Khảo Học Thư Ga-La-Ti (P20)
ĐỨC TIN CỦA ÁP-RA-HAM (3:6-9)
Trên đường theo Chúa, chúng ta thường được nhiều kinh nghiệm thích thú, đầy ý nghĩa. Từ ngày quỳ gối dưới chân Chúa Cứu Thế với tấm lòng ăn năn và đức tin chân thành, chúng ta đã được Chúa giải phóng khỏi ngục tù tội lỗi, thói xấu, tật hư.
Chúng ta kinh nghiệm một sự tự do thật trong linh hồn: tâm linh được tự do đến gần ngai ân phúc và tìm được ân huệ để đáp ứng mọi nhu cầu; tâm hồn chúng ta được cởi mở và phát triển sinh hoạt tri thức, cảm tính, hoạt động thoát ra khỏi vòng vị kỷ và tập trung vào Chúa và những người yêu Chúa.
Chúng ta ngày càng hiểu thêm những chân lý kỳ diệu của Phúc Âm. Lời Thánh Kinh trở thành ngọt ngào, đầy bổ dưỡng. Chúng ta không còn giận, ghét những người vô tình hay cố ý làm hại mình nhưng yêu thương cầu nguyện cho họ. Mặc dù tình hình đổi thay vô thường, niềm vui của chúng ta trong Chúa không bao giờ cạn tắt. Sự bình an tràn ngập trong tâm hồn chúng ta, mặc dù ngoại cảnh như giống tố, bão táp đe dọa.
Hoạt động của chúng ta không còn do dục vọng thúc đẩy. Chúng ta không muốn chạy theo số đông theo tâm lý về hùa hay phản ứng ngược lại người khác để chứng tỏ mình có quyền tự chủ. Hành động chúng ta được quyết định theo nguyên tắc yêu thương: yêu Chúa và yêu người. Có những việc có vẻ hợp lý và hợp thời nhưng tình yêu người không cho chúng ta làm. Trái lại có những công tác có vẻ vô lý, mạo hiểm và thiệt thòi cho bản thân, nhưng chúng ta vẫn cương quyết thực hiện cho tới cùng chỉ vì lòng yêu Chúa. Loại bỏ những hành động theo lập trường tiêu cực nhưng tập trung vào và khai triển những công tác đem lại lợi ích chung và trường cửu, điều đó trở thành một nếp sống của người theo Chúa.
Tất cả các sinh hoạt ấy của người mới trong Chúa là bông trái sự sống của Chúa Thánh Linh đang ngự trong những người theo Chúa. Chúa Thánh Linh đang tác động trong tâm khảm của con người được huyết Chúa tấy sạch và biến đổi con người ấy ngày càng giống Chúa Giê-xu.
Chương 3 và 4 của thư Ga-la-ti là phần giải luận thần học. Vấn đề thần học cần giải quyết là: con người được Thượng Đế tiếp nhận và cứu rỗi vì vâng giữ luật pháp, lễ nghi tôn giáo hay vì tin Chúa Cứu Thế?
Để giải đáp, Phao-lô dùng 9 luận cứ liên tiếp trong chương 3 và 4 để giải đáp vấn đề ấy. Luận cứ thứ nhất, chúng ta đã đề cập trong bài trước, là kinh nghiệm những ngày mới theo Chúa của người Ga-la-ti. Chỉ nhờ nghe và tin mà họ kinh nghiệm được quyền năng Thánh Linh.
Kinh nghiệm bản thân tuy quý giá nhưng tự nó không phải là tiêu chuẩn tuyệt đối, vì dù kinh nghiệm phong phú đến đâu, nhưng không phải ai cùng cảnh ngộ cũng có kinh nghiệm hoàn toàn giống nhau, không ai có kinh nghiệm hoàn toàn khả dĩ làm khuôn vàng thước ngọc cho mọi người. Tuy nhiên, kinh nghiệm có giá trị thực tiễn. Kinh nghiệm của người theo Chúa là Phúc Âm đi vào cuộc đời, là chân lý Phúc Âm được đem ra thực hành.
Vì thế, sau khi viết về kinh nghiệm của các tín hữu Ga- la-ti trong những ngày đầu theo Chúa, trong chương 3 câu 6-9 , Phao-lô viện dẫn Thánh Kinh Cựu Ước để giải đáp vấn đề: con người được Chúa tiếp nhận và cứu rỗi vì vâng giữ luật pháp lễ nghi Mai-sen hay vì tin Chúa Cứu Thế?
Tác giả phải viện dẫn Thánh Kinh vì Thánh Kinh là lời phán dạy của Thượng Đế, Thánh Kinh gồm các chân lý mà Chúa khải thị cho loài người, và Thánh Kinh là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá các lý thuyết, giáo điều và phân biệt chân giả.
Luận cứ thứ nhì của Phao-lô trong chương 3 và 4 trở về với Thánh Kinh Cựu Ước, Phao-lô nêu trường hợp của Áp-ra-ham. Thánh Kinh đã viết gì về Áp-ra-ham? (đọc 3:6-9) Thánh Kinh ghi rất nhiều về con người đức tin đó.
Áp-ra- ham là một trong bốn nhân vật được Thánh Kinh Cựu Ước nói đến nhiều nhất, đứng sau Chúa Cứu Thế và đứng trước Mai-sen và Đa-vít.
ÁP-RA-HAM
Mấy chữ “thử xem” hoặc có thể dịch “Chính như Áp-ra-ham tin Thượng Đế” được Phao-lô dùng để chuyển ý và xác nhận rằng kinh nghiệm theo Chúa buổi đầu của anh em Ga-la-ti có một căn bản vững vàng, đó là lời Thánh Kinh viết về Áp-ra-ham. Thánh Kinh đã chép tỉ mỉ về Áp-ra-ham. Ông là “tổ phụ của nhiều dân tộc,” chẳng những các dân tộc Á-rập ở tản mác khắp Trung đông và dân Y-sơ-ra-ên, nhưng cũng là tổ phụ của tất cả những người có đức tin nơi Chúa ở khắp các dân tộc.
Con người được xem là gương mẫu số một của những người theo Chúa trong thời Cựu Ước cũng nhờ đức tin mà được đẹp lòng Thượng Đế. Thánh Kinh cho biết như thế. Đức tin là nguyên tắc sống của Áp-ra-ham. Ông đã tin Thượng Đế, tin lời Ngài phán dạy, tin lời hứa của Ngài. Ông đã nghe và tiếp đón lời Chúa, chấp nhận lời Chúa là sự thật. Mặc dù ông chưa thấy điều Chúa hứa được thực hiện, nhưng vì Chúa hứa là Chúa làm, nên Áp-ra-ham kể những sự chưa có như có rồi, không cần lưỡng lự, phân vân.
Động từ “kể” được dịch là “nhìn nhận” trong câu Thượng Đế kể ông là người công chính, là một động từ chuyên môn để chỉ về việc kết toán sổ sách.
KỂ
“Kể” không có nghĩa là cố gắng coi như tạm được, nhưng là ghi một con số, một số tiền, một tài sản vào sổ sách trên căn bản kế toán vững vàng, tức là phải có rồi mới ghi vào. Thánh Kinh thường dùng hình ảnh người mắc nợ để diễn tả thân phận của người có tội. Một khi Thánh Kinh đã quả quyết rằng “mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Thượng Đế,” thì còn ai vô tội đâu, kể cả Áp-ra-ham. Ai cũng mắc nợ cả, ai cũng thiếu hụt cả, ai cũng là người có tội cả. Thế nhưng vì đức tin của người theo Chúa như Áp-ra-ham, Thượng Đế đã ghi vào sổ sách rằng món nợ tội lỗi của đương sự đã được trả xong, đồng thời Thượng Đế cũng ghi vào sổ sách rằng tất cả gia tài vô giá của Ngài dành được chuyển qua cho đương sự, kể cả đức hạnh, sự công chính, thánh thiện của Ngài.
Sở dĩ Thượng Đế có thể thực hiện được điều ấy vì đúng theo luật công bằng, Chúa Cứu Thế khi chịu hình phạt trên cây thập tự đã lãnh món nợ tội lỗi khổng lồ cho cả nhân loại nên bất cứ người nào nhìn nhận sự thật ấy, liền được tha nợ và được hưởng tất cả những gì thuộc về Chúa Cứu Thế, kể cả đức hạnh, sự công chính, thánh thiện của Ngài. Thượng Đế ghi lại sổ sách sự kiện ấy, và một khi đã “ghi,” đã “kể” thì bắt đầu có hiệu lực ngay. Đó là một ân phúc, một tặng phẩm Chúa dành cho chúng ta cũng như cho người tin nhận Ngài, chứ không phải là tiền công Chúa trả cho một con người suốt đời cố gắng kiêng khem, giữ luật lệ Mai-sen, hay chịu đủ các lễ nghi tôn giáo.
CON CHÁU ÁP-RA-HAM
Đức tin của Áp-ra-ham ngày xưa có liên hệ gì với chúng ta ngày nay? Phao-lô trả lời trong câu 7: “Kẻ nào có đức tin là con cái của Áp-ra-ham.” Đức tin là tiêu chuẩn phân biệt con cái thật và con cái giả của Áp-ra-ham.
Người Do-thái thường tự hào rằng họ là con cái dòng dõi Áp-ra-ham nhưng cũng như Chúa Cứu Thế đã vạch trần sự thật cho họ thấy rằng mặc dù theo khí huyết họ thuộc về dòng dõi Áp-ra-ham, thật ra họ là con cái của quỷ vương vì họ ngoan cố khước từ Chúa Cứu Thế.
Con cái thật của Áp-ra-ham phải có đức tin như Áp-ra-ham. Nhìn nhận cuộc đời đạo hạnh của tôi không có giá trị gì trước mặt Chúa để đặt niềm tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng vô tội đã hy sinh tính mạng vì tôi,việc ấy đối với nhiều người thật khó khăn, nhưng đó là bước đầu đi vào con đường cứu rỗi.
CÁC DÂN TỘC
“Tất cả các dân tộc” trong câu 8, Phao-lô nhấn mạnh chương trình cứu rỗi ấy, nguyên tắc làm cho con người được đẹp lòng Thượng Đế và được kể là công chính ấy không phải chỉ áp dụng hẹp hòi cho một dân tộc nhưng áp dụng đồng nhất cho tất cả các dân tộc khắp thế giới.
Phao-lô viết: “Thánh Kinh cũng thấy trước trong thời đại này người nước ngoài tin Chúa sẽ được cứu rỗi, nên Thượng Đế đã bảo trước Áp-ra-ham từ trước: ‘Tất cả các dân tộc tin Ta đều sẽ được hạnh phúc như con.’” Như thế những người tin Chúa đều hưởng được hạnh phúc như Áp-ra-ham.
Phao-lô nhân cách hóa Thánh Kinh để diễn tả một nguyên tắc căn bản của Phúc Âm. Thánh Kinh thấy trước. Thật ra Thánh Kinh là lời Chúa nên có thể nói Thượng Đế đã thấy trước và cho ghi chép lời Ngài phán dạy trước về tất cả các dân tộc sẽ được kể là công chính bởi đức tin. Thánh Kinh là lời Chúa phán dạy trong khung cảnh lịch sử của loài người. Trong thời đại Áp-ra-ham, lời Chúa đã nói trước về những ngày mà từ tất cả các dân tộc đã có hàng nghìn triệu người tin nhận Chúa Cứu Thế, được tha thứ tội lỗi, được Thượng Đế tiếp nhận vào trong gia đình của Ngài. Đó là ý nghĩa của câu Kinh Thánh trong Sáng-thế-ký chương 15: “Các dân tộc đều sẽ nhờ con mà được hạnh phúc.”
Khi Chúa dạy Áp-ra-ham điều ấy, gia đình Áp-ra-ham chỉ gồm hai vợ chồng già, chưa có một mụn con, lại phải lưu lạc lang thang đây đó, không biết ngày mai sẽ đi đâu.
Khi Chúa hứa: “Dòng dõi con sẽ đông như sao trên trời, như cát đại dương, và các dân tộc khắp thế giới đều sẽ nhờ con mà được phúc.” Áp-ra-ham lập tức tin lời Chúa, không chút phân vân lưỡng lự. Ông sống theo đức tin ấy và hành động của ông nhất nhất đều căn cứ vào lời hứa ấy.
Sau khi Chúa Cứu Thế xuống đời thực hiện chương trình cứu rỗi, Phúc Âm được truyền bá khắp thế giới, lời tiên tri của Thánh Kinh về các dân tộc được lần lần được ứng nghiệm cách diệu kỳ. Các dân tộc khắp thế giới đều có một sốrất đông người tin Chúa Cứu Thế. Mặc dù các bảng thống kê thường cho biết hiện có khoảng một tỷ người tin Chúa Cứu Thế khắp thế giới, nhưng thật ra số người tin Chúa đông quá và ngày càng gia tăng nhanh chóng, đến mức không ai ngờ được và không ai đếm được.
Phao-lô kết thúc luận cứ thứ hai của ông trong thư Ga-la-ti chương 3 bằng câu: “Vậy, ai có đức tin đều được hạnh phúc như Áp-ra-ham, là người có lòng tin.”