Khảo Học Thư Ga-la-ti (P9)
TÁC GIẢ THƯ GA-LA-TI (IV) (2:8-10)
Gặp các sứ đồ Phê-rơ, Giăng và Gia-cơ em Chúa Cứu Thế, hai nhà truyền giáo Phao-lô và Ba-na-ba dễ dàng thông cảm và thỏa hiệp với họ. Mục đích của các sứ đồ cũng như của Phao-lô và Ba-na-ba là truyền bá Phúc Âm theo đúng mệnh lệnh của Chúa Cứu Thế. Vấn đề cần giải quyết là lãnh vực truyền bá Phúc Âm, mối tương giao giữa những người truyền bá Phúc Âm và hoạt động xã hội của Hội thánh. Hai nhóm tôi tớ Chúa dễ dàng thỏa thuận với nhau về ba lãnh vực trên. Nói một cách đơn giản, Phao-lô ghi nhận như sau:
Thượng Đế đang thúc đẩy Phê-rơ làm sứ đồ cho người Do-thái cũng như thúc đẩy tôi truyền giáo cho các nước ngoài. Nhận thấy ân phúc Chúa ban cho tôi, Gia-cơ, Phê-rơ và Giăng là ba vị lãnh tụ Hội thánh, đã siết chặt tay Ba-na-ba và tôi, khích lệ chúng tôi cứ tiếp tục truyền giáo cho các dân tộc nước ngoài trong khi họ giảng dạy cho người Do-thái. Họ chỉ nhắc chúng tôi cứu tế người nghèo khổ là điều chính tôi cũng đã hăng hái thực thi (2:8-10).
I. PHÂN CHIA LÃNH VỰC TRUYỀN GIÁO
Chúa Cứu Thế trong một ngụ ngôn về sự gieo giống Phúc Âm và loại cỏ lùng đã giải thích: “đồng ruộng là thế giới.” Lãnh vực truyền bá Phúc Âm là cả thế giới, bao gồm các đại lục và đại dương với hàng vạn đảo. Lãnh vực quá bao la, làm sao thực hiện nổi chương trình truyền bá khắp thế giới? Nhất là khi số người theo Chúa chỉ có 120 người trong ngày lễ Ngũ-tuần, hoặc hơn 5000 người vào thời gian Phao-lô hội nghị với các nhà lãnh đạo Hội thánh là Gia-cơ, Phê-rơ và Giăng (Ga 2).
Phương pháp giản dị nhất là phân chia lãnh vực hoạt động, dù ít người đến đâu cũng vạch rõ phần trách nhiệm của mỗi người trong công vụ loan báo Tin Mừng. Đây là một phương pháp phân công vô cùng hữu hiệu. Đây là đường lối ghé vai chia xẻ gánh nặng truyền giáo vĩ đại mà không một người hay nhóm người nào có thể thực hiện nổi.
Nếu đồng ruộng của Chúa Cứu Thế là cả thế giới, thì rõ rệt không một người hay một nhóm người ở địa phương nào có thể giữ độc quyền truyền giáo cho toàn thể nhân loại. Đứng trước trách nhiệm bao la, những người theo Chúa thấy mình quá bé bỏng và ít ỏi.
Tuy nhiên các nhà lãnh đạo Hội thánh đầu tiên không vì thế mà nản lòng. Với niềm hy vọng vững vàng trong Chúa, họ đưa những cánh tay khẳng khiu lên trời, trong tinh thần dâng hiến cuộc đời để phục vụ. Và với cánh tay đức tin, họ dám ôm trọn cả thế giới trong vòng tay. Thế giới quá rộng lớn, thì ta phân công truyền bá Phúc Âm. Cách phân công giản dị trong giai đoạn đầu tiên là phân công giữa hai khối người chịu cắt bì và chưa chịu cắt bì, tức là những người theo đạo Do-thái giáo và những người nước ngoài không theo Do-thái giáo và luật pháp Mai-sen. Đó là quan niệm đơn giản về thế giới của người thời ấy, nhất là người xứ Palestine.
Trong các giai đoạn tiếp tục, cuộc truyền giáo càng đấy mạnh thì sự phân công càng đi dần vào chi tiết hơn như lịch sử truyền giáo đã chứng minh. Là người mới đọc qua mấy câu kinh văn này, tưởng lầm rằng sự phân công này chỉ là kết quả của một cuộc thảo luận, trao đổi, phân chia trách nhiệm giữa các sứ đồ với nhau. Nhưng thư Ga 2:7-8 ghi rằng:
Họ sẽ thấy rõ tôi (tức Phao-lô) được Chúa ủy thác việc truyền giảng Phúc Âm cho nước ngoài cũng như Phao-lô truyền giảng cho người Do-thái.
Vì Thượng Đế đang thúc đấy Phê-rơ làm sứ đồ cho người Do-thái, cũng thúc đẩy tôi truyền giảng cho các nước ngoài.
Các động từ “ủy thác” và “thúc đẩy” cho ta biết chắc chắn rằng sự phân công này đến từ Chúa vì Chúa ủy thác, Chúa thúc đẩy, Chúa giao trách nhiệm truyền giáo nước ngoài cho Phao-lô và cũng chính Chúa đặt trách nhiệm truyền giáo cho người Do-thái trên vai Phê-rơ. Chúa cảm động, giục giã, thôi thúc Phê-rơ báo Tin mừng cho những người đã chịu cắt bì và cũng chính Chúa cảm động giục giã, thôi thúc Phao-lô lên đường truyền bá Phúc Âm cho các dân tộc nước ngoài.
Xét theo phương diện loài người thì sự phân công của Chúa thật là hợp lý. Thứ nhất, cần có người đẩy mạnh công cuộc truyền giáo tại căn cứ quê hương mới có thêm người dâng mình đi truyền giáo cho các nước ngoài.
Thứ hai, Phao-lô là người giỏi ngoại ngữ, nhất là tiếng Hy-lạp, một thứ thế giới ngữ thời ấy, được Chúa dùng để truyền giảng cho người nước ngoài. Đi khắp thế giới Tây phương và Tây Á, chỉ cần dùng tiếng Hy-lạp là có thể giảng giải Phúc Âm cho các dân tộc ấy.
Thứ ba, quốc tịch La Mã của Phao-lô trong giai đoạn này cũng là một điều kiện cần thiết để mở rộng tầm hoạt động ở khắp các quốc gia thuộc đế quốc La Mã. Cố nhiên qua giai đoạn sau khi các Hội thánh đã được thành lập nhan nhản khắp các nước ngoài, các sứ đồ Giăng, Phê-rơ cũng lần lượt được Chúa sai đi chăm sóc và lãnh đạo các Hội thánh ấy. Các sứ đồ khác đi sáng lập Hội thánh ở Ai-cập, Ly-bi, Đông -phi, I-rắc, Ba-tư, Ấn-độ và nhiều nước khác ở Á, Âu, Phi.
II. MỐI TƯƠNG GIAO GIỮA CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO
Câu 9 ghi tiếp:
Nhận thấy ân phúc Chúa ban cho tôi, Gia-cơ, Phê- rơ và Giăng là ba vị lãnh tụ Hội thánh đã siết chặt tay tôi và Ba-na-ba, khích lệ chúng tôi cứ tiếp tục truyền giáo cho các dân tộc nước ngoài trong khi họ giảng dạy cho người Do-thái.
a. “Nhận thấy ân phúc Chúa” trong một người tín hữu và đồng lao là một điều quan trọng. Các nhà lãnh đạo Hội thánh đầu tiên đã nhận thấy rõ rệt ân phúc trong Phao-lô. “Ân phúc” bao gồm tất cả những gì Thượng Đế dành sẵn cho người tin Chúa Cứu Thế mặc dù người ấy không xứng đáng nhận lãnh. Ân phúc ấy thể hiện qua đời sống và kinh nghiệm của người tin Chúa. Ân phúc ấy là dấu hiệu, là bằng chứng về công cuộc đổi mới của Chúa trong lòng người cũng như công cuộc trang bị người ấy để phục vụ Chúa.
Một số người không chịu nhìn nhận ân phúc của Chúa trong một tín hữu hay một tôi tớ Chúa chỉ vì thấy đường lối hay lãnh vực hầu việc Chúa của người ấy khác hẳn của mình. Tinh thần hẹp hòi ấy ngăn trở sự phát triển của Hội thánh. Chúng ta đừng quên rằng một anh em trong Chúa có một điều gì xuất sắc ích lợi, được nhiều người ca ngợi, người ấy đã nhận lãnh điều ấy từ nơi Chúa. Chúa cho người ấy hưởng và thể hiện một phần ân phúc dồi dào vô tận của Chúa để phản ảnh đức tính, vẻ đẹp vinh quang của Chúa Cứu Thế, và để đem lại thành quả tốt đẹp cho Hội thánh chung.
b. Động từ “siết chặt tay” theo nguyên tác là “trao tay hữu giao kết.” Đưa tay hữu siết tay một người chúng ta đồng lao để tỏ tinh thần tương thân tương ái, để hứa hẹn, cam kết gắn bó keo sơn với nhau trong công cuộc phục vụ Chúa và đồng bào, đồng loại. Mối tương giao ấy thật là chân thành, trong sạch. Mối tương giao ấy thật là tốt đẹp vì bắt nguồn từ tình yêu thương của Chúa. Mối tương giao ấy phải bền chặt qua mọi cuộc thử thách, nhất là trong khi xa cách nhau thường bị những tin đồn sai lạc, do những người dụng ý hay vô tình chia rẽ, ly gián.
c. Câu 9 viết tiếp “khích lệ chúng tôi cứ tiếp tục truyền giáo cho các dân tộc nước ngoài trong khi họ giảng dạy cho người Do-thái.” Khuyến khích nhau, giục giã nhau, cổ võ nhau hầu việc Chúa. Đó là hành động hữu ích và cần thiết, nhất là trong các giai đoạn dễ nản lòng vì khó khăn, thử thách, chống đối. Một lời khích lệ đến từ tấm lòng yêu thương chân thành có sức mạnh hơn hàng ngàn thang thuốc bổ.
Thay vì chỉ trích, lên án nhau, anh em chúng ta cần khích lệ nhau, nếu có phê bình xây dựng cũng kèm thêm lời yên ủi, khuyến khích nhau. Lời nói ân hậu có nêm muối đúng mức thật là phương thuốc nhiệm mầu trên bước đường chông gai hầu việc Chúa. Bản văn nguyên tác thay vì chữ “khích lệ, đã dùng chữ “ngõ hầu” để chỉ về mục đích của sự tương giao kết chúng ta. Mục đích của sự tương giao, kết chúng ta của người theo Chúa là truyền bá Phúc Âm, là phân công và ủng hộ nhau chia xẻ Tin mừng cho đồng bào, đồng loại.
III. HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI CỦA HỘI THÁNH
Câu 10 ghi: “Họ chỉ nhắc chúng tôi cứu tế người nghèo khổ là điều chính tôi cũng đã hăng hái thực thi.”
Theo mạch câu văn nguyên tác thì nhắc nhở việc cứu tế người nghèo khổ là mục đích thứ hai của sự tương giao kết nghĩa giữa các sứ đồ trong câu chuyện.
Việc cứu tế người nghèo khổ là một hoạt động xã hội của Hội thánh đầu tiên, theo sách Công vụ. Như chúng ta đã nêu lên trong bài trước, Phao-lô và Ba-na-ba về thủ đô chuyến này cũng vì mục đích cứu trợ. Họ đem về số tiền và tặng phẩm của các anh em tín hữu nước Sy-ri đóng góp. Chính vì thế mà Phao-lô có thể nói ở cuối câu: đây là điều mà chính tôi cũng đã hăng hái thực thi.
Xét về phương diện nhu cầu vật chất, mặc dù mức sống ở nhiều khu vực khác nhau, hầu như ai sống ở khu vực nào cũng vẫn thấy thiếu thốn, không bao giờ thấy mình đầy đủ hay dư thừa. Nhưng nếu đem so sánh với những người ở một hoàn cảnh khác, mức sống tương đối thấp hơn, ta sẽ thấy họ còn khổ hơn mình nhiều. Ta sẽ thấy dù mình túng thiếu đến đâu vẫn còn hơn họ. Ta càng cảm kích biết ơn Chúa, càng mở rộng lòng chia xẻ với họ.
Các tín hữu ở An-ti-ốt xứ Sy-ri có mức sống thấp hơn dân thủ đô La Mã hay các thành phố Ну-lạp như Cổ-linh, А-then. Nhưng so với tín hữu xứ Giu-đê, họ có dồi dào hơn nên họ vui lòng chia xẻ điều mình có cho các anh em. Các tín hữu xứ Giu-đê, kể cả Phê-rơ, Giăng, Gia-cơ, có mức sống kém hơn người An-ti-ốt xứ Sy-ri, nhưng họ vui lòng chia cơm xẻ áo với những người nghèo khổ quanh mình.
Đó là tinh thần yêu thương của Chúa Cứu Thế. Đó là Phúc Âm đi vào cuộc đời thực tế hằng ngày, vì Phúc Âm có giá trị trên cả bình diện lý thuyết lẫn thực hành.