Đức Chúa Trời tha thứ dồi dào
ĐỨC CHÚA TRỜI THA THỨ DỒI DÀO
“Người đó bảo: ‘Tên ngươi không còn là Gia-cốp nữa, nhưng là Y-sơ-ra-ên vì ngươi đã tranh đấu với Đức Chúa Trời và người ta, và ngươi đều thắng cả’” (Sáng-thế Ký 32:28 BTTHĐ).
Câu hỏi suy ngẫm: Câu chuyện xảy ra trong bối cảnh nào? Người vật lộn với ông Gia-cốp là ai? Người đó đã làm gì cho ông Gia-cốp khi ông không chịu bỏ cuộc? Việc đổi tên từ Gia-cốp thành Ít-ra-ên có nghĩa gì? Qua câu chuyện chúng ta học được bài học gì về sự tha thứ dồi dào của Chúa?
Câu chuyện trong chương 32 xảy ra lúc ông Gia-cốp từ Cha-ran (nay là miền nam xứ Thổ Nhỉ Kỳ), trở về đất Ca-na-an sau hai mươi năm chạy trốn ông Ê-sau, vì sợ anh mình giết sau vụ lừa đảo (27:41). Ông Gia-cốp sai gia nhân báo cho ông Ê-sau biết việc mình trở về để xin anh mình tiếp nhận. Khi nghe tin anh mình từ Ê-đôm (nay là xứ Jordan) dẫn theo bốn trăm người ra đón thì ông Gia-cốp vô cùng kinh hãi và lo lắng (32:7). Ông chuẩn bị một đoàn gia súc rất lớn đi trước để làm quà cho ông Ê-sau. Ông cũng chia gia nhân và gia súc của mình làm hai toán, đề phòng ông Ê-sau tấn công. Sau khi đưa hai vợ, hai nữ tì, và mười một người con qua bên kia rạch Gia-bốc (nhánh của sông Giô-đanh), đêm đó một mình ông ở lại với tâm trạng vô cùng lo sợ.
Đêm ấy, ông Gia-cốp vật lộn với một người cho đến rạng đông. Người vật lộn với ông Gia-cốp chính là Đức Chúa Trời dưới dạng con người (câu 28, 30; Ô-sê 12:4-5). Khi Chúa thấy ông Gia-cốp không chịu bỏ cuộc Ngài liền chạm (naga) vào khớp xương hông của ông, là khớp chắc nhất trong toàn cơ thể khiến ông bị trật khớp. Dù rất đau đớn nhưng ông Gia-cốp cũng không chịu buông tay, cứ ôm lấy Chúa, như đứa con cứ đeo cha, nài nỉ xin ban phước. Trước khi ban phước, Chúa hỏi tên ông. Dĩ nhiên, Chúa đã biết tên ông, nhưng Ngài muốn ông có dịp nhìn nhận con người thật của mình, thú nhận tội lỗi với Chúa. Tên “Gia-cốp” nghĩa là kẻ nắm gót, kẻ lừa gạt, vì lợi ích cá nhân ông gạt chính người nhà mình.
Cuộc đời ông Gia-cốp từ nhỏ cho đến thời điểm hiện tại đã trải qua nhiều cuộc tranh đấu. Ông cậy sức mình, dùng mưu mẹo, và mọi thủ đoạn để tranh đấu với anh (chương 25, 27), với cha (chương 27), với cha vợ (chương 29-31), và với Chúa (chương 32). Như cái dằm đâm vào xác thịt của ông Phao-lô để ông biết mình yếu đuối, cần nhờ vào sức Chúa (2 Cô-rinh-tô 12:5-10), thì Chúa cũng dùng cái trật khớp xương hông, phải đi khập khểnh trọn đời, để ông Gia-cốp biết mình yếu đuối. Câu 28 ghi ông “thắng” Chúa với ý nghĩa ông kiên trì xin Chúa ban phước, quyết tâm không bỏ cuộc, và Chúa bằng lòng. Biểu hiện của sự ban phước là sự đổi tên, từ Gia-cốp, người lừa gạt, thành Ít-ra-ên, người tranh đấu (vật lộn) với Đức Chúa Trời. Việc Chúa ban một tên mới cho ông Gia-cốp chứng tỏ Chúa đã tha thứ ông cách trọn vẹn, bắt đầu đánh dấu một giai đoạn mới, quan trọng trong cuộc đời của ông. Từ lần “vật lộn với Chúa” cho đến khi qua đời, ông Gia-cốp trở nên một người mới, trưởng thành tâm linh, ông không còn dùng mưu mẹo để lừa gạt người khác. Chúa đã hoàn toàn tha thứ cho ông Gia-cốp, ông đuợc đổi mới và trở nên nguồn phước cho hậu tự của ông.
Câu chuyện trên giúp chúng ta nhìn lại chính mình, mạnh dạn xưng ra những lỗi lầm, tin vào sự tha thứ dồi dào của Chúa (Thi-thiên 103:8-14); và cũng khích lệ chúng ta kiên trì trong sự cầu nguyện, nài xin ơn lành từ nơi Chúa (Ê-sai 62:6-7).
Còn tội lỗi nào bạn chưa thú nhận với Chúa? Bạn quyết định làm gì ngay giờ này?
Lạy Chúa, Ngài đã tha thứ và biến đổi Gia-cốp, người lừa gạt thành Ít-ra-ên, nguồn phước cho nhiều người, thì con cũng dạn dĩ xin Chúa tha thứ con, một tội nhân, và biến đổi con trở nên người hữu dụng cho vương quốc của Ngài.
Văn Phẩm Nguồn Sống