Áp lực trên Israel gia tăng

Sau hơn một thập kỷ đàm phán, thỏa thuận hạt nhân do Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) đạt được tại trung tâm Liên Hiệp Quốc tại Vienna vào lúc 8h30 GMT (15h30, giờ Hà Nội) ngày 14/7/2015.

Theo thỏa thuận, phương Tây sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế với Iran, đổi lại, Tehran sẽ hạn chế các hoạt động hạt nhân để đảm bảo nước này không thể xuất khẩu vũ khí nguyên tử.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ có quyền tiếp cận các cơ sở hạt nhân của Iran trong vòng 24 ngày tới. Iran đã có nhiều nhượng bộ quan trọng. Lực lượng thanh sát viên Liên Hiệp Quốc sẽ có quyền tiếp cận và giám sát các cơ sở quân sự của Iran. Nếu Iran vi phạm thỏa thuận thì một số lệnh cấm vận có thể được áp đặt lại trong vòng 65 ngày tới.

Trong những ngày qua, dư luận thế giới dường như rất đồng tình với thỏa thuận gây tranh cãi này, đặc biệt là Tổng thống Mỹ. Đây được xem như là “Di sản” trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông.

Lên tiếng ủng hộ, các đồng minh châu Âu của Mỹ ca ngợi thỏa thuận này là “chương mới” trong quan hệ quốc tế. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết hiệp ước đạt được hôm 14-7 là minh chứng cho thấy sách lược ngoại giao của Washington có thể mang lại thay đổi có ý nghĩa và giúp thế giới an toàn hơn. Đây cũng được xem là một trong những di sản quan trọng nhất trước khi ông Obama rời nhiệm sở vào đầu năm 2017.

Được biết, thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và P5+1 sẽ chính thức có hiệu lực sau 90 ngày kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) thông qua nghị quyết chấp thuận. Hiện tại, Quốc hội Mỹ nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa sẽ có 60 ngày để đánh giá và sẽ quyết định xem có nên bỏ phiếu về việc chấp thuận hay bác bỏ hiệp ước trên hay không. Tuy nhiên, cơ quan này đang trong tình trạng chia rẽ khi một số nghị sĩ đảng Dân chủ ca ngợi đây là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt bất chấp đảng Cộng hòa gọi đó là “hiệp ước vô trách nhiệm”. Đây được xem là thách thức cam go đối với Tổng thống Obama khi các nghị sĩ đảng Cộng hòa khẳng định sẽ bác bỏ hiệp ước mà theo họ là “mang lại cho Tehran quá nhiều không gian hành động nhưng không bảo vệ được các lợi ích quốc gia Mỹ”.

Phát biểu ở Nhà Trắng, ông Obama cho biết hoan nghênh cuộc tranh luận của Quốc hội về vấn đề này, nhưng cảnh báo đây không phải thời điểm dành cho “chính trị hay khoe mẽ”. Theo đó, Tổng thống Obama nhấn mạnh sẽ phủ quyết bất kỳ nỗ lực nào của Quốc hội nhằm cản trở việc thực thi thỏa thuận một cách có hiệu quả. Bởi nếu không có giải pháp ngoại giao, ông Obama cho biết Washington trong tương lai phải đối mặt với quyết định có hay không cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc triển khai sức mạnh quân sự để áp chế. Mà như vậy sẽ tiếp tục khiến bất ổn ở Trung Đông thêm nghiêm trọng, thậm chí đe dọa an ninh toàn cầu.

Trong khi đó, các nghị sĩ Mỹ theo quan điểm phản đối lại cho rằng thỏa thuận sẽ mở ra tiềm năng giúp Iran tăng cường ảnh hưởng và xác định lại cán cân quyền lực ở Trung Đông, kéo theo đó là những hệ lụy gây ảnh hưởng đến quan hệ của Mỹ với các đồng minh trong khu vực. Thậm chí, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner hôm 14-7 cho rằng hiệp ước vừa đạt được “có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới”. Do đó, ông Boehner tuyên bố “không thể chấp nhận thỏa thuận này” và khẳng định sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn.

Là một trong số những người phản đối mạnh mẽ nhất, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo Tel Aviv đã cam kết ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh cam kết này vẫn sẽ đứng vững.

Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu đã lên án: “Từ những thông tin mới nhất vừa nhận được, thì có vẻ như thỏa thuận này sẽ là một ‘Sai lầm lịch sử’ của cả thế giới. Những điều khoản thống nhất trong tất cả các lĩnh vực nên ngăn chặn mọi khả năng có được vũ khí hạt nhân của Iran”.

 TT Netanyahu

Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu (Nguồn: THX/TTXVN)

Cũng trong ngày hôm qua, Thủ tướng Israel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông Benjamin Netanyahu tỏ ra quan ngại về thỏa thuận hạt nhân mới đạt được giữa Iran và các cường quốc thế giới.

Một nguồn tin cho biết: “Thủ tướng Netanyahu đã nhấn mạnh rằng thỏa thuận này đặt ra 2 nguy cơ chính: Nó sẽ cho phép Iran có đủ khả năng để tự trang bị các loại vũ khí hạt nhân trong thời gian từ 10-15 năm. Ngoài ra, nó sẽ chu cấp hàng tỷ USD cho cỗ máy chiến tranh và khủng bố Iran vốn đe dọa Israel và cả thế giới”.

Bất chấp những phản ứng trái chiều của đảng Cộng hòa và đồng minh Israel. Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 15/7 đã lên tiếng bảo vệ thỏa thuận hạt nhân vừa ký với Iran.

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã bày tỏ hy vọng đa số nghị sĩ Mỹ sẽ bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận hạt nhân với Iran. Theo Tổng thống Obama, đây chính là giải pháp tốt nhất nhằm tránh một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. Tổng thống Obama cũng cho rằng bản thỏa thuận chính là một cơ hội mà nước Mỹ cần nắm lấy.

 Và như thế, sau thỏa thuận hạt nhân Iran vừa đạt được, Israel sẽ đối mặt với một chặn đường đầy cam go, thách thức.

Tin tổng hợp từ Internet.