Khảo Học Thư Ga-la-ti (P11)
I. HÀNH ĐỘNG ĐÁNG TRÁCH CỦA SÊ-PHA VÀ CÁC TÍN HỮU DO-THÁI TẠI
AN-TI-ỐT
Hành động đáng trách của Sê-pha và các tín hữu Do- thái tại An-ti-ốt. Câu 11-13 ghi rằng:
Khi Phê-rơ đến thành An-ti-ốt, tôi phải phản đối ông trước mặt mọi người vì hành động của ông thật đáng trách. Lúc mấy người Do-thái của Gia-cơ chưa đến, ông vẫn ngồi ăn chung với các tín hữu nước ngoài (là những người không chịu cắt bì và giữ luật pháp Do-thái). Nhưng khi họ đến nơi, ông rút lui không ăn chung với người nước ngoài nữa, vì sợ những người Do-thái theo chủ trương phải chịu cắt bì mới được cứu rỗi.
Các tín hữu Do-thái khác, kể cả Ba-na-ba cũng bắt chước hành động thiếu thành thật ấy.
Ba câu văn trình bày sáu thành phần trong Hội thánh thời ấy:
– Sê-pha lãnh tụ Hội thánh Giê-ru-sa-lem, cố gắng hành động cho thích nghi với hoàn cảnh và dung hòa hai khuynh hướng lớn trong Hội thánh.
– Các tín hữu Do-thái ở An-ti-ốt xứ Sy-ri, có một thái độ phóng khoáng, tự do hơn đối với tín hữu nước ngoài.
– Các đại diện hay tín hữu của Gia-cơ ở Hội thánh Giê- ru-sa-lem, theo chủ trương câu nệ luật pháp Mai-sen, buộc các tín hữu nước ngoài phải chịu cắt bì và theo luật pháp Mai-sen.
– Các tín hữu nước ngoài phần đông là người Hy-lạp và người Sy-ri, đã tin Chúa Cứu Thế Jê-sus nhưng không bị buộc phải chịu cắt bì và giữ luật pháp Mai-sen, nói theo cách Phao-lô là đang hưởng sự tự do trong Chúa Cứu Thế.
– Ba-na-ba, một người truyền bá Phúc Âm hoàn toàn đồng quan điểm giáo lý và thần học với Phao-lô, nhưng đôi khi bị người khác lôi cuốn vào một hành động trái hẳn đức tin của mình.
– Phao-lô, một người truyền bá Phúc Âm thẳng thắn và cương quyết, không biết nể sợ ai ngoài Chúa, quyết sống đúng theo chân lý Phúc Âm, không vì một lẽ gì mà dời đổi hay dung hòa, dù chỉ gang tấc hay trong giây phút cũng không. Phao-lô không ngần ngại phản đối và trách thiện Sê-pha, hay nói cách khác, Phao-lô can đảm và thẳng thắn phê bình xây dựng một nhà lãnh đạo cao cấp của Hội thánh vì Chúa và vì Hội thánh.
Hành động của Sê-pha xét theo một phương diện, thật là được lòng nhiều người. Khi xuống thăm Hội thánh An-ti-ốt, Sê-pha cứ ăn chung với anh em tín hữu nước ngoài, vì ông đã từng được khải tượng theo sách Công vụ chương 10, và biết rõ rằng người nước ngoài không phải là người ô uế một khi họ tin nhận Chúa Cứu Thế. Tuy nhiên, khi những người Do-thái câu nệ luật pháp Mai-sen từ thủ đô Giê-ru-sa-lem xuống, những người đại diện cho Gia-cơ là một người rất tôn trọng luật pháp Mai-sen, thì Sê-pha rút lui, không ăn chung với người nước ngoài nữa. Vì sao Sê-pha hành động như thế? Câu 12 phần cuối giải thích: “Vì sợ những người Do-thái theo chủ trương phải chịu cắt bì mới được cứu rỗi.”
Hành động của Sê-pha thật là đáng trách, nhưng xét kỹ đây không phải vì ông chủ trương một giáo lý, một nền thần học sai lạc, nhưng đây chỉ là hành động nhất thời, một cố gắng thích nghi với hoàn cảnh. Sê-pha sợ những người Do-thái thủ cựu, không phải vì ngại họ bất tín nhiệm mình hay lật đổ mình. Sê-pha chỉ sợ làm mếch lòng họ, làm thương tổn họ. Hơn nữa, theo sách Công vụ chương 10, trước kia ông đã từng bị họ chống đối một lần sau chuyến truyền bá Phúc Âm cho người La Mã ở nhà đại đội trưởng Cọt-nây. Ông còn muốn đóng vai hòa giải giữa hai phái trong Hội thánh, không muốn bên nào nghĩ lầm rằng ông đứng hẳn về phái này để chống đối phái kia.
Tuy nhiên, ông quên rằng muốn khỏi mếch lòng người Do-thái, ông đã làm thương tổn đức tin của anh em tín hữu nước ngoài, khiến cho họ hiểu lầm Phúc Âm thuần túy của Chúa Cứu Thế Jê-sus, mà tưởng rằng Phúc Âm vẫn còn đóng khung trong luật pháp Do-thái.
II. LỜI QUỞ TRÁCH CHÂN THÀNH VÀ THẲNG THẮN CỦA PHAO-LÔ
Lời quở trách chân thành và thẳng thắn của Phao-lô. Câu 14 ghi rằng:
Thấy họ không hành động ngay thẳng theo chân lý Phúc Âm, tôi liền trách Sê-pha trước mặt mọi người: ‘Anh là người Do-thái từ lâu đã bỏ luật pháp Do-thái, sao anh còn buộc người nước ngoài phải vâng giữ luật pháp đó?’
Phao-lô nhận thấy đây là một hành động sai lầm, đáng trách, một hành động thiếu thành thật hay giả hình theo hai bản dịch. Hành động ấy gây nhiều tổn thương cho anh em nước ngoài, vô tình làm cho họ hiểu lầm chủ trương căn bản của Phúc Âm. Chữ “chân lý” theo nguyên tác vừa có nghĩa là chân lý vừa có nghĩa là “sự thật.” Phao-lô muốn làm nổi bật sự thật trong như pha lê của Đạo Chúa giữa những cái giả tạo, giả dối, giả hình. Lấy theo nghĩa chân lý, Phúc Âm là chân lý công bố cho mọi người, tất cả những người tin nhận chân lý Phúc Âm, đều phải sống theo chân lý ấy. Nói cách khác, đức tin phải đi đôi với việc làm.
Kết luận, Phúc Âm phải đi vào cuộc đời của người theo Chúa Jê-sus. Con người tin Phúc Âm, nói Phúc Âm, giảng Phúc Âm phải tự nhiên sống theo Phúc Âm, vì Phúc Âm của Chúa Cứu Thế không phải chỉ là một hệ thống giáo điều, một triết lý cao siêu nhưng là một triết lý sống và một nếp sống thực hành và thực tiễn.
Theo Ga 2:14, ta học được hai điều với Phao-lô, người sứ giả Phúc Âm, suốt đời phát huy Phúc Âm bằng lời nói lẫn việc làm. Phao-lô đã chân thành nói thẳng với đương sự, trái ngược với những tín đồ giả mạo, thầy giảng giả mạo luôn luôn nói sau lưng, nói chùng nói lén để phá hoại uy tín của Phao-lô. Mỗi lần Phao-lô trách thiện ai, là nói cách chân thành và nói thẳng với đương sự. Phao-lô đã làm đúng lời phán dạy của Chúa Cứu Thế trong vấn đề này, và Phao-lô đã được lại anh em mình, nghĩa là không mất một người chúng ta thân trong Chúa.
Thứ hai, Phao-lô chỉ nói vì mục đích xây dựng- xây dựng cho chức vụ của Phê-rơ, xây dựng cho tín hữu Do-thái ở An-ti-ốt và tăng cường đức tin họ, xây dựng cho Ba-na-ba, người chúng ta đồng lao thân yêu, xây dựng cho số người Do-thái thủ cựu để giúp họ phân biệt chân giả và xây dựng cho Hội thánh của Chúa Cứu Thế giữa các dân tộc nước ngoài. Một khi các tín hữu ấy nắm vững triết lý tự do và giải phóng của Phúc Âm, họ sẽ hăng say truyền bá Tin mừng của Chúa Cứu Thế khắp thế giới.