Chức Vụ Chữa Lành- Quyền Phép Đức Chúa Trời Qua Lịch Sử
QUEN THUỘC VỚI QUYỀN PHÉP
Chúa Jê-sus đã đến để đưa nước Trời vào thế gian. Ngài đã kêu gọi các môn đồ huấn luyện họ và hứa rằng họ sẽ có được cùng một quyền phép đã hành động qua Ngài trong suốt chức vụ của Ngài. Ngay trước khi lìa họ vì cớ ích lợi cho họ, Ngài đã phán: “Hãy đợi trong thành cho đến khi được mặc lấy quyền phép từ trên cao” (LuLc 24:49).
SỰ ỦY THÁC LỚN
Vì sứ mạng này mà các môn đồ phải nhận lãnh quyền phép của Đức Thánh Linh, đó là đem các ơn phước của nước Trời đến khắp đất. Đó là sự ủy thác trọng đại của Chúa Jê-sus. Lý do phải nhận lấy quyền phép thật rõ ràng: “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về Ta tại thành Giêrusalem, cả xứ Giuđê, xứ Samari, cho đến cùng trái đất” (Cong Cv 1:8). Quyền phép từ Đức Chúa Trời phải được dùng để tập trung vào việc truyền giáo cho thế giới.
Trong Mác đoạn 16, Đại mạng lệnh và quyền phép cũng đi đôi với nhau. Chúa Jê-sus đã truyền cho các môn đồ Ngài “ Hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người” (Mac Mc 16:15). Sau đó, Ngài nhắc đến những dấu kỳ sẽ cặp theo những kẻ tin: đuổi quỷ, nói tiếng mới, bắt rắn trong tay, uống chất độc cũng không bị hại, và chữa lành kẻ đau. Cũng giống như vậy trong Mathiơ Chúa Jê-sus phán: “Hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ ta” (Mat Mt 28:19) Ngài phán cùng họ rằng họ có thể làm được điều đó bởi vì “Hết thảy quyền phép trên trời và dưới đất đều đã giao cho Ta” (câu 18) “Và nầy ta thường ở cùng các ngươi luôn” (câu 20). Quyền phép để làm gì? Từ ngữ Hy lạp được dùng ở đây là exousia, cùng một từ được dịch là “quyền phép” trong 10:1 “Đức Chúa Jê-sus gọi mười hai môn đồ đến, ban quyền phép trừ tà ma, và chữa các thứ tật bệnh.”
Một phần của Đại Sứ mạng này bao gồm “việc dạy họ giữ mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (28:20). Các môn đồ không bao giờ quên lần đầu tiên Chúa Jê-sus đã sai họ ra đi một mình. Sứ điệp của họ là một sứ điệp của cả lời nói lẫn hành động. Họ phải “Rao giảng rằng: ‘Nước thiên đàng đã gần rồi.’” Và họ cũng phải chữa lành kẻ đau, khiến sống kẻ chết, làm sạch kẻ phung và trừ các quỷ” (10:7, 8). Nếu họ đã được ban cho quyền phép và được truyền dặn phải chữa lành người đau và trừ các quỷ, thì chức vụ ấy cũng phải được gộp vào trong những gì họ sẽ dạy dỗ những người khác, và họ đã dạy những người khác làm điều đó. Chúa Jê-sus đã chuyển giao quyền phép cho các môn đồ và họ phải chuyển giao lại cho những người khác.
SỰ TRUYỀN GIẢNG BẰNG QUYỀN PHÉP TRONG CÔNG VỤ CÁC SỨ ĐỒ VÀ CÁC THƯ TÍN
Chúng ta có bằng chứng gì cho thấy quyền phép của Chúa Jê-sus đã thật sự được chuyển giao cho các môn đồ Ngài? Sách Công vụ các Sứ đồ thuật lại câu chuyện của 30 năm sau đó, và hầu như mỗi một chương, ngoại trừ phần ký thuật dài về việc Phaolô bị bắt và bỏ tù, đều mô tả các dấu kỳ và các phép lạ cặp theo việc truyền giảng ở thế kỷ thứ nhất.
Khi quyền phép xuất hiện lần thứ nhất trong Công vụ các sứ đồ đoạn 2, Tin Lành đã được truyền thông ở tại Giêrusalem qua các ngôn ngữ địa phương của tất cả những người đã nhóm lại để dự lễ Ngũ tuần. “Vì có nhiều sự kỳ phép lạ làm ra bởi các sứ đồ” (câu 43), và “mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội Thánh” (câu 47). Sau đó, Phierơ và Giăng đã chữa lành người què chân ở tại cửa đền thờ (xem Cong Cv 3:1-26). Không bao lâu sau, số những người nam tin Chúa là 5.000 người. Phierơ và Giăng đã cầu nguyện rằng họ sẽ nói Lời Chúa cách dạn dĩ và “nhờ danh đầy tớ thánh của Ngài là Đức Chúa Jê-sus, mà làm những phép chữa lành bệnh, phép lạ và dấu kỳ” (4:30).
Các sứ đồ đã làm chứng về Chúa Jê-sus “bằng quyền phép rất lớn” (câu 33). Quyền phép này đáng sợ như thế nào? Đáng sợ đủ để giết chết Anania và Saphira khi họ nói dối Đức Chúa Trời để đem lại sự sợ hãi lớn trên Hội Thánh vì đã chọc giận Đức Chúa Trời (xem 5:11). Dầu vậy, “số những người tin Chúa càng ngày càng thêm lên, nam nữ đều đông lắm” bởi vì “có nhiều phép lạ dấu kỳ được làm ra trong dân bởi tay các sứ đồ” (5:12-14).
Rồi đến Êtiên, là người “đầy ơn và quyền, làm dấu kỳ và phép lạ rất lớn trong dân” (6: 8). Dưới chức vụ của Philíp “đoàn dân nghe người giảng và thấy các phép lạ người làm, thì đồng lòng lắng tai nghe người nói” (8:6). Như vậy, cho đến nay, mặc dầu chúng ta thấy quyền phép đã được lưu dẫn phần lớn là qua các sứ đồ, vòng tròn đã mở rộng và bao gồm ít nhất là hai trong số bảy người lãnh đạo giúp người Hê lê nít đã được bổ nhiệm trong 6:1-15. Nếu Êtiên và Philíp đang sử dụng quyền phép trong việc truyền giáo, thì rất có lý để giả định rằng năm người kia trong nhóm cũng đang làm như vậy, mặc dầu chúng ta không có các chi tiết.
Sự kiện dường như được tăng cao khi Phierơ chữa lành cho Ênê, là người đã bị liệt suốt tám năm (xem 9:33, 34), và sau đó khiến Đôca sống lại từ kẻ chết (câu 36-41). Ông thuật cho Cọtnây biết rằng Chúa Jê-sus “đã đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước và chữa lành hết thảy những người bị ma quỷ ức hiếp; vì Đức Chúa Trời ở cùng” (10:38). Sau đó, Phierơ đã được thả ra khỏi tù một cách lạ lùng bởi một thiên sứ (xem 12:7).
Saulơ, kẻ bắt bớ Hội Thánh, trở thành sứ đồ Phaolô qua một sự bày tỏ đầy kịch tính về quyền phép của Đức Chúa Trời trên đường Đamách (xem 9:1-19). Qua Phaolô, thuật sĩ Êlyma đã bị mù và một quan chức chính phủ đã được cứu (xem 13:6-12). Ở tại Icôni, Phaolô và Banaba đã rao giảng cách dạn dĩ và Đức Chúa Trời “dùng tay của hai sứ đồ làm những phép lạ dấu kỳ” (14:3). Ở tại Líttrơ, họ đã cầu nguyện cho một người què “người nhảy một cái rồi đi” (câu 10). Phaolô đã đuổi một con quỷ ra khỏi một người tớ gái nô lệ ở tại Philíp (xem 16:18), một trận động đất siêu nhiên đã giúp cho ông và các bạn được cứu khỏi ngục tù (xem câu 26), và khi những khăn tay đã chạm vào người Phaolô được đặt trên kẻ đau, “thì họ được lành bệnh, và được cứu khỏi quỷ dữ” (19:11, 12). Nhiều câu chuyện khác về việc truyền giảng bằng quyền phép được cặp theo chức vụ của Phaolô.
Như vậy, đó là việc tự nhiên khi Phaolô nói đến sự truyền giảng bằng quyền phép trong các bức thư ông viết cho các Hội Thánh mà ông đã thành lập. Ông nhắc nhở người Têsalônica rằng “Vả, đạo Tin Lành chúng tôi đã rao truyền cho anh em, không những bằng lời nói thôi, lại cũng bằng quyền phép, Đức Thánh Linh và sức mạnh của sự tin quyết nữa.” (ITe1Tx 1:5). Ông nhắc nhở người Galati rằng Đức Chúa Trời “là Đấng ban Đức Thánh Linh cho anh em và làm các phép lạ trong anh em” (GaGl 3:5). Ông cảnh cáo người Êphêsô rằng “vì chúng ta đánh trận chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối này, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy” (Eph Ep 6:12). Trong bức thư gởi cho người Philíp, ông chia xẻ niềm vui của ông vì cớ bạn của ông là Épbaphôđích đã được Chúa chữa lành khỏi bệnh tật mà tưởng đã làm ông mất mạng (xem 2:27). Ông công bố với người Côrinhtô rằng “Vì nước Đức Chúa Trời chẳng ở tại lời nói, mà ở tại năng lực” (quyền phép) (ICo1Cr 4:20), và rằng chức vụ của ông ở giữa vòng họ là “tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép” (2:4). Ông thuật lại cho người Côrinhtô về những ân tứ thuộc linh của việc chữa lành và các phép lạ cùng lời tiên tri và ơn phân biệt các thần giữa vòng các ân tứ khác (xem 12:1-31), và nhắc nhở họ về nhiều phép lạ và dấu kỳ mà ông đã thi hành ở giữa họ (xem IICo 2Cr 12:12).
Sứ đồ Phaolô đã không thành lập Hội Thánh ở tại Rôma, nhưng khi viết cho các tín hữu ở tại đó để chuẩn bị cho một chuyến thăm vào cuối chức vụ của ông, ông kết luận công việc truyền giáo của mình bằng cách nói rằng ông luôn luôn nói những gì Đấng Christ đã làm qua ông giữa vòng dân ngoại “bởi quyền phép của dấu kỳ phép lạ, bởi quyền phép của Thánh Linh Đức Chúa Trời” (RoRm 15:18, 19). Điều đó nghe có vẻ như sự truyền giảng bằng quyền phép bằng với điều tốt nhất.
Các thư tín khác cũng nói đến chủ đề này. Tác giả thư Hêbơrơ nói rằng lời của sự cứu rỗi cũng đến với việc “Đức Chúa Trời dùng những dấu kỳ sự lạ và đủ thứ phép mầu, lại dùng sự ban cho của Đức Thánh Linh.” (HeDt 2:4). Giacơ, được biết đến vì việc ông không chịu được loại đức tin không có việc làm, cũng đã đưa ra những huấn thị cho những kẻ nào đau ốm. Họ phải mời các trưởng lão đến để xức dầu và cầu nguyện: “sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu kẻ bệnh” (Gia Gc 5:15).
QUYỀN PHÉP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI THÔNG QUA LỊCH SỬ
Tân Ước ký thuật sự truyền giảng bằng quyền phép không ngừng. Nhưng điều gì đã xảy ra sau đó?
Cho đến đầu thế kỷ này, nhà thần học ở Princeton là Benjamin B. Warfield đã thành lập một khuynh hướng thần học suốt ba thế hệ của những người Cơ Đốc Tin Lành qua tác phẩm của ông Miracles: Yesterday and Today, Real and Counterfeit ( Các Phép lạ: Xưa và Nay, Thật và Giả). Ông kết luận rằng “quyền phép của việc làm các phép lạ đã không mở rộng vượt quá các môn đệ mà các sứ đồ đã đặt tay trên họ.” Theo như cách ông giải thích lời ký thuật này, thì ông thấy một sự suy yếu dần về các dấu kỳ và phép lạ cho đến khi chúng “chấm dứt hoàn toàn khi người cuối cùng được các sứ đồ đặt tay đã qua đời.”
Quyển sách của Warfield được viết ra năm 1918 khi người Tin Lành vẫn coi những người Ngũ tuần là một tà giáo giống như những người Khoa Học Cơ Đốc hay Mormon. Vì vậy, quan điểm của ông, là điều đã trang bị được lý lẽ tức thì, nhanh chóng trở thành một điều hợp thời trang mà nhiều người ngày nay vẫn còn tin điều đó. Nhưng từ khi quyển sách của ông được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1918, có nhiều khảo sát lịch sử hơn nữa đã từng được thực hiện, đặc biệt là bởi một số các học giả thuộc nhóm Ngũ tuần, và cũng bởi những học giả khác nữa.
Điều mà các khảo sát này đang chứng minh đó là quyền phép mà Chúa Jê-sus sẽ chuyển giao cho các môn đồ Ngài để chữa lành kẻ bệnh và đuổi các quỷ thật ra vẫn còn tiếp tục qua các thời đại. Dường như đã có những thời kỳ lịch sử mà trong đó các chức vụ phép lạ nổi lên nhiều hơn là trong những giai đoạn khác, nhưng một phần của lý do đó ít ra cũng có thể bị quy cho việc thiếu hiểu biết của chúng ta. Việc đào sâu vào những sự kiện mới trong quá khứ chưa được khám phá vẫn tiếp tục là điều khiến các sử gia bận rộn. Khảo sát càng được tiến hành, thì càng có những bằng chứng cho chúng ta thấy Warfield đã sai lầm.
Trong quyển sách có ảnh hưởng lớn của Michael Green tại trường Regent College Evangelism in the Early Church ( Truyền Giảng trong Hội Thánh Đầu Tiên ) ông đã phát hiện rằng từ lúc ban đầu, các Cơ Đốc nhân “đã đi vào giữa thế gian với tư cách những người trừ quỷ, chữa bệnh và làm những thầy giảng Tin Lành.” Và điều đó đã tiếp tục không những suốt thời Hội Thánh các sứ đồ mà còn đến tận thế kỷ thứ hai và thứ ba, chưa nói xa hơn.” 2
Không phải tất cả các học giả đều nhìn thấy điều này. Ví dụ, hãy xem một sự tương phản thú vị giữa hai nhà phân tích đương thời về sự lan truyền của Tin Lành giữa vòng dân ngoại vào thời ban đầu. Derek Tidball, viết một bài hoàn toàn từ quan điểm của xã hội học, nhìn thấy những quan tâm nổi bật của dân ngoại như là đạo đức và các đạo lý về tình dục, các mối quan hệ gia đình, các mối quan hệ trong công việc làm và thái độ đối với nhà nước. Ông quy sự thành công của việc lan truyền Tin Lành giữa vòng dân ngoại cho tính ưu việt của Cơ Đốc giáo, sự cởi mở đối với tất cả các giai cấp và các chủng tộc, những lời hứa về hạnh phúc trong một thế giới khác cũng như các ích lợi ở ngay tại đây, chủ yếu là những người thuộc về các gia đình Cơ Đốc. 3 Điều đáng lưu ý ở đây là ông đã không nhắc đến nỗi sợ tà linh của họ cũng như lòng khao khát sự chữa lành thuộc thể của họ và quyền năng cặp theo sự giảng dạy Cơ Đốc để xử lý những nhu cầu đó.
Với Ramsay MacMullen, là người tôi có nói đến ở phần trước, thì lại ngược lại. Thậm chí từ quan điểm của một sử gia thế tục, ông đã đi đến kết luận rằng điều mà chúng ta hiện nay gọi là sự truyền giáo bằng quyền phép đã là “công cụ chính của sự quy đạo” giữa vòng những người ngoại. 4 Liên quan đến sự trung thành tôn giáo, thì cả Cơ Đốc nhân và người không tin Chúa trong thế giới dân ngoại của các thế kỷ đầu tiên, “điều chính yếu và trong chừng mực mà chúng ta có thể nói được, thì điều duy nhất được tin vào, đó là một quyền phép siêu nhiên nào đó để ban cho các ích lợi.” 5