Khảo Học Thư Ga-La-Ti (P33)

TRÁI THÁNH LINH 2: VUI MỪNG

flower

Đồng vắng và đất khô hạn sẽ vui vẻ. Sa mạc sẽ mừng rỡ và trổ hoa như bụi hồng. Nó trổ hoa nhiều và vui mừng, trổi giọng hoan ca. Vinh quang của rặng núi Li-ban cùng vẻ tươi đẹp của ngọn núi Cạt-mên và cánh đồng Sa-rôn sẽ phủ bọc nó. Mọi người sẽ trông thấy vinh quang của Chúa Hằng Hữu và vẻ tươi đẹp tuyệt vời của Đức Chúa Trời chúng ta.

Hãy làm vững mạnh những cánh tay yếu đuối, làm cho cứng cáp những đầu gối run rẩy. Hãy bảo những tấm lòng khiếp sợ: Cứ vững lòng, đừng sợ nữa. Này Đức Chúa Trời các con sẽ đến báo ứng, tức là sự báo trả công minh của Đức Chúa Trời. Chính Ngài sẽ đến giải cứu các con!

Bấy giờ những người mù sẽ mở mắt, những kẻ điếc sẽ nghe được. Bây giờ người què sẽ nhảy như hươu nai, lưỡi người câm sẽ ca hát. Vì có những dòng nước sẽ trào lên trong đồng vắng và những suối chảy cuồn cuộn trong sa mạc. Cát nóng nhường chỗ cho hồ nước, ruộng khô sẽ biến thành dòng suối. Hang chó đồng cháy khô sẽ trở nên vùng sậy và lau.

Tại đó sẽ có một đại lộ và một thông lộ gọi là đường thánh. Kẻ nào ô uế sẽ không được đi qua, vì nó dành cho những người được cứu chuộc.

Ai đi trên đường đó, dù khờ dại cũng không lầm lạc. Trên đường thánh, không gặp sư tử hay một thú dữ nào làm hại khách đi đường. Song những người được cứu chuộc sẽ tiến bước trên đường thánh, những kẻ Chúa Hằng Hữu đã cứu chuộc sẽ trở về, ca hát tiến đến thành thánh Si-ôn. Sự vui vẻ vô cùng sẽ như tràng hoa quân trên đầu họ. Họ sẽ được vui vẻ mừng rỡ; trong khi sự buồn bực than vãn sẽ trốn đi.

Độ 7 thế kỷ sau, sứ đồ Phao-lô viết cho người Ga-la-ti như trong thư Ga-la-ti 5:19-25. Có thể nói tiên tri Ê-sai đã miêu tả niềm vui mừng của Thánh Linh trong chương 35 sách Ê-sai bằng một bức tranh nhiều hình ảnh và màu sắc, còn sứ đồ Phao-lô cô đọng những ý những lời phong phú ấy trong một vài câu ngắn và gọi vui mừng là trái của Thánh Linh.

TÍNH CHẤT SỰ VUI MỪNG

Ê-sai cho biết tính chất của niềm vui trong Chúa là sự đổi mới. Sa mạc đổi mới thành vườn hoa; núi trọc trở nên xanh tươi như cánh đồng phì nhiêu. Cánh tay yếu đuối được vững mạnh; đầu gối run rẩy được cứng cáp. Tấm lòng khiếp sợ biến thành vững an. Mắt mù lòa không hề thấy chân lý bỗng nhiên được sáng. Tai điếc bỗng nghe được tiếng Chúa. Người què quặt bại xuội bao nhiêu năm không xê dịch được để làm công việc gì hữu ích, bỗng nhiên vùng dậy nhảy như hươu nai trong đồng nội. Lưỡi câm cứng không bao giờ dám nói về Chúa bỗng nhiên trổi giọng ca hát về ân cứu rỗi. Giữa những hoàn cảnh khó khăn như cát nóng của sa mạc, bỗng nhiên có dòng nước ngọt tuôn trào tức là dòng sông của Thánh Linh.

Niềm vui mừng của người theo Chúa là niềm vui mừng về sự đổi mới của Thánh Linh, không phải đổi thay hoàn cảnh khó khăn hay tiêu diệt trở ngại, nhưng là đổi mới tâm hồn ta và vượt thắng trở lực. Không phải dừng chân một chỗ để hưởng thụ, nhưng là tiến bước không ngừng trên con đường theo Chúa với bài hoan ca trên môi miệng và niềm hỷ lạc tỏa rực trên mặt, trên đầu.

Nếu chúng ta chưa kinh nghiệm sự đổi mới, sự tái sinh do Chúa Thánh Linh như Chúa Cứu Thế đã dạy trong Phúc Âm Giăng chương 3, chúng ta không thể nào có được niềm vui của Thánh Linh, vì bản chất của niềm vui ấy là sự đổi mới, sự tái tạo tâm hồn. Tác giả Thi thiên 51 viết:

Đức Chúa Trời ôi, xin dựng nên trong con một lòng trong sạch, và làm mới lại trong con một tâm linh ngay thẳng. Xin chớ từ bỏ con khỏi trước mặt Chúa. Cũng đừng cất khỏi con Thánh Linh Chúa. Xin ban lại cho con sự vui vẻ về sự cứu rỗi Chúa (Thi thiên 51:10-12a).

NGUỒN GỐC SỰ VUI MỪNG

Thánh Kinh Cựu Ước lẫn Tân Ước đều nói đến nguồn gốc của sự vui mừng đích thực là Chúa Hằng Hữu, là Đấng Tạo Hóa. Thi thiên 104 câu 31 nói về Chúa Hằng Hữu vui vẻ vì công việc Ngài bao gồm cả công tác sáng tạo, bảo tồn vũ trụ và cứu rỗi nhân loại. Tác giả Thi thiên 16 đã viết:

Tôi đã thưa với Chúa Hằng Hữu: Ngài là Chúa tôi. Ngoài Ngài ra tôi không có phước gì khác.

Sự buồn rầu của những kẻ dâng tế lễ cho thần tượng sẽ tăng thêm … Chúa Hằng Hữu là cơ nghiệp và là cái chén hạnh phúc của tôi. Ngài gìn giữ sản nghiệp tôi. Tôi sẽ ca ngợi Chúa Hằng Hữu là Đấng khuyên bảo tôi. Ban đêm lòng tôi cũng dạy dỗ tôi. Tôi hằng để Chúa Hằng Hữu đứng trước mặt tôi. Tôi chẳng hề bị rúng động, vì Ngài ở bên hữu tôi. Vì thế, lòng tôi vui vẻ, linh hồn tôi nức mừng rỡ. Thân xác tôi cũng sẽ nghỉ ngơi an ổn, vì Chúa sẽ chẳng bỏ linh hồn tôi trong âm phủ. Cũng không cho người thánh Chúa thấy sự hư nát. Chúa sẽ chỉ cho tôi biết con đường sự sống. Trước mặt Chúa có trọn sự khoái lạc. Tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng.

Nguồn gốc niềm vui mừng của người có Chúa Thánh Linh là Chúa Hằng Hữu, Chúa sống đời đời, mãi mãi vẫn y nguyên trong khi quanh mình chỉ thấy những biên thiên, dời đổi, tang chế. Nguồn gốc niềm vui mừng trong Chúa Thánh Linh theo mấy câu Thi thiên ta vừa đọc, là Chúa phục sinh và niềm hy vọng về sự sống lại và sự sống vĩnh cửu.

LÝ DO VUI MỪNG

Vì sao người có Chúa Thánh Linh vui mừng mặc dù những người khác quanh mình không thấy có lý do gì để vui mừng cả? Thánh Kinh cho biết có nhiều lý do, nhưng tượng trưng có hai lý do quan trọng.

Người có Chúa Thánh Linh vui mừng vì sự đoán xét công bằng của Chúa.

Thi thiên 48:11 “Vì cớ sự đoán xét của Chúa, nguyện núi Si-ôn hãy vui vẻ và các con cái Giu-đa mừng rỡ ” (tức là dân Chúa cả nam lẫn nữ ở trong lĩnh vực Chúa ngự trị được vui mừng).

Những hiểu lầm, những bất công, những nỗi oan ức chúng ta không thể thổ lộ cùng ai đang được Chúa lưu ý từng diễn biến, từng chi tiết, và sẽ được Chúa xử đoán, thưởng phạt công minh. Sự thật ấy làm cho lòng người theo Chúa vui mừng chứ không bao giờ buồn thảm đến tuyệt vọng như người không có Chúa Thánh Linh.

Người có Chúa Thánh Linh vui mừng khi thấy người lầm lạc quay về với Chúa.

Bác sĩ Lưu-ca đã ghi lại 3 ngụ ngôn độc đáo trong chương 15 của tác phẩm cuộc đời Chúa Cứu Thế. Chúa kể câu chuyện về con chiên thất lạc, đồng bạc bị đánh mất và người con trai phóng đãng trở về nhà Cha, và dùng chữ “vui mừng” tám lần liên tiếp. Trong câu chuyện tìm được con chiên thất lạc, Chúa dùng chữ vui mừng ba lần: “người ấy vui mừng vác nó lên vai, về nhà mời chúng ta hữu láng giềng đến nói: ’hãy chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên thất lạc.’ Cũng thế, thiên đàng sẽ vui mừng vì một tội nhân ăn năn quay về Thượng Đế hơn là 99 người công chính không cần phải ăn năn.”

Trong ngụ ngôn “đồng bạc bị mất,” Chúa dùng chữ mừng và vui hai lần. Câu chuyện “con trai phóng đãng,” Chúa diễn tả niềm vui khi thấy người có tội ăn năn một cách linh động hơn nữa:

Đứa con thu hết của cải, lên đường đến xứ xa lạ, ở đó ăn chơi, phung phí hết tiền bạc. Đến khi nó sạch túi, xứ ấy bị nạn đói lớn. Quá túng quẫn, nó phải đi làm công cho người bản xứ. Họ sai nó ra đồng chăn heo. Bụng đói như cào, nó muốn ăn vỏ đậu của heo nhưng chẳng ai cho. Nó liền tỉnh ngộ nghĩ thầm: ‘Ở nhà cha ta, bao nhiêu người làm mướn cũng có cơm ăn dư dật mà ta ở đây sắp chết đói …’ Nó liền đứng dậy trở về nhà cha.

Khi nó còn ở đàng xa, cha trông thấy thì động lòng thương xót, vội vàng chạy ra ôm hôn con.

Nó thưa với Cha: ‘Con thật có tội với Trời và với cha, không đáng làm con của cha nữa …’ Nhưng người cha ngắt lời, bảo đầy tớ: ‘Lấy áo tốt nhất mặc ngay cho cậu, đeo nhẫn vào tay, mang giày vào chân. Hãy bắt bò con béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đã chết mà bây giờ lại sống, đã thất lạc mà bây giờ trở về.’ Và tiệc vui bắt đầu.

Dầu có đứa con ganh tị, chống đối, ông cha từ ái vẫn quả quyết: “Chúng ta nên mở tiệc ăn mừng, vì em con đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ trở về.”

BÍ QUYẾT TÌM LẠI ĐƯỢC VUI MỪNG

Người theo Chúa qua những bước thăng trầm có khi thấy mình buồn bã, thất vọng. Trong những giờ phút ấy, chúng ta thành khẩn xét lòng mình trước mặt Chúa, tìm cho ra những lỗi lầm vấp phạm nào đã làm cho Thánh Linh buồn lòng. Chúng ta ăn năn, xin Chúa tha tội và chiến thắng tính cũ, xin Thánh Linh đầy dẫy lòng chúng ta. Ngay lúc ấy chúng ta tìm lại được niềm vui mừng của Chúa Thánh Linh.

Anh em tín hữu Cổ-linh lầm lỡ, vấp phạm, Phao-lô viết thư khuyên răn đem lại kết quả tốt đẹp. Anh em tín hữu đã buồn rầu, ăn năn và quay lại con đường thánh. Niềm vui của họ tràn ngập và làm cho chính Phao-lô cũng quá sức vui mừng cảm kích (II cổ 7:6-16).

CÁCH BIỂU LỘ NIỀM VUI MỪNG

Với niềm vui của Chúa Thánh Linh trào dâng trong tâm hồn, người theo Chúa thường tỏ niềm hân hoan trên nét mặt vui tươi, hoặc mở miệng hát ca những lời cảm tạ, tôn vinh Chúa từ tận đáy lòng. Một nhà văn Việt Nam đã nói đến một số “người lúc nào cũng như có niềm vui trong lòng. ” Những người theo Chúa đúng là những người lúc nào cũng thật có niềm vui trong lòng mặc dù hoàn cảnh biến thiên, vui buồn thay đổi không dứt.

Tuy nhiên Thánh Kinh dạy rõ rằng, niềm vui của người có Chúa Thánh Linh luôn luôn biểu lộ bằng những hành động tích cực, chia xẻ niềm vui cho người khác bằng cách chia xẻ Tin mừng của Chúa Cứu Thế. Chia xẻ niềm vui cho người khác bằng hành động chia xẻ cơm áo. Phao-lô viết về anh em tín hữu Ma-xê-đoan:

Đang khi họ chịu nhiều hoạn nạn thử thách, thì lòng quá vui mừng, và cơn rất nghèo khổ của họ đã rải rộng ra sự dư dật của lòng rộng rãi mình … Họ đã tự ý quyên tiền theo sức mình, hay đúng hơn, quá sức mình nữa, và nài xin chúng tôi cho họ dự phần cứu trợ các thánh đồ.

Đó là những hành động cụ thể, tích cực của niềm vui mừng trong Chúa Thánh Linh.