Khảo Học Thư Ga-La-Ti (P18)

TỰ DO VÀ NÔ LỆ

(3:1-5)

fatherandson

Tiếp tục kêu gọi các tín hữu Ga-la-ti cân nhắc kỹ sự khác biệt giữa sự sống mới tự do trong Chúa Cứu Thế và nếp sống cũ nô lệ cho tội lỗi và luật pháp, Phao-lô viết:

Anh em Ga-la-ti thật là dại dột! Anh em đã biết Chúa Cứu Thế hy sinh trên cây thập tự – biết quá rõ như thấy tận mắt – thế mà anh em còn bị ai mê hoặc đến nỗi không còn vâng theo chân lý. Tôi xin hỏi anh em một điều: ‘Có phải anh em nhận lãnh Thánh Linh nhờ cố gắng tuân theo luật pháp không?’ Tuyệt đối không! Vì Thánh Linh chỉ ngự vào lòng người nghe Phúc Âm và tin nhận Chúa Cứu Thế. Sao anh em dại dột thế? Đã bắt đầu nhờ Thánh Linh nay anh em lại quay lại dùng sức riêng để trở thành người hoàn hảo hay sao?

Anh em chịu bao nhiêu gian khổ chỉ để múc nước đổ biển sao? Việc ấy có thật là vô ích không?

Thượng Đế ban Thánh Linh và thực hiện các phép lạ giữa anh em vì anh em vâng giữ luật pháp hay vì nghe và tin Chúa Cứu Thế?

Sau khi phân tích kinh nghiệm theo Chúa của mình, Phao- lô dùng ngay kinh nghiệm bản thân của các tín hữu Ga-la-ti làm một luận cứ để chứng minh một chân lý căn bản của Phúc Âm: Con người được giải thoát khỏi tội lỗi và mọi thứ xiềng xích tinh thần nhờ tin Chúa Cứu Thế Jê-sus, chứ không phải vì cố gắng giữ theo một số luật lệ, lễ nghi tôn giáo. Suốt 5 câu đầu chương 3, Phao-lô dùng một loạt câu hỏi nhưng thật sự tất cả đều xoay quanh một sự kiện then chốt: kinh nghiệm bản thân của anh em Ga-la-ti trong những ngày đầu theo Chúa đã xác nhận rằng chỉ vì tin Chúa Cứu Thế mà họ được cứu rỗi và nhận được Thánh Linh chứ không phải vì giữ luật pháp Mai-sen.

Qua 5 câu Thánh Kinh này, Phao-lô nói đến hai kinh nghiệm của người theo Chúa: thứ nhất là kinh nghiệm khi tin Chúa Cứu Thế và thứ hai là kinh nghiệm nhận lãnh Thánh Linh.

I.  KINH NGHIỆM KHI TIN CHÚA CỨU THẾ

Trong câu thứ nhất, Phao-lô trách người Ga-la-ti thật nặng, như cha quở trách con, chữ “dại dột” được dùng hai lần trong năm câu Kinh Thánh này, lần đầu trong câu 1 và lần sau trong câu 3, theo nguyên tác có thể dịch là “điên dại,” “rồ dại,” “ngốc nghếch.”

Đã biết Chúa Cứu Thế cao cả tuyệt đối lại đi nép mình chịu phục những con người thấp thỏi, tầm thường cũng đang mắc vòng lẩn quẩn như cả nhân loại, thì thật là dại dột. Đã biết Phúc Âm cứu rỗi còn đi tìm một con đường giải thoát, mà mấy mươi thế kỷ vẫn chưa giải thoát được ai, thật là thiếu khôn ngoan. Chỉ có những người bị quyến rũ mê hoặc mới hành động dại dột như thế. Kinh nghiệm của tín hữu Ga-la-ti khi mới bắt đầu tin Chúa như thế nào? Hai từ liệu trong câu 1: “chân lý” và “biết Chúa Cứu Thế hy sinh trên cây thập tự như thấy tận mắt” diễn tả kinh nghiệm ấy.

1.  Bước thứ nhất là nghe chân lý, nghe giới thiệu Phúc Âm, nghe những lời chứng về Chúa Cứu Thế, nghe sự thật về tình thương của Đức Chúa Trời. Nhưng nghe không chưa đủ, nghe chân lý rồi vâng theo chân lý mới được cứu rỗi. Chúa Cứu Thế đã phán dạy:

Ai nghe lời ta và thực hành mới là người khôn ngoan, giống như người xây nhà trên vầng đá vững chắc. Đến mùa mưa nước lũ, gió bão thổi mạnh tàn phá, nhưng ngôi nhà không sụp đổ vì đã xây trên vầng đá. Còn ai nghe lời ta mà không thực hành là người khờ dại, chẳng khác gì xây nhà trên bãi cát. Đến mùa mưa nước lũ, gió bão thổi tới tàn phá, ngôi nhà sụp đổ, hư hại nặng nề (Mã-thi 7:24-27).

Khi nghe người truyền giáo trình bày Phúc Âm, một sự thật luôn luôn được nhấn mạnh: “Chúa Cứu Thế hy sinh trên cây thập tự.” Sự thật đó quan trọng đến nỗi sứ đồ Phao-lô đã viết trong bức thư gửi Hội thánh Cổ-linh rằng:

Tôi đã đoán định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Chúa Cứu Thế Jê-sus và Chúa Cứu Thế chịu đóng đinh trên cây thập tự.

Điều ấy người Do-thái cho là gương xấu, người nước ngoài cho là khờ dại, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu chuộc thì nhìn nhận là quyền năng và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời (I Cổ-linh 2:2).

Đối với người Ga-la-ti, khi Phao-lô truyền giảng Phúc Âm, họ chăm chú theo dõi lắng nghe đến nỗi họ biết Chúa Cứu Thế hy sinh trên cây thập tự như thấy tận mắt cảnh đau thương quằn quại của Chúa Cứu Thế. Đây không phải chỉ là một cảm xúc nhất thời do tài diễn giảng hùng hồn, lâm ly, gợi cảm của một diễn giả, nhưng là một ý thức sâu xa vì ý nghĩa sự hy sinh của Chúa Cứu Thế trên cây thập tự.

Người có kinh nghiệm cứu rỗi, khi nghe nói Chúa Cứu Thế chịu đóng đinh trên cây thập tự, huyết Chúa đổ ra chan hòa thì không những chỉ nhìn nhận đây là một sự kiện lịch sử. Người ấy như bừng tỉnh, tâm trí được mở rộng và hiểu ngay rằng Chúa chết vì tôi, Chúa hy sinh vì tội lỗi tôi, Chúa vong thân để cứu rỗi tôi. Người ấy hết lòng tin nhận Chúa Cứu Thế chết thay cho mình. Ngay lúc ấy người ấy được cứu rỗi, người ấy có một kinh nghiệm bản thân hạnh phúc tươi mới suốt đời không bao giờ quên được. Người ấy đã từ cõi tối tăm bước qua ánh sáng, từ quyền lực quỷ Sa-tan mà đến vổi Đức Chúa Trời. Kinh nghiệm cứu rỗi ấy đâu có phải nhờ luật pháp Mai-sen, đâu có phải vì chịu lễ cắt bì. Kinh nghiệm ấy hoàn toàn căn cứ trên sự hy sinh của Chúa Cứu Thế trên cây thập tự.