Chức Vụ Chữa Lành- Năm Bước Của Wimber
NĂM BƯỚC CỦA WIMBER
Thủ tục cầu nguyện cho người đau dường như phù hợp với nhiều Hội Thánh thuộc làn sóng thứ ba xoay quanh năm bước của John Wimber. Các bước này thì dễ dàng, có thể được học nhanh chóng, là các bước rất chừng mực và cũng hiệu quả như bất cứ phương pháp nào khác mà tôi đã thấy. Tôi thường sử dụng năm bước của Wimber, Đội Cầu Nguyện Thông Công 120 Người cũng dùng nó, tôi đã dạy dỗ năm bước này trong các lớp học của tôi ở tại Chủng Viện Fuller và tôi giới thiệu chúng ở đây. Năm bước này đã được phổ biến rộng rãi đến nỗi bạn có thể thấy các bước hơi khác trong các bảng danh sách của những người khác nhau. Nhưng tôi sẽ giải thích chúng như cách John Wimber phác thảo trong tác phẩm của ông là Power Healing (Quyền Năng Chữa Lành ).10
Bước 1: Phỏng Vấn
Mời người ấy ngồi ghế và trao đổi chút ít để họ thư giãn. Các câu hỏi trong cuộc phỏng vấn thì đa dạng, nhưng mục tiêu chính là nhằm phát hiện cách cụ thể điều họ muốn bạn cầu nguyện cho họ. Hãy hỏi chỗ đau ở đâu, họ đã bị đau như vậy bao lâu, nó bắt đầu như thế nào và khi nào, những người khác đã nói gì về chứng đau ấy, sự điều trị gì họ đã có và những câu hỏi khác tương tự. Đừng ra sức hoàn tất một lịch sử y học (là điều có thể nhàm chán và gây xao lãng), nhưng hãy phát hiện xem bệnh đến từ đâu. Điều cần thiết là phải lắng nghe, không những nghe người bệnh, mà còn phải lắng nghe Chúa, vì đôi khi Đức Chúa Trời tiết lộ những thông tin đặc biệt trong cuộc phỏng vấn. Bạn có thể cảm thấy mình có một linh cảm đặc biệt hoặc có một ấn tượng tương tự.
Điều này đã xảy đến với tôi khi tôi đang cầu nguyện cho một bệnh nhân ung thư cách đây không lâu. Một người hỗ trợ Chủng Viện Fuller đã gọi điện cho vị tu viện trưởng của tôi là Paul Pierson, và hỏi là ông có thể sắp xếp để tôi cầu nguyện cho một người bạn của ông ta không. Chúng tôi sắp xếp một buổi gặp ở tại nhà của Pierson. Và bạn của ông được đưa đến đấy bởi cô con gái của bà. Trong cuộc phỏng vấn bà nói bà muốn được chữa khỏi căn bệnh ung thư đã được phát hiện trong gan, ruột, và các cơ quan khác. Nhưng khi nói chuyện với bà, Đức Chúa Trời gây một ấn tượng trên tôi với ý tưởng: Hãy cầu nguyện cho sự cứu rỗi của bà. Vì vậy, tại thời điểm đó tôi đã thay đổi toàn bộ tiến trình. Hóa ra bà là một người hay đi nhà thờ nhưng chưa hề xác lập một mối tương giao cá nhân với Chúa Cứu Thế Jê-sus là Cứu Chúa và là Chúa, nhưng Đức Chúa Trời đã chuẩn bị hoàn toàn mọi sự để bà được cứu, và tôi đã có được đặc ân để dẫn dắt trước hết là bà, sau đó là con gái bà đến với Chúa Cứu Thế. Sau đó, tôi cầu nguyện cho bệnh ung thư. Bệnh ung thư có lành hay không tôi không biết, nhưng tôi biết chắc rằng một vấn đề thật quan trọng hơn nhiều đã được giải quyết, đó là số phận đời đời của bà.
Bước 2: Quyết Định Chẩn Đoán
Mặc dầu đã phỏng vấn, hãy cố phân biệt xem điều gì là nguyên nhân ẩn dấu của các triệu chứng. Đôi khi các triệu chứng thuộc thể có các gốc rễ trong các nan đề về tình cảm hoặc thuộc linh. Rất có thể là sự chữa lành nội tâm cần phải đến trước sự chữa lành thuộc thể. Những người có các ân tứ mục vụ hoặc ân tứ phân biệt các linh đã khám phá rằng họ thường xuyên sử dụng các ân tứ đó ở tại đây. Đây cũng là lúc một số người có thể nhận được một lời có tri thức để giúp họ hiểu chính xác hơn điều gì đang diễn tiến.
Tôi thấy mình không có sự hiểu biết nhiều lắm khi đến phần chẩn đoán. Tôi thường hướng sự chú ý của mình vào các triệu chứng đã được mô tả ở phần phỏng vấn. Tôi quả quyết rằng ít nhất thì một số trong những người tôi cầu nguyện cho đã được chữa lành nếu như tôi đã chuyên môn hơn ở phần chẩn đoán nhưng tôi đã không có khả năng đó. Dầu vậy, tôi vẫn cố gắng để giữ cho chiếc ăngten thuộc linh của tôi bắt được những gì Chúa muốn phán với tôi.
Một ngày sau một trong các lớp học về tiến sĩ mục vụ của tôi, một mục sư xin tôi cầu nguyện cho ông. Tôi khám phá qua cuộc phỏng vấn rằng một tháng nay ông đã bị đau nghiêm trọng giữa hai vai và trên phần cổ. Đây là một trong những lần bất thường mà Đức Chúa Trời cho tôi biết một cách cụ thể nan đề là gì, vì vậy tôi hỏi: “Có phải anh đang có dự tính một sự thay đổi trong chức vụ của mình không?” Anh ta trợn tròn mắt và nhìn tôi một cách bối rối, rồi hỏi: “Làm thế nào mà ông biết?”
Hóa ra là anh ta đang dự định sẽ rời bỏ giáo phận hiện tại, nhưng điều này vẫn được giữ bí mật cẩn thận. Tôi hỏi anh đã có quyết định đó khi nào, và anh nói cách đây một tháng, đúng như tôi đã nghi ngờ. Tôi bảo anh rằng tôi sẽ cầu nguyện cho phần cổ của anh, nhưng tôi không tin là cơn đau sẽ ra đi cho đến khi nào anh giải quyết một số rắc rối liên quan đến quyết định của anh.
Ngày hôm sau, cơn đau vẫn còn. Thế rồi, trong buổi chiều anh đã có một cuộc trao đổi dài với người bạn cùng phòng, là người đã giúp anh giải quyết một số rắc rối. Người bạn của anh sau đó đã đặt tay trên anh, cầu nguyện và đó là lần cuối anh còn đau. Ngày hôm sau, anh bày tỏ nỗi vui sướng vì được thoát khỏi cơn đau lần đầu tiên suốt một tháng.
Bước 3: Chọn Sự Cầu Nguyện
Một khi biết điều mình sẽ phải cầu thay, bạn cần quyết định sẽ cầu nguyện như thế nào. Đôi khi chúng ta dường như không thể biết Đức Chúa Trời muốn chữa lành cho ai đó theo phương cách nào.
Tại một trong các lớp học của tôi, chúng tôi đã cầu nguyện cho một mục sư người Nam Phi, ông ta bị những cơn đau nghiêm trọng ở lưng. Ngày hôm sau, ông làm chứng rằng sau giờ học, lúc đang đổ xăng vào xe hơi, thì ông bị trượt bởi lớp dầu mỡ và ngã mạnh trên nền xi măng. Kể từ lúc đó trở đi, ông không còn thấy đau nữa. Ông nói đùa: “Đó là một sự điều chỉnh của Chúa, Ngài đã nắn lại cột sống cho tôi.”
Loại cầu nguyện phổ biến nhất là cầu thay, trong đó bạn đơn giản xin Chúa chữa lành cụ thể bất cứ điều gì. Một loại khác nữa là mệnh lệnh, trong đó bạn nói trực tiếp với phần thân thể, cơn đau, chỗ sưng hoặc ung bướu, bảo nó hãy lìa, phải chết hoặc phải phân hủy đi, hoặc bất cứ điều gì cần thiết. Nếu bạn cảm thấy điều này có liên quan đến một tà linh, thì một lời cầu nguyện quở trách có thể là điều thích hợp.
Ở điểm này bạn cũng quyết định có sử dụng dầu hay không. Tôi luôn luôn mang theo một lọ dầu – đã được biệt riêng cho việc chữa lành – trong túi mình. Đôi khi tôi xức dầu cho người ấy, đôi khi tôi không xức, tùy thuộc vào cách tôi cảm nhận Chúa dẫn dắt mình suốt giai đoạn lựa chọn cầu nguyện. Một số người dùng nước thánh. Một số người dùng muối đã được biệt riêng, có người sử dụng bánh và nước của tiệc thánh. Những người khác không sử dụng thứ nào kể trên cả mà chỉ phụ thuộc vào sự cầu nguyện mà thôi. Có rất nhiều người mà tôi kính trọng đã làm công việc này theo nhiều cách khác nhau đến nỗi tôi ngần ngại khi phải giới thiệu cách nào là ưu việt hơn cách kia. Tôi thấy đối với tôi dầu là tốt nhất.
Bước 4: Chiến Trận Cầu Nguyện
John Wimber đã dạy chúng ta phải cầu nguyện và mở mắt, và điều này dường như hết sức hiệu quả. Lý do chính của điều này là nó cho phép chúng ta nhìn thấy điều Đức Thánh Linh đang hành động, nếu có, về mặt vật lý. Đôi khi bệnh nhân run rẩy, hoặc xao động nơi mí mắt hoặc một loại không khí bao quanh người ấy. Đôi khi có những biểu hiện khác nữa.
Ở tại một kỳ hội đồng lãnh đạo mà tôi đang giảng dạy, một trong những người đang tham dự đứng lên sau buổi họp và khẩn khoản xin tôi cầu nguyện cho ông. Ông ta bị chứng suyễn mãn tính, và đã bị một cơn suyễn tấn công mạnh mẽ trong suốt buổi học của tôi. Vào lúc đó ông khó thở được nữa và mỗi lần thở thì khiến cho ông đau nhói. Lúc ấy tôi đã tiến đến Bước 3, tôi nghi ngờ mạnh mẽ rằng đây là sự tấn công của ma quỷ, vì vậy sự chọn lựa cầu nguyện của tôi là một mạng lệnh của sự giải cứu. Tôi truyền cho tà linh của suyễn phải lìa khỏi người ấy lập tức. Người đàn ông ho lên một tiếng lớn, một luồng khói trắng phụt ra khỏi miệng ông và ông đã thở được dễ dàng từ đó. Tôi hẳn đã không biết được điều đã xảy ra nếu như nhắm mắt trong lúc cầu nguyện.
Tôi tin rằng lời cầu nguyện hành động hiệu quả hơn là lời cầu nguyện thụ động. Những người e ngại hơn, để bảo vệ các cơ sở của họ và tạo được một tình huống bảo đảm, thường cầu nguyện như vầy: “Lạy Chúa, con không biết ý muốn của Ngài là thế nào, nhưng nếu Ngài muốn, xin hãy chữa lành cho người này.” Nguyên tắc căn bản thì vững chắc, có nghĩa là chúng ta không muốn điều gì hơn là ý muốn của Đức Chúa Trời được thực hiện. Nhưng thường thì lời cầu nguyện này không những phản ánh sự quy phục ý muốn Đức Chúa Trời, là điều tốt, nhưng cũng cho thấy sự thiếu đức tin và thiếu sự hiểu biết, là điều không tốt. Khi chúng ta đã có được kinh nghiệm trong việc lắng nghe tiếng Chúa cũng như việc trò chuyện với Ngài, trong nhiều trường hợp chúng ta sẽ có khả năng biết điều Ngài muốn là gì khi mà chúng ta đã đi qua ba bước đầu. Điều này giúp chúng ta cầu nguyện với mức độ dạn dĩ mà nếu không thì chúng ta không thể có được, và phương pháp tích cực này dường như thật sự lưu xuất nhiều sức mạnh chữa lành hơn là phương pháp thụ động. Tôi nghĩ đây là một sự tấn công trực tiếp hơn vào nước của Satan. Ngoài trường hợp cầu nguyện trong vườn Ghếtsêmanê, chúng ta không thấy Chúa Jê-sus dùng phương pháp cầu nguyện thụ động.
Bước 5: Hướng Dẫn Sau Khi Cầu Nguyện
Sau khi cầu nguyện, bạn hãy hỏi người ấy xem họ cảm thấy thế nào. Bạn cần biết có điều gì đã xảy ra không. Bảo đảm với họ rằng họ không phải cảm giác bất cứ điều gì để nhận được sự chữa lành cả, nhưng đôi khi họ có cảm nhận. Nếu các triệu chứng biến mất, hãy cùng nhau vui mừng và ngợi khen Đức Chúa Trời. Nếu các triệu chứng vẫn còn đó, nhiều khi bạn cần lập tức cầu nguyện trở lại. Đôi khi bạn cũng cần phải mời họ hãy trở lại. Bạn có thể gợi ý rằng trong trường hợp này Chúa có thể đang chữa lành dần dần, chứ không phải lập tức.
Nhiều khi tôi được dẫn dắt để giới thiệu người mà tôi đang cầu nguyện cho hãy tìm một người khác hoặc một nhóm khác để cầu nguyện thêm nữa. Nếu có thể được tôi sẽ giới thiệu họ đến với đội cầu nguyện của Nhóm Thông Công 120 Người của tôi. Trong mọi trường hợp, tôi quả quyết với họ về tình yêu của Đức Chúa Trời và rằng Chúa sẽ ở với họ dầu họ yếu hay khỏe.
Khi người đau đang được điều trị bằng thuốc, tôi luôn luôn khuyên họ hãy kiểm tra các kết quả với bác sĩ của họ. Nếu họ thường xuyên dùng thuốc, họ không được ngưng dùng cho đến khi bác sĩ là người kê toa khuyên họ thôi dùng. Đã nhiều lần tôi nói với người ấy rằng tôi cảm biết Đức Chúa Trời đang chữa lành cho người ấy qua các thầy thuốc hơn là chữa lành họ một cách trực tiếp, và tôi nhắc nhở họ rằng điều này cũng hiệu quả bởi Đức Chúa Trời không kém. Tôi đồng ý với Jack Hayford là người thường nói: “Chúng ta nên luôn là những người biết rằng việc nhận sự trợ giúp của thuốc men không phải là sự từ chối sự chữa lành của Đức Chúa Trời.” 11
Dầu cho kết quả sự cầu nguyện có thế nào đi nữa, hãy giữ cho người ấy luôn thành thật. Tôi thấy chẳng có giá trị gì trong việc giả vờ nói rằng các triệu chứng đã không còn đó bằng cách “tuyên bố như vậy.” Tôi biết có một số người cảm thấy việc thú nhận các triệu chứng vẫn còn ở đó là bày tỏ một sự thiếu đức tin và ngăn trở sự chữa lành, tôi tôn trọng những người ủng hộ quan điểm đó, bởi vì Đức Chúa Trời đang sử dụng nhiều người trong số họ một cách đáng kể. Nhưng tôi thấy rằng phương cách thành thật, có sao nói vậy là hiệu quả nhất. Những người khác đã nói với tôi rằng họ cũng hết sức đánh giá cao điều này.