Khảo Học Thư Ga-la-ti (P16)
II. NGƯỜI TIN CHÚA ĐÃ CHỊU ĐÓNG ĐINH TRÊN CÂY THẬP TỰ VỚI CHÚA CỨU THẾ
Như Phao-lô xác nhận trong câu 20 phần a: “Tôi đã chịu đóng đinh trên cây thập tự với Chúa Cứu Thế.”
Phao-lô nói đến kinh nghiệm bản thân cũng như kinh nghiệm của tất cả những người thật lòng tin Chúa Cứu Thế. Kinh nghiệm bị đóng đinh trên cây thập tự với Chúa Cứu Thế. Bị đóng đinh trên cây thập tự với Chúa Cứu Thế nghĩa là gì? Trong bức thư gửi Hội thánh La Mã, Phao-lô khai triển ý này trong chương 6:3-6: Anh em chẳng biết rằng chúng ta thảy đều đã chịu báp-tem trong sự chết Ngài sao? Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi lễ báp-tem trong sự chết Ngài, hầu cho Chúa Cứu Thế nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy. Vì nếu chúng ta liên hợp cùng Ngài bởi dự chết giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ liên hợp với Ngài bởi sự sống lại giống nhau, vì biết rõ rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, hầu cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa. Vì ai đã chết thì được thoát khỏi tội lỗi.
Người theo Chúa làm thế nào chịu đóng đinh với Chúa Cứu Thế được. Phao-lô bắt đầu với một kinh nghiệm của tất cả những người theo Chúa.
Lễ báp-tem, trái với quan niệm thông thường, lễ báp-tem không phải chỉ là một nghi thức bên ngoài, dùng nước tẩy uế thân thể hoặc rửa sạch tội lỗi. Lễ báp-tem trong Chúa Jê-sus còn có ý nghĩa là chịu chết với Chúa trên cây thập tự. Ai chết? Ai bị đóng đinh? Phao-lô đáp: Người cũ của chúng ta bị đóng đinh. Con người cũ chỉ về sự sống cũ, và cả cuộc đời quá khứ tội lỗi trước khi tin Chúa. Con người ấy, sự sống cũ ấy đã chết, đã bị đóng đinh trên cây thập tự. Thánh Kinh thật dứt khoát về điều đó.
Chúng ta, những người tin Chúa Jê-sus, không thể mang con người thiên nhiên vào Hội thánh của Đức Chúa Trời, hoặc gia nhập vào thân thể của Chúa Cứu Thế.
Con người thiên nhiên với bản tính cũ kỹ tội lỗi ấy, dù được sửa đổi cải thiện đến mức tối đa cũng không thể nào hưởng được Nước Trời. Đây chính là công việc do Chúa thực hiện, không phải là việc của chúng ta. Thượng Đế phải dùng cây thập tự để lên án nó, xử tử nó, đóng đinh nó, tiêu diệt nó. Cây thập tự của Chúa Cứu Thế được Thượng Đế dùng để chấm dứt cuộc đời cũ, những việc cũ bằng cách loại bỏ tất cá những gì không thuộc về Chúa trong con người theo Chúa.
Điểm đáng lưu ý là tất cả các câu Thánh Kinh nói về người cũ bị đóng đinh đều dùng thời quá khứ “đã” để chỉ về một công việc đã hoàn tất trong quá khứ. Khi chúng ta ăn năn tội lỗi, tin nhận Chúa Cứu Thế chịu chết vì tội ta, và chịu báp-tem để xác nhận niềm tin ấy, thì lập tức Thượng Đế tiếp nhận ta, đem đặt ta vào trong Chúa Cứu Thế và kể rằng ta đã bị đóng đinh với Ngài trên cây thập tự, coi đó là một việc đã hoàn thành trong quá khứ. Điều đó đưa đến phần tứ ba trong đoạn Thánh Kinh ta đang học hỏi.
III. NGƯỜI TIN CHÚA ĐƯỢC CHÚA CỨU THẾ SỐNG TRONG MÌNH
Câu 20b:
Hiện nay tôi sống, thật ra không phải là tôi nữa, nhưng Chúa Cứu Thế sống trong tôi. Những ngày còn sống trong thể xác, tôi sống do đức tin Con Thượng Đế, Đấng đã yêu thương tôi và dâng hiến mạng sống Ngài vì tôi.
Làm thế nào ta được Chúa Cứu Thế sống trong ta? Phao- lô giải đáp trong thư La Mã: “Nếu chúng ta liên hợp với Ngài bởi sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ liên hợp với Ngài bởi sự sống lại giống nhau. Động từ “liên hợp” theo nguyên tác nghĩa đen là “tiếp tháp,” Một người chủ vườn trồng 300 cây long nhãn, đã kể câu chuyện tháp cây lý thú như sau: “Khi cây nhãn lớn được một khúc, tôi chặt bớt ngọn rồi tháp cành vào.” Ông chỉ một cây rồi nói: “Ông thấy cây kia chứ? Tôi gọi là cây cha đó, vì tất cả những cành tháp của mấy cây kia đều lấy từ cây đó. Nếu cứ để cho mấy cây nhãn này lớn tự nhiên thì trái chỉ nhỏ bằng trái dâu rừng, vỏ dầy và chỉ toàn là hột. Nhưng cây cha này sinh trái lớn cỡ trái mận, vị rất thơm ngon, vỏ mỏng, hột lại nhỏ, cho nên cành của nó tháp sang các cây kia cũng sinh quả như thế! Tôi chỉ cần chẻ thân cây nhãn xấu ra, rồi nhét một cành nhãn tốt vào, quấn lại và cứ để cho nó lớn lên.”
Tại sao cây xấu lại sinh ra trái tốt? Chỉ nhờ tháp cành. Nếu con người còn biết tháp cành tốt vào cây xấu để thay đổi hẳn tính chất cây trái, thì Thượng Đế Toàn năng lại không thể đem sự sống của Con Ngài tháp vào chúng ta là những người tin Ngài, để thể hiện sự sống mới mẻ ấy trong chúng ta sao? Tuy nhiên, không một hình ảnh nào, một thí dụ nào có thể diễn tả đầy đủ sự thực vinh hiển có một không hai này là Chúa Cứu Thế sống trong lòng người thật lòng theo Chúa. Khi có kinh nghiệm đó, nhiều lúc chúng ta sửng sốt nhận thấy nhiều ý nghĩ, nhiều quyết định, nhiều hành động, nhiều đức tính mới mẻ mà chúng ta không bao giờ tưởng tượng mình có được, thế mà Chúa đã truyền cho chúng ta. Chúng ta được an tâm vì biết chắc rằng Chúa đang ở trong chúng ta, sống trong chúng ta, hướng dẫn chúng ta từng bước một. Nhờ sự chết của Chúa, chúng ta “được ở trong Chúa Cứu Thế. Nhờ sự sống lại của Ngài, chúng ta được “Chúa Cứu Thế sống trong ta.”
Câu 21 kết thúc đoạn văn này bằng cách nhấn mạnh giá trị tuyệt đối về sự hy sinh của Chúa Cứu Thế. Nếu những phương pháp giải thoát loài người trước nay có thể đạt được kết quả như ý – kể cả các tôn giáo, các nghi lễ, các giáo luật nhân danh Thượng Đế mà ban hành – thì Chúa Cứu Thế đâu cần chịu chết làm gì vô ích.
Trái lại vì cả nhân loại đều bó tay tuyệt vọng, nên Chúa Cứu Thế đã đến hy sinh trên cây thập tự để chấm dứt tình trạng tuyệt vọng, để cứu rỗi toàn diện tất cả những người tin cậy Ngài và để sống với họ cho đến đời đời.