Chương 2: Những Điều Khó Hiểu Trong Kinh Thánh (P1)
CHƯƠNG 2: PHÂN LOẠI NHỮNG CHỖ KHÓ HIỂU
Tất cả những điểm khó hiểu trong Thánh Kinh đều có thể được xếp vào một trong mười tiêu đề tổng quát dưới đây. Trong chương này, tôi xin trình tự giải thích chi tiết bản tính của từng loại một những điểm khó hiểu ấy.
CỔ BẢN BẤT TOÀN
Loại khó khăn thứ nhất là những điểm khó, điểm này sinh từ bản dịch Thánh Kinh ra Anh (Việt) văn của chúng ta. Theo điều tôi được biết, thì chẳng hề có ai chủ trương rằng bản dịch Thánh Kinh ra Anh (Việt) văn của chúng ta là tuyệt đối vô ngộ, chẳng có chỗ sai lầm nào. Giáo lý được nhiều người chủ trương, là Kinh điển đã được ban cho chúng ta hồi nguyên thủy (trong nguyên văn) vốn tuyệt đối vô ngộ và không có sai lầm, còn bản dịch ra Anh (Việt) văn của chúng ta là bản dịch Kinh điển từ nguyên văn ra chỉ tương đối chính xác về đại thể mà thôi.
Chúng ta hiện không có các bản thảo nguyên thủy của bộ Thánh Kinh. Các nguyên bản đó từng được sao chép lại nhiều lần thật cẩn trọng và chính xác, nhưng lẽ tự nhiên là nhiều sai lầm cũng đã len lỏi xâm nhập các bản sao chép ấy. Chúng ta hiện có rất nhiều bản sao tốt, khiến khi đem đối chiếu chúng với nhau, ta có thể nói với độ chính xác rất cao rằng đây chính là nguyên bản. Lẽ dĩ nhiên, nhằm các chủ đích thực tiễn nguyên bản hiện đã được quy định. Chẳng hề có một giáo lý quan trọng nào còn bị lệ thuộc vào một bản dịch bị nghi ngờ là không đúng với nguyên văn.
Tuy nhiên, khi bản dịch Authorized Version (Anh văn) được thực hiện, một số cổ bản tốt nhất vẫn chưa có trong tầm tay của các dịch giả, còn khoa học phê bình văn bản vẫn chưa được hiểu đúng như ngày nay; cho nên bản dịch ấy đã được thực hiện căn cứ vào một văn bản bất toàn. Không phải là ít những điểm có vẻ như khó hiểu trong Thánh Kinh đã nảy sinh từ nguồn gốc này. Thí dụ như trong Gi 5:4 chúng ta được cho viết:
“Vì môt thiên sứ thỉnh thoảng giáng xuống trong ao làm cho nước đọng, lúc nước đã đọng rồi, ai xuống ao trước hết, bất kỳ mắc bịnh gì, cũng được lành.”
Vì nhiều lý do, câu này có vẻ không đúng và khó tin, nhưng sau khi tra cứu chúng tôi nhận thấy rằng tất cả những điều đó đều do sai lầm của người sao chép. Có một người sao chép nào đó hồi nguyên thuỷ, khi đọc đoạn ký thuật này của sách Giăng đã thêm vào phần ghi chú bên lề một lời giải thích về các đặc tính chữa bệnh của một dòng suối cứ liên tục chảy như là có thuốc trong đó. Một người sao chép về sau lại đưa phần ghi chú bên lề này vào trong văn bản (chính thức), thế là nó được truyền lại cho đời sau và được đưa vào trong bộ Thánh Kinh của chúng ta. Nhưng nó đã không thấy có thật phải là trong bản dịch Revised Version.
Những chỗ khác nhau về cách nói trong nhiều ký thuật về cùng những biến cố giống nhau, chẳng hạn như những chỗ khác nhau về tuổi của một vài nhà vua trong văn bản của các sách Các Vua và Sử ký, chắc đã nảy sinh do cùng những sai lầm như thế trong vấn đề về các con số sẽ rất dễ nhận ra, nhất là vì các con số trong Hy-bá-lai văn được viết bằng các mẫu tự, mà nhiều mẫu tự trông có vẻ rất giống nhau nhưng lại có trị số rất khác nhau khi chúng được dùng như những con số.
Thí dụ mẫu tự thứ nhất trong bảng chữ cái Hy-bá-lai văn chỉ một, nhưng với hai chấm nhỏ trên nó, không lớn hơn hai vết phân ruồi, nó lại chỉ một ngàn. Mẫu tự thứ hai mươi ba hay mẫu tự cuối cùng của bảng chữ cái Hy-bá-lai văn chỉ bốn trăm, nhưng mẫu tự thứ tám trong bảng chữ cái Hy-bá-lai văn trông rất giống nó và rất dễ bị trông lầm, lại chỉ (con số) tám. Do đó, chỉ cần một sai lầm hết sức nhỏ nhặt của người chép sách cũng tạo ra một sự thay đổi rất lớn về trị số của các con số. Điều cần lưu ý khi khảo xét các sự kiện như thế, là đã có rất ít những sai phạm thuộc loại này.
CÁC BẢN DỊCH KHÔNG CHÍNH XÁC
Loại khó khăn thứ hai là loại nảy sinh từ các bản dịch không chính xác. Thí dụ trong Mat 12:40 nói là Giô-na đã ở trong bụng một con cá voi (Whale). Nhiều kẻ hoài nghi chắc đã có dịp cười to khi nghe nói về một con cá voi, với cấu trúc cá biệt về miệng và cổ họng của nó, lại có thể nuốt được một người; nhưng nếu kẻ hoài nghi ấy chịu khó xét kỹ lại vấn đề, thì sẽ nhận thấy rằng từ ngữ đã được dịch ra là “cá voi” kia thật ra có nghĩa là “con quái vật ở dưới biển” mà chẳng hề có một định nghĩa nào liên quan đến đặc tính của con quái vật biển ấy. Chúng tôi sẽ xin trở lại với trường hợp này với nhiều chi tiết hơn khi xét đến câu chuyện về Giô-na.
Cho nên tất cả khó khăn đã nảy sinh từ sai lầm của dịch giả, và sự dốt nát của kẻ hoài nghi. Ngày nay, có rất nhều kẻ hoài nghi vô cùng dốt nát trước nhiều vấn đề mà ngay đến các trẻ con theo học Trường Chúa Nhật cũng hiểu được thật rõ ràng, khiến họ vẫn cứ chĩa mũi dùi vào công trình khảo cứu đã tạo ra chỗ sai lầm đó trong Thánh Kinh.
CÁC LÝ GIẢI SAI
Loại khó khăn thứ ba là những chỗ khó hiểu do cách lý giải sai Thánh Kinh. Thánh Kinh dạy một đàng, còn điều mà người ta lý giải thường lại là một điều khác xa. Nhiều chỗ khó hiểu cho chúng ta đã không nảy sinh từ những gì Thánh Kinh thực sự truyền dạy, mà do những gì mà người ta giảng giải là có ý nghĩa như thế.
Một thí dụ minh họa nổi bật cho trường hợp này được tìm thấy trong chương một của Sáng thế Ký. Nếu chúng ta tin cách lý giải gán cho chương này của nhiều nhà giải kinh, thì lẽ tất nhiên là sẽ rất khó hòa giải nó với phần lớn những gì mà khoa học hiện đại xem như đã được xác lập rồi. Tuy thế, chỗ khó khăn không phải là với những gì chương một sách Sáng thế Ký dạy, nhưng là với cách lý giải nó, vì thật ra, đã chẳng hề có điều mâu thuẫn nào giữa những gì đã đươc khoa học thật sự kiểm chứng, với những gì chương một của Sáng Thế ký đã thật sự truyền dạy.
Một khó khăn khác có cùng một đặc tính như thế là với câu nói của Chúa Jê-sus rằng Ngài sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm (Mat 12:40). Nhiều nhà giải kinh từng bắt buộc chúng ta phải tin rằng Ngài đã chết vào đêm thứ Sáu rồi sống lại vào sáng sớm Chúa nhật, và thời gian giữa hai điểm này thì không phải là ba ngày và ba đêm. Sau này, chúng ta sẽ thấy đây là một vấn đề về lý giải Thánh Kinh, và chỗ rắc rối không phải là với điều mà Thánh Kinh thật sự truyền dạy, nhưng là với cách lý giải mà người ta áp đặt trên Thánh Kinh.
CÁC Ý NIỆM SAI LẦM VỀ THÁNH KINH
Loại khó khăn thứ tư nảy sinh từ một quan niệm sai lầm về Thánh Kinh. Nhiều người lầm tưởng rằng khi bạn nói Thánh Kinh là Lời Đức Chúa Trời, có nguồn gốc và uy quyền của Đức Chúa Trời, là bạn ngụ ý bảo rằng Đức Chúa Trời là phát ngôn nhân trực tiếp truyền phán từng câu một những gì hàm chứa trong đó; nhưng sự thật không hề là như thế. Lắm khi Đức Chúa Trời chỉ ghi lại những gì người khác nói: những gì người thiện nói, những gì kẻ ác nói, những gì người được linh cảm nói, những gì người không được linh cảm nói, những gì các thiên sứ và quỉ sứ nói, thậm chí những gì chính quỉ nói nữa. Những điều ghi chép lại những gì họ nhân danh Đức Chúa Trời mà nói thì đều tuyệt đối đúng, thật, nhưng những gì người khác nói và cũng được ghi lại thì có thể là đúng, thật, nhưng cũng có thể là không đúng, không thật. Quả thật là họ có nói như thế, nhưng điều họ nói đó có thể là không đúng.
Thí dụ Sáng 3:4 ghi lại lời quỉ nói: “Hai ngươi chẳng chết đâu.” Quả thật là quỉ đã nói như thế, nhưng điều nó nói đó là không đúng không thật, mà là một lời nói dối phạm thượng khiến cả nhân loại chúng ta bị chìm đắm. Trong Lời của Đức Chúa Trời (Thánh Kinh) có lời của quỉ nói nhưng những gì quỉ nói đó không phải là Lời của Đức Chúa Trời mà là lời của quỉ. Nhiều độc giả bất cẩn đọc Thánh Kinh mà không chú ý ai là người đang nói: Đức Chúa Trời, người thiện, kẻ ác, người được linh cảm, người không được linh cảm, thiên sứ hay quỉ sứ. Họ chỉ xé một câu ngay từ văn cảnh của nó ra, bất chấp người nói câu đó là ai, rồi nói: “Đây, Đức Chúa Trời đã phán như thế,” nhưng Đức Chúa Trời chẳng bao giờ nói điều gì thuộc loại như thế. Đức Chúa Trời bảo rằng quỉ đã nói như thế, hay một người xấu người ác đã nói như thế, hoặc một người thiện người tốt, một người được linh cảm hay một người không được linh cảm đã nói như thế, hoặc một thiên sứ đã nói như thế.
Những gì Đức Chúa Trời nói (Thánh Kinh chép) đều đúng, thật, nghĩa là quỉ đã nói như thế, hay một người ác, một người thiện, một người được linh cảm, một người không được linh cảm, một vị thiên sứ đã nói như thế. Thế nhưng điều họ nói có thể đúng thật hoặc không đúng, không thật. Có một việc khá phổ biến là được nghe nhiều người trích dẫn lời Ê-li-pha Binh-đát, hay Sô-pha nói với Gióp dường như đó nhất thiết phải là Lời của Đức Chúa Trời bởi vì nó đã đươc chép trong Thánh Kinh, bất chấp sự kiện Đức Chúa Trời đã phủ nhận lời truyền của họ và phán: “Các ngươi không nói về Ta cách đúng đắn” (Gióp 42:7 theo bản diễn ý). Quả thật những người ấy đã nói điều mà Đức Chúa Trời ghi lại là họ nói, nhưng thường thường thì họ đưa ra một chân lý đã bị xuyên tạc và nói điều không đúng, không thật.
Một phần lớn những chỗ khó hiểu của chúng ta nảy sinh từ chỗ không chú ý đến ai là người đang nói. Thánh Kinh luôn luôn nói cho chúng ta biết, và chúng ta phải luôn luôn chú ý. Trong Thi thiên, có khi chúng ta thấy chép những gì Đức Chúa Trời phán dạy loài người, mà điều đó có thể là đúng mà cũng có thể là không. Nhiều khi mà thường thường là nhiều hơn các trường hợp chúng ta nhìn thấy, đó là tiếng nói của một phát ngôn nhân nói lên ý muốn báo thù và sự tuyệt vọng cá nhân. Sự báo thù ấy có thể – và thường thường – có tính cách của một lời tiên tri, nhưng đó có thể là một kẻ làm điều sai trái trình lý lẽ của mình lên cho Đấng nắm quyền báo thù (xem Rô 12:19) nên chúng ta không bị bắt buộc phải bênh vực cho tất cả những gì người ấy nói.
Cũng trong Thi thiên, chúng ta thấy có một câu chép điều mà kẻ ngu dại nói: “Chẳng có Đức Chúa Trời” (Thi 14:1). Nhưng quả thật là kẻ ngu dại có nói như thế, nhưng kẻ ngu dại đã nói dối (sai) khi bảo như thế. Quả thật là Lời Đức Chúa Trời đã chép lời của kẻ ngu dại nói như thế; Tuy nhiên, những gì mà Đức Chúa Trời thuật lại lời kẻ ngu dại đã nói thì không hề là Lời của Đức Chúa Trời, nhưng là lời của chính kẻ ngu dại. Cho nên, khi nghiên cứu Thánh Kinh, nếu Đức Chúa Trời là người phát ngôn, thì chúng ta phải tin những gì Ngài phán dạy; nếu một người được linh cảm là người đang phát ngôn, thì chúng ta phải tin những gì người ấy nói; nếu đó là một người không được linh cảm nói, chúng ta phải tự phê phán lấy: câu ấy có thể là đúng, là thật, mà cũng có thể là không đúng, là sai. Nếu là quỉ đang nói, thì chúng ta phải nhớ rằng nó là một kẻ nói dối ngay từ ban đầu (Gi 8:44), nhưng ngay đến quỉ một đôi khi cũng có thể nói (sự) thật.