Chương 5-Lịch Sử Truyền Giáo (P5)

V. GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG

images (3)

Dầu cho động lực thúc đẩy họ không có tính cách “thực dân,” dầu cho mục đích của họ là hoàn toàn phục vụ Chúa, rao giảng Phúc Âm cho người chưa tin, hầu hết các giáo sĩ đã bị ảnh hường của “thái độ thực dân” không nhiều thì ít trong việc tổ chức giáo hội vào thế kỷ thứ 19. Mặc dù trên nguyên tắc, họ đều nghĩ đến “một ngày kia” khi người bản xứ phải hoàn toàn điều hành giáo hội của họ, phải hoàn toàn độc lập cả tài chánh, hành chánh và tổ chức. Có lẽ trong đầu óc một số lớn giáo sĩ, cái gọi là “một ngày kia” còn xa xôi lắm, và “khả năng lãnh đạo.” của các hàng giáo phẩm địa phương chưa “vững vàng” lắm, nên vào thời kỳ ấy giáo sĩ ngoại quốc còn giữ vai trò chủ động trong hầu hết các Giáo hội được thành lập ở các khu vực truyền giáo.

Ngay trong thế kỷ thứ 19 cũng đã có các trường hợp ngoại lệ, như trường hợp của J. L. Nevius ở Trung-quốc, Henry Venn thuộc Hội truyền giáo Giáo Hội (Church Missionary Society) và Rufus Anderson thuộc ủy Ban Truyền Giáo Mỹ. Tuy đường lối của các người này đã tiến bộ, nhưng ta phải chờ đến thế kỷ thứ 20 mới thấy nhiều Hội Truyền giáo chú tâm đến vấn đề ”tự lực cánh sinh” của các giáo hội địa phương.

Người đã có ảnh hường rất sâu đậm trên sự chuyển hướng quan trọng này là Roland Allen. Dựa vào Kinh Thánh, Allen viết các sách như; “Các Phương Pháp Truyền Giáo,” Phương Pháp của Phao-lô hay của Chúng ta?” “Sự Phát Triển Nhanh Chóng của Giáo hội.” Trong các sách này, Allen lên án những phương pháp thông dụng trong các khu vực truyền giáo là không hợp với Kinh Thánh, không có kết quả, và ồng kêu gọi các nhà truyền giáo phải tùy thuộc quyền tể trị của Thánh Linh, phải tin ở khả năng tổ chức và điều hành Giáo hội của các cấp lãnh đạo địa phương.

Phong trào mới này, gọi là “Phong Trào Giáo hội Địa phương,” dựa trên “nguyên tắc tam tự,” gồm có tự phát triển, tự trị và tự túc. Điều kiện lý tưởng là: mỗi Giáo hội địa phương có thể tự túc, không tùy thuộc vào một giáo sĩ hay Hội Truyền giáo ngoại quốc nào.

Mặc dầu hiện nay hầu hết các giáo sĩ đều ủng hộ, hay ít ra cũng không ra mặt chống đối, nguyên tắc Giáo hội Địa phương. Việc áp dụng nguyên tắc “tam tự” có khi cũng lệch lạc. Ví dụ có nhóm nhấn mạnh điểm “tự túc” và tuyệt đối không góp phần tài chánh vào bất cứ hoạt động nào của Giáo hội địa phương cả. Có nhóm khác lại hoàn toàn tập trung vào điểm “tự trị” để đổ tiền và gởi nhân viên vào khu vực truyền giáo, miễn là bộ máy hành chánh do người bản xứ nắm giữ. Đấy là nguyên tắc căn bản của kế hoạch “đồng lao huynh đệ” mà một số giáo phái lớn đang áp dụng. Theo nguyên tắc này, Giáo hội bản xứ hoàn toàn tự trị và đứng ra yêu cầu Hội Truyền giáo gởi người đến hoạt động. Những người này thuộc dưới quyền kiểm soát của Giáo hội Địa phương, do giáo hội này bổ nhiệm, và khổng còn gọi là giáo sĩ nữa, mà là những đồng lao huynh đệ. Tuy nhiên giáo phái ngoại quốc vẫn gởi phụ cấp cho mấy người này và góp phần tài trợ rộng rãi cho các công tác Giáo hội Địa phương.