Chức Vụ Chữa Lành- Khoảng Giữa Bị Loại Trừ
KHOẢNG GIỮA BỊ LOẠI TRỪ
Tôi nhớ lại một bài thi thần học tuyệt vời trong đó ban giảng huấn của một chủng viện thần Học Hoa Kỳ đang phỏng vấn một thành viên có triển vọng trong ngành. Điểm khác nhau giữa bài thi này và các bài thi khác đó là ứng viên tình cờ là một người Trung Hoa. Khi được hỏi: “Ấn tượng chung của anh về tuyên bố đức tin của chủng viện là gì?” Anh ta đã trả lời: “Tôi nghĩ bảng tuyên bố ấy tốt ở một chừng mực nào đó. Tuy nhiên, tôi phải nói rằng nếu là một học viện dành cho người châu Á thì chưa đầy đủ.”
Có thể đoán được, câu trả lời của anh ta đã dấy lên một sự thảo luận dài. Anh ta nhắc nhở rằng bảng tuyên bố đức tin không có phần nói về các lực lượng siêu nhiên của điều thiện và điều ác, như là các thiên sứ và ma quỷ. Bảng tuyên bố đức tin đã có nhắc đến Satan, nhưng không chứa đựng sự tham khảo cụ thể về thân vị của nó hoặc công việc của nó trong thế giới ngày nay. Đối với những tín hữu người châu Á, nó không phản ánh được một lãnh vực quan trọng của sự mặc khải Kinh Thánh.
Không phải chủng viện đang được nói đến có điều gì khác với các học viện Cơ Đốc Hoa Kỳ khác.
Rất ít bảng công bố đức tin của các Hội Thánh Hoa Kỳ thuộc các giáo phái hoặc của các tổ chức bên cạnh Hội Thánh bàn đến công việc siêu nhiên trong kinh nghiệm hàng ngày. Chúng thường đề cập đến công việc của Đức Thánh Linh trong việc cứu rỗi linh hồn, chứ không nói đến việc chữa lành thân thể. Chúng nhắc đến quyền phép để sống một đời sống tin kính, chứ không nói đến việc đuổi quỷ.
Vì sao vậy?
Điều này đưa chúng ta trở lại với thế giới quan. Thế giới quan truyền thống của người Hoa Kỳ gốc Anh của chúng ta ngày càng mang tính chủ nghĩa duy vật chất và chủ nghĩa tự nhiên. Như tôi đã đề cập ở trước, chủ nghĩa nhân văn thế tục đã thâm nhập vào các thể chế Cơ Đốc của chúng ta ở một mức độ đáng ngạc nhiên. Mặc dầu đại đa số người Hoa Kỳ tin rằng có một Đức Chúa Trời, nhưng mối tiếp xúc của Ngài với đời sống hàng ngày của chúng ta được xem như rất nhỏ. Thế giới quan của chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề bởi khoa học trần tục. Chúng ta được dạy từ thời thơ ấu để cho rằng hầu hết mọi sự xảy ra trong đời sống hàng ngày đều có các nguyên nhân và hậu quả, là điều bị chi phối bởi các định luật mang tính khoa học.
Trong Thế Giới Thứ Ba thì không như vậy. Hầu hết người dân ở đó sống với sự hiện hữu của ma quỷ và các tà linh như một phần của đời sống hàng ngày. Thế giới quan của họ cho họ biết rằng thầy bói, thuật sĩ, phù thủy, thầy pháp, thầy đồng có quyền để kiểm soát các lực lượng siêu nhiên gây ra bệnh tật, đói nghèo, áp bức, mùa màng thất thu, bão lốc, cằn cỗi, hạn hán và bệnh tâm thần. Khi Cơ Đốc giáo được trình bày cho họ như là một sự chọn lựa, câu hỏi hàng đầu của họ là liệu Đức Chúa Trời của Cơ Đốc giáo có đủ quyền lực để giải quyết các nan đề trong đời sống của họ không. Trong ánh sáng của Tân Ước rất có khả năng rằng thế giới quan của họ đối với vấn đề này có thể gần với HIỆN THỰC hơn là của chúng ta.
Đồng sự của tôi là Paul G. Hieber đã gọi hiện tượng này là “thiếu sót của khoảng giữa bị loại trừ.” Ông nhắc đến câu chuyện Giăng Báptít sai các sứ giả của mình đến hỏi Chúa Jê-sus rằng Ngài có phải là Đấng Mêsi không, câu trả lời đến ám chỉ về quyền phép chữa lành kẻ đau và việc đuổi quỷ chứ không phải qua những chứng cứ lôgíc. Hiebert nói rằng: “Khi tôi đọc khúc Kinh Thánh này tôi đang là một nhà truyền giáo ở tại Ấn Độ, tôi có một cảm giác bồn chồn khó chịu.” Ông thú nhận rằng ông đã được huấn luyện để trình bày Chúa Cứu Thế với những lập luận hợp lý trí chứ không phải bằng những sự tỏ ra của quyền phép siêu nhiên. Ông nói thêm: “Đặc biệt, cuộc đối đầu với các tà linh rõ ràng là một phần hết sức tự nhiên trong chức vụ của Đấng Christ thường vẫn ở trong tâm trí tôi thuộc về một thế giới riêng biệt của các phép lạ – xa rời khỏi kinh nghiệm bình thường hàng ngày.” 21
Hiebert tiếp tục tỏ rõ ràng thế giới quan của hầu hết những người không thuộc phương Tây gồm có ba tầng. Tầng cao nhất là tôn giáo đặt cơ sở trên các đấng bậc trong vũ trụ hoặc các thế lực của vũ trụ. Tầng đáy là đời sống hàng ngày: hôn nhân, việc nuôi dạy con cái, việc gieo trồng mùa màng, bệnh tật và sức khỏe, những sở hữu vật chất và những gì bạn có. Tầng giữa gồm phương cách bình thường mà các hiện tượng hàng ngày này bị ảnh hưởng bởi các lực lượng siêu nhân và siêu nhiên.
Thế giới quan của người Tây phương chúng ta thì khác. Chúng ta có thể xử lý tầng tôn giáo phổ quát trên cùng và cảm thấy dễ chịu nhất nếu toàn bộ hoạt động siêu nhiên này được xếp vào đó. Tầng dưới cùng của chúng ta bị chi phối bởi các định luật mang tính khoa học. Chúng ta thấy rất ít cần đến tầng ở giữa là nơi mà những lãnh vực này trong đời sống không ngừng tiếp xúc với hai tầng kia. Thật ra, nếu có ai bắt đầu nói về tầng giữa một cách quá nghiêm túc và nói đến những ảnh hưởng hàng ngày của các thế lực siêu nhiên của cả điều ác lẫn điều thiện, thì chúng ta thường nghĩ họ có phần mê tín và chúng ta tìm cách thuyết phục họ hãy khoa học hơn.
Xu hương Tây phương này được minh họa rõ ràng qua một bài báo mới đây trong tờ Christianity Today có tựa là “Quan Điểm Của Một Bác Sĩ Giải Phẩu về Sự Chữa Lành Thiên Thượng .” Trong đó vị bác sĩ giải phẩu nói rằng ông và những người chữa lành bằng đức tin đều muốn giúp đỡ con người, nhưng họ có những kiểu cách rất khác. Ông nói: “Tôi tin vào yếu tố chữa lành của Chúa. Nhưng những đóng góp riêng của tôi cho các bệnh nhân là kết quả của những năm nghiên cứu và ứng dụng các nguyên tắc khoa học nghiêm nhặt vào các định luật chi phối cơ thể học con người.” Ông bị hoang mang vì một số Cơ Đốc nhân ngày nay “dường như hứa hẹn một loại thuốc mới hoàn toàn, một sự chữa lành tức thì, không tuân theo tiến trình khoa học bình thường.” 22 Hiebert muốn nói ông là một điển hình của nhiều người phương Tây trong việc bày tỏ một khoảng giữa bị loại trừ.
Trong công tác truyền giáo, kết quả cuối cùng của khoảng giữa bị loại trừ đó là các nhà truyền giáo Tây phương thường bị hiểu như là những nhân tố đại diện của tình trạng thế tục hóa. Đối với nhiều người, phương pháp khoa học của chúng ta dường như loại bỏ Đức Chúa Trời ra khỏi các lãnh vực quan trọng của đời sống như là nông nghiệp, y học, sản xuất, và các mối quan hệ xã hội. Hiebert nhận xét rằng: “Phương cách ấy giới hạn công việc của Đức Chúa Trời trong đời sống con người, hoàn toàn chỉ nhằm vào các vấn đề về sự cứu rỗi tối hậu.” Tất nhiên, sự cứu rỗi cuối cùng là điều quan trọng, nhưng “đức tin đặt nơi quyền phép của sự cầu nguyện và nơi sự quan tâm của Đức Chúa Trời trong mọi lãnh vực của đời sống con người” cũng là điều quan trọng. Hiebert đồng ý rằng thế giới quan này thật khó mà hòa hợp “với thế giới quan của Kinh Thánh, trong đó, các chiều kích siêu nhiên của thế giới này là điều hết sức rõ ràng.” 23