Chương 5-Lịch Sử Truyền Giáo (P1)
CAO TRÀO TRUYỀN GIÁO THỂ KỶ 19 VÀ 20
Kenneth s. Latourette, tác giả bộ sách “Lịch sử Phát Triển Của Cơ Đốc Giáo” xuất bản vào năm 1945 đã gọi thế kỷ 19 là “Thế Kỷ Vĩ Đại” một cách rất xác đáng. Phong trào do một người thợ vá giày tầm thường phát động đã được hầu hết các giáo phái đặc biệt lưu tâm, và đã lan tràn ra khắp noi trên thế giới. Chính phủ nhiều quốc gia không còn coi thường phong trào ấy, và các hãng buôn, hãng vận tải hàng hải mặc dầu có khi không có thiện cảm gì với mục đích của phong trào, cũng đã tìm cách phục vụ các nhu cầu của phong trào, vì phong trào đã đem đến cho các hãng ấy các mốn lợi đáng kể.
Trong chương trình này, chúng ta sẽ nghiên cứu tổng quát các biến chuyển có ảnh hưởng chung cho phong trào truyền giáo, rồi đến các chương sau chúng ta sẽ nghiên cứu riêng từng khu vực truyền giáo.
I. CÁC HỘI TRUYỀN GIÁO TRỰC THUỘC GIÁO PHÁI
Lúc đầu các hội truyền giáo không hoàn toàn có tính cách giáo phái, mà là các tổ chức độc lập. Như Hội Truyền giáo Báp-tít của Carey sáng lập chẳng hạn, Hội có thể phát xuất từ một giáo phái, nhưng giáo phái ấy thực sự không đỡ đầu việc sáng lập Hội, cũng như không nắm quyền lãnh đạo các hoạt động của Hội.
Nhưng vào thế kỷ 19 thì tình thế lần lần biến đổi, nhất là ở Anh-quốc và Mỹ-quốc. Càng ngày càng có nhiều hội truyền giáo trực thuộc quyền lãnh đạo của các giáo phái, và một số giáo phái khác cũng đứng ra tổ chức các Hội Truyền giáo riêng.
Hội Truyền giáo Luân-đôn, lúc dầu là một tổ chức liên giáo phái, cũng lần lần biến đổi thành một cơ quan trực thuộc Tự trị Giáo đoàn (Congregational) Anh-quốc, và ủy ban Truyền giáo của Mỹ cũng biến thành một tổ chức thuộc Tự trị Giáo đoàn Mỹ, sau khi các hội viên Trưởng-lão và các hội viên giáo phái khác rút ra khỏi ủy ban. Mãi đến giữa thế kỳ thứ 19, giáo phái Luther Mỹ và giáo phái Giám-lý Mỹ mới bắt đầu tổ chức các Hội Truyền giáo riêng. Đến cuối thế kỷ ấy, tất cả các giáo phái quan trọng đều có Hội Truyền giáo riêng. Khi vấn đề nô lệ gây chia rẽ trong các giáo phái Báp-tít, Giám-lý và Trưởng-lão ở Mỹ quốc, thì lại có thêm 3 Hội Truyền giáo mới nữa.