Khảo Học Thư Ga-La-Ti (P27)
HAI GIAO ƯỚC
(4:21-31)
Thánh Kinh là lời của Đức Chúa Trời phán dạy loài người qua ngòi bút các đầy tớ Chúa được Thánh Linh cảm động. Thánh Kinh gồm các lời dạy trực tiếp Chúa truyền cho loài người, từ các tổ phụ dòng dõi thánh, các thầy tế lễ, các tiên tri đến các sứ đồ. Thánh Kinh cũng gồm phần lịch sử một dân tộc, một dòng dõi dọn đường cho Chúa Cứu Thế xuống đời, phần thi văn ca tụng Chúa của các nhà thơ, tiểu sử cuộc đời Chúa Cứu Thế, lịch sử hình thành và phát triển Hội thánh thời các sứ đồ, các bức thư mấy sứ đồ gửi cho Hội thánh địa phương hay cho một số tôi tớ con cái Chúa và các lời tiên tri về các diễn biến tương lai của Hội thánh và nhân loại cho đến ngày Chúa trở lại địa cầu thiết lập Nước Đời Đời không bao giờ sụp đổ.
Muốn tìm hiểu Thánh Kinh, trước hết ta phải hiểu theo nghĩa đen, vì phần lớn Thánh Kinh được viết ra theo nghĩa đen. Ví dụ các huấn lệnh của Chúa, các biến chuyển trong gia đình các bậc thánh tổ, các diễn biến lịch sử Trung-đông và thế giới, các lời dạy và hoạt động của Chúa Cứu Thế cũng như các lời khuyên răn của các sứ đồ, theo đúng sự dìu dắt của Chúa Thánh Linh.
Chỉ có một phần nhỏ trong Thánh Kinh được dùng theo nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ, nghĩa ngụ ngôn. Các ngụ ngôn của Chúa Cứu Thế, một số các lời tiên tri nhất là sách Khải thị, các nghi thức thờ phượng, các loại tế lễ, phẩm trật thầy tế lễ. Một số các bài thơ trong Thi thiên, Nhã ca đã được viết theo nghĩa bóng, vì thế người học Thánh Kinh phải tìm hiểu các đoạn văn ấy theo nghĩa bóng.
Bức thư Hê-bơ-rơ là một khuôn mẫu giải nghĩa các tài liệu Cựu Ước theo nghĩa bóng. Thư Ga-la-ti mà chúng ta đang học hỏi cũng có một đoạn văn giải thích nhân vật và địa điểm trong Thánh Kinh theo nghĩa bóng. Đoạn văn ấy trong Ga-la-ti 4:21-31. (Xem Ga-la-ti 4:21-31).
I. (21-25) Vì các tín hữu Ga-la-ti thích tự hào về luật pháp Do-thái, nên Phao-lô lấy ngay kinh điển luật pháp tức là Thánh Kinh Cựu Ước để giảng giải cho họ.
Hai nhân vật nổi bật trong đoạn văn Ga-la-ti này là Sa¬ra và A-ga. Cả hai đều là vợ của Áp-ra-ham, cả hai đều sinh con trai. Nhưng thân phận của hai bà mẹ cũng như của hai người con trai ấy khác xa nhau một trời một vực. A-ga là một người nô tỳ, sinh một đứa con trong một hoàn cảnh ép buộc, rồi sau một thời gian vì con A-ga lấn áp con Sa-ra, nên cả hai mẹ con bị tống đuổi ra khỏi nhà, đi lang thang lưu lạc giữa sa mạc, rốt cuộc được Chúa thương xót, cứu giúp, bảo toàn mạng sống.
Sa-ra là một người nữ tự do, làm vợ chính của Áp-ra- ham. Tuy hai vợ chồng đã gần đầy trăm tuổi, nhưng được Chúa hứa cho một người con trai nối dòng dõi. Quả nhiên sau thời gian dài chờ đợi, Sa-ra sinh Y-sác đúng theo lời hứa của Chúa.
Phao-lô giải thích: các việc ấy có nghĩa bóng, hai bà là hai giao ước. Theo bản dịch mới:
Chuyện ấy tượng trưng cho hai giao ước là Thượng Đế ban hành luật pháp trên núi Si-nai để dân Ngài vâng giữ. Núi Si-nai, người Ả-rập gọi là núi A-ga theo tên người mẹ nô lệ – chỉ về Giê-ru-sa-lem hiện nay, vì thành phố ấy là thủ đô của dân tộc làm nô lệ cho luật pháp.
Phao-lô dùng điển tích Cựu ước để làm sáng tỏ hai giao ước qua hình ảnh hai tổ mẫu của hai dòng dõi lớn. Một bên là A-ga – Si-nai – Giê-ru-sa-lem Do-thái: có luật pháp và ách nô lệ; bên kia là Sa-ra – Thánh Linh – Giê-ru-sa-lem trên trời: có lời hứa và tự do.
Các yếu tố A-ga – Si-nai – Giê-ru-sa-lem Do-thái và luật pháp được Do-thái giáo kết hợp thành một hệ thống giáo điều cứng ngắt làm nô lệ hóa con người.
Còn các yếu tố Sa-ra – Thánh Linh – Giê-ru-sa-lem trên trời và lời hứa được Chúa Cứu Thế tạo lập thành một con đường cứu rỗi, giải phóng loài người khỏi mọi hình thức nô lệ, cả tinh thần lẫn thể xác.
Si-nai là một ngọn núi trong bán đảo Si-nai, trên ấy một thiên sứ đã truyền luật pháp cho Mai-sen, nhằm mục đích chuẩn bị lòng người và dọn đường cho Chúa Cứu Thế xuất hiện. Nhưng người Y-sơ-ra-ên và các giáo sư Do-thái đã hiểu sai mục đích và vai trò luật pháp tốt lành của Chúa. Họ biến chế luật pháp ấy thành một thứ xiềng xích lao tù, chỉ có thể làm nô lệ hóa con người và làm cho con người tự kiêu tưởng rằng mình đã đạt đến mức thánh thiện, không cần đến Chúa Cứu Thế, đến ân phúc và quyền năng đổi mới của Ngài.
II. Sa-ra tượng trưng cho giao ước mới, cho lời hứa Chúa được thực hiện, cho một dòng dõi sinh thành bởi Thánh Linh, cho sự giải phóng và tự do thật của những con người tuy thân thể còn bước đi dưới đất mà thật sự đang ngồi với Chúa Cứu Thế tại các nơi cao trên trời, thật sự bước đi trong thành phố Giê-ru-sa-lem trên trời là thủ đô của tự do thật. Phao-lô khẳng định:
Mẹ chúng ta là Giê-ru-sa-lem tự do trên trời, không bao giờ làm nô lệ. Tiên tri Ê-sai đã viết:
‘Nay, người nữ son sẻ, hãy hân hoan!
Người nữ chưa hề sinh con, hãy reo mừng!
Vì Ta sẽ cho ngươi con đàn cháu đống,
Con cái ngươi sẽ nhiều hơn của người nữ đông con.’
Thưa anh em, chúng ta là con cái sinh ra theo như lời hứa như Y-sác ngày xưa. Sa-ra tự do thế nào, con cái và dòng dõi Sa-ra cũng tự do thể ấy. Hơn nữa, Sa-ra cũng tượng trưng cho Giê-ru-sa-lem trên trời là nơi Chúa ngự. Sách Khải thị nói về Giê-ru-sa-lem mới:
Là thành thánh từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống, sửa soạn sẵn như một người vợ mới cưới trang sức cho chồng mình.
Tôi nghe một tiếng lớn từ nơi ngai mà đến, nói rằng: Này đền thờ của Đức Chúa Trời tọa lạc giữa loài người. Ngài sẽ ở với họ và họ sẽ làm dân Ngài. Chính Đức Chúa Trời sẽ ở với họ, Chúa sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt họ, sẽ không có sự chết, cũng không còn than khóc, kêu ca hay là đau đớn nữa, vì những việc thứ nhất đã qua rồi (Khải thị 21:2-4).
Giê-ru-sa-lem của người Do-thái bao nhiêu lần phải cúi đầu làm nô lệ cho kẻ thù, nhưng mỉa mai nhất là Giê-ru-sa-lem ấy vênh váo làm nô lệ cho hệ thống giáo điều luật pháp Do-thái giáo và còn lên mặt dạy đời, lôi cuốn hàng triệu người trong các dân tộc khác vào vòng nô lệ.
Lời hứa quý báu đã dành cho Giê-ru-sa-lem trên trời là bà mẹ tự do của chúng ta. Nói cách khác, vì được sinh ra trong dòng giống tự do, chúng ta được Chúa hứa sẽ gia tăng đông đảo. Những người được chúng ta dìu dắt đến với Chúa và được nhập vào gia đình Chúa sẽ đông như sao trên trời, như cát dưới biển, theo lời Chúa hứa trong Sáng 15:5 và 22:17.
Có lẽ nhiều lúc chúng ta nản lòng thất vọng, vì thấy mình chưa đem được ai đến với Chúa. Chúng ta đừng ngã lòng, chúng ta cứ sống cho Chúa và nói về Chúa, mặc dù bị hiểu lầm chống đối. Con cái thuộc linh của chúng ta sẽ nhiều đến mức chúng ta không ngờ nếu chúng ta thật là người do Thánh Linh sinh thành, như câu 29 đã nói và chúng ta biết chia rẽ, từ bỏ với những vật, những điều, những người ngăn trở chúng ta.
III. Từ câu 29-31, Phao-lô viết:
Ngày nay, chúng ta là người do Thánh Linh sinh thành vẫn bị người lệ thuộc luật pháp bức hại, buộc chúng ta phải vâng giữ luật pháp, chẳng khác gì ngày xưa Y-sác, con sinh ra theo lời hứa, bị ích-ma-ên con của người nô lệ chèn ép.
Theo Thánh Kinh, Áp-ra-ham phải đuổi người vợ nô lệ và con trai nàng, vì con trai người nô lệ không được quyền thừa kế với con trai của người vợ tự do. Thưa anh em, chúng ta không phải là con trai của người nô lệ, nhưng con của bà mẹ tự do.
Người tự do là người được Chúa Thánh Linh sinh thành đúng theo lời hứa cứu rỗi của Đức Chúa Trời, trong khi mọi người sinh ra theo công lệ, theo khí huyết, tính dục, theo ý người đều bị trói buộc trong vòng nô lệ tinh thần. Phúc Âm đã diễn tả ý ấy như sau:
Tất cả những người tiếp nhận Chúa Cứu Thế đều được quyền làm con Thượng Đế, những người ấy do Thượng Đế sinh thành chứ không sinh ra theo khí huyết, theo tình dục hay ý định con người.
Trong câu “ngày nay, chúng ta là người do Thánh Linh sinh thành vẫn bị người lệ thuộc luật pháp bức hại,” động từ “bức hại” có thể dịch là bắt bớ, khủng bố. Sự bức hại có nhiều hình thức, nhưng hình thức có vẻ nhẹ nhàng nhưng nguy hiểm nhất là bức hại tinh thần, là ép buộc chúng ta phải vâng giữ một thứ luật pháp nào đó để được cứu rỗi, và dụng ý phủ nhận giá trị tuyệt đối của huyết Chúa Cứu Thế đổ ra trên cây thập tự.
Phải phân rẽ với tinh thần nguy hiểm đó, vì nếu không sớm muộn nó sẽ lừa chúng ta vào vòng nô lệ, vì nó không có quyền hưởng cơ nghiệp cứu rỗi dành cho người được Chúa Cứu Thế giải phóng khỏi tội lỗi, dành cho con tinh thần, con của bà mẹ tự do, con của Chúa Thánh Linh.