Chức Vụ Chữa Lành- Những Dấu Kỳ Phép Lạ Hiện Nay
NHỮNG DẤU KỲ VÀ PHÉP LẠ HIỆN NAY
Những công việc của Đức Chúa Cha ngày nay là khá nhiều nên khó mà phân loại chúng được. Nhưng tôi sẽ cố gắng mô tả bảy loại dấu kỳ và phép lạ hiện nay mà tôi tin rằng sẽ phục vụ cho việc gây dựng đức tin chúng ta. Một trong những bước tiến tới việc bắt đầu có một chức vụ chữa lành trong Hội Thánh của bạn là phải hiểu rõ đôi điều về những công việc kỳ diệu của Đức Chúa Trời trong những nơi khác. Tôi đã chọn để làm ví dụ các ơn tiếng lạ, các phép lạ về thiên nhiên, việc trám răng, sự vận chuyển thuộc linh, thức ăn gia thêm, tạo ra các cơ quan mới và việc gọi người chết sống lại.
Ân Tứ về Ngôn Ngữ
Những người phản đối sự dạy dỗ về “các việc lớn hơn” thường xuyên chỉ ra rằng bản thân các môn đồ của Chúa Jê-sus cũng không làm điều gì lớn hơn những công việc Chúa Jê-sus đã làm. Điều này có lẽ đúng, dựa trên ý nghĩa gắn liền với từ lớn hơn. Nhưng tôi nghĩ điều này ít nhất cũng có tầm quan trọng bởi vì phép lạ đầu tiên được thực hiện qua các sứ đồ sau khi Chúa Jê-sus để họ lại một mình đó là điều mà chính Chúa Jê-sus cũng chưa bao giờ làm, trong chừng mực chúng ta được biết. Họ đã làm chứng sứ điệp Tin Lành bằng ít nhất là 15 thứ tiếng ngoại quốc mà họ chưa hề được học. Kết quả là gì? Dân chúng trong thành Giêrusalem, là người đã nghe họ trong ngày đầu tiên của lễ Ngũ tuần “đều sợ hãi và lấy làm lạ.” Họ hỏi: “Vậy thì, sao chúng ta nghe ai nấy đều nói tiếng riêng của xứ chúng ta sanh đẻ?” (Cong Cv 2:7, 8).
Đó là lần đầu tiên, nhưng không phải là lần cuối cùng. Chúng ta đọc thấy trong cuốn The Lives of the Fathers , Martys , and Other Saints (Đời sống của Các Tổ Phụ , Những Người Tuận Đạo và Các Thánh Đồ Khác ) của Alban Butler cho thấy người giảng đạo xứ Dominican này là Vincent Ferrer trong đầu thập niên 1400 đã rao giảng, những người Hy lạp, Đức, Sardes, Hungari, và những người khác đều hiểu ông hoàn toàn dầu ông không hề học một thứ ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng mẹ đẻ là Valencian, một chút ít tiếng Latinh và tiếng Hêbơrơ.
Mặc dầu điều này hơi khó kiểm tra kỹ lưỡng, nhưng đã có một trường hợp gần gũi với chúng ta hơn. Năm 1985, tôi được vinh dự gặp gỡ một cặp truyền giáo trẻ tuổi đáng lưu ý là James và Jaime Thomas. Ngay sau khi lấy nhau được vài năm, họ đến Argentina qua các Chức Vụ của Maranatha. Cả James lẫn Jaime đều không hề học tiếng Tây Ban Nha trong khi lớn lên ở tại Kentucky. Jamess thì có ghi danh học giáo trình tiếng Tây Ban Nha ở tại trường trung học, nhưng vì học quá kém nên anh đã rút lui để không làm cho điểm trung bình của mình bị tụt.
Khi đến Cordoba, Argentina, họ bắt đầu thành lập một Hội Thánh ở gần khu vực đại học bằng việc nhờ các thông dịch viên. Đức Chúa Trời đã ban phước cho chức vụ này, và một Hội Thánh nhỏ không bao lâu đang phát triển. Có một lần James mời một nhà truyền giáo Ngũ tuần Puerto Rican, tên là Ben Soto, đến giảng trong một buổi nhóm tối Chúa nhật. Có khoảng 150 có mặt. Soto, một diễn giả rất năng động, đang giảng một cách sốt sắng bằng tiếng Tây Ban Nha thì thình lình ông ta ngưng bặt. Sự yên lặng bao trùm cả hội chúng. Họ nghĩ có điều gì xảy ra cho nhà truyền giáo này.
Nhưng Soto không sao cả. Một lát sau ông nói bằng tiếng Anh: “James và Jaime, Đức Chúa Trời vừa phán cùng tôi rằng Ngài sẽ ban cho các bạn ân tứ nói tiếng Tây Ban Nha.” Ông mời họ bước lên phía trước, đặt tay trên đầu họ và chúc phước điều Chúa muốn thực hiện. Đoạn ông nói: “James này, anh hãy đảm nhận công việc đi,” rồi ông ngồi xuống. James khựng người lại và rất bối rối. Anh không cảm thấy có gì đặc biệt trong lời cầu nguyện của Ben Soto cả, vì vậy, theo bản năng anh đã mời người thông dịch cho mình, nhưng Soto cứ nhất định rằng anh sẽ tự giảng bằng tiếng Tây Ban Nha.
James miễn cưỡng cầm lấy bảng danh sách những thông báo mà anh đã viết ra bằng tiếng Anh và bắt đầu thật chậm: “En…esta…semana…vamos…a…” và cứ tiếp tục bật ra những câu tiếng Tây Ban Nha trôi chảy. Nói bằng âm điệu Argentina. Từ giờ phút đó anh bắt đầu nói tiếng Tây Ban Nha như một người bản xứ và viết đúng văn phạm, đánh vần và thậm chí là những dấu nhấn. Không những thế, nhưng gần đây hơn khi Đức Chúa Trời kêu gọi họ đến Guatamela, James phát hiện mình lập tức đang nói bằng một giọng Guatemala. Ông cũng đã chứng minh cho tôi thấy (tôi là người nói tiếng Tây Ban Nha trôi chảy) thể nào ông có thể nói được các thổ âm của người Honduras, Venezuela, và Mexico. Điều đó tương đương với việc tôi tùy ý chuyển giọng Anh miền California sang Kentucky sang New England, giọng Úc hoặc giọng Ái Nhĩ Lan.
Trong lúc đó, trước khi Ben Soto đến, Jaime đã học tiếng Tây Ban Nha thậm chí còn ít hơn chồng mình. Cô thuật lại cùng tôi rằng cô rất sợ khi phải đối mặt với ai đó mà cô không truyền thông được đến nỗi thậm chí có người gõ cửa cô cũng không biết phải làm thế nào. Nhưng sau lời cầu nguyện của Soto, một số phụ nữ bắt đầu hỏi cô các câu hỏi tiếng Tây Ban Nha và cô thấy mình trả lời họ dễ dàng và trôi chảy. Vì lý do nào đó, Đức Chúa Trời đã không cho cô giọng bản xứ, nhưng cô nói trôi chảy, mặc dầu với giọng Mỹ.
Tôi đang liên lạc thư từ với Stella Bosworth, nữ truyền giáo ở Phi Châu suốt 30 năm qua. Mẹ cô, Ethel Raath, một người Nam Phi, chỉ biết một vài từ Zulu trong công việc, nhưng thế là đủ. Năm 1935, cô và chồng cô được giao cho một công việc của chính phủ ở tại Transkei, một khu vực thuộc Zulu, khi họ đến nơi, một số Cơ Đốc nhân người Zulu yêu cầu họ bắt đầu tổ chức nhóm lại. Bà Raath cảm biết Đức Chúa Trời đang kêu gọi bà gây dựng và cầu nguyện bằng tiếng Zulu, vì vậy bà quyết định xin Ngài ngôn ngữ ấy. Bà nhóm hiệp các Cơ Đốc nhân Zulu lại, quỳ gối xuống, đặt cuốn Kinh Thánh Zulu trên đầu mình, và họ đã cầu nguyện cho bà để nói được tiếng Zulu. Từ lúc bà thôi quỳ gối và đứng lên, bà đã nói được, đọc được, và viết được tiếng Zulu trôi chảy. Bà đã trở thành người thông dịch chính cho chồng mình. Cũng giống như James Thomas, Đức Chúa Trời đã cho bà một giọng Zulu hoàn hảo đến nỗi họ đã gọi bà là “người Zulu da trắng.”
Tôi cũng đang liên lạc thư từ với Norman Bonner, một nhà truyền giáo Wesleyan đã hưu hạ ở tại Haiti, và sau đó, cũng làm việc giữa vòng những người Zulu. Trong lúc ở tại Haiti với tư cách là một nhà truyền giáo mới, ông đã nghiên cứu học tập tiếng Pháp, ông có ý định trì hoãn việc học tiếng Creole. Nhưng sau khi thấy mình ở vào một tình huống mà cần phải giảng bằng tiếng Creole, ngày nọ, ông đã đặc biệt xin Chúa cho mình thứ tiếng ấy. Từ đó trở đi ông đã có thể giảng bằng tiếng Creole trôi chảy và thông dịch cho các nhà truyền giáo ghé thăm. Một nhà truyền giáo đã từng nói: “Tôi bằng lòng mất mười ngàn đôla để có được ngôn ngữ Creole của ông.”
Jon và Cher Cadd, là những người bay với Hãng Hàng Không Truyền Giáo Fellowship ở tại Zimbabwe, thuật lại thể nào một thông dịch viên người Zimbabwe đã nhận được tiếng Vidoma. Trong tác phẩm Bruchoko, Bruce Olson mô tả thế nào, ở tại Columbia, những nhà truyền giáo Indian Motilone đã được ban cho thứ tiếng Yuko, một thổ ngữ hoàn toàn khác với thứ tiếng bản xứ của họ.3 Những người có liên quan vào hai trường hợp trên không biết có tiếp tục nói thứ tiếng mới này không tôi không biết.
Những câu chuyện như vậy làm nổi bật quyền phép của Đức Chúa Trời, nhưng đừng để chúng dẫn chúng ta đến chỗ tự phụ. Đôi khi Đức Chúa Trời hành động cách này, nhưng tôi cho rằng bây giờ lẫn trong tương lai khoảng 99,9 phần trăm các nhà truyền giáo mới vẫn sẽ phải học các ngôn ngữ như tôi và vợ tôi đã phải học tiếng Tây Ban Nha – theo kiểu cũ. Dầu vậy, chúng ta hãy cởi mở trước những sự lạ lùng của Đức Chúa Trời và chấp nhận chúng với thái độ biết ơn.