Khảo Học Thư Ga-La-Ti (P29)

TRONG CHÚA HAY NGOÀI CHÚA II

(5:7-12)

Jesus and children

Hai địa vị “trong Chúa” và “ngoài Chúa” đưa đến hai số phận trái ngược kéo dài suốt cõi đời đời. Trong hiện tại, người trong Chúa và người ngoài Chúa không khác nhau mấy tí. Cả hai nhóm người ấy thường trà trộn lẫn nhau trong giáo hội, cùng nhóm một nhà thờ, cùng sinh hoạt trong một cộng đồng, cùng làm việc trong một nông trường hay công xưởng.

Người trong Chúa và người ngoài Chúa, đối với loài người nhiều khi khó phân biệt, nhất là những người cùng nhận mình là người theo Chúa, người Ki-tô hữu, người tín đồ của Chúa Jê-sus. Chúa Cứu Thế đã nói đến một ngày phán xét cuối cùng là ngày phân biệt chân giả, thực hư, hay nói theo ngôn ngữ Thánh Kinh là ngày chia rẽ chiên với dê, như trong Mã-thi 24:31-34, 41,46.

Từ liệu “trong Chúa” không những ngụ ý nói đến sự liên hợp hữu cơ với Chúa Cứu Thế như ta đã đề cập trong bài trước, nhưng còn chỉ về lĩnh vực bao la của sự cứu rỗi với những uy quyền và hạnh phúc mà Thượng Đế đã dành sẵn cho chúng ta. Điều kiện duy nhất để được bước vào lĩnh vực cứu rỗi mênh mông trong Chúa Cứu Thế là ăn năn tội, tin nhận Chúa Cứu Thế.

Nói cách khác, muốn bước vào lĩnh vực hạnh phúc vô biên và vĩnh cửu, con người phải được giải phóng khỏi lĩnh vực của ngục tù tội lỗi, của tất cả những cố gắng tự cứu lấy mình. Những cố gắng ấy đã hoàn toàn thất bại trong lịch sử loài người. Vì mặc dù do thiện chí đáng khen, nhưng những cố gắng ấy, xét cho cùng cũng chỉ là những nỗ lực của một tâm hồn đã bị căn bệnh tội lỗi phá hoại, luôn luôn dính dấp ít nhiều với tội lỗi, mà Thánh Kinh thường ví với bệnh cùi. Những cố gắng giữ mười điều răn luật pháp Mai-sen hay nghi lễ Cơ-đốc giáo có thể là những chiếc áo đẹp đẽ, quý giá nhưng một khi thân thể đã bị bệnh cùi phá hoại, thì dù mặc áo đẹp đẽ quý giá cũng chỉ có thể che được vết cùi lở lói, chứ không giải quyết được căn bệnh.

Chính vì thế mà Phao-lô giới thiệu Chúa Cứu Thế, vị bác sĩ duy nhất chữa được bệnh cùi tội lỗi. Chính vì thế mà Phao-lô nhấn mạnh “đức tin” để đối lập với “việc làm” theo luật pháp, đức tin hành động do tình yêu thương thúc đấy để đối lập với việc làm, việc giữ luật lệ, lễ nghi, do tinh thần nô lệ luật pháp và tinh thần nô lệ hóa con người nhân danh tôn giáo.

Chính vì thế mà Phao-lô nhấn mạnh Thánh Linh là nguồn sống mới, tức là Đấng ban sự sống thánh thiện, niềm hy vọng chắc chắn và kết quả hạnh phúc tốt đẹp cho tất cả những người tin nhận Chúa Cứu Thế, ở trong Chúa Cứu Thế. Trái lại, những người ở ngoài Chúa không có Chúa Thánh Linh nên dễ bị thần cảm giả mạo, bị các tà thần lừa dối, nên chỉ có hy vọng hão huyền và rốt cuộc phải thất vọng đắng cay.

I.  Thư Ga-la-ti chương 5 câu 1-12 giải luận về hai địa vị, hai thân phận trong Chúa. Chúng ta đã học qua 6 câu đầu trong bài trước. Đến câu 7 và 8, Phao-lô nhắc tín hữu Ga-la-ti thời kỳ họ mới bắt đầu theo Chúa để đối chiếu với tình trạng thê thảm hiện nay. Trong câu 9 Phao-lô viết:

Trước kia anh em đã thẳng tiến trên đường theo Chúa, nhưng ai đã ngăn chận anh em, không cho anh em vâng theo chân lý? Dĩ nhiên, Thượng Đế không bảo ai làm điều ấy, vì Ngài đã cho anh em hưởng tự do trong Chúa Cứu Thế. Một người nào đó đã hại anh em, một con sâu làm rầu nồi canh.

Từ ngày tin Chúa, mà Phao-lô gọi là “trước kia,” anh em tín hữu đã thẳng tiến trên con đường theo Chúa. Theo nguyên tác, động từ thẳng tiến là “chạy tốt.” Phao-lô ví cuộc đời người theo Chúa như một cuộc chạy đua. Bắt đầu ăn năn tội lỗi, tin nhận Chúa Jê-sus là bắt đầu một cuộc tranh đua ráo riết để chạy đến đích. Mục tiêu cao cả cuối cùng của người theo Chúa là Chúa Cứu Thế.

“Vâng theo chân lý” là phương pháp tiến tới trên con đường theo Chúa. Chữ chân lý chỉ về Lời Chúa, như Chúa Cứu Thế đã xác nhận “Lời Cha tức là chân lý.” Nghe một lời dạy của Chúa và vâng phục, thực hành lời ấy, là tiến một bước trên con đường theo Chúa, và tạo đà tiến thêm bước nữa, nhiều bước nữa. Trái lại nghe Lời Chúa mà lòng ngoan cố, không chịu vâng phục, là đứng yên tại chỗ hay lùi bước trong khi bạn mình đang thẳng tiến.

Giờ phút này, nếu chúng ta nghe lời Chúa dạy, phán bảo chúng ta tỏ ra một điều sai quấy, xin lỗi một người bạn vì đã làm thương tổn người ấy, hay Chúa bảo chúng ta nói về Chúa cho một người chúng ta học, một đồng nghiệp, một người láng giềng, chúng ta hãy vâng theo. Khi chúng ta tiếp tục vâng theo lời Chúa, chúng ta sẽ tiếp tục tiến lên, chạy tới, và tiến mãi không ngừng.

Trong bức thư gửi anh em tín hữu Phi-líp, Phao-lô khai triển ý nghĩa cuộc chạy đua của linh hồn trong Phi-líp 3:3-15a.

Câu “con sâu làm rầu nồi canh” theo nguyên tác là một ít men làm nổi dậy cả đống bột, đại ý là một nguyên nhân nhỏ gây tác hại lớn cho cả một đoàn thể. Trong trường hợp này, một tí tà thuyết pha trộn với Phúc Âm làm hỏng cả một Hội Thánh, một đoàn thể đông đúc.

II.  Đến câu 10, Phao-lô nảy sinh niềm hy vọng. Ông viết:

Nhưng tôi tin chắc Chúa sẽ dìu dắt anh em trở về đường chính để anh em có đồng một đức tin như chúng tôi. Còn người gây xáo trộn cho anh em sẽ bị Chúa trừng phạt, mặc dù người đó là ai.

Phao-lô sáng suốt nhận định rằng dù đã lỡ lầm nghe lời các giáo sư giả mạo, nhưng anh em tín hữu Ga-la-ti vẫn còn hy vọng. Hy vọng ấy là bỏ đường sai lạc để trở về đường chính đáng. Họ đã tẻ tách đường lối Chúa, nay cần phải trở về đúng chồ đã tẻ tách, ăn năn điều lầm lỗi và quay về với Chúa Cứu Thế Giê-xu, với con đường Phúc Âm thẳng tắp mà Chúa đã vạch rõ. Và như thế tức là anh em Ga-la-ti có thể trở lại với niềm tin thuần chánh đúng như Chúa Cứu Thế đã dạy.

Tuy nhiên, người gây xáo trộn tức là giáo sư Do-thái đã giảng dạy thuyết sai lầm làm đảo lộn trật tự, bình an và đức tin của tín hữu Ga-la-ti, người ấy không thoát khỏi sự trừng phạt công minh của Thượng Đế.

III.       Phao-lô viết tiếp:

Thưa anh em, có người bảo: Phao-lô vẫn dạy người ta phải chịu cắt bì. Nếu chuyện ấy có thật, hẳn tôi không còn bị khủng bố nữa, vì có ai chống đối điều ấy đâu! Nhiều người chỉ chống trả kịch liệt khi nghe nói Chúa Cứu Thế hy sinh trên cây thập tự để cứu rỗi loài người. Thiết tưởng những người thích cắt bì, gây rối loạn cho anh em, thà tự cắt mình còn hơn (5:11-12).

1.  Đã giảng dạy Phúc Âm minh bạch như thế, mà Phao-lô vẫn bị tố cáo ngược hẳn sự thật. Tại sao bọn giáo sư giả tố cáo Phao-lô vẫn dạy người ta phải chịu cắt bì? Có người cho rằng vì thỉnh thoảng Phao-lô cũng làm cắt bì cho tín hữu như trường hợp Ti-mô-thê trong sách Công Vụ 16:3.

Xét kỹ Ti-mô-thê là người Do-thái, mẹ Do-thái, cha Hy- lạp, nên chịu cắt bì là việc đương nhiên của người Do-thái. Phao-lô từ ngày tin Chúa, luôn luôn chủ trương rằng, người không phải gốc Do-thái muốn được cứu rỗi chỉ cần tin nhận Chúa Cứu Thế Jê-sus chứ không cần chịu cắt bì như người Do-thái, và trên hết, Phao-lô luôn luôn giữ vững lập trường này.

Một khi Chúa Cứu Thế Jê-sus đã ban cho ta sự sống vĩnh viễn, chúng ta không cần quan tâm đến việc chịu cắt bì hay không, giữ luật pháp hay không. Điều quan trọng là hành động theo tình yêu thương để chứng tỏ đức tin mình (5:6).

2 . Phao-lô liên tiếp chịu đựng các đợt bắt bớ, khủng bố, chỉ vì ông truyền giảng Chúa Cứu Thế hy sinh trên cây thập tự, nhờ sự chết của Chúa mà cả loài người được cứu rỗi khi tin nhận Ngài, chứ không cần chịu lễ cắt bì hay bất cứ lễ nghi, luật lệ tôn giáo nào để được cứu rỗi. Điều khiến cho mọi người ngạc nhiên là Phúc Âm bị chống đối dữ dội và liên tục vì một số đông người không chịu chấp nhận phương pháp cứu rỗi đơn giản đó. Họ cho rằ ng ngoài sự hy sinh của Chúa Cứu Thế, họ cũng phải làm thêm một cái gì, một công đức, một lễ nghi, một điều thiện, bất cứ một việc gì dù khó khăn, thì họ mới xứng đáng được cứu rỗi.

Chúa Cứu Thế như luôn luôn nhắc nhở chúng ta:

Con được cứu rỗi không phải vì con xứng đáng, vì công đức riêng của con hay vì những thánh lễ con đã chịu, nhưng chỉ vì ta yêu con, ta chịu chết thế cho con trên cây thập tự, ta đã trả một giá lớn lao tuyệt đối để đảm bảo sự cứu rỗi đời đời cho con, và cho hàng nghìn triệu người khắp thế giới.