Chương 3-Huyết Chúa Jê-sus (Phần 3)
II. Của Lễ được thánh hoá nhờ Bàn thờ
Bàn thờ được thánh hoá nhờ Huyết, rồi đến phiên bàn thờ có thể thánh hoá của lễ đem dâng trên đó. Của lễ gì được chúng ta đem dâng trên bàn thờ ?
Lời Chúa trong Rôma 12:1 dạy: “Thưa anh em, vì sự thương xót của Đức Chúa Trời, tồi nài khuyên anh em dâng thân thể mình làm sinh tế sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, đó là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. ” Thân thể của con sinh tế được đem đặt trên bàn thờ. Thân thể chúng ta là sinh tế phải đem lên bàn thờ dâng cho Đức Chúa Trời. Thân thể có nhiều chi thể mỗi chi thể có một chức năng khác nhau, nhưng tất cả đều hợp nhất trong thân thể và đều phải được đem dâng trên bàn thờ.
Thân thể có cái đầu, trong đầu có bộ óc (não bộ) là trung tâm của trí tuệ. Đầu với tất cả tư tưởng phải được đem đặt trên bàn thờ. Ta phải dâng hiến tất cả trí tuệ của ta để phục vụ Đức Chúa Trời, đặt nó dưới quyền kiểm soát của Đức Chúa Trời để Ngài toàn quyền xử dụng, tôi bắt hết mọi ý đồ phải vâng phục Đấng Christ (2 Côrinhtô 10:5).
Đầu cũng có các bộ phận khác, như mắt, miệng, tai. Với mắt, tôi tiếp xúc với thế gian hữu hình và các dục vọng của thế gian. Vì vậy tôi phải quay mắt tránh những sự hư không đó và tập trung mắt tôi hoàn toàn vào Chúa, để nhìn cái gì, không nhìn cái gì, theo ý muốn của Chúa. Với tai, tôi thông công liên lạc với người khác. Tai phải được dâng hiến cho Chúa để khỏi nghe những tiếng nói, những câu chuyện làm thoả lòng dục của xác. thịt, nhưng lưu ý đến tiếng Chúa phán với tôi. Miệng bày tỏ con người bề trong của tôi, tôi nghĩ gì, tôi tìm kiếm gì, tôi ước muốn gì. Miệng, môi và lưỡi của tôi phải được tận hiến cho Chúa để tôi không nói gì cả ngoài ra những lời đẹp ý Đức Chúa Trời và đem vinh quang về cho Chúa. Mắt, tai, miệng, đầu và tất cả những cơ quan liên hệ đều phải được đặt trên bàn thờ, để được thập tự giá của Chúa tẩy sạch và thánh hoá.
Sau khi đã đem dâng trên bàn thờ, tôi không còn có quyền xử dụng các cơ quan của đầu nữa và phải nhìn nhận tôi đã hoàn toàn sa đoạ trong tội lỗi và không có sức lực nào để kiểm soát các cơ quan này. Tôi phải tin rằng Đấng đã lấy Huyết Ngài mua các cơ quan của đầu tôi, cũng sẽ dùng quyền năng Ngài để giữ các Cơ quan đó trong mối thông công chặt chẽ với thập tự giá là nơi chính Chúa đã hiến dâng thân thể, kể cả cái đầu và các cơ quan của đầu, cho Đức Chúa Trời. Với đức tin đó tôi phải dâng hiến hoàn toàn đầu tôi ở trên bàn thờ cho Đức Chúa Trời. Huyết Chúa đã thánh hoá bàn thờ và làm cho bàn thờ trở thành “chí thánh” nên tất cả cái gì đụng đến bàn thờ đó phải được thánh hóa. Hành động đem đặt đầu mình lên bàn thờ để đầu đụng chạm với bàn thờ là hành động sống, hành động thuộc linh, hành động thực tế và là một hành động liên tục mãi mãi. Sự đền tội và phục hòa của thập tự giá đã mở của cho sự thông công với thập tự giá. Huyết đã thánh hoá thập tự giá và thập tự giá là bàn thờ của tôi.
Thân thể cũng có hai tay và hai chân. Tay là năng lực để làm việc. Việc làm, công tác, công cuộc làm ăn, công việc phục vụ và tất cả cái gì là sở hữu của tôi đều phải được đặt trên bàn thờ để được tẩy sạch khỏi tội lỗi, được thánh hóa và làm của lễ dâng lên cho Đức Chúa Trời. Chân đại diện cho con đường tôi đi, sinh hoạt của tôi, nẻo đường tôi chọn, mối liên lạc tôi nuôi dưỡng, nơi chốn tôi viếng thăm. Một khi đã được bàn thờ thánh hóa, chân không thể muốn đi đâu thì đi nữa. Chân đã được dâng hiến cho Đức Chúa Trời để Ngài điều khiển tôi đi đâu và tôi phải phục vụ Chúa trong lãnh vực nào. Theo Ê-sai 52:7, chân tôi phải trở thành “xinh đẹp” để đem Phúc Âm là tin tốt lành phước hạnh cho người chưa biết Chúa và đang ở trong cảnh buồn bã hư mất vì tội lỗi. Với hai tay và hai chân đã bị cột trói lại, cả con sinh tế được đem đặt trên bàn thờ, không còn cựa quậy gì nữa.
Khi chịu treo thân trên thập tự giá, hai tay hai chân của Chúa Jê-sus yêu dấu của chúng ta chịu đinh đóng chặt vào cây gỗ. Vì chúng ta hợp một với Chúa trong tâm linh, nên hai tay và hai chân chúng ta cũng chịu đóng đinh với Ngài. Cách chúng ta sử dụng tay chân lúc trước, tức là cách sử dụng của con người thiên nhiên tội lỗi đã bị lên án tử hình và hằng ngày án này vẫn tiếp tục thi hành. Nhưng với quyền năng thánh hoá của thập tự giá và với sự sống của Đấng đã sống lại, tay chân chúng ta bây giờ trở thành tự do và thánh khiết trong Chúa để thích nghi cho việc phục vụ Đức Chúa Trời.
Thân thể cũng có quả tim, là trung tâm của sự sống vì huyết là sự sống, phát xuất từ quả tim và chảy về quả tim. Quả tim chẳng những là cơ quan để làm cho máu lưu thông trong thân thể, mà cũng là “tấm lòng”.
(Ghi chú: “Haima” tiếng Hy-lạp, cơ quan làm cho máu lưu thông trong thân thể, vừa có nghĩa là “tấm lòng”, vì vậy trong bài học này, khi gặp danh từ “quả tim”, chúng ta phải hiểu từ ngữ này cũng có nghĩa là “tấm lòng”).
Với “tấm lòng”, chúng ta có dục vọng, mong muốn, ý chí, sự lựa chọn, yêu thương, ghen ghét.
Quả tim của Đức Chúa Jê-sus đã chịu giáo đâm thủng, vì vậy tất cả những gì phát xuất từ “tấm lòng” đều phải được đặt trên bàn thờ. Tôi cũng phải khước từ những gì gọi là “quyền lợi” hay “đặc quyền” mà tôi cho là tôi có, để tìm kiếm điều này điều nọ, để muốn có muốn làm cái gì tôi ham thích, để yêu hay ghét theo dục vọng của tôi. Đối với Đức Chúa Jê-sus thì bàn thờ, tức là thập tự giá, có nghĩa là: “ý muốn riêng tư của Con không là gì cả, ý muốn của Cha là tất cả. Ý muốn của Cha phải được thực hiện, dù phải trả giá nào Con cũng vâng phục. ” Từ những điều nhỏ nhất cho đến những điều lớn nhất, ý muốn của Cha phải được thực hiện vì ý muốn của Cha là tất cả.
Đó là mục đích của thập tự giá. Đức Chúa Jê-sus đã thánh hoá thập tự giá bằng Huyết của Ngài, để thập tự giá của Chúa thành ra bàn thờ cho chúng ta.
Ý chí có quyền trên tấm lòng như quyền lực của một nhà vua, vì ý chí thống trị trên tình yêu và lòng ghen ghét và qua đó, ý chí thống trị cả con người của chúng ta. Vì thế, khi chúng ta đem đặt ý chí của mình trên bàn thờ, tức là thập tự giá của Chúa Jê-sus, sự thông công và quyền năng của thập tự giá sẽ lan tràn qua toàn thể con người chúng ta. Ý chí của chúng ta hưởng từ A- đam là ý chí tội lỗi và đui mù. Ý chí đó đã bị lên án và đã đầu hàng sự chết. Nhưng một khi ý chí của tôi đã được đem dâng trên bàn thờ và đã bị giết chết, ý chí của tôi được Chúa làm sống lại thành một ý chí mới, ý chí sống với sự sống lại của Chúa, là ý chí tự do trong Chúa, và tôi được thông công với Đức Chúa Jê-sus. Bây giờ ý chí của tôi hoàn toàn thuận phục quyền thông trị và lãnh đạo của Đức Chúa Jê-sus.
Đây là cách một quả tim (tấm lòng) có đức tin hiểu được thế nào là dâng hiến trên thập tự giá, trên bàn thờ đã được Huyết Chúa thánh hoá. Lúc đó chúng ta kinh nghiệm được hai nếp sống dường như trái nghịch, nhưng thật sự được hoà hợp với nhau: nếp sống với ý chí đã bị trói và đem dâng trên bàn thờ, đồng thời là nếp sống tự do trong Thánh Linh; ý chí đã bị đóng đinh và giết chết trên thập tự giá, nhưng bây giờ là ý chí sông trong Thánh Linh. Lúc đó, chúng ta mới hiểu cách sâu nhiệm tại sao sứ đồ Phao-lô nói rằng: “tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ” “Đấng Christ Sống trong tôi” “tôi sống trong niềm tin vào Con Đức Chúa Trời”.
Quả tim, đầu, tay và chân là các bộ phận của thân thể và kết hợp với nhau trong một cấu trúc diệu kỳ của “xác thịt”, làm chỗ ở của linh hồn. Khi loài người mới được Đức Chúa Trời dựng nên, xác thịt là tôi tớ của linh hồn và linh hồn phục dưới quyền hướng dẫn của tâm linh. Nhưng tội lỗi đã làm đảo lộn trật tự này: thân thể với dục vọng xác thịt trở thành kẻ dụ dỗ linh hồn và đưa tâm linh vào vòng nô lệ. Phương pháp độc nhất để tái lập trật tự do Đức Chúa Trời ấn định khi dựng nên loài người là: thân thể phải được đem đặt trên bàn thờ, thân thể phải được Đức Thánh Linh đóng đinh cho chết trên thập tự giá. Thân thể ăn uống, ngủ nghỉ, làm lụng; nó tiếp xúc với đời nhờ hệ thống thần kinh, thân thể đó phải lên bàn thờ. Quyền năng của thập tự giá Chúa Jê-sus, qua Đức Thánh Linh, phải thống trị trên thân thể một cách tích cực và liên tục. Thân thể, với linh hồn và tâm linh sống trong đó, phải trở thành của lễ sống cho Đức Chúa Trời, để lời Chúa trong I Cô-rinh-tô 6:13 được hoàn toàn ứng nghiệm cách sống động liên tục trong chúng ta : “Thân thể… vì Chúa và Chúa vì thân thể”.
Thưa các anh chị em Cơ-đốc yêu dấu, khi chúng ta hội họp ở bàn tiệc của Chúa để gặp gỡ Chúa, để tiếp nhận chính Chúa là Đấng đã xả thân trên thập tự giá vì chúng ta, các anh chị em phải biết rằng điều duy nhất Chúa đòi hỏi chúng ta là hãy dâng hiến chính chúng ta cho Ngài, và vì Ngài. Khi chúng ta đã dâng hiến chính mình cho Ngài, Ngài sẽ làm gì cho chúng ta? Ngài sẽ tiếp nhận chúng ta vào trong mối thông công của thập tự giá Ngài: thập tự giá là “vật sở hữu” vinh quang lớn nhất của Ngài, bởi thập tự giá đó Ngài đã vào trong sự vinh quang của Đức Chúa Cha. Như lời Chúa dạy: bàn thờ đã được thánh hoá bởi Huyết sẽ thánh hoá của lễ đem dâng trên đó, là con đường Chúa chỉ cho chúng ta để chúng ta được tìm thấy và gặp gỡ Ngài.
Bạn có vui lòng bước lên bàn thờ, chỗ giết chết hay không ? Bạn có vui lòng nhận thập tự giá là chỗ ở thường trực của mình, để mỗi ngày mỗi giờ trong cuộc sống bạn có sự thông công với Đức Chúa Jê-sus là Đấng đã chịu đóng đinh, hay không? Hay bạn cảm thấy việc hoàn toàn đầu hàng và tận hiến “cái tôi”, ý chí và đời sống của bạn để làm chết tất cả ,và mỗi ngày mỗi giờ mang lấy sự chết của Đức Chúa Jê-sus là điều quá khó khăn? Tôi khẩn nài bạn, xin bạn đừng coi đây là một việc quá khó. Đây là con đường duy nhất dẫn đến mối thông công với Chúa Jê-sus yêu quý, và qua Chúa Jê-sus, bạn được tự do đến gần Cha Đời đời và Tình yêu vô hạn của Ngài.
Bạn không cần thấy việc này là việc quá khó, vì trong mối tương giao với Chúa Jesus, việc tận hiến sẽ trở thành một niềm vui và sự cứu rỗi. Tôi khuyên nài bạn: bạn hãy tình nguyện cách vui lòng: chúng ta cùng lên bàn thờ để chết đi, hầu cho chúng ta có thể sống.
Hay bạn sợ mình không xứng đáng, không thích hợp trọn vẹn cho việc tận hiến này? Bạn hãy nghe lại lời an ủi khích lệ Chúa đang phán với bạn: “bàn thờ thánh hoá của tế lễ”. Bàn thờ đã được rưới huyết đền tội bảy lần! Bàn thờ trong đời Cựu Ước còn có quyền năng thánh hoá của lễ đem dâng trên đó “huống chi Huyết của Đấng Christ lại càng có quyền năng hơn biết chừng nào?Nhờ Đức Thánh Linh đời đời, Ngài dâng hiến chính mình làm sinh tế không tì vết cho Đức Chúa Trời” (Hêbơrơ 9:14). Huyết đó đã thánh hoá thập tự giá Chúa là bàn thờ, và bàn thờ đó chắc chắn thánh hoá thân thể bạn khi bạn đem thân thể mình dâng trên đó. Bạn đã học và biết quyền năng siêu nhiên của Huyết quý báu, quyền năng chiến thắng tội lỗi và mở con đường mới và sống vào nơi Chí Thánh (Hêbêrơ 10:20). Huyết Chúa Jê-sus đã được đem rưới trong nơi Chí Thánh trên trời, trước mặt Đức Chúa Trời, và đã làm cho ngai của Đức Chúa Trời thành ra Ngai Ân điển.
Thành ngữ “chí thánh” hay “rất thánh” được Kinh Thánh dùng để nói đến phần thứ ba trong Đền thờ, sau bức màn, và cũng để gọi bàn thờ là “bàn thờ chí thánh” sau khi bàn thờ được rưới huyết bảy lần (Xuất Êdíptô 29:37).
Việc Huyết Chúa Jê-sus với quyền năng thiên thượng đã thực hiện trong nơi Chí Thánh trên trời, là tiêu diệt quyền lực của tội lỗi trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời, cũng là việc Huyết đó thực hiện trên thập tự giá là “bàn thờ chí thánh”, trên thập tự giá đó chúng ta đem dâng hiến thân thể mình.
Trong nơi Chí Thánh trên trời, nơi mắt chúng ta không thấy được và là chỗ ở của Đức Chúa Trời, Huyết Chúa Jê-sus đã thi thố quyền năng diệu kỳ để thánh hoá tất cả, làm cho tất cả trở thành toàn thiện toàn mỹ. Trong “nơi Chí Thánh của chúng ta, là thập tự giá của Chúa Jê-sus, Huyết Chúa cũng thi thố quyền năng diệu kỳ như ở trên trời vậy. Vì thế, bạn hãy đặt mình trên bàn thờ đó là thập tự giá của Chúa Jê-sus, tin vào quyền năng thánh hoá mà Huyết Chúa đã truyền đạt cho bàn thờ. Bạn hãy tin rằng Huyết Chúa và thập tự giá Chúa không thể nào tách rời khỏi Đức Chúa Jê-sus, Đấng hằng sống, là Thầy Tế lê Thượng phẩm và cũng bất khả phân ly khỏi Đức Thánh Linh, là Lửa.
Bạn được Chúa bảo đảm cho mình điều này: quyền năng thánh hoá của lễ bởi bàn thờ là quyền năng siêu nhiên vô cùng mạnh mẽ, quyền năng có thể làm bạn cảm nhận ngay sự đắc thắng những ô uế yếu đuối trong bạn. Bạn hãy đặt thân thể mình trên bàn thờ, là bàn thờ tận hiến, bàn thờ được Đức Chúa Trời chấp nhận. Bàn thờ đó là nơi hiện diện đầy phước hạnh của Đức Chúa Trời. Cùng chết với Chúa Jê-sus dẫn đến sự cùng sống lại và cùng sống mãi với Ngài trong tình yêu của Đức Chúa Cha.
Chúng ta thường nghe nói: Đức Chúa Jê-sus vừa là Thầy Tế lễ vừa là Của lễ. Nhưng Ngài cũng là Bàn thờ. Khi biết được như vậy, chúng ta ý thức được chân lý: thập tự giá không thể nào tách rời ra khỏi Đức Chúa Jê-sus là Đấng chịu đóng đinh. Chỉ ở thập tự giá chúng ta mới tìm được Đức Chúa Jê-sus là Đấng đang sống. Vì thế bạn hãy coi chính Đức Chúa Jê-sus chịu đóng đinh là bàn thờ của bạn và hãy đặt thân thể với tất cả những cơ quan của thân thể, cũng như sự sống của bạn đang “ở” trong thân thể của bạn đặt lên Chúa Jê-sus, trước sự hiện diện của Đức Chúa Cha. Khi đó bạn là “của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời” và bạn được thông công trọn vẹn với Chúa, như được chính Chúa dạy dỗ về Tiệc thánh, với việc ăn thịt và uống huyết của Chúa (Ai ăn thịt Ta và uống huyết Ta sẽ tồn tại trong Ta, và Ta trong người đó) (Giăng 6:56)
I Cô-rinh-tô 10:16 dạy: “Cái chén phước hạnh mà mỗi khi uống chúng ta chúc tạ. lại không có phần trong huyết Đấng Christ sao? Cái bánh chúng ta bẻ ra, lại không có phần trong thân thể Đấng Christ sao?” Có phần trong thân thể chịu đóng đinh, và với huyết đổ ra, là món quà Đức Chúa Jê-sus muốn ban cho chúng ta. Chúng ta có phần trong Ngài khi chúng ta dâng hiến trọn vẹn để chết như Chúa đã chết, nhờ đó chúng ta có thể sống với Chúa, là Đấng đã chịu đóng đinh. Chúng ta đặt mình lên bàn thờ, dâng hiến chính mình trên thập tự giá, để bởi đức tin, trở thành một với Đấng đã chịu đóng đinh.
Thưa các bạn, chúng ta có một bàn thờ, là bàn thờ có quyền năng thánh hoá của lễ. Tất cả những gì đụng chạm đến bàn thờ này đều được thánh hóa. “Vì sự thươmg xót của Đức Chúa Trời, tôi nài khuyên anh em dâng thân thể mình làm sinh tế sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời. ”