Thách thức cho Israel

Thách thức cho Israel

Mâu thuẫn sâu sắc với đồng minh Mỹ

Quan hệ giữa Mỹ với đồng minh lâu năm Israel đang bị đẩy tới “bờ vực đổ vỡ” khi Washington tuyên bố ngày 19/3 sẽ “đánh giá lại” quan hệ song phương cũng như công khai cảnh báo có thể rút bỏ “chiếc ô” bảo trợ cho nhà nước Do-thái này tại Liên Hiệp Quốc.

Trước đó, ngày 2/3, ông Obama tuyên bố cho phép Iran chỉ phải ngừng hoạt động hạt nhân trong một thập kỷ, thay vì ngừng vĩnh viễn như trước đây.

“Iran cần phải cam kết đóng băng có kiểm chứng các hoạt động liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình ít nhất 10 năm,” ông Obama nói.

Đây là sự thay đổi lớn trong quan điểm của Mỹ đối với vấn đề hạt nhân Iran vì trước đây Washington dứt khoát yêu cầu Tehran phải ngừng hẳn hoặc ít nhất là phải ngừng 20 năm các hoạt động hạt nhân.

“Mục tiêu cuối cùng của Mỹ trong đàm phán với Iran là ngăn chặn quốc gia Hồi giáo này chế tạo bom hạt nhân. Một khi Iran cam kết ngừng các hoạt động hạt nhân trong 10 năm, Mỹ sẽ có những cách thức để kiểm chứng cam kết này,” nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm.

Ông Obama đưa ra những phát biểu trên ngay trước khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chuẩn bị có bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ nhằm vận động các nhà lập pháp Mỹ thông qua một dự luật áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Iran và ngăn chặn Tehran đi tới một thỏa thuận hạt nhân toàn diện với nhóm P5+1 (gồm Đức và 5 nước thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp quốc).

“Nói cách thành thực, tôi ít quan ngại về những phát biểu của Thủ tướng Netanyahu hơn là những hành động tiếp theo của Quốc hội (Mỹ) trong việc có những hành động làm ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán (hạt nhân Iran) trước khi chúng kết thúc… Và tôi sẽ dùng quyền phủ quyết của người đứng đầu cơ quan hành pháp nếu cần thiết,” Tổng thống Obama khẳng định.

Trước đó, Mỹ đã có nhượng bộ với Iran khi cho phép nước này được giữ lại 6.500 thanh nhiên liệu hạt nhân (thay vì chỉ là 4.500 thanh) sau khi đã được tái chế để Tehran không thể có đủ urani chế tạo bom hạt nhân. Đây là nhượng bộ lớn đầu tiên của Mỹ nhằm phá vỡ tình thế bế tắc trong đàm phán hạt nhân Iran với hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận khung vào tháng Ba và thỏa thuận toàn diện chi tiết vào trước thời hạn chót là ngày 30/6 tới.

Controversial Heavy Water Plant Nears Completion In Iran

Nghi vấn về Iran sản xuất hạt nhân tại Arak. (Ảnh: Majid/Getty Images)

Để đẩy nhanh tốc độ đàm phán và mở rộng cơ hội đạt được thỏa thuận trên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới Geneva (Thụy Sỹ) ngày 1/3 để tiến hành cuộc gặp riêng rẽ thứ 8 với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif. Phát biểu tại Geneva, ông Kerry cảnh báo Israel, đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông, không nên gây khó dễ cho các cuộc đàm phán của Mỹ với Iran.

Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Israel đang rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, trong khi hồ sơ hạt nhân Iran lại đang có nhiều triển vọng tích cực với những hành động đầy thiện chí từ cả Washington và Tehran

Tuyên bố chính thức từ Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm chúc mừng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tái đắc cử, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã một lần nữa tái khẳng định cam kết của Washington theo đuổi một giải pháp hai nhà nước cho mối quan hệ giữa Israel và Palestine.

Một quan chức Nhà Trắng yêu cầu giấu tên cho biết Tổng thống Mỹ đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về tình hình căng thẳng hiện tại trong quan hệ Mỹ-Israel, cho biết Mỹ sẽ “đánh giá lại” các phương án của nước này trong quan hệ đồng minh song phương cũng như trong chính sách ngoại giao Trung Đông.

Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest phát biểu với báo giới nói rằng chính quyền của Tổng thống Barack Obama có thể tính tới khả năng rút bỏ “sự che chắn” về ngoại giao đối với Israel tại Liên Hiệp Quốc mà Washington đã theo đuổi trong nhiều thập kỷ qua.

Ông Earnest khẳng định phương án hai nhà nước Israel và Palestine mà Mỹ đã và đang theo đuổi tại diễn đàn Liên hiệp quốc là giải pháp tốt nhất để giải quyết tình trạng căng thẳng tại khu vực.

Chính quyền Netanyahu bị chống đối từ nhiều phía

Ông Netanyahu và phe Likud thắng cử: chiếm 30/120 ghế của Quốc Hội Israel so với 24 ghế của đối thủ chính. Hơn nửa số ghế còn lại chia cho các đảng khác, từ phía cực đoan cực hữu cho đến liên minh Ả-rập Phối Hợp (13 ghế).

Ông Netanyahu sẽ liên kết với các đảng phe hữu và các đảng thuộc tôn giáo (Do-thái) và có đủ đa số 61 ghế để lập chính phủ mới trước ngày 7/5.  Ông sẽ là thủ tướng phục vụ lâu nhất Israel, và chứng minh, dù có bị Mỹ tẩy chay không gặp thì người Israel vẫn bầu cho ông.

Nhưng đồng thời đó cũng là thảm kịch cho những năm tháng sắp tới.

Trước hết, khi ông Netanyahu gạt giải pháp “hai quốc gia” đối với người Palestine ở Gaza và Bờ Tây, đồng thời kỳ thị người Israel gốc Palestine thì chính quyền mới của ông sẽ phải đương đầu với những thách đố lớn hơn từ trước tới nay.

Thêm vào đó, những người chỉ trích chính sách của Israel luôn bị chụp mũ là “kỳ thị Do-thái” sẽ bớt bị tai tiếng này và sẽ lên tiếng mạnh dạn hơn khi họ chống những chính sách hay hành động của Israel.

Cụ thể, phong trào BDS (Boycott – Divestment – Sanctions), tạm dịch là  Tẩy chay – Không đầu tư vào Israel – và Chế tài bằng cách đầu tư sang nước khác; vài năm gần đây, phong trào này từ Âu châu đã lan sang Mỹ.

Boycott-Israeli-apartheid

Tẩy chay phân biệt chủng tộc Israel (Ảnh: Tapash Abu Shaim / Palestine Solidarity Campaign)

Nhiều tổ chức của các chuyên gia về giáo dục đã tẩy chay hội họp tại Israel hay trao đổi với các tổ chức tương tự của Israel; Sinh viên ở Mỹ cũng kiến nghị không cộng tác với các công ty làm việc với Israel. Những tiếng nói này sẽ mạnh thêm cũng như sẽ đỡ bị chỉ trích hơn trước.

Trong nước Israel, cử tri chia làm hai phe gần như đồng đều ủng hộ hay chống đối Netanyahu.  Phe chống đối chú trọng vào các vấn đề kinh tế, bình đẳng trong xã hội, và chống tham nhũng trong khi phe Netanyahu hầu như chỉ chú trọng vào vấn đề quân sự, dùng khủng bố của Hamas và bom nguyên tử của Iran là hai vũ khí để tranh cử và trị nước.

Ở Mỹ, tuy hầu hết người gốc Do-thái và các chính trị gia dù ủng hộ sự sống còn của Israel nhưng họ không chấp nhận nước Israel phải kỳ thị Palestine và họ luôn tranh đấu cho một giải pháp hòa bình để hai nước sống chung với nhau được. Nay ông Netanyahu đã công khai bỏ chủ trương “hai quốc gia” cũng như đã ra mặt kỳ thị Palestine, họ sẽ ủng hộ chính sách của Mỹ mạnh mẽ hơn, dù có đi ngược lại với chính sách của Netanyahu.

Israel còn có nguy cơ mất sự ủng hộ nhiệt thành của thế hệ trẻ gốc Do-thái.

Thế hệ này lớn lên với các mạng xã hội, và họ chứng kiến những đàn áp của Israel trên người Palestine nhiều hơn là họ được nuôi dưỡng từ những câu chuyện gần như “thần thoại” của thời lập quốc Israel, và phản ứng của họ đang nghiêng về bảo vệ quyền lợi của những người bị đàn áp.

Còn đối phương hay kẻ thù của Israel thì sao?

Trước hết, chính quyền Palestine, ngay từ năm 2014 đã xúc tiến hai việc để đối phó với Israel: xin gia nhập Liên Hiệp Quốc như một quốc gia thành viên, và xin gia nhập làm thành viên của Tòa Án Quốc Tế.  Hai động thái này cho thấy người Palestine đã không kỳ vọng gì nhiều về thương thuyết với Israel, và họ muốn dùng Liên Hiệp Quốc như một diễn đàn, cũng như công luận trên thế giới, để đối phó với Israel và bảo vệ những quyền lợi của họ.

Trong quá khứ, Mỹ đã che chở, luôn dùng quyền phủ quyết để gạt đi những nghị quyết đưa ra điều gì bất lợi cho Israel ở Liên Hiệp Quốc. Liệu trong 2 năm cuối của Obama chắc gì Mỹ sẽ bảo vệ Israel  như xưa. Còn nếu chính quyền Palestine kiện được Israel ra Tòa quốc tế về những vi phạm nhân quyền, liệu có ngày nào đó chính ông Netanyahu cũng sẽ bị lôi ra tòa, không khác gì cựu tổng thống Pinochet của Chile trước đây, hay các lãnh tụ Khmer Rouge bên Campuchia hiện nay.

Đối thủ chính của Israel ở Trung Đông là Iran đang thương thuyết với 6 cường quốc về thỏa thuận ngăn ngừa Iran tạo được vũ khí hạt nhân.

John Kerry

John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (phải), trong quá trình đàm phán tại Vienna, giữa E3+3 (Pháp, Đức, Anh, Trung Quốc, Nga, Mỹ) và Iran. (Ảnh Georg Hochmuth/EPA)

Trường hợp 6 nước và Iran đồng ý việc kiểm soát công nghệ hạt nhân, các cường quốc sẽ nới lỏng những biện pháp chế tài hiện đang đặt trên Iran, và Iran sẽ “trở lại với cộng đồng thế giới” và sẽ trở nên mạnh hơn. Nếu họ không đạt được thỏa thuận, 5 nước kia, trừ Mỹ cũng sẽ nới lỏng các biện pháp trên vì họ muốn giao thương với Iran, nên Iran cũng sẽ tiến hơn hiện nay. Chưa kể Iran vẫn có một cớ là họ cần tự vệ và thăng bằng cán cân quân sự ở Trung Đông. Chưa biết chừng hai nước Ai-cập và Ả-rập Saudi cũng sẽ vào cuộc tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân.

Xem ra, thủ tướng Netanyahu dù thắng cử, cả ông và nước Israel sẽ phải đương đầu với những khó khăn, thách đố lớn hơn trước trong khi đã mất khá nhiều thiện cảm của thế giới nói chung và sự ủng hộ hầu như vô điều kiện của đồng minh quan trọng nhất của Israel nói riêng.

Vậy thì Israel chỉ phải còn trông cậy vào quyền năng của Chúa để giải quyết những thách thức của mình trong thời gian tới.

Tin tổng hợp và phân tích từ internet.