Khảo Học Thư Ga-la-ti (P1)
TỰ DO THẬT
Tự do là một giá trị cao cả, là ước vọng muôn thuở của nhân loại. Càng bị áp bức, con người càng yêu chuộng, càng khát khao tự do. Tuy được nhìn nhận là một quyền căn bản – quyền tự nhiên – nhưng ai ai cũng phải tranh đấu cam go để mong tìm tự do cho mình cũng như cho đồng bào nhân loại. Liệu con người có tìm được tự do đích thực không, hay tự do chỉ là một ảo tưởng?
Vào đầu Công Nguyên, Chúa Jê-sus ra đời trong một xã hội bị áp bức, một quốc gia mất quyền tự chủ.
Nước Do-thái bấy giờ bị đặt dưới quyền thống trị của đế quốc vĩ đại nhất thế giới: đế quốc La Mã. Hê-rốt, vua chư hầu xứ Giu-đê, đã áp dụng một chính sách bóc lột, giết chóc chưa từng thấy trong lịch sử. Khi Chúa Jê-sus vừa giáng sinh, Hê-rốt đã ra lệnh tàn sát tất cả em bé từ hai tuổi trở xuống tại vùng Bê-lêm (Bết-lê-hem). Nhưng Chúa Giê-xu tránh thoát được: ngay lúc còn thơ ấu, Chúa đã nếm trải tủi nhục đau thương của người dân bị chà đạp dưới gót giày tàn bạo của đế quốc La Mã và của chính quyền bù nhìn Hê-rốt.
Lớn lên, Chúa Jê-sus đã dùng quyền năng Thượng Đế giải thoát con người khỏi mọi khổ đau thể xác và tinh thần.
Chúa cảm thông nỗi tuyệt vọng của những người bệnh hoạn, tật nguyền, đã chia xẻ niềm đau xé ruột của những người mẹ vừa mất đứa con yêu, của những phụ nữ đang than khóc và để tang anh em thân thiết nhất, người cột trụ của gia đình. Chúa ra tay chữa lành tất cả các bệnh tật. Chúa gọi người chết sống lại, Chúa đem lại cho họ niềm tin và hy vọng.
Chúa Jê-sus cũng tích cực đương đầu với cấp lãnh đạo chính trị và tôn giáo Do Thái. Các nhóm người này chủ trương một chính sách nô lệ tư tưởng, giam hãm con người trong những thành kiến cổ hủ, những quy luật hẹp hòi, những ngục tù tinh thần. Chúa đã nặng lời lên án bọn đạo đức giả đó, và đề xướng một quan niệm tân tiến, cởi mở về tư tưởng, đạo đức và tự do.
Nhưng trên hết, Chúa Jê-sus đã giải phóng con người khỏi xiềng xích gông cùm của tội lỗi, của bản tính hư hoại xấu xa. Vì là Đấng Tạo Hóa, Chúa có quyền đổi mới tâm tính con người, ban cho con người một nguồn sống mới, đem lại cho con người tự do đích thực và hạnh phúc vĩnh cửu.
Tự do là đề tài chính của một bức thư ngắn gọn, lời lẽ súc tích, ý nghĩa thâm trầm của sứ đồ Phao-lô. Phao-lô muốn diễn tả tin mừng về Tự do, Tự do đích thực trong Chúa Cứu Thế. Bức thư ngắn nhất của Phao-lô, có thể đọc độ hai mươi phút là hết. Nhưng khác với những bức thư ta thường đọc, đọc xong một lần là xếp lại vì đã biết đủ tin tức cần biết, bức thư của Phao-lô có tính chất thu hút đến nỗi khi đọc xong, ta muốn đọc lại lần nữa, đọc lại nhiều lần để tìm hiểu ý nghĩa sâu sắc gói ghém trong nhiều tiết đoạn mà mới vừa đọc qua vài lần ta không thể nào lý hội hết. Càng đọc, càng thích thú, càng nghiền ngẫm càng thấm thía, ta nhận thấy rằng bức thư này không những báo tin mừng mà còn vạch cho ta con đường sống, con đường đi vào kinh nghiệm tự do. Nhờ bức thư ngắn ngủi ấy mà hàng triệu người được giải phóng khỏi xiềng xích của tội lỗi, của thành kiến, của luật lệ tôn giáo mà một số người đặt ra hoặc thêm vào Lời Chúa, tuy nói là để làm chiếc thang đưa con người lên bậc thánh thiện, kỳ thực chỉ trói buộc con người thở hít không khí tự do thật trong Chúa. Bức thư ấy là bức thư sứ đồ Phao-lô gửi anh em tín hữu Ga-la-ti, thuộc trung tâm Tiểu Á. Bức thư này thường được gọi tắt là thư Ga-la-ti, là quyển thứ 9 trong Thánh Kinh Tân Ước. Đây cũng là bức thư Chúa muốn gửi chúng ta ngày nay với một sứ điệp có giá trị muôn đời. Chúa Cứu Thế đã dạy: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng Lời Ta phán chẳng bao giờ qua đi.” “Các con sẽ biết chân lý và chân lý sẽ giải phóng các con.”
Chúa Cứu Thế đã giải phóng anh em, cho anh em được tự do. Vậy hãy đứng vững, đừng để mình mắc vòng nô lệ nữa.
Thưa anh em, anh em đã được hưởng quyền tự do, nhưng đừng lạm dụng tự do để sống theo những đòi hỏi của xác thịt. Trái lại hãy phục vụ nhau với cả tấm lòng yêu thương. Vì cả luật pháp Mai-sen chỉ đúc kết trong một câu: ‘Hãy yêu người lân cận như mình.’
“Chúa Cứu Thế đã giải phóng anh em, cho anh em được tự do. Vậy hãy đứng vững đừng để mình mắc vòng nô lệ nữa!” Phao-lô nói thẳng với anh em tín hữu, với tất cả những người theo Chúa, ngày nay Phao-lô cũng nói với chúng ta là những người mang danh Chúa Jê-sus: là Công giáo, là Tin lành, là Chính thống giáo, là người Cơ đốc, là KiTô hữu, là người giáo phái Ngũ tuần, Báp-tít hay Giám Lý. Đây Chúa muốn nói với chúng ta, với mỗi người tin Chúa Cứu Thế.
Chúa Cứu Thế đã giải phóng anh em. Đó là tin mừng. Một số chúng ta đang tranh đấu cam go để tự sức mình thoát ly tội lỗi, nhưng càng tranh đấu càng cảm thấy mình thất bại sau những chiến thắng vụn vặt nhất thời. Tội lỗi quá mạnh, cám dỗ quá thu hút, sức mình không thể nào chống cự nổi. Nhưng Chúa báo tin mừng cho chúng ta! Chúa đã giải phóng chúng ta, Chúa sẽ thực hiện việc đó trong quá khứ. Không phải Chúa hứa hẹn sẽ làm việc đó trong tương lai, sau khi chúng ta tranh đấu cam go ác liệt. Chúa đã giải phóng chúng ta khi Chúa chịu đóng đinh trên cây thập tự. Chúa đã hoàn thành công cuộc cứu rỗi và giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi khi huyết Chúa tuôn trào trên cây thập tự và Chúa xác nhận: “Mọi việc đã hoàn thành!” Như thế chúng ta không cần làm chi nữa, Chúa đã làm xong rồi. Khi chúng ta nghe tin mừng ấy, chúng ta chỉ cần tin nhận. Chúng ta tin nhận Chúa Cứu Thế đã giải phóng chúng ta. Tội lỗi của chúng ta trong quá khứ đã được Chúa tha thứ hết. Chúa đã trả xong giá chuộc chúng ta khỏi vòng nô lệ, trả bằng chính huyết của Ngài. Chúng ta không còn thuộc quyền người chủ cũ là tội lỗi nữa. Ngay cả các luật pháp tôn giáo được đặt ra để kềm chế con người trước khi Chúa Cứu Thế chịu chết cũng trở thành vô dụng, không còn quyền hành trên chúng ta nữa.
Chúng ta được Chúa biến thành con người mới, con người tự do. Con người cũ của chúng ta đã chết, đã bị đóng đinh vào cây Thập tự với Chúa Cứu Thế. Chúa tạo dựng một tâm hồn mới, một con người mới trong chúng ta. Con người mới của chúng ta mang bản tính của Chúa Cứu Thế. Con người mới của chúng ta bắt đầu sinh hoạt với sức sống của Chúa Cứu Thế. Chúa đã hoàn thành công cuộc giải phóng chúng ta khi Chúa chịu chết trên cây thập tự, nhưng chúng ta chỉ được kinh nghiệm sự giải phóng khi chúng ta thành tâm tin nhận Chúa và nhìn nhận sự thật ấy, chân lý ấy.
Chúng ta được sống tự do, hoạt động tự do, lựa chọn tự do, quyết định tự do. Nhưng chữ “tự do” mà Chúa dùng trong câu này không phải chỉ nói đến quyền tự do lựa chọn giữa điều thiện và điều ác mà thôi. Quyền tự do ấy, mọi người đều có, người chưa tin Chúa cũng như người tin Chúa. Đây Chúa muốn nói đến một sự tự do thật. Không phải tự do để lựa chọn khi thì sống thánh khiết, khi thì sống bê bối theo những đòi hỏi của xác thịt. Người theo Chúa tuy vẫn tiếp tục đối đầu với những cám dỗ liên miên và tế nhị nhưng luôn luôn sử dụng quyền tự do để lựa chọn những điều đúng theo bản tính mới của mình. Người tự do trong Chúa không làm điều quấy, không phải vì bị cấm đoán, nhưng dứt khoát từ khước nó vì nó trái ngược với bản tính mới của mình, nó mâu thuẫn với sự sống mới của Chúa ở trong mình.
Khi người theo Chúa quyết định làm một việc thì không phải vì giáo hội bắt buộc, nhưng vì việc ấy thích hợp với bản tính mới của mình, bản tính của Chúa Cứu Thế Jê-sus. Tự do là thoát khỏi những thứ xiềng xích, những cạm bẫy có thể đưa người theo Chúa trở lại vòng nô lệ tội lỗi. Chính vì thế mà sứ đồ Phao-lô đã diễn tả kinh nghiệm bản thân như sau: “Tôi đã bị đóng đinh vào cây thập tự với Chúa Cứu Thế. Nay tôi sống không phải là tôi nữa nhưng Chúa Cứu Thế sống trong tôi.” Chính vì thế mà Chúa Cứu Thế quả quyết: “Các con sẽ biết chân lý và chân lý sẽ giải phóng các con.”
Nhiều người trong chúng ta gia nhập giáo hội đã lâu năm, mà vẫn còn sống trong xiềng xích gông cùm của tội lỗi, của thói xấu tật hư. Giờ đây chúng ta có thể được giải thoát lập tức khi chúng ta nhìn nhận chân lý này: Chúa đã giải phóng chúng ta trên cây thập tự. Ngay giờ phút này Chúa muốn truyền sức sống mới vào lòng chúng ta, cho chúng ta tự do đích thực.