Khảo Học Thư Ga-La-Ti (P32)
TRÁI THÁNH LINH I: YÊU THƯƠNG
Thánh Kinh đã miêu tả nhiều dòng sông, nhưng có một dòng sông kỳ diệu với những đặc tính lạ lùng. Thi thiên thứ nhất viết về một người không theo mưu kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường tội nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng Chúa. Trái lại, người ấy vui vẻ về luật pháp Chúa, suy gẫm lời Chúa ngày đêm.
Thi thiên kết luận:
Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, sinh bông trái theo thì tiết, lá nó cũng chẳng tàn héo, mọi việc người làm đều sẽ thịnh vượng.
Nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên đã tả vẽ con sông chảy từ phía nam bàn thờ (47:1), nơi con sinh tế được dâng lên chỉ về cây thập tự dâng, trên ấy Chúa Cứu Thế đã hy sinh. Ê-xê-chi-ên viết:
Người dẫn tôi tiến về phía đông, tay cầm một sợi dây đo, lấy dây đo được 1000 bộ; người khiến tôi lội qua nước, nước lên đến mắt cá tôi. Người lại đo 1000 bộ và bảo tôi lội qua, nước vừa đến đầu gối tôi. Người lại đo 1000 bộ và bảo tôi lội qua, nước lên đến hông tôi. Người lại đo 1000 nữa; đến đây là cả một dòng sông, tôi không lội bộ qua được. Nước lên cao nên phải bơi, vì đây là con sông mà người ta không thể lội bộ qua.
Hai bên bờ sông có cây cối rất nhiều. Người bảo tôi rằng dòng sông này chảy thẳng đến phương đông, xuống đồng bằng và đổ về biển. Khi chảy tới biển, nước biển cũng trở nên ngọt. Khắp nơi nào sông ấy chảy đến thì các loài sinh vật trong nước đều được sống. Nhưng những chằm, bưng của biển ấy vẫn không có nước ngọt nên bỏ vào đất muối. Gần bên sông ấy, hai bên bờ sông, sẽ sinh đủ thứ cây có trái ăn được, lá nó không hề héo rụng và trái nó không hề dứt. Mỗi tháng sẽ sinh ra trái mới, vì dòng nước tưới cây chảy ra từ nơi thánh. Trái cây dùng để ăn, lá cây dùng làm thuốc.
Đến chương cuối cùng của Thánh Kinh, tức là chương 22 sách Khải thị, con sông kỳ diệu lại nổi bật trong khung cảnh Thiên đàng:
Thiên sứ chỉ cho tôi xem sông nước sự sống, trong như lưu ly, từ Ngai Đức Chúa Trời và Chúa Cứu Thế chảy ra. Ở giữa phố thành (Giê-ru-sa-lem mới) và hai bên bờ sông, có cây sự sống trổ mười hai mùa, mỗi tháng một lần ra trái, và những lá cây đó dùng để chữa lành các dân tộc (Khải 22:1-2).
Ý nghĩa phong phú của dòng sông kỳ diệu ấy là: dòng sông có những đặc tính cứu người suốt trong lịch sử và cả cõi đời đời ấy chỉ về Đức Thánh Linh.
Theo Thi thiên 1: “Cây cối trồng hai bên bờ sông ấy chỉ về con cái Chúa, tức là những người thành tâm tin nhận Chúa. Cây kết quả do nước của Đức Thánh Linh, và trái cây chỉ về trái Thánh Linh” mà sứ đồ Phao-lô nói đến trong thư Ga-la-ti 5:16-26.
Chúng ta đặc biệt lưu ý đến câu 16 và 22: “Vậy, tôi khuyên anh em đi theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh.” “Trái lại, nếp sống do Thánh Linh dìu dắt sẽ kết quả yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lương, thành tín, hòa nhã, tự chủ” vì Thánh Linh ban sự sống mới.
Mặc dù chúng ta thường nghe nói chín trái của Thánh Linh, nhưng theo nguyên tác của Thánh Kinh, chữ “trái” được dùng theo số ít chứ không phải số nhiều. Thánh Kinh không nói đến 9 loại trái nhưng chỉ nói đến một kết quả trong đời sống của người được Đức Thánh Linh tự chủ và dìu dắt. Quả ấy kết tụ đủ 9 đức tính cao đẹp tuyệt vời của Đức Thánh Linh, gồm cả “yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lương, thành tín, hòa nhã, tự chủ.”
Hình ảnh “quả cây” cho ta thấy đây không phải là một cái gì bốc đồng, nông nổi, bộc phát, bộc tàn, nhưng là kết cuộc của một tiến trình nuôi dưỡng, tăng trưởng, trổ hoa, kết trái tuần tự theo một định luật và có giá trị vững vàng, chắc chắn, trường cửu.
Động từ “đi theo” hay “bước đi” trong câu 16 “tôi khuyên anh em đi theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh” có nghĩa là “sinh hoạt, cư xử, sống theo nề nếp, là thực hành luật sự sống của Đức Thánh Linh.”
Đến câu 25, động từ “đi theo” trong nguyên tác là “chúng ta hãy đi rập ràng,” “đi theo hàng ngũ,” như một đạo quân đi đồng nhịp hàng hàng lớp lớp dưới quyền lãnh đạo của vị thống tướng tiến ra chiến trường thuộc linh để chiến thắng Sa-tan và giải phóng các nô lệ khốn khổ của nó.
Người đi rập ràng theo Thánh Linh là người luôn luôn để cho Thánh Linh chỉ huy cuộc đời mình. Tuy nhiên, đặt mình dưới quyền lãnh đạo của Thánh Linh không phải là không còn cố gắng chiến đấu, nhưng là nỗ lực đấu tranh và đặt mình dưới quyền chỉ huy của Thánh Linh để chiến thắng Sa-tan và đế quốc tối tăm.