Chức Vụ Chữa Lành- Sống Nếp Sống Của Nước Trời; Bắt Đầu Bằng Nước Trời
SỐNG NẾP SỐNG CỦA NƯỚC TRỜI
Nghe được những công việc kỳ diệu của Đức Chúa Trời đang làm trên thế giới và thậm chí vui mừng phấn khởi về những điều đó là một chuyện, nhưng đưa ra thắc mắc khi nào những điều như vậy phải được xảy ra lại là một điều gì đó khác. Hay nói cách khác, hầu hết những Cơ Đốc nhân chân thành đều muốn biết chẳng sớm thì muộn có phải điều họ đang kinh nghiệm thật sự đang khớp với những gì Kinh Thánh dạy không.
Các vấn đề về thần học liên quan đến chức vụ chữa lành là đặc biệt cao theo các chương trình của những người lãnh đạo Cơ Đốc xuất thân từ các bối cảnh Tin Lành truyền thống, như tôi đã giải thích ở chương 1. Nơi mà những sự dạy dỗ của Benjamin Warfield, John MacArthur, Jr., C. I. Scofield hay bất cứ số lượng những điều khác trước nay vẫn nổi bật, thì sự chuyển đổi sang làn sóng thứ ba không phải là dễ. Không những chỉ các mục sư, mà các lãnh đạo tín hữu Cơ Đốc đều bị xem là vô trách nhiệm nếu như họ ra sức bắt đầu một chức vụ chữa lành trong Hội Thánh địa phương của mình mà trước hết không nêu ra những câu hỏi gay go về mặt thần học. Chỉ tiếp cận vấn đề ở vòng ngoài đem lại một sự liều thử có nguy cơ cao trong việc làm cho Hội Thánh của bạn bị dội, và đó chính xác là điều cuốn sách này muốn tránh.
Tôi ước gì có thể triển khai mặt thần học mà với thần học đó mọi Cơ Đốc nhân đều đồng ý. Nhưng điều này không thể có được. Nhiều người đã thử cố gắng qua các thế hệ, và chưa một ai đã thành công. Dầu vậy, tôi sẽ cố gắng, để đề ra một khung sườn thần học mà trong đó có thể hiểu được các chức vụ của làn sóng thứ ba, một khung sườn nhằm ý định phải phù hợp với các nền tảng của thần học Tin Lành truyền thống và là khung sườn mà tôi hy vọng sẽ càng ít gây khó chịu cho những người Tin Lành càng tốt.
BẮT ĐẦU BẰNG NƯỚC TRỜI
Điểm bắt đầu của tôi không phải là điều mới mẻ độc đáo. Tôi xin nhắc rõ rằng khi tôi đang ngồi học dưới sự dạy dỗ của John Wimber vào đầu thập niên 80, ông đã bắt đầu nói đến một thần học về nước Đức Chúa Trời bằng một cách tạo được nhiều điểm thật ý nghĩa. Thật vậy, chương đầu trong tác phẩm của ông Power Evangelism (Sự truyền giảng bằng Quyền năng ) có tựa là “Nước Đức Chúa Trời.” Wimber cũng không tuyên bố suy nghĩ của ông là một phát kiến hoàn toàn mới. Ông nói: “Phần lớn chương này được đặt nền tảng trên tài liệu được gạn lọc ra từ các bài viết của George Ladd và James Kallas.” 1
Nhiều người khác cũng đã đồng ý với Wimber là vương quốc của Đức Chúa Trời cung cấp một điểm bắt đầu bổ ích cho việc hiểu được công việc của Đức Chúa Trời ngày nay. Ví dụ, Ken Blue, đã xuất bản một quyển sách mới Authority to Heal (Quyền Năng để Chữa Lành) là quyển sách mà tôi muốn giới thiệu như là thần học tốt nhất về làn sóng thứ ba hiện nay. Phần II ông bàn về “Nước của Đức Chúa Trời và Cuộc Chiến Đấu để Chữa Lành.” 2
Hầu như tất cả các Cơ Đốc nhân đều nhớ Lời Cầu Nguyện Chung bao gồm những câu này: “Nguyện nước Cha được đến, Ý Cha được nên ở đất như trời” (Mat Mt 6:10, RVS). Tôi thậm chí đã biết Bài Cầu Nguyện Chung này trước khi trở thành một người tin Chúa. Thật vậy, nó quá quen thuộc đến nỗi nhiều Cơ Đốc nhân đọc lên nhiều lần mà thậm chí cũng không dừng lại để suy nghĩ xem những lời ấy thật sự có ý nghĩa gì. Tôi cũng đã làm như vậy nhiều năm. Và rồi khi cuối cùng tôi đã dừng lại và tự hỏi mình tôi muốn nói gì khi bảo “Nước Cha được đến, Ý Cha được nên ở đất như trời,” tôi đã khám phá ra rằng mình đã lập ra hai điều giả định khá là huyền ảo.
Thứ nhất, tôi đã cho rằng nước Chúa thuộc về tương lai. Thật vậy, lời cầu nguyện của tôi là xin Chúa Jê-sus sẽ trở lại lần thứ nhì. Tôi đã được dạy rằng thời kỳ Hội Thánh đã được mở ra vào ngày lễ Ngũ tuần và rằng Nước Đức Chúa Trời vẫn bị cầm giữ cho đến khi Chúa Jê-sus trở lại. Tôi không hề nghi ngờ rằng các phép lạ đã xảy ra trong quá khứ và sẽ còn xảy ra trong tương lai. Nhưng ngày nay thì sao? Vâng, hiện nay chúng ta đã có khoa học và thuốc men cũng như các máy vi tính, và trên hết mọi sự, Kinh Thánh, là Lời được viết ra của Đức Chúa Trời. Với tất cả nhiều điều đó, tôi nghĩ vì sao còn tìm phép lạ làm gì?
Thứ hai, tôi đã cho rằng hiện nay ý muốn của Đức Chúa Trời, thật thế, đã được thực hiện trên đất. Bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng tối cao tuyệt đối, bất cứ điều gì xảy ra trên đất phải được Ngài tán thành. Khi tôi cầu nguyện cho người đau, tôi thường xuyên bảo: “Lạy Chúa, xin ban cho người này ân điển để chịu đựng được căn bệnh này và an ủi gia đình của bà.” Hàm ý không nói ra đó có nghĩa khi chúng ta đau yếu, đó là ý muốn bình thường của Đức Chúa Trời muốn chúng ta bị bệnh, vì vậy hãy hết sức mình có thể để mà chịu đựng.
Phần then chốt của việc cởi mở chính mình để hiểu được làn sóng thứ ba là có một cái nhìn khác vào hai giả định trên. Khi làm như vậy, tôi đã bắt đầu nhận ra rằng cả hai điều đó đều đúng, nhưng chưa hoàn toàn. Phải, Nước Đức Chúa Trời hiện ở trong tương lai, nhưng Nước Ngài cũng đang có trong hiện tại. Đức Chúa Trời là Đấng tối cao, đúng như vậy, nhưng Satan cũng đang hoạt động tích cực trong thế giới ngày nay, và nó làm việc cật lực để chống lại ý muốn của Đức Chúa Trời. Vì vậy, một số điều chúng ta thấy đang xảy ra có thể do Satan gây ra chứ không phải bởi Đức Chúa Trời. Tôi đã hát điều này mỗi khi hát bài “Chúa vốn Bức Thành Kiên Cố Ta” của Marin Luther, nhưng tôi đã mù mắt trước những hàm ý chính của bài hát ấy. Luther nói rằng: “Bởi vì đối phương xưa cũ của chúng ta vẫn thật sự tìm kiếm cách để làm cho chúng ta khổ sở. Mưu chước và sức mạnh của nó là lớn, và được trang bị với lòng ghen ghét hung dữ, trên đất này ta không phải là đối thủ của nó.”
Vậy thì những hàm ý này là gì, đặc biệt là đối với việc khai triển một chức vụ chữa lành hiệu quả?
“Nước Cha Được Đến”
Khi chúng ta cầu nguyện “Nước Cha được đến”, điều này chính xác hàm ý gì?
Một tiền đề căn bản để hiểu điều này là sự dạy dỗ của Kinh Thánh rằng Satan là “chúa của đời này” (IICo 2Cr 4:4).
Theo câu này, về một ý nghĩa nào đó, Satan đang kiểm soát thế gian như chúng ta biết. Thế giới là nước của Satan, và đã thuộc về nó từ khi Ađam và Êva đã giao quyền kiểm soát của họ cho nó bởi sự không vâng lời Đức Chúa Trời.
Đối với một số người điều này nghe có vẻ như là tôi đã suy nghĩ thái quá và quy cho Satan quá nhiều quyền hành. Nhưng tôi không nghĩ vậy nếu chúng ta nghiêm túc xem xét mẫu đối thoại giữa Chúa Jê-sus và Satan trong lúc Chúa bị cám dỗ. Một lần Satan đã đưa Chúa Jê-sus lên một ngọn núi cao và chỉ cho Ngài các nước của thế gian. Rồi nó nói rằng: “Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy, thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự này” (Mat Mt 4:9). Có phải Satan đang đùa với Chúa Jê-sus không, hay điều đó là thật? Nhưng có một điều, Chúa Jê-sus đã không hỏi Satan là nó có quyền để ban cho các nước hay không, như vậy có thể là nó đã có quyền đó. Một lý do khác nữa, khi Luca mô tả cùng một tình tiết, ông đã trưng dẫn lời Satan như vầy: “Vì đã giao cho ta hết, ta muốn cho ai tùy ý ta” (LuLc 4:6). Đề tài này sau đó đã được Giăng nhắc lại, ông nói rằng: “Cả thế gian đều phục dưới quyền ma quỷ” (IGi1Ga 5:19).
Mặc dầu toàn bộ điều đó là thật, song còn có một sự thật khác nữa đó là Satan không phải là kẻ làm chủ hoàn toàn thế giới này. “Đất và muôn vật trên đất, thế gian và những kẻ ở trong đó, đều thuộc về Đức Giêhôva” (Thi Tv 24:1). Đức Chúa Trời là Vua của các vua, và là Chúa của các chúa. Satan là một kẻ chiếm quyền. Nó đã lấy điều không phải thuộc về nó. Nhưng đừng lầm về điều đó, nó đã lấy rồi. Quyền năng của nó trên các hành tinh khác và các thiên hà khác nhiều bao nhiêu chúng ta không biết. Nhưng chúng ta biết “Quả không ai trên đất địch tày” như lời Martin Luther đã khẳng định. Dầu là tạm thời, nhưng quyền năng của nó là đáng sợ.
Quyền lực của Satan được cường điệu qua một câu chuyện xuất phát từ vùng Tibet, là nơi các thế lực của điều ác đã hoạt động hầu như không bị thách thức suốt một thời gian dài. Paul Kauffman, chủ tịch của Chiến Dịch Truyền Giáo Á châu, tìm thấy một bài báo cáo tin tức từ tờ nhật báo Far East Economic Review xuất bản ngày 16.7.1982. Có vẻ như một nhà châm cứu người Úc đã được mời để điều trị cho một ông già người Tibet lưu đày, lúc ấy đang sống ở tại Ấn Độ. Trước sự kinh ngạc của vị y sĩ này, không một chiếc kim nào có thể xuyên qua lớp da của ông cụ người Tibet. Nhà châm cứu này đã xin lỗi hết lời, và nói rằng một chuyện như thế chưa bao giờ xảy đến với ông trước đây.
Ông già Tibet trả lời: “Ồ, chính tôi mới phải xin lỗi. Vì tôi đã quên lấy chiếc bùa hộ mệnh ra.” Khi ông đã cởi bỏ chiếc bùa ở trên cổ, các chiếc kim được đâm vào da dễ dàng. Sau đó ông giải thích: “Một vị sư Tây Tạng đã cho tôi chiếc bùa này để bảo vệ tôi khỏi những viên đạn của người Trung Hoa.” 3 Đây là điều tôi muốn nói khi bảo rằng Satan có quyền năng đáng sợ.
Khi chúng ta nhận ra rằng Satan đã chiếm một quyền kiểm soát lớn như vậy, thì điều đó nhằm cường điệu càng thêm hơn nữa tầm quan trọng của việc Chúa Jê-sus đến trần gian này, bởi vì Chúa Jê-sus đã mang theo với Ngài một vương quốc mới. Điều này hoàn toàn là một cuộc xâm lấn vào lãnh thổ thù nghịch và là một cuộc xung đột về các thế lực mạnh sức. Nước của Chúa Jê-sus đã giao chiến với nước của Satan. Bây giờ tôi hiểu rằng mọi việc chữa lành của Chúa Jê-sus là một hành động giao chiến, là một sự bối rối cho Satan. Mỗi một con quỷ bị đuổi đi là một sự sỉ nhục đối với Satan.
Bấy giờ đối với tôi đã rõ ràng rằng Nước của Đức Chúa Trời đang có trong hiện tại cũng như trong tương lai mà tôi không hiểu vì sao mình đã quên lãng nó suốt một thời gian dài .
Các giáo sư dạy Kinh Thánh tỏ rõ rằng Chúa Jê-sus đã đến trần gian vì nhiều lý do. Nhưng ở giữa những lý do ấy, có một lý do thật hết sức rõ ràng: “Vả, Con Đức Chúa Trời đã hiện ra để hủy phá công việc của ma quỷ” (IGi1Ga 3:8).
Làm SaoTôi Lại Có Thể Bỏ Sót Điều Đó?
Đối với tôi bây giờ thật rõ ràng là nước của Đức Chúa Trời có trong hiện tại cũng như tương lai mà không hiểu làm thế nào tôi lại bỏ sót điều đó suốt một thời gian quá dài. Khi tôi nghiên cứu thần học ở tại Chủng Viện Fuller vào đầu thập niên 50, George Ladd là một trong các giáo sư của tôi. Thậm chí vào lúc ấy, ông ta là người có biệt tài trong cách giảng của mình, để trở thành một trong các chuyên gia quốc gia thần học Kinh Thánh về Nước của Đức Chúa Trời. Nhưng tôi đã quá say mê với định kỳ thuyết và Thánh Kinh Scofield vào lúc ấy đến nỗi không nghe điều ông muốn nói. Bây giờ, tôi thật bối rối phải thừa nhận rằng điều mà tôi nhớ nhất về George Ladd là cách đặt câu hỏi cách thiếu tôn kính của ông về sự cất lên của Hội Thánh trước cơn đại nạn, được nhiều người trong thời ấy coi là việc đả phá hình tượng Tin Lành.
Suốt trong thời gian hầu việc Chúa ở tại Bolivia với tư cách một nhà truyền giáo, tôi tiếp tục cho rằng Nước Đức Chúa Trời đã bị cầm giữ. Nhưng sau đó, vào năm 1971, khi theo học Trường Fuller về ngành Truyền Giáo Thế Giới, tôi bắt đầu lưu ý rằng đồng nghiệp của tôi là Arthur Glasser đang nói về Nước của Đức Chúa Trời rất nhiều, và tôi bắt đầu hiểu dần ra. Cuối cùng tôi đã nhận ra mình thiếu hiểu biết về đề tài này làm sao khi bạn của tôi là Raymond J. Bakke thuộc Chủng Viện Báptít phía Bắc xét duyệt một trong các quyển sách của tôi và nói rằng: “Đã một thời gian dài từ khi tôi đọc một tác phẩm quan trọng về truyền đạo học hoặc truyền giáo học mà không một lần đề cập đến Nước Trời.” 4 Tôi đã học được bài học của mình kể từ đó và tại đó, tôi đã quay trở về với các tác phẩm của George Ladd. Ladd đã khẳng định rằng: “Nền học thuật hiện đại hoàn toàn nhất trí với quan niệm cho rằng nước Đức Chúa Trời là trọng tâm sứ điệp của Chúa Giê-xu.” 5
Điều Ladd dạy là Kinh Thánh chứng kiến hai thời kỳ chính của lịch sử con người, được xem như là thời kỳ hiện tại và thời kỳ hầu đến. Mãi đến khi Chúa Jê-sus xuất hiện lần thứ nhất, thời kỳ hiện đại đã có, và Satan hầu như đang nắm quyền kiểm soát. Nhưng sự hiện đến của Chúa Giê-xu, đạt đến đỉnh điểm qua sự chết và sự sống lại của Ngài, đã giới thiệu thời kỳ hầu đến, nước của Đức Chúa Trời hiện đang ở tại đất này. Vào lúc Chúa Jê-sus trở lại lần thứ hai, thời hiện tại sẽ kết thúc. Satan sẽ bị ném vào hồ lửa, và thời kỳ hầu đến, được gọi là trời mới đất mới, sẽ còn đến đời đời. Ngay hiện nay, ở giữa hai sự hiện đến của Chúa Jê-sus, chúng ta đang tham gia vào một cuộc chiến.
Bây giờ tôi tin rằng Nước của Đức Chúa Trời phải là đề tài trung tâm sự giảng dạy của chúng ta nhiều hơn những gì cộng đồng Tin Lành thường hiểu. Giăng Báptít đã nói rằng: “Nước thiên đàng đã đến gần!” (Mat Mt 3:2). Chúa Jê-sus đã công bố: “Nước thiên đàng đã đến gần” (4:17). Các sứ đồ được sai đi rao giảng rằng: “Nước thiên đàng gần rồi” (10:7). Sách Công vụ bắt đầu với việc Chúa Jê-sus dạy dỗ về nước Đức Chúa Trời (xem Cong Cv 1:3) và kết thúc với việc sứ đồ Phaolô rao giảng về Nước Trời (xem28:31).
Thật tốt khi chúng ta nhớ rằng có một sự khác biệt về chất lượng giữa những điều chúng ta thấy xảy ra trong thời Cựu Ước và những gì chúng ta thấy xảy ra hiện nay. Tất nhiên, ngay cả qua Cựu Ước chúng ta cũng thấy rằng Giêhôva Đức Chúa Trời là Vua của các vua và Chúa của các chúa. Quyền năng mạnh mẽ của Ngài đã can thiệp vì ích lợi của dân sự Ngài. Làm thế nào chúng ta có thể hiểu khác đi Trận Đại Hồng Thủy hoặc Cuộc Xuất Hành hoặc Êli trong Núi Cạt mên hoặc Đaniên trong hang sư tử được? Dầu vậy, khi Chúa Jê-sus đến, Nước của Đức Chúa Trời đã được đưa vào lịch sử loài người bằng một cách mà trước đó chưa hề có. George Ladd đã tỏ rõ rằng một bước ngoặc quan trọng trong lịch sử đã xảy ra khi Chúa Jê-sus phán: “Ta đã thấy quỷ Satan từ trời sa xuống như chớp” (LuLc 10:18).
Sau sự kiện đó, Chúa Jê-sus đã phán cùng các môn đồ Ngài rằng họ được đặc ân đặc biệt khi chứng kiến những việc mà họ đang thấy. Ngài nói thêm: “vì ta nói cùng các ngươi, có nhiều đấng tiên tri và vua chúa ước ao thấy điều các ngươi thấy mà chẳng từng thấy” (câu 24), sau khi đã đối chiếu các nhân vật Cựu ước với họ. Và một lần khác Chúa Jê-sus đã phán rằng dầu không có vị tiên tri nào lớn hơn Giăng Báptít, song người nhỏ hơn hết trong nước Đức Chúa Trời cũng lớn hơn ông (xem 7:28).
Satan đã có một quyền hành lớn lao cho đến khi Chúa Jê-sus đến. Nhưng thập giá của Chúa Cứu Thế Jê-sus đã bẻ gãy quyền lực đó. Kinh Thánh dạy rằng trên thập tự giá Chúa Jê-sus đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ (xem CoCl 2:15). Nếu điều này là thật, thì tại sao Satan cứ tiếp tục thực thi quyền hành? Đó là vì giai đoạn quá độ hiện nay, mà một số người gọi là “có rồi nhưng chưa hành động,” Satan giống như một sư tử đã lãnh một tràng đạn, nhưng chưa chết. Điều này làm cho kẻ thù càng hung dữ hơn bao giờ hết, càng muốn hủy diệt nhiều hơn và thậm chí càng tàn bạo hơn bởi cơn cuồng nộ.
Mặc dầu các đoạn Kinh Thánh trong Khải huyền vẫn là đề tài theo truyền thống của nhiều sự diễn giải khác nhau, một trong các đoạn đó ít ra đã minh họa điều tôi đang muốn nói ở đây. KhKh 12:9 chép rằng Satan đã bị quăng khỏi thiên đàng. Sau đó câu Kinh Thánh này cảnh báo dân sự trên đất hãy cảnh giác, bởi vì “ma quỷ biết thì giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi” (câu 12). Tôi nhớ lại mục sư Paul Yonggi Cho một lần nhắc đến việc Triều Tiên đã được giải phóng chính thức khỏi những kẻ đàn áp Nhật Bản vào ngày 15.8.1945, nhưng suốt những tháng kế tiếp đó người Nhật tiếp tục giết người Triều Tiên cho đến khi chức năng của sự giải phóng trở thành hiện thực. Vì vậy, chúng ta hiện sống trong một thời kỳ giống như vậy. Đó là lúc Satan đã bị đánh bại hoàn toàn, nhưng nó hết sức điên cuồng về điều đó và cứ ra sức làm tất cả những tổn hại gì nó có thể làm được.
Nước Đức Chúa Trời là sự trị vì , chứ không phải lãnh thổ . Công dân nước Trời là những người sẵn sàng đầu phục Ngài như là vị Vua của họ
“Ý Cha Được Nên ở Đất như Trời”
Trong bài cầu nguyện chung, ngay khi chúng ta cầu nguyện: “Nước Cha được đến” thì chúng ta tiếp tục cầu nguyện: “Ý Cha được nên ở đất như trời.” Điều này bắt đầu cho chúng ta dấu hiệu nào đó về những gì chức vụ chúng ta có. Nó giúp chúng ta hiểu điều Chúa muốn thực hiện qua chúng ta trong thời kỳ chiến trận ở giữa nước của Satan và nước của Đức Chúa Trời.
Chúng ta phải nhận biết rằng nước Đức Chúa Trời không phải là một lãnh thổ địa lý nào đó có những ranh giới về chính trị. Chúa Jê-sus đã khẳng định nhiều lần rằng: “Nước ta không thuộc về thế gian này” (GiGa 18:36). Nước của Đức Chúa Trời là quyền trị vì, chứ không phải một lãnh thổ. Dân cư của nước Trời là những người sẵn sàng phục tùng Chúa Jê-sus như là vị Vua của họ. Nếu bạn là một người như thế, thì nước Đức Chúa Trời đang có mặt bất cứ nơi nào bạn sống. Đó là lý do vì sao Chúa Jê-sus phán rằng: “Nước Đức Chúa Trời ở trong lòng các ngươi “ (LuLc 17:21). Nơi nào ý muốn của Chúa được thực hiện, trên đất cũng như trên trời, nơi đó bạn tìm thấy nước của Đức Chúa Trời.
Nhưng nước Chúa như thế nào? Những đặc điểm chính của nước Chúa là gì? Một số các dấu hiệu để giúp chúng ta biết chắc nước Chúa đang thực sự tồn tại ngay tại đây là gì?