Chương 9-Những Điều Khó Hiểu Trong Kinh Thánh

CHƯƠNG 9: LỆNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ PHẢI TẬN DIỆT DÂN CA-NA-AN

images (4)

Có ít điều trong Thánh Kinh mà bởi đó nhiều độc giả thông minh đã bị va vấp, và người ngoại đạo thường thích thú bêu xấu hơn là lệnh truyền của Đức Chúa Trời rằng phải tận diệt một số các dân tộc, chẳng chừa lại một ai bất kể tuổi tác, giới tính. Phải giết sạch cả đàn ông, phụ nữ, lẫn trẻ con.

Thí dụ như chúng ta đọc thấy lệnh truyền ấy của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên trong Phục 20:16-17

“Nhưng trong các thành của những dân tộc này, mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho ngươi làm sản nghiệp, thì chớ để sống một vật nào biết thở; khá tận diệt dân Hê-tít, dân A-mô-rít, dân Ca-na-an, dân Phê-rê-sít, dân Hê-vít, dân Giê-bu-sít, y như Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã phán dặn.”

Đối với nhiều thành phố khác, có lệnh truyền là nếu họ cầu hòa thì nên để cho họ bình an và tha mạng cho toàn thể cư dân; nhưng nếu họ khai chiến, thì phải giết người trưởng thành phái nam, còn phụ nữ và trẻ con thì phải chừa lại (20:10-15). Đó là những thành phố ở xa, còn cư dân của các thành phố trong các xứ mà chính dân Y-sơ-ra-ên sẽ chiếm làm nơi cư trú, thì phải tận diệt đi.

Chúng ta bị chất vấn: “Làm thế nào để hòa giải các lệnh truyền đáng ghê sợ và trắng trợn như thế, với giáo lý đã được truyền dạy rõ ràng trong Tân ước kinh rằng ‘Đức Chúa Trời là sự yêu thương’” (IGiăng 4:8). Người ta bảo rằng những lệnh truyền như thế chắc chắn không phải là của Đức Chúa Trời, và Cựu Ước kinh chắc chắn là đã sai lầm khi bảo rằng chúng là của Đức Chúa Trời. Vậy chúng ta có thể trả lời cho thắc mắc này như thế nào đây?

TỘI LỖI KHIẾN VIỆC ẤY THÀNH CẦN THIẾT

Trước hết, chúng ta nên nói rằng điều ấy quả đáng sợ thật nếu bất luận dân tộc nào cũng phải bị tận diệt bằng gươm, chẳng những là các chiến sĩ mà thôi, nhưng cả đến người già, phụ nữ, lẫn trẻ con nữa. Thế nhưng hãy còn một việc còn đáng sợ hơn thế nữa khi chúng ta dừng lại để suy nghĩ về vấn đề ấy cho thật thấu đáo để thấy rằng vì tội ác mà số người đó đã phạm vốn quá đầy dẫy, sự phản loạn của họ đối với Đức Chúa Trời vốn quá mãnh liệt và phổ quát, sự băng hoại đạo đức và đê tiện của họ vốn đã đến mức tận cùng và cứ tồn tại dai dẳng mãi, xuống cả đến các trẻ con sơ sinh nữa, cho nên một cách giải quyết như thế là tuyệt đối cần thiết vì lợi ích của nhân loại.

Đó chính là trường hợp của các dân tộc ở đây. Chúng ta được biết chẳng những nhờ Thánh Kinh mà cả từ nhiều nguồn thông tin khác, rằng chiều sâu của sự ô nhiễm luân lý đạo đức mà các dân tộc ấy đã sa vào, là không thể nào dò lường được. Chúng đã trở thành một căn bệnh ung thư đạo đức đe dọa chính sự sống của toàn thể nhân loại. Nếu muốn cho thân thể được cứu, thì căn bệnh ung thư đó phải bị cắt bỏ khỏi từng thớ thịt. Cắt bỏ các tế bào ung thư là một công cuộc phẫu thuật đáng sợ, một việc làm mà bất cứ một phẫu thuật gia có lòng nào cũng phải run sợ, nhưng thường thường thì cắt bỏ một khối ung thư là việc làm tử tế nhất mà một nhà phẫu thuật có thể làm trong những hoàn cảnh thực tế nào đó. Cũng tương tự như thế, công việc tử tế nhất mà Đức Chúa Trời có thể làm cho nhân loại là phải cắt bỏ đi cái khối ung thư này khỏi mọi gốc rễ và mọi thớ thịt.

VÌ LỢI ÍCH CỦA TOÀN THỂ NHÂN LOẠI

Thứ hai, chúng tôi xin nói rằng chắc chắn là Đức Chúa Trời có quyền thăm phạt những cá nhân và những dân tộc đã chìm đắm trong tội lỗi. Điều duy nhất đáng ngạc nhiên khi ta chịu dừng lại một chút để suy nghĩ, ấy là Ngài lại kiên trì nhẫn nhục đến thế, để không thăm phạt các cá nhân và các dân tộc ấy sớm hơn. Một khi ta đã thông hiểu về sự thánh khiết của Ngài ở một mặt, và ở mặt kia là chiều sâu của các thói tham lam, tham dục, tội lỗi, quỷ quyệt, chẳng coi luật pháp ra gì, và sự chống nghịch với Đức Chúa Trời của một số các thành phố thậm chí cả đến hiện nay nữa, đã sa vào, và thế nào cả đến các thiếu nhi cũng đang lầm lạc để sa vào thói quỷ quyệt không có lời lẽ nào mô tả được, thì hầu như ta phải ngạc nhiên là tại sao Ngài vẫn chưa xóa hết họ đi, như Ngài từng truyền lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên phải làm với các dân tộc trong xứ Ca-na-an là một lệnh truyền đầy tính nhân từ thương xót và tình yêu. Nó là sự nhân từ thương xót và tình yêu đối với dân Y-sơ-ra-ên. Nếu dân Ca-na-an không bị tận diệt, thì chính dân Y-sơ-ra-ên sẽ bị tận diệt. Thật vậy, dân Y-sơ-ra-ên sở dĩ bị lây nhiễm tội lỗi chính vì đã không thực hiện sắc lệnh nghiêm khắc của Đức Chúa Trời cho đến cùng. Họ đã bỏ ngang giữa chừng điều Đức Chúa Trời đã dạy họ làm, để rồi chính họ phải bị diệt vong.

“Nhưng còn về các phụ nữ thì thế nào; họ có thể được chừa lại không?” Câu trả lời rất rõ ràng. Phụ nữ thường là nguồn gốc hàng đầu gây ra lây nhiễm (Dân 31:15-16). Tuy các phụ nữ chân chính có cao quí hơn đàn ông chân chính, các phụ nữ hư hỏng lại nguy hiểm hơn đàn ông hư hỏng. “Nhưng còn trẻ con thì sao? Có thể tha thứ cho chúng không?” Ai là người có kinh nghiệm với con cái của những người hư hỏng đều biết cái thói xấu đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ như thế nào; các thói xấu của ông cha cứ dai dẳng tái hiện nơi con cháu, cả khi chúng được đưa đi khỏi các môi trường xấu xa gian ác vây quanh để giáo dưỡng trong một môi trường thuận lợi.

Nhờ quyền năng tái sinh của Phúc âm, tất cả mọi việc ấy có thể được sửa chữa, nhưng chúng ta đừng nên quên rằng trường hợp mà chúng ta gặp ở đây vốn đã tồn tại từ nhiều thế kỷ trước khi Phúc âm được truyền giảng. Tình yêu và lòng nhân từ thương xót của Đức Chúa Trời đòi hỏi dân Y-sơ-ra-ên phải vâng theo thật đúng những gì Đức Chúa Trời đã truyền dạy họ phải làm; tình yêu và lòng nhân từ thương xót đối với cả nhân loại đã đòi hỏi như thế. Chủ đích của Đức Chúa Trời không phải chỉ là ban phước cho một mình dân Y-sơ-ra-ên mà thôi. Qua trung gian của dân Y-sơ-ra-ên, Ngài đã lập kế hoạch để ban phước cho toàn thể nhân loại. Ngài đang đào luyện một dân tộc bằng cách biệt riêng họ ra suốt nhiều thế kỷ, để khi việc đào luyện hoàn tất, họ có thể bước ra ngoài vòng rào đó để đem phước hạnh, sự cứu rỗi, và sự sống cho tất cả các dân các nước.

CÁC KẾ HOẠCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VƯỢT XA TẦM XÉT NÉT CỦA CHÚNG TA

Thứ ba, là các kế hoạch của Đức Chúa Trời chẳng những chỉ có lợi, mà còn rất bao la, cần phải có nhiều thế kỷ mới hoàn thành được. Chúng ta với tư cách những con người có đời sống hết sức ngắn ngủi, với thói tự kiêu tự phụ của mình, chỉ thấy được một vài mảnh vụn vặt nhỏ bé của kế hoạch vô hạn của Đức Chúa Trời mà thôi, nhưng lại tự cho mình cái quyền dám phê phán cái kế hoạch toàn diện mà chúng ta chỉ biết rất ít hay chẳng biết gì cả ấy. Chỉ cần chúng ta chịu học tập để biết được rằng Đức Chúa Trời vốn vô hạn còn chúng ta lại vô cùng nhỏ bé; cho nên so với các phương tiện khoa học và triết học, thì “sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được?” (Rô 11:33). Chẳng có sự ngu dại nào lớn hơn đối với một đứa trẻ là dám phê bình một triết gia, còn một triết gia sẽ chẳng có thể làm gì khác hơn để chứng tỏ mình là kẻ đại ngu ngoài việc dám chê bai chỉ trích Đức Chúa Trời.

MỘT HÀNH ĐỘNG NHÂN TỪ THƯƠNG XÓT ĐỐI VỚI TRẺ CON

Thứ tư, việc tận diệt các con trẻ của dâm loạn chẳng những là một hành động nhân từ thương xót và tình yêu đối với cả thế giới nói chung, mà còn là một hành động nhân từ thương xót và tình yêu đối với chính các trẻ con ấy nữa. Điều gì chờ đợi đám trẻ con ấy nếu chúng được để cho sống, nếu không phải là một điều gì đó còn vô cùng tệ hại hơn là sự chết?

Chúng ta không dám độc đoán để bàn đến điều gì chờ đợi chúng khi chúng chết đi, nhưng nếu không chấp nhận cái giáo thuyết hoàn toàn không có cơ sở của Thánh Kinh và khó có thể là đúng được về vấn đề tất cả các trẻ con không chịu phép báp-tem đều sẽ bị nguyền rủa, thì chúng ta chẳng cần gì sợ hãi. Ngày đến cả hiện nay, tôi hầu như có thể mong rằng tất cả các con trẻ được sinh ra trong những xóm nghèo nàn đói khổ đều chết đi khi hãy còn thơ dại, nếu không có hi vọng rằng Hội thánh của Chúa Cứu thế sẽ tỉnh thức để đem Phúc âm của Con Đức Chúa Trời đến cho chúng.

Nhưng có người vẫn còn có thể nói: “Vâng, tôi thấy là thà xoá sạch số người đã sa đà thậm tệ như thế bằng một hành động nhân từ thương xót còn hơn nhưng tại sao lại không thực hiện điều đó bằng một dịch bệnh hay một nạn đói, mà lại là bằng cách nhờ tay người Y-sơ-ra-ên tàn sát chúng?” Lời đáp cho vấn nạn này rất đơn giản. Bản thân dân Y-sơ-ra-ên đang chịu huấn luyện. Họ vẫn thường xuyên sa vào tội lỗi và cần được một bài học nghiêm khắc mà họ phải học bằng cách thực thi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đối với tội ác và thói quỷ quyệt của dân Ca-na-an. Họ sẽ có được một ấn tượng sâu đậm về sự thánh khiết và thù ghét tội lỗi của Đức Chúa Trời.

Trước khi phải thực thi sự phán xét của Đức Chúa Trời trên người Ca-na-an, dân Y-sơ-ra-ên đã được phán dạy rõ ràng rằng lý do khiến họ phải tận diệt dân Ca-na-an là “để chúng nó không dạy các ngươi bắt chước làm theo những sự gớm ghiếc chúng nó đã làm, đặng cúng thờ các thần chúng nó” (Phục 20:18). cả quá trình này là một thí dụ minh họa gây ấn tượng cho việc Đức Chúa Trời vô cùng ghen ghét tội lỗi. Nó dạy cho chúng ta rằng tội lỗi cứ tồn tại dai dẳng là một điều nghiêm trọng và tai hại nên nhất thiết phải tận diệt cả một dân tộc gồm luôn đàn ông, đàn bà và trẻ con nữa, là những kẻ vẫn miệt mài trong đó. Đó chỉ là một bài học đơn giản mà cả Thánh Kinh đều dạy, cả lịch sử cũng dạy, và được viết lên bằng những chữ lửa: “Tiền công của tội lỗi là sự chết.” (Rô 5:23)

Ý THỨC VỀ CHÍNH TỘI LỖI CỦA CHÚNG TA

Thứ năm, là người nào xem nhẹ tội lỗi, chưa có được một quan niệm đầy đủ về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn khó vượt nổi đối với lệnh truyền này của Đức Chúa Trời. Mặt khác, những ai đã thấy được tính cách đáng sợ của tội lỗi, đã học tập để biết thù ghét nó đúng với sự thù ghét vô hạn mà nó xứng đáng phải nhận được, đã có được những cái nhìn thoáng qua để thấy sự thánh khiết vô hạn của Đức Chúa Trời, và đã tham dự một phần nào đó vào sự thánh khiết ấy, thì sau khi đã suy nghĩ chín chắn, sẽ chẳng còn gặp khó khăn gì nữa đối với lệnh truyền này. Đó là vấn đề phải ý thức được ngay trong lòng, và đời sống chúng ta rằng chính nó đã khiến chúng ta nổi loạn chống lại cách đối phó nghiêm khắc của Đức Chúa Trời với tội lỗi.

VIỆC DUNG THA CHO PHỤ NỮ

Thiết tưởng còn một việc nữa cần phải nói. Lắm khi người ngoại đạo đã đưa ra lời phản bác ngụ ý khinh bỉ là trong một số trường hợp như phụ nữ đã được đề cập trong Phục 20:10-15 cũng như việc phải dung tha phụ nữ trong Dân 31:21-35:40 là phụ nữ phải được dung thứ vì các mục đích vô đạo đức (tà dâm, dâm ô). Có một nhà văn từng chất vấn: “Tôi có phải hiểu là Đức Chúa Trời đã tán thành việc nhận bồi thường chiến tranh bằng các chiến lợi phẩm là một số trinh nữ để dùng vào một công việc đã quá rõ ràng, hay không?” Những lời lẽ nặng nề tương tự như thế có thể được tìm thấy trong một số các quyển sách ngoại đạo

Lẽ dĩ nhiên, ngụ ý của người thắc mắc đặt vấn đề như thế là các thiếu nữ ấy đã được thu nhận là vì các chủ đích vô đạo đức. Đó là cách sử dụng “đã quá rõ ràng” đối với phía người phản bác.Tuy nhiên, nó vốn chẳng có gì là “quá rõ ràng” đối với bất cứ một người có tâm trí trong sạch nào khi đọc phần ký thuật thực sự đó trong Kinh điển. Trong phần ký thuật đó của Kinh điển, đã chẳng hề có chút ám chỉ xấu xa nào rằng các trinh nữ kia vốn được dành cho cái công việc mà họ nghĩ đến. Với người có tấm lòng xấu xa bất khiết, thì lẽ dĩ nhiên là việc bao giờ cũng rõ ràng là nếu các phụ nữ còn để cho sống và bắt đi làm của cống nộp để bồi thường chiến tranh, thì họ đều bị bắt là vì mục đích ấy, nhưng thậm chí, một việc như thế cũng không hề xảy ra với người có tâm trí trong sạch, thuần khiết.

Toàn văn của khúc sách trong Dân 31:1-54 mà người ta hầu như rất thường viện dẫn liên quan đến vấn đề này của những người không tin Chúa, là một lời cảnh cáo nghiêm trọng chống lại thói vô đạo đức thuộc loại ấy. Cho nên, nó vốn không phải nhằm gợi ý rằng Đức Chúa Trời dung túng những hành động dâm ô thuộc loại như thế, mà còn chứng minh rằng Ngài vốn đối xử nghiêm khắc như thế nào đối với điều bất khiết ấy.

Trong Dân 25:1-18 chúng ta được bảo cho biết thể nào đàn ông trong dân Y-sơ-ra-ên phải tự chọn mình khỏi điều ô uế với các con gái Mô-áp như thế nào, mà còn cho biết hậu quả của nó là “cơn giận của Đức Giê-hô-va bèn nổi lên cùng Y-sơ-ra-ên” (25:3) và thế nào Đức Chúa Trời đã thăm phạt cách sống bất khiết đó của họ bằng sự trừng phạt nghiêm khắc nhất (25:5,8-9). Cũng ngay trong chương sách đó, tất cả các phụ nữ đã phạm vào thói dâm ô đó đều bị giết đi (31:17). Và sự thật ít nhất là ở trong câu thứ mười tám cũng gợi ý rằng chỉ có trẻ con thuộc phái nữ mới được chừa lại mà thôi.

Đây chắc chắn là một hành động nhân từ thương xót của Đức Chúa Trời nhằm giải cứu “hết thảy con gái chưa hề kết bạn cùng người nam” khỏi môi trường sống xấu xa gian ác ấy, để giao chúng cho người Y-sơ-ra-ên trưởng dưỡng dạy dỗ, để chúng tiếp xúc được với tôn giáo thuần khiết và được đào tạo huấn luyện để trở thành những phụ nữ trong sạch. Cho nên, theo như phần ký thuật, thì chúng đã không được giao cho người Y-sơ-ra-ên nhằm các chủ đích dâm ô bất khiết, mà vốn được phó thác cho họ nhằm vào chủ đích cao cả hơn hết.