Chương 3 – Bàn Thờ Được Huyết Thánh Hóa (Phần Mở Đầu)
BÀN THỜ ĐƯỢC HUYẾT THÁNH HÓA
Trong bảy ngày ngươi hãy làm lễ chuộc tội cho bàn thờ và biệt riêng ra thánh; bàn thờ sẽ trở nên rất thánh, phàm vật chi đụng đến đều được nên thánh vậy.(Xuất Êdíptô 29:37)
(For seven days you shall ma ke an atonement for the altar and sanctify ít; and ít shall be an altar most holy; whatever touches the altar shall be holy.Exodus 29:37)
Ngoại trừ hòm giao ước với nắp thi ân đặt sau bức màn trong Nơi Chí thánh, là nơi thầy tế lễ thượng phẩm đem huyết sinh tế đổ lên mỗi năm một lần, thì bàn thờ đặt trong Nơi thánh là dụng cụ thờ phượng quan trọng nhất trong Đền thờ đời Cựu ước Các thầy tế lễ của dân Do-thái đến bàn thờ hàng ngày để lo việc thờ phượng, và bàn thờ được coi là “cửa vào ” để từ đó các thầy bắt đầu mọi việc thờ phượng trong Nơi thánh.
Trước khi Đức Chúa Trời ban cho Môi-se kiểu mẫu để thiết lập Đền tạm, (và về sau vua Sa-lô-môn đã theo kiểu đó để xây dựng một Đền thờ ở Giê-ru-sa-lem), thì các thánh tổ, như Nô-ê, Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp đã lập bàn thờ. Dù chưa có Đền tạm như Đền thờ, đời Cựu ước người ta đã có thể thờ phượng Đức Chúa Trời khi họ có bàn thờ. Trước khi bảo Môi-se thiết lập Đền tạm là nơi Đức Chúa Trời ngự giữa dân sự, Ngài đã dạy Môi-se về sự thờ phượng bằng cách dâng của lễ trên bàn thờ.
Sự thờ phượng tại bàn thờ là điểm bắt đầu, là trung tâm và là quả tim của sự thờ phượng trong Đền thờ hay Đền tạm.
Tại sao như vậy ? Bàn thờ là gì ? Tại sao bàn thờ chiếm một địa vị quan trọng như vậy?
Để. tìm ra lời giải đáp cho cả ba câu hỏi này, chúng ta hãy tìm biết ý nghĩa của danh từ “bàn thờ” trong tiếng Do-thái (Hê-bơ-rơ). Nghĩa đen của từ ngữ “bàn thờ” trong tiếng Do-thái là: “chỗ để giết chết”, “chỗ để xử tử”. Ngay cả chỗ xông hương cũng được gọi là “bàn thờ xông hương “—mặc dù không có sinh tế nào được dâng trên đó — vì các lễ vật đem dâng hiến cho Đức Chúa Trời đều được để trên đó.
Ý nghĩa đó đưa chúng ta đến khái niệm này: sự phục vụ thờ phượng của chúng ta là việc dâng hiến chính mình với tất cả những gì của mình có cho Đức Chúa Trời. Để làm công việc này, người thờ phượng phải có một chỗ riêng biệt, được chính .Đức Chúa Trời ấn định và thánh hóa. Vì bàn thờ được Đức Chúa Trời ấn định và thánh hóa, nên bàn thờ làm cho tất cả. các lễ vật đặt lên đó được nên thánh và được trở nên của lễ đẹp ý Đức Chúa Trời, được Ngài chấp nhận.
Người dâng tế lễ chẳng những mang đến con sinh tế để đền tội cho mình, mà cũng phải đem lễ vật tạ ơn, của lễ thù ân (Lê-vi-ký đoạn 3) để tạ ơn Đức Chúa Trời sau khi mình được tha thứ và phục hoà với Ngài. Đây là cách người dâng tế lễ bày tỏ tình yêu và lòng biết ơn, cũng như lòng mong muốn được có mối thông công mật thiết hơn với Đức Chúa Trời và được tận hưởng các ân huệ của Ngài.
Vì thế, bàn thờ là chỗ dâng của tế lễ, là nơi tận hiến và cũng là nơi thiết lập và duy trì mối thông công với Đức Chúa Trời.
Bàn thờ trong đời Cựu ước chỉ là hình ảnh tượng trưng cho bàn thờ của đời Tân ước, và chỉ là một cái bóng của sự thờ phượng thuộc linh toàn vẹn của đời Tân ước. Thư Hê-bơ-rơ đoạn 13 câu 10 chép: “Chúng ta có một bàn thờ. “ Trên thiên đàng cũng có một bàn thờ: “một thiên sứ khác đèn đứng trước bàn thờ, tay cầm lư hương vàng…thiên sứ lấy lửa trên bàn thờ bỏ đầy lư hương… “(Khải Huyền 8:3,5). Bàn thờ trong đời Tân ước cũng là “chỗ để giết chết”, để dâng của lễ thiêu.
Chúng ta có thể biết “bàn thờ ” trong Tân ước là chỗ Chiên Con Đức Chúa Trời đã tự hiến thân làm của lễ chuộc tội một lần là đủ (Hê-bơ-rơ 9:12; Khải Huyền 5:6) và cũng là chỗ mỗi người thật tâm tin Chúa phải dâng hiến chính mình và tất cả những gì mình có làm của lễ thiêu và của lễ tạ ơn cho Đức Chúa Trời. Và bàn thờ đó chính là thập tự giá.
Như lời Chúa dạy mà chúng ta đã học, chính bàn thờ phải được thánh hoá bằng huyết, mới có quyền năng thánh hoá tất cả những gì đụng chạm đến bàn thờ. Bây giờ chúng ta căn cứ trên.
Lời Chúa để học:
(1) Bàn thờ được thánh hoá bởi Huyết;
(2) Lễ vật được thánh hoá nhờ Bàn thờ.
Cầu xin Thánh Linh của Đức Chúa Trời mở mắt chúng ta để chúng ta thấy trọn vẹn quyền năng của Huyết trên thập tự giá. Nguyện chúng ta thấy được sự thánh hoá bởi thập tự giá, là chỗ chúng ta chết, và cũng là chỗ chúng ta tận hiến chính mình cho Đức Chúa Trời.