Chức Vụ Chữa Lành- Những Người Theo Phong Trào Ân Tứ

NHỮNG NGƯỜI THEO PHONG TRÀO ÂN TỨ

nhung-nguoi-theo-phong-trao-an-tu

Làn sóng thứ nhì, là phong trào ân tứ đã bắt đầu từ tháng tư năm 1960 khi Cha Dennis Bennett, giám mục của một nhà thờ Giám Mục Thánh Mác ở tại Van Nuys, California đã công khai làm chứng với hội chúng của mình rằng năm tháng trước đây ông đã nói các thứ tiếng đang khi cầu nguyện trong nhà của một số những người bạn. Những người đi đầu phong trào này ở tại châu Âu đã bắt đầu từ năm 1950, và thậm chí sớm hơn, tận năm 1910.

Khi phong trào ân tứ đã lan rộng nhanh chóng khắp nước Mỹ vào thập niên 60 và 70, nó mang hình thức của các nhóm ân tứ phục hưng bên trong những giáo phái đã được thiết lập kể cả Giám Mục, Giáo Lý, Lutheran, Công giáo, Báp tít, Hội Thánh Đấng Christ, Mennonite, Chính thống, Trưởng lão, Hội Thánh Hiệp Nhất của Đấng Christ và các giáo phái khác. Sau đó, vào thập niên 1970, một hiện tượng mới mẻ và cực kỳ quan trọng bắt đầu hình thành, ấy là sự xuất hiện của các hội chúng ân tứ độc lập đứng riêng lẻ, và các nhóm hoặc các hội của các hội chúng, hoạt động như là những giáo phái nhỏ. Thật vậy, đến thập niên 1980 thì phong trào Hội Thánh ân tứ độc lập này đã trở thành một trong các bộ phận tôn giáo Hoa Kỳ tăng trưởng nhanh chóng nhất.

Đặc điểm giáo lý quan trọng của phong trào ân tứ giống với đặc điểm của phong trào Ngũ tuần. Một trong những người lãnh đạo được công nhận rộng rãi của phong trào ân tứ là Larry Christenson, Người Đứng Đầu của Trung Tâm Renewal Lutheran International, đã nói như vầy: “Một điểm nổi bật của phong trào phục hưng ân tứ đó là một kinh nghiệm rộng khắp và nổi bật mà khởi đầu nhắm vào thân vị và các ân tứ của Đức Thánh Linh. Cụm từ được sử dụng phổ biến nhất để nói đến kinh nghiệm này là “Báp tem bằng Đức Thánh Linh.”9

Cũng như với những người Ngũ tuần, kinh nghiệm báp tem trong Thánh Linh là điều rõ ràng trong sự quy đạo và sự dạy dỗ mấu chốt của những người thuộc phong trào ân tứ. Tuy nhiên, cái nhìn của họ về tiếng lạ như là bằng chứng thuộc thể đầu tiên của việc báp tem thì không chặt chẽ như vậy. Vẫn theo lời của Christenson, ông khẳng định rằng tiếng lạ giữ một vai trò quan trọng trong việc phát triển phong trào. Ông nói: “Không có sự nhấn mạnh về tiếng lạ, thì chưa chắc đã có một phong trào Ngũ tuần hay phong trào ân tứ.”10

Dầu vậy, khi được hỏi tiếp, một số lượng ngày càng tăng những người lãnh đạo của phong trào phục hưng ân tứ thường thú nhận rằng một số những Cơ Đốc nhân đầy dẫy Đức Thánh Linh, mà họ gọi là đã nhận được “phép báp tem,” có thể chưa bao giờ nói các thứ tiếng lạ. Tuy nhiên, trong sâu xa hầu hết mọi người trong số họ đều lập luận rằng mặc dầu tiếng lạ có thể không phải là điều không thể thiếu được, nhưng sự việc thường diễn tiến tốt đẹp hơn với tiếng lạ.

Trong khi những khác biệt về giáo lý giữa những người Ngũ tuần và những người ân tứ đối với một người quan sát đứng bên ngoài dường như là rất ít, thì những khác biệt trong nếp sống Cơ Đốc thường rõ ràng hơn, và thật thế đã trở thành nguyên nhân của một sự xa lánh có chủ ý về phía những người Ngũ tuần đối với một số các anh chị em thuộc phong trào ân tứ. Đối với nhiều người thuộc phong trào ân tứ Lutheran, Trưởng Lão, Giám Mục, Công giáo và những người ân tứ thuộc Hội Thánh Hiệp Nhất, việc kiêng kỵ rượu bia, thuốc lá, xinê, khiêu vũ và những điều khác ít liên quan đến sự nên thánh của người Cơ Đốc. Điều này đã gây ra vấn đề không nhỏ đối với những mục sư Ngũ tuần là những người nhiều năm đã giảng dạy nghịch lại việc uống bia, rượu với cùng mức độ sốt sắng được sử dụng để kêu gọi từ bỏ tà dâm, đồng tính luyến ái, ăn cắp hoặc dối trá. Đi uống bia sau một buổi nhóm phục hưng nói tiếng lạ dường như là chuyện không thể có đối với những người Ngũ tuần. Đi xem biểu diễn thời trang là điều còn có thể chấp nhận được hơn.

Công bình mà nói, các quy ước hành xử trong phong trào Hội Thánh ân tứ độc lập mới mẻ gần gũi với những người Ngũ tuần hơn các quy ước hành xử trong các phong trào phục hưng giáo phái. Nhưng một điểm căng thẳng khác biệt đã nổi lên ở đây. Không giống các nhóm phục hưng, nhiều người thuộc phong trào ân tứ độc lập đang năng nổ nhân bội các Hội Thánh và trong một số các trường hợp có các giáo phái mang chức năng mới. Đối với người ngoài, họ trông rất giống các Hội Thánh Ngũ tuần, mặc dầu những khác biệt tinh tế trong lối thờ phượng và chức vụ đã được lưu ý bởi những người bên trong. Một số những người Ngũ tuần giải thích điều này như là sự xâm lấn đất đáng ngại. May lắm thì họ sẽ bị những người lãnh đạo Ngũ tuần nhìn xem với một thái độ chúng ta – họ. Còn tệ nhất thì họ bị cáo tội “ăn cắp chiên.”