Khảo Học Thư Ga-la-ti (P6)
TÁC GIẢ THƯ GA-LA-TI (I) (1:13-17)
Một người có thể nào làm chứng về Chúa mà không sống đạo không? Có thể nào thuyết giảng Phúc Âm mà không có kinh nghiệm bản thân về quyền năng của Phúc Âm không? Nếu thế thì chẳng những rơi ngay vào cái bẫy người xưa thường gọi là “năng thuyết bất năng hành,” mà còn làm phương hại cho bản thân, cho Hội thánh, và gây nhiều trở ngại cho công cuộc truyền giảng Phúc Âm. Bức thư Ga- la-ti chứng minh rằng trong Đạo Chúa không thể nào tách rời lý thuyết với thực hành. Trái lại, con người theo Chúa, trước khi muốn chia xẻ Phúc Âm cho người khác, phải có kinh nghiệm bản thân về chân lý mình tin tưởng và truyền bá.
Trong bức thư Ga-la-ti, tác giả đã dành gồm hai chương để kể lại sơ lược kinh nghiệm cuộc đời theo Chúa của tác giả mà mục đích chính là trình bày quyền tự do thật của người theo Chúa Cứu Thế từ Ga 1:13-2:21.
Chúng ta sẽ áp dụng phương pháp nghiên cứu tiểu sử, học qua đoạn văn này để có một cái nhìn tổng quát về cuộc đời Phao-lô, và tìm xem mối liên hệ giữa kinh nghiệm theo Chúa của Phao-lô với đề tài chính của thư Ga-la-ti.
Hai cây mốc thời gian cần lưu ý trong phần tiểu sử của Phao-lô, là điểm bắt đầu khi Phao-lô còn hăng say theo Do thái giáo trước ngày gặp Chúa, và điểm kết thúc khi Phao-lô viết thư này gửi anh em tín hữu Ga-la-ti, sau cuộc gặp gỡ giữa Phê-rơ và Phao-lô tại thành phố An-ti-ốt xứ Syri.
Phân tách trong đoạn văn này, ta thấy tiểu sử của Phao- lô trong thư Ga-la-ti cụ thể chia làm 6 giai đoạn:
1. Giai đoạn theo Do thái giáo (1:13-14).
2. Giai đoạn gặp Chúa Cứu Thế (1:15-17).
3. Giai đoạn tiếp xúc lần đầu tiên với Hội thánh tại thủ đô Giê-ru-sa-lem (1:18-20).
4. Giai đoạn truyền bá Phúc Âm tại xứ Syri và Silisi tức là quê hương của Phao-lô (1:21-24).
5. Giai đoạn hội nghị với các sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem và phân công phục vụ Chúa (2:1-10).
6. Giai đoạn kết thúc khi Phao-lô can gián Phê-rơ tại thành phố An-ti-ốt (2:11-21).
Giai đoạn thứ nhất chắc hẳn bắt đầu từ thuở sơ sinh, Phao-lô đã là một phần tử của Do thái giáo, qua các nghi lễ Mai-sen. Mấy chữ “nếp sống tôi ngày trước” và “tôi theo Do thái giáo.” Trong đoạn 1 câu 13 gói ghém một cuộc đời đạo hạnh, chú trọng đến luật lệ khắc khe, nghi lễ linh đình.
Mục đích của Thượng Đế khi ban bố luật pháp và nghi lễ thờ phượng, là để chuẩn bị cho Chúa Cứu Thế xuống đời. Các sinh tế dâng lên trên bàn thờ chỉ về Chúa Cứu Thế là sinh tế chuộc tội cả nhân loại. Tuy nhiên người Do thái đã biến các huấn lệnh đầy ý nghĩa ấy ra một hệ thống giáo điều, giáo luật cứng ngắt, do con người thêm thắt vào Thánh Kinh. Vì lầm tưởng nhờ giữ các giáo luật ấy mà con người được đẹp lòng Thượng Đế. Phao-lô tự miêu tả là “người cuồng nhiệt nhất trong Do thái giáo giữa những người đồng trang lứa,” là người “cố sức thực thi truyền thống của tổ phụ.” Nhiều truyền thống có giá trị cao quý, nhưng một khi truyền thống đưa con người đi xa lời Chúa thì sẽ trở thành một thứ xiềng xích ràng buộc con người. Lòng nhiệt thành rất quý, nhưng một khi trở nên nhiệt cuồng rồi cuồng tín, mất hẳn sáng suốt tự chủ, tất nhiên sẽ đi đến hành động sai lầm mà không biết.
Do đó Phao-lô trở thành người khủng bố, bắt bớ người theo Chúa và cố gắng phá hoại, tiêu diệt Hội thánh là đoàn thể những người thật lòng theo Chúa. Trong một lời tự thú, Phao-lô viết: “khi họ giết các người thánh tôi cũng đồng ý và đành lòng giữ áo xống của bọn giết người. Và tôi hành động vì mê muội, vô tín“(I Ti 1:13). Phao-lô thù ghét người theo Chúa chỉ vì ông hiểu lầm tưởng như thế là làm đúng truyền thống, như thế là phục vụ dân tộc, phục vụ Thượng Đế. Tuy nhiên, Chúa không bỏ con người đó. Chúa có quyền cứu rỗi và biến đổi những người ghen ghét Phúc Âm, những người thù nghịch phá hoại Hội thánh. Chính vì thế, Chúa tỏ lòng yêu thương cho Phao-lô được gặp Chúa Cứu Thế trong một trường hợp đặc biệt. Phao-lô tự thuật:
Nhưng Thượng Đế yêu thương, tuyển chọn tôi từ trong lòng mẹ, nhân từ kêu gọi tôi, khải thị cho tôi biết Con Ngài ở trong tôi, cốt để tôi truyền giảng Phúc Âm về Chúa Cứu Thế cho các dân tộc nước ngoài. Được biết ý định của Chúa, tôi tức khắc vâng lời, không bàn tính thiệt hơn.
Theo lịch sử, thời gian Phao-lô được gặp Chúa Cứu Thế đi sau giai đoạn bắt bớ, phá hoại Hội thánh, và địa điểm gặp Chúa là quãng đường dẫn vào thủ đô Đa-mách nước Syri. Tuy nhiên, Phao-lô nhận thấy rằng không phải đến ngày giờ ấy, đến địa điểm ấy mình mới gặp Chúa. Thực ra, Chúa đã tìm gặp mình từ lâu mà mình không biết. Chúa đã lưu ý chọn Phao-lô từ trong lòng mẹ, dành riêng Phao-lô để làm người của Chúa. Chữ “tuyển chọn” diễn tả lòng yêu thương, chữ “kêu gọi” nhấn mạnh lòng nhân từ và chữ “khải thị” ghi nhận một công việc đặc biệt mở mắt tâm linh cho Phao- lô thấy được, biết được Chúa Cứu Thế. Mục đích của cả chương trình dai dẳng của Chúa đối với ông là dùng ông “truyền giảng Phúc Âm về Chúa Cứu Thế cho các dân tộc nước ngoài.”
Tin mừng về Chúa Cứu Thế hy sinh chuộc tội cho nhân loại cần được phổ biến rộng rãi cho nhiều dân tộc. Phao-lô được Chúa chọn làm việc ấy, Phao-lô đã đáp ứng tiếng gọi của Chúa thế nào? Phao-lô vâng lời Chúa lập tức, không phân vân, không lần lữa, không chờ đợi cho tình hình tốt đẹp hơn. Một khi Chúa đã gọi ông, ông sẵn sàng đáp ứng, sẵn sàng vâng lời đi theo con đường của Chúa. Mấy chữ: “bàn tính thiệt hơn” theo nguyên tác có thể dịch là “bàn luận với thịt và huyết” chỉ về tinh thần xác thịt, sợ theo Chúa sẽ thiệt mất nhiều quyền lợi, sợ đi truyền bá Phúc Âm sẽ gặp nhiều hiểm nguy, chống đối, nguy đến tính mạng. Phao-lô nhất định không làm điều ấy, điều mà nhiều người thường làm rồi e dè, sợ sệt, bỏ mất cơ hội theo Chúa. Trái lại, Phao-lô cương quyết dấn thân theo Chúa.
Câu 17 và đầu câu 18 cho biết một cách tổng quát về một thời gian ba năm sau khi tin Chúa, Phao-lô không vội lên Giê-ru-sa-lem để yến kiết các vị lãnh tụ Hội thánh, nhưng đi qua xứ Ả-rập, một vùng đất giáp ranh giới phía đông xứ Syri ở dưới quyền một vua Á-rập gọi là Arêta. Phao-lô làm gì suốt ba năm ấy? Thánh Kinh không cho biết, nhưng một số học giả giải thích rằng Phao-lô cần một thời gian suy nghiệm kỹ càng triết lý Phúc Âm mà ông đã chấp nhận, để có thể truyền giảng một cách rõ ràng, chắc chắn.
Bác sĩ Tống Thượng Tiết tin rằng Phao-lô đã dành ba năm học Thánh Kinh với Chúa Cứu Thế, cho nên ông nói trong Ga 1:12: “Tôi không nhận Phúc Âm ấy từ nơi ai cả, nhưng nhận trực tiếp từ chính Chúa Cứu Thế Jê-sus. Ngoài Ngài chẳng có ai dạy tôi.”
ỨNG DỤNG
Trước khi qua giai đoạn thứ ba, chúng ta thử đặt vài câu hỏi: Chúng ta có kinh nghiệm bản thân về quyền năng của Phúc Âm chưa? Khi gặp những người bắt bớ, chống đối, phá hoại Hội thánh, chúng ta có cầu nguyện xin Chúa cứu họ và biến họ trở thành những Phao-lô của thời đại này không? Chúng ta có biết rằng Chúa cứu chúng ta không phải để chúng ta hưởng hạnh phúc một mình, nhưng để chúng ta chia xẻ Tin mừng và dìu dắt nhiều người đến với Chúa không? Một khi biết được ý định của Chúa chúng ta có vâng lời ngay không? Hay còn hẹn rày hẹn mai đến nỗi bỏ mất cơ hội Chúa dành cho chúng ta?