Thánh Kinh Bảo Huấn- Đức Chúa Trời (Chương V-P2)

563813_267347523396163_365002078_n

II. Mối liên hệ giữa Đức Chúa Trời và loài người

 Giô-suê 3:10 Đoạn, người nói: Nhờ điều này các ngươi sẽ biết rằng Đức Chúa Trời hằng sống ngự giữa các ngươi, và Ngài sẽ đuổi khỏi trước mặt các ngươi dân Ca-na-an, dân Hê-tít, dân Hê-vít, dân Phê-rê-sít, dân A-mô-rít, và dân Giê-bu-sít.

Đa-ni-ên 6:20-22, 26, 27 Khi vua đến gần hang, lấy giọng rầu rĩ mà kêu Đa-ni-ên; vua cất tiếng nói cùng Đa-ni-ên rằng: Hỡi Đa-ni-ên, tôi tớ Đức Chúa Trời hằng sống! Đức Chúa Trời ngươi mà ngươi hằng hầu việc có thể giải cứu ngươi khỏi sư tử được chăng? Bấy giờ Đa-ni-ên tâu cùng vua rằng: Hỡi vua, chúc vua sống đời đời! Đức Chúa Trời tôi đã sai thiên sứ Ngài, và bịt miệng các sư tử, nên chúng nó không làm hại chi đến tôi, bởi tôi đã được nhận là vô tội trước mặt Ngài. Hỡi vua, đối với vua cũng vậy, tôi chẳng từng làm hại gì. Ta ban chiếu chỉ rằng, trong khắp các miền nước ta, người ta phải run rẩy kính sợ trước mặt Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên; vì Ngài là Đức Chúa Trời hằng sống và còn đời đời. Nước Ngài không bao giờ bị hủy diệt, và quyền thế Ngài sẽ còn đến cuối cùng. Ngài cứu rỗi và giải thoát, làm những dấu lạ sự lạ ở trên trời dưới đất, đã cứu Đa-ni-ên khỏi quyền thế sư tử.

I Timôthê 4:10 Vả, nếu chúng ta khó nhọc và đánh trận, ấy là đã để sự trông cậy ta trong Đức Chúa Trời hằng sống, Ngài là Cứu Chúa của mọi người, mà nhứt là của tín đồ.

Hêbơrơ 10:28-31  Ai đã phạm luật pháp Môi-se, nếu có hai ba người làm chứng, thì chết đi không thương xót, huống chi kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, coi huyết của giao ước, tức là huyết mà mình nhờ nên thánh, là ô uế, lại khinh lờn Đức Thánh Linh ban ơn, thì anh em há chẳng tưởng rằng người ấy đáng bị hình rất nghiêm đoán phạt hay sao? Vì chúng ta biết Đấng đã phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta; ta sẽ báo ứng, ấy là lời Chúa phán. Lại rằng: Chúa sẽ xét đoán dân mình. Sa vào tay Đức Chúa Trời hằng sống là sự đáng kinh khiếp thay!

Điểm Xác Nhận Thứ Nhì: Đức Chúa Trời hiện diện, lưu tâm và can thiệp tích cực vào các công việc của loài người. Ngài mở đường cho con dân Ngài và dẫn dắt họ. Ngài giải thoát, cứu rỗi và hình phạt.

Đức Chúa Trời của Kinh Thánh khác hẳn Thần của Bái vật giáo (phiếm thần) (Pantheism) và của người theo thuyết Thần luận (Deism). Theo Bái vật giáo thì Thần của họ ở trong các loài thọ tạo và mỗi loài thọ tạo là Thần; còn theo thuyết Thần luận thì Thần của họ sáng tạo nên muôn loài vạn vật rồi sắp đặt cho muôn loài vạn vật có đủ năng lực để tự hoạt động và vị Thần đó không còn để ý chăm sóc vạn vật nữa, cũng như người thợ đồng hồ, làm xong cái đồng hồ, ‘lên giây’ rồi để mặc cho nó tự chạy.

Đức Chúa Trời của Kinh Thánh không giống các vị Thần đó, vì chính Ngài hiện diện và tích cực điều hành cả tất cả các loài thọ tạo do Ngài dựng nên, kể cả vũ trụ muôn loài vạn vật và loài người.