Khảo Học Thư Ga-La-Ti (P25)

NẾP SỐNG MỚI

(4:8-11)

Giang 21.15

So sánh cuộc đời quá khứ trước khi tin Chúa và thời gian sau khi tin Chúa là một việc hữu ích và bao gồm nhiều ý nghĩa. Lắm khi vì trải qua nhiều gian lao thử thách, con người theo Chúa bị hiện tại chi phối mà quên lần cái kinh nghiệm vinh quang mà Chúa gọi là kinh nghiệm “từ tối tăm qua sáng láng, từ quyền lực quỷ Sa-tan mà đến Đức Chúa Trời.” Sứ đồ Phao-lô đã khuyên anh em tín hữu Ga-la-ti so sánh đời sống cũ và đời sống mới trong Chúa trong thư Ga- la-ti 4:8-11. Tiếp liền theo đó là một lời kêu gọi thiết tha ở chương 4 câu 12-20 (Xem Ga 4: 8-20).

Phao-lô trở lại điểm khởi đầu, là lý do ông viết bức thư này cho anh em tín hữu Ga-la-ti. Ông phải viết thư vì họ đã tẻ tách con đường cứu rỗi của Phúc Âm mà quay lại nhờ các việc làm theo luật pháp Do-thái giáo để mong được cứu rỗi.

Sau khi xét từng khía cạnh của “loại Phúc Âm pha trộn” này và nêu lên các luận cứ bác bỏ “đường lối sai lạc” ấy, Phao-lô đã vạch rõ quyền lợi của người con trưởng thành trong Chúa và sự tự do thật của những người đã được Chúa giải phóng khỏi mọi thứ tội lỗi và xiềng xích tinh thần. Vì thế đến đây, Phao-lô có thể áp dụng mạnh mẽ và chặt chẽ các sự thật ấy vào cuộc đời anh em tín hữu Ga-la-ti.

I. Nhằm mục đích đối chiếu hai cảnh trái ngược nhau, Phao- lô nhắc lại cuộc đời quá khứ của các tín hữu Ga-la-ti:

Ngày trước anh em không biết Thượng Đế, nên làm nô lệ cho những thần linh giả tạo. Ngày nay, anh em đã gặp Thượng Đế, hay đúng hơn Thượng Đế đã tìm gặp anh em, sao anh em còn quay lại làm nô lệ cho những giáo lý rỗng tuếch vô dụng ấy? Anh em còn giữ ngày, tháng, mùa, năm làm gì? Tôi lo ngại cho anh em. Tôi sợ rằng công lao khó nhọc của tôi hóa ra vô ích.

Từ liệu “ngày trước” bao gồm cả quá khứ trước khi tin Chúa.

1.  Đây là một quá khứ tối tăm, đày ải, nhục nhằn của thời gian làm nô lệ, nô lệ cho những vị thần giả tạo. Các vị thần thực ra không phải là thần. Thánh Kinh cho biết có những thần linh được gọi là quỷ hay ác quỷ tà linh hoạt động dưới quyền thống trị của Sa-tan, đồng thời có những thiên sứ thánh thiện hoạt động dưới quyền Thượng Đế.

Những người Ga-la-ti ngày trước đã làm nô lệ cho những vị thần giả tạo, thực ra không phải là thần ác hay thần thiện. Phao-lô muốn nói đến các thần tượng do con người tạo ra để thờ phượng cúng tế, những vị thần ấy chỉ là phóng ảnh của con người tưởng tượng ra, hoặc chỉ là những hiện tượng thiên nhiên như gió, bão, sấm sét, v.v… hoặc những tạo vật do Chúa dựng nên như mặt trời, mặt trăng, các hành tinh, các định tinh, v.v… có khi cả con người cũng được thần thánh hóa để người khác tôn thờ.

2.  Một khía cạnh khác của cuộc đời tăm tối, khổ nhục ấy là con người sống mà không biết Chúa. Không biết Thượng Đế là Đấng sáng tạo vũ trụ, không biết Chúa là Đấng sinh thành dòng giống loài người, không biết Chúa Cứu Thế đã hy sinh trên cây thập tự để cứu rỗi mình. Có nghe nói đến Thượng Đế, đến Thiên Chúa, đến Chứa Cứu Thế, là họ nghe những lối trình bày xuyên tạc nên một số người lầm tưởng rằng không có Thượng Đế hay Thiên Chúa.

Một số khác cho rằng dù có Chúa đi nữa, Chúa cũng không liên hệ gì đến đời sống họ. Một số khác lập luận rằng có Chúa hay không, không thể nào biết được, Chúa có liên hệ đến loài người không, ta cũng không thể nào hiểu được, và kết luận rằng đó là chuyện bất khả tri. Sống không có Chúa thật là thê thảm! Sống không có Chúa chẳng khác gì con cá lạc vào chỗ không có đích.

II. Từ liệu “ngày nay” đem chúng ta trở về với hiện tại với thời kỳ hạnh phúc, với chuỗi “ngày trời trên mặt đất.” Ngày nay, người theo Chúa có hai đặc điểm: biết Chúa và được Chúa biết, hay “tìm gặp Chúa và được Chúa tìm gặp.”

1.   “Biết Chúa.” Một người vô tín hay hoài nghi, một người thường cho rằng không thể biết về Chúa, một người đang bị một thần tượng chi phối cả cuộc đời, thình lình được nghe tiếng gọi từ ái của Chúa. Những người ấy như bừng tỉnh, ra khỏi giấc mộng mị triền miên và nhìn nhận Chúa có thật, Chúa đang kêu gọi mình, nói chuyện với mình, rằng mình có thể biết Chúa, có thể hiểu được tiếng gọi của Chúa, cảm được tình thương của Chúa. Một bức màn tối tăm như đã được xé toang trong tâm trí, để ánh sáng của Chúa rọi thấu vào. Những người ấy có cảm giác như người mù được sáng, như người đang sờ soạng trong hang tối âm u thình lình ra đến chỗ có ánh mặt trời.

Những người ấy thình lình tìm gặp Chúa. Những người ấy biết Chúa là ai, Chúa đã làm gì cho mình. Những người ấy ý thức được rằng Chúa là Đấng yêu thương, là nguồn sự sống của mình. Những mớ giáo điều khô khan tẻ ngắt không có nghĩa lý gì đối với họ. Khi gặp Chúa, họ biết Ngài đang sống, đang ở bên mình, đang đi vào cuộc đời mình, đang đưa tay ôm choàng lấy họ, tiếp đón họ như Cha âu yếm và khoan dung hoan nghênh đứa con lạc loài trở về tổ ấm của gia đình.

Biết Chúa không còn hạn hẹp ở lĩnh vực tri thức suông, nhưng cả trong lĩnh vực cảm tình và hoạt động, biết Chúa trong kinh nghiệm bản thân.

2 .   Nói đúng hơn Chúa đã tìm gặp họ, họ đã được Chúa biết đến. Thực ra Chúa đã biết họ từ lâu như Phao lô nói từ khi họ còn trong lòng mẹ.

Chúng ta là người tin Chúa, có lẽ chúng ta không ngờ rằng Chúa đã lưu ý đến chúng ta trước khi chúng ta chào đời với ba tiếng khóc. Chúa đã trìu mến theo dõi từng ngày mỗi hành động, mỗi quyết định, mỗi khúc quanh trong cuộc đời chúng ta. Do một sự giúp đỡ huyền diệu thường được gọi là Thần hựu, Chúa đã dìu dắt chúng ta qua thời thơ ấu, bảo vệ chúng ta trong tuổi thanh thiếu niên qua những bước thăng trầm, qua những gian khổ hiểm nghèo để đưa chúng ta đến với Chúa Cứu Thế Jê-sus.

Khi nói đến kinh nghiệm tin Chúa, chúng ta thường nói “ngày tôi theo Chúa” hay “ngày tôi tìm gặp Chúa” nhưng thật ra phải nói “ngày Chúa tìm gặp tôi” mới đúng. Thật ra Chúa đi tìm chúng ta như người chăn chiên đi khắp rừng núi, hang sâu, động tối để tìm con chiên lạc. Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi sự chết tâm linh. Chúa đã giải phóng chúng ta khỏi ngục tối tội lỗi xiềng xích của luật lệ tôn giáo cũ.

Một khi chúng ta theo Chúa, Chúa lưu ý đến chúng ta, gìn giữ, chăm sóc chúng ta như “con ngươi của mắt Ngài.” Tác giả Thi thiên 139:2 viết: “Chúa biết tôi khi ngồi, lúc tôi đứng dậy, từ xa Chúa biết các ý tưởng tôi.” (Xem Thi-thiên 139:13) Chúa biết chúng ta rõ ràng như thế vì Chúa đã dành một chỗ trong lòng Ngài cho chúng ta. Tiên tri Ê-sai nói: “Khi những kẻ kính sợ Chúa nói chuyện cùng nhau thì Chúa Hằng Hữu luôn nghe và một sách ghi nhớ được chép trước mặt Ngài …”

Nếu chúng ta dễ bị người khác hiểu lầm, bị lên án oan ức, chúng ta nên biết Chúa biết rõ, Chúa sẽ đem mọi việc trong tối tăm ra ánh sáng, Chúa sẽ thưởng phạt xứng đáng và minh oan cho chúng ta.

III.  Không thể quên đường lối cũ. Sau khi đối chiếu hai thời kỳ trước và sau khi theo Chúa của người tín hữu Ga-la- ti, Phao-lô đặt hai câu hỏi: Sao anh em còn quay lại làm nô lệ cho những giáo lý rỗng tuếch và vô dụng ấy? Anh em còn giữ ngày, tháng, mùa, năm làm gì?

1.  Đã biết Chúa vã được Chúa biết đến, sao anh em còn quay lại làm nô lệ cho những giáo lý rỗng tuếch, vô dụng ấy?

Đã thoát ách nô lệ lại đưa đầu vào tròng nô lệ lần nữa, thật là dại dột không tưởng tượng được! Hành động ấy thật là vô lý và vô cùng nguy hiểm, vì một khi bỏ Chúa để mắc vào vòng nô lệ thứ hai thì biết nhờ ai giải thoát? Họ làm nô lệ cho “những giáo lý rỗng tuếch và vô dụng.” Theo nguyên tác, cũng có thể dịch là những điều sơ đẳng yếu ớt và nghèo nàn tồi tệ.

Luật pháp Mai-sen vốn là tốt lành và đóng vai người giám hộ trong khi chờ đợi Chúa Cứu Thế thực hiện chương trình cứu rỗi. Tuy nhiên, người Do-thái đã sửa đổi, thêm bớt luật pháp ấy, biến nó thành một hệ thống giáo điều giáo luật cứng ngắt. Do-thái giáo vừa yếu đức tin, bất lực vì không thể kềm chế nỗi dục vọng của con người, vừa rỗng tuếch vì họ đã đánh mất nội dung luật pháp là lòng nhân từ của Chúa. Do-thái giáo cũng “vô dụng” vì không cứu rỗi được con người mà còn “nghèo nàn tồi tệ” vì có tính cách luân lý sơ đẳng, chỉ lo giữ hình thức luật pháp mà không có tinh thần của luật pháp, chỉ hẹp hòi theo văn tự mà lạc mất ý nghĩa sâu xa của luật pháp.

2.  Anh em còn giữ ngày, tháng, mùa, năm làm gì?

Trở về với Do-thái giáo và luật pháp, họ phải giữ các ngày Sa-bát tức là ngày thứ bảy. “Tháng” chỉ về những ngày trăng mới đánh dấu một tháng mới của lịch Do-thái. “Mùa” chỉ về các mùa lễ, lễ Vượt qua, lễ Đầu mùa, lễ Lều tạm, lễ Chuộc tội, v.v… Thật là mỉa mai họ quay về giữ những mùa lễ ấy sau khi Chúa Cứu Thế là Chiên con lễ Vượt qua đã hy sinh và hoàn thành kế hoạch chuộc tội cho họ. “Năm” chỉ về các năm Sa-bát và năm hân hỉ theo luật Mai-sen.

Phao lô lo ngại rằng một khi đám tín hữu dại dột ở Ga-la-ti quay về với Do-thái-giáo, thì công khó ông dìu dắt, giảng dạy, gây dựng họ trước kia trở thành vô ích và uổng phí. Nhưng tạ ơn Chúa, nhờ Chúa đã đánh thức các tín hữu ấy, lời Chúa đã đem lại sức sống mạnh mẽ cho họ, lời Chúa đã phục hưng họ.