Khảo Học Thư Ga-La-Ti (P30)

ĐẤU TRANH Ở NỘI TÂM

(5:13-26 I)

AMERICAN EXPRESS, BUTTERFLY GIRL, OGILVY & MATHER, NEW YORK

Nhiều cuộc đấu tranh đã diễn tiến không ngừng trong lịch sử: đấu tranh ý thức hệ, đấu tranh giữa các giai cấp trong xã hội, đấu tranh vì mối thù không đội trời chung giữa hai dân tộc, đấu tranh vì mối thù truyền kiếp giữa hai gia đình, hai giòng họ, đấu tranh vì quyền lợi giữa các đoàn thể hay cá nhân.

Sứ đồ Phao-lô, trong bức thư gửi người Ga-la-ti, lại nói đến một cuộc đấu tranh ít người lưu ý nhưng có tầm quan trọng định đoạt số phận đời đời của mỗi tín hữu, và định đoạt cả sự hư vong của mỗi Hội thánh địa phương. Đó là cuộc đấu tranh ở nội tâm của mỗi người theo Chúa.

Tưởng cũng nên nhắc lại, thư Ga-la-ti gồm 3 phần lớn, mỗi phần diễn tả một đại ý trong khoảng hai chương.

Phần thứ nhất trong chương 1 và 2: sau khi đặt vấn đề “con người được cứu rỗi cách nào?” Phao-lô dành gần cả hai chương này để trình bày kinh nghiệm bản thân.

Trước khi biết Chúa Cứu Thế, Phao-lô cũng lầm tưởng như hàng triệu người khác là cứ giữ các luật lệ và lễ nghi tôn giáo của gia đình và dân tộc là đủ lắm rồi. Cũng vì quá hăng say với hệ ý thức đang thịnh hành, Phao-lô nhẫn tâm bắt bớ, cầm tù, thủ tiêu nhiều người theo Chúa. Nhưng một hôm, một biến cố xảy ra đã làm đảo lộn cả truyền thống, hệ ý thức và cuộc đời ông. Ông thình lình được gặp Chúa Cứu Thế Giê-xu, được nghe tiếng gọi thiết tha và từ ái của Ngài. Chúa đã mở tâm trí cho ông biết Ngài là Chúa Cứu Thế, là Con Thượng Đế.

Nhưng biết Chúa không phải để hưởng phúc một mình, Chúa muốn Phao-lô học biết Ngài để truyền bá Phúc Âm cho đồng bào đồng loại. Thế là từ đó, Phao-lô dấn thân vào công tác truyền giảng Tin mừng, và cũng từ đó, nhân dân khắp nơi cũng như Hội thánh đều thấy rõ con người khủng bố, phá hoại Phúc Âm ngày trước, bây giờ đang hăng say truyền bá Phúc Âm. Ông quá sung sướng vì được hưởng tự do thật trong Chúa, thoát hẳn khỏi ách nô lệ tội lỗi và luật lệ tôn giáo.

Trong khi đó, một số tín hữu Ga-la-ti bị các giáo sư Do- thái quyến rũ lại quay về với luật lệ, lễ nghi tôn giáo Do-thái để mong tự lực hoàn thành sự cứu rỗi. Kết thúc phần thứ nhất, Phao-lô viết:

Tôi đã bị đóng đinh trên cây thập tự với Chúa Cứu Thế, tôi sống đây, không còn là tôi nữa, nhưng Chúa Cứu Thế sống trong tôi. Hiện nay tôi còn sống trong thể xác là sống do niềm tin Con Thượng Đế, Ngài đã yêu thương tôi và hy sinh tính mạng vì tôi. Tôi không phải là người phủ nhận giá trị sự chết của Chúa Cứu Thế. Nếu con người có thể được cứu rỗi nhờ vâng giữ luật pháp thì Chúa Cứu Thế không cần chịu chết làm gì.

Phần thứ hai là chương 3, 4 và 12 câu đầu của chương 5 diễn tả đại ý “triết lý tự do” hay “giáo lý tự do.” Con người không thể nào cậy luật lệ, lễ nghi tôn giáo để được cứu rỗi. Trái lại, Chúa Cứu Thế đã giải phóng tất cả những người tin cậy Ngài ra khỏi ngục tù của tội lỗi và của tất cả các lễ nghi tôn giáo, để cho họ hưởng tự do thật. Phao-lô trình bày rõ rệt giáo lý tự do ấy, và đưa ra các bằng chứng vững vàng căn cứ vào kinh nghiệm theo Chúa lúc đầu của anh em tín hữu Ga-la-ti, vào Thánh Kinh Cựu Ước, vào lời hứa của Thượng Đế, vào đức tin gương mẫu của người theo Chúa thời xưa. Phao-lô rút tỉa giáo lý tự do từ bài học hai dòng giống, một của Sa-ra và một của A-ga, một dòng giống tự do và một dòng giống nô lệ. Phao-lô khẳng định rằng chúng ta thuộc dòng giống tự do, chúng ta là con của bà mẹ tự do.

Đến đây, tức là chương 5 câu 13 đến chương 6, Phao-lô chuyển qua phần thứ ba với đại ý là: “Người theo Chúa làm thế nào thực hành sự tự do trong cuộc sống hằng ngày.” Trong nếp sống thực tiễn, người theo Chúa muốn thật sự tự do phải thoát ly các sợi dây trói buộc tức là dục vọng của bản tính cũ, và nhờ sự hướng dẫn của Thánh Linh để tự do tiến bước trên con đường thánh thiện, đạo đức và hạnh phúc. Tự do không phải là phóng túng, buông trôi theo dục vọng, nhưng tự do để phục vụ lẫn nhau trong tình yêu thương, tự do để tình nguyện chia xẻ gánh nặng cho anh em, để phát huy đức yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lương, thành tín, hòa nhã, tự chủ. Tất cả sinh hoạt mới mẻ này đều hướng về cuộc đời vĩnh cửu, về kết quả đời đời.

Cuộc đấu tranh ở nội tâm người theo Chúa không phải chỉ là sự vật lộn giữa hai khuynh hướng thiện ác của con người. Sự vật lộn ấy loài người ai cũng có, người không tin Chúa cũng thường kinh nghiệm. Cuộc đấu tranh ở trong lòng người theo Chúa mà Phao-lô miêu tả đây là cuộc đấu tranh giữa “Thánh Linh và xác thịt” mà bản dịch mới gọi là “bản tính cũ.” Phao-lô viết :

Vậy tôi khuyên anh em đi theo sự hướng dẫn của Thánh Linh, để thoát khỏi dục vọng của bản tính cũ. Bản tính cũ thích làm những điều nghịch với Thánh Linh, cũng như Thánh Linh muốn anh em làm những việc trái với bản tính cũ. Hai bên luôn luôn tranh đấu nên anh em không thể làm điều mình muốn. Một khi anh em để Thánh Linh hướng dẫn, luật pháp không còn quyền trói buộc anh em.

Chúng ta lưu ý đến hai phe chiến đấu được miêu tả bằng hai bộ chữ chống đối nhau san sát:

I. Thánh Linh đối đầu với bản tính cũ, và sự hướng dẫn của Thánh Linh đối đầu với dục vọng của bản tính cũ.

II. Việc làm do Thánh Linh đối nghịch với việc làm của bản tính cũ.

I. THÁNH LINH ĐẤU TRANH VỚI BẢN TÍNH CŨ

Thánh Linh

Thánh Linh là Thần ban sự sống. Lúc Chúa sáng tạo loài người, sau khi dựng nên thể xác, cần có sự sống, Chúa hà sinh khí vào thể xác và con người trở nên hồn sống, trở thành một loài sanh linh như sách Sáng-thế Ký đã ghi. Thánh Linh là Đấng truyền sự sống mới của Chúa Cứu Thế vào cho người ăn năn tội lỗi, làm cho tâm linh người ấy sống động và có khả năng giao thông với Thượng Đế. Đó là ý nghĩa của câu “Tôi đã chịu đóng đinh trên cây thập tự với Chúa Cứu Thế. Tôi sống đây, không còn là tôi nữa, nhưng Chúa Cứu Thế sống trong tôi.”

Trong thư Ê-phê-sô 2:5, Phao-lô giải thích thêm:

Đang khi chúng ta chết về tội mình thì Ngài làm cho chúng ta sống với Chúa Cứu Thế, và Ngài làm cho chúng ta đồng sống lại và đồng ngồi nơi trên trời trong Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Thư II Cổ-Iinh 3:17-18, Chúa tức là Thánh Linh.

Thánh Linh của Chúa ở đâu thì sự tự do cũng ở đó. Chúng ta ai nấy đều để mặt trần mà nhìn xem vinh hiển Chúa như trong gương thì hóa nên giống như hình ảnh Ngài, từ vinh hiển qua vinh hiển, như bởi Chúa là Thánh Linh.

Bản tính cũ

Theo nghĩa đen, bản tính cũ là xác thịt, chỉ về bản tính tội lỗi hư hoại của con người. Bản tính cũ thích dành quyền tự do để làm bậy. Bản tính cũ luôn luôn nhân danh tự do để lạm dụng quyền tự do, quyến rũ con người đã theo Chúa làm những điều có vẻ vô hại nhưng thực sự là ô uế, là tội lỗi, là thái độ buông trôi, thả lỏng, một khuynh hướng chiều theo dục vọng, theo những đòi hỏi, những ham muốn của cả thể xác lẫn tinh thần. Chữ “dục vọng” theo nguyên tác chỉ về tất cả những ham muốn, đòi hỏi, thèm khát. Trong Thánh Kinh Tân Ước, trừ một lần dùng vào nghĩa khác, còn tất cả các câu dùng chữ này chỉ về ham muốn xấu xa.

Thánh Linh và bản tính cũ luôn luôn giao tranh ác liệt trên bãi chiến trường nội tâm của người theo Chúa, vì tâm tính cũ muốn dành giựt lại một phần lãnh thổ đã bị mất khi người ấy quyết định tiếp nhận Chúa vào lòng, tuy khi đó Thánh Linh muốn giúp người theo Chúa dứt khoát, đoạn tuyệt với những điều cũ xấu xa để dâng trọn tấm lòng cho Chúa Cứu Thế.

II. VIỆC LÀM DO THÁNH LINH ĐỐI NGHỊCH VỚI VIỆC LÀM CỦA BẢN TÍNH CŨ

Bản tính cũ thích làm những điều nghịch với Thánh Linh, trong khi Thánh Linh muốn anh em làm những việc trái với bản tính cũ. Cuộc đấu tranh không phải chỉ diễn ra giữa hai chủ soái là Thánh Linh và bản tính cũ, nhưng nhất cử nhất động của hai đạo quân đều nhằm đánh bại phe địch.

Việc làm hay hành động của Thánh Linh nhằm mục đích loại các hành động của bản tính cũ, trong khi các hành động của bản tính cũ nhằm chận đứng và vô hiệu hóa các hành động do Thánh Linh. Điều đáng lưu ý là cả Thánh Linh lẫn bản tính cũ đều hành động qua con người theo Chúa, sử dụng các giác quan và khả năng của người ấy để hành động. Vì thế người theo Chúa cảm thấy một cuộc chiến đấu dai dẳng, khi thì làm theo bên này, lúc thì làm theo bên kia. Mỗi khi theo bản tính cũ làm điều sai quấy thì người theo Chúa đau xót, buồn bã, ăn năn. Phao-lô giải thích câu “hai bên luôn luôn tranh đấu nên anh em không thể nào làm điều mình muốn” như sau:

Tôi không hiểu điều mình làm, tôi chẳng làm điều mình muốn, nhưng làm điều mình ghét. Song nếu tôi làm điều mình chẳng muốn thì bởi đó nhận biết luật pháp là tốt lành. Bấy giờ chẳng phải tôi làm điều đó nữa, nhưng ấy là tội lỗi ở trong tôi.

Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi (tức là bản tính cũ), bởi tôi có ý muốn làm điều lành nhưng không có sức làm trọn; vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn (Rô-ma 7:15-20).

Phao-lô kết thúc phần giải luận về cuộc đấu tranh nội tâm cách đắc thắng như sau:

Tôi cảm biết trong chi thể mình có một luật khác giao chiến với luật trong tâm trí, bắt tôi phải làm nô lệ cho luật của tội lỗi, tức là luật ở trong chi thể tôi. Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết này? Cảm tạ Thượng Đế, nhờ Chúa Cứu Thế Giê-xu là Chúa chúng ta.