:18) đã đi vào tận trung tâm của trái đất để giảng đạo cho các tâm linh bị tù (IPhi 3:19).
Hai người đàn ông trên đường về Em-ma-út vào lúc sáng sớm của ngày thứ nhất trong tuần lễ nghĩa là Chúa nhật, đã nói với Chúa Jê-sus khi đề cập biến cố Chúa bị đóng đinh vào thập tự giá và các biến cố tiếp theo đó rằng “Dầu thể ấy, việc xảy ra đã được ba ngày rồi” (Lu 24:21). Một số người đã phản đối và bảo rằng, nếu Chúa bị đóng đinh vào ngày thứ Tư, thì Chúa nhật sẽ là ngày thứ tư kể từ khi mọi việc đã xảy ra, nhưng câu trả lời sẽ rất dễ dàng.
Mọi việc ấy đã xảy ra lúc mặt trời lặn ngay khi ngày thứ năm bắt đầu. Do đó chúng đã hoàn tất trong ngày thứ Năm, và ngày thứ nhất kể từ thứ Năm sẽ là thứ Sáu, ngày thứ hai kể từ thứ Năm sẽ là thứ Bảy, và “ngày thứ ba” kể từ thứ Năm sẽ là Chúa Nhật, là ngày thứ nhất trong tuần lễ. Thế là điều đã được cho là phản bác thật ra lại hẫu thuẫn cho thuyết này. Mặt khác, nếu biến cố Chúa chịu đóng đinh xảy ra nhằm ngày thứ sáu, thì chẳng có cách tính nào có thể thực hiện được để khiến Chúa nhật trở thành “đã ba ngày rồi” kể từ khi mọi việc kia đã xảy ra.
Có rất nhiều khúc sách trong Kinh điển hậu thuẫn cho thuyết vừa được đề xuất trên đây khiến chúng ta nhất thiết phải tin rằng Chúa Jê-sus đã chết vào lúc ngày thứ Tư sắp tàn. Một số các khúc sách ấy là như sau đây:
“Vì Giô-na đã bị ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng một thể ấy, Con người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm” (Mat 12:40)
“Người đã nói: Ta có thể phá đền thờ của Đức Chúa Trời, rồi dựng lại trong ba ngày” (Mat 26:61)
“Ngươi là kẻ phá đền thờ và dựng lại trong ba ngày, hãy cứu lấy mình đi! Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, hãy xuống khỏi cây thập tự!” (Mat 27:40)
“Thưa chúa, chúng tôi nhớ người gian dối này, khi còn sống, có nói rằng: khỏi ba ngày ta sẽ sống lại” (27:63)
“Bấy giờ, Ngài khởi sự dạy môn đồ rằng Con người phải chịu khổ nhiều, phải bị các trưởng lão, các thầy tế lễ cả, và các thầy thông giáo loại ra, phải chịu chết, sau ba ngày phải sống lại” (Mac 8:31) 9:31 Họ sẽ giết (Ngài) đi, Ngài bị giết đã ba ngày rồi, thì sẽ sống lại. 10:34 Người ta sẽ…. đánh đập Ngài và giết đi; sau ba ngày, Ngài sẽ sống lại 14:58 Ta sẽ phá đền thờ này bởi tay người ta cất lên, khỏi ba ngày, ta sẽ cất một đền thờ khác, không phải bởi tay người ta cất. 15:29-30 Ê, ngươi là kẻ phá đền thờ, và cất lại trong ba ngày, hãy cứu lấy mình đi.
Lu 24:21 Dầu thể ấy, việc xảy ra đã được ba ngày rồi Gi 2:19-22 “………sẽ dựng lại trong ba ngày…….”
Đã hoàn toàn không có gì bênh vực cho biến cố Chúa bị đóng đinh nhằm ngày thứ sáu, mà mọi sự trong Kinh điển đều hoàn toàn hài hoà với một biến cố Chúa bị đóng đinh nhằm ngày thứ Tư. Có điều cần ghi nhận là rất nhiều khúc sách tiên tri và theo nghĩa hình bóng trong Cựu ước kinh đã ứng nghiệm, và nhiều điểm có vẻ như khác nhau trong các phần thuật sự của các sách Phúc âm đều đã được làm sáng tỏ một khi ta hiểu được rằng Chúa Jê-sus đã chết nhằm ngày thứ Tư, chứ không phải là thứ Sáu.