Chức Vụ Chữa Lành- Chẳng Có Gì Để Mất; Ai Là Người Có Thể Cầu Nguyện Cho Kẻ Bệnh?

CHẲNG CÓ GÌ ĐỂ MẤT

Trong cuộc đời, chỉ có một vài công việc quan trọng là những tình huống không thể thất bại, song việc cầu nguyện cho người đau là một trong những công việc đó. Tôi không hàm ý rằng không bao giờ có sự thất bại hoặc những chuyến đi tồi tệ, nhưng ít nhất thì trong kinh nghiệm của tôi, điều này cực kỳ hiếm. Ví dụ, năm ngoái tôi đã cầu nguyện một đối một cho khoảng 200 người, và cho tới nay, theo như tôi có thể nhớ thì mỗi người đều có được một kinh nghiệm tích cực. Không phải tất cả đều được chữa lành, như tôi sẽ giải thích trong chương tiếp theo, nhưng mọi người đều được gây dựng. Tôi thích điều mà Charles Kraft thường nói: “Vấn đề không phải chỉ là chữa lành mà là chức vụ gây dựng.”

chang-co-gi-de-mat

Tôi xin minh họa, cách đây không quá lâu, tôi dạy một giáo trình tập trung kéo dài 2 tuần lễ về tăng trưởng Hội Thánh và mỗi ngày đều bắt đầu bằng một thì giờ cầu nguyện như thường lệ. Một trong các sinh viên của tôi tên là Dave, một người tư vấn trong Hội Thánh, nói rằng anh bị các chứng dị ứng nghiêm trọng suốt ba năm và mỗi ngày đều phải tiêm thuốc để khống chế chúng. Liệu chúng tôi có cầu nguyện không? Một sinh viên khác là mục sư Che Ahn thuộc Hội Thánh Abundant Life Community ở tại Pasadena, California. Ahn đứng lên và làm chứng thể nào anh đã được chữa lành các tật dị ứng bằng phép lạ. Khi anh làm chứng, tôi cảm thấy Đức Chúa Trời muốn phán rằng Ahn phải đi đến đặt tay trên Dave và xem có phải Đức Chúa Trời sẽ đem một lời đặc biệt về cách cầu nguyện không. Khi Ahn đến gần, anh hiểu trong Thánh Linh rằng người này đang ở dưới sự rủa sả của ma quỷ, là điều mà anh đã nhơn danh Chúa Jê-sus để bẻ gãy.

Vào ngày thứ tư, Dave lên tiếng trong giờ cầu nguyện và nói rằng: “Kể từ ba ngày nay tôi không còn các dấu hiệu dị ứng. Nhưng điều còn quan trọng hơn nữa đối với tôi, kinh nghiệm này đã ràng buộc tôi với Chúa một cách chưa hề có trước đây. Thậm chí nếu các triệu chứng này trở lại, mối tương giao mới của tôi với Chúa sẽ không thay đổi.” Sau đó anh cho biết đã bỏ dùng thuốc và vẫn không bị triệu chứng nào, ông nói thêm: “chỉ có những ai bị dị ứng thì mới có thể hiểu được ý nghĩa của điều tôi đang nói.”

Trong trường hợp này chúng ta thắng về cả hai điểm. Nhưng giả sử các triệu chứng có quay trở lại, và sau đó chúng có thể xuất hiện, theo như tất cả những gì tôi biết. Thì chúng tôi vẫn sẽ thắng, vì cớ lòng quan tâm của cả lớp, tình yêu đã được bày tỏ, lòng khao khát muốn giúp đỡ cho các nhu cầu của Dave và sự rờ đụng của Thánh Linh nơi con người bề trong của anh được kết hợp để dẫn đến một kinh nghiệm sống thay đổi.

AI LÀ NGƯỜI CÓ THỂ CẦU NGUYỆN CHO KẺ BỆNH?

Như tôi đã nói ở chương đầu, một trong những đặc điểm của làn sóng thứ ba đó là điểm dẫn vào qua chức vụ giúp đỡ chứ không phải qua một kinh nghiệm thuộc linh đầy kịch tính thường được gọi là báp tem trong Thánh Linh. Tôi cũng có nói rằng việc phát triển chức vụ ấy đòi hỏi sự dự phần vào những gì Đức Chúa Trời đang thực hiện qua toàn thân thể Đấng Christ, chứ không phải nhấn mạnh vào công việc của cá nhân. Nhiều người phản đối mạnh mẽ loại chức vụ mà họ quan sát trong một số chương trình chữa lành bằng đức tin trên đài truyền hình của chúng ta. Tại đó, trọng tâm thường xuyên quá nhấn mạnh vào người chữa lành chứ không phải vào thân thể của Đấng Christ. Tôi không có ý nói rằng Đức Chúa Trời không thể hoặc không làm việc theo cả hai cách. Tôi chỉ muốn mô tả loại chức vụ của làn sóng thứ ba theo cách tôi hiểu.

Để đi vào điểm chính, tôi tin rằng mỗi một Cơ Đốc nhân đều năng động trong chức vụ đặt tay trên người đau và cầu nguyện cho sự bình phục của họ. Tôi không nghĩ rằng điều này chỉ giới hạn cho hàng giáo phẩm, các trưởng lão hoặc những lãnh đạo khác trong Hội Thánh hoặc thậm chí đối với những người có ân tứ chữa bệnh. Tôi đồng ý với Mục Sư Robert Wise, là người nói rằng: “Chức vụ chữa lành dành sẵn cho cả Hội Thánh, chứ không chỉ cho một số người độc đáo hoặc một nhóm ưu tú nào bên trong Hội Thánh. Nếu ai có lòng quan tâm đủ để cầu nguyện cho người khác thì đều có một chỗ cho người ấy để thi hành chức vụ này.” 3

Trong lớp Trường Chúa Nhật Fellowship 120 Người của tôi chẳng hạn, có một số người được công nhận là có ân tứ chữa lành, nhưng chúng tôi khuyến khích mọi người hãy cầu nguyện cho người đau, dầu họ có ân tứ chữa lành hay không. Đức Chúa Trời thường đưa một số người đến lớp học vì họ đã nghe lời đồn rằng chúng tôi giúp đỡ cho những người đau và những người cần sự trợ giúp đặc biệt. Một trong những người đó là Pamela Reddy. Các bác sĩ đã cho cô biết rằng cô cần phải cắt bỏ quả thận bên phải đã mắc bệnh. Lúc ấy cô đang bình phục khỏi bệnh viêm gan, và có nguy cơ mắc bệnh lao ở tại bệnh viện nơi cô đang làm việc, và do bị chấn thương vai và cổ, cánh tay trái của cô không vận hành tốt và luôn đau đớn (cô ta thuận tay trái). Các bác sĩ đã bảo cô rằng sẽ không bao giờ sử dụng trọn vẹn cánh tay của mình hoặc thoát khỏi chứng đau nhức.

Sau giờ học, cô tìm đến buổi nhóm cầu nguyện ở tại nhà thờ, là nơi tổ cầu nguyện lớp chúng tôi thường làm chức vụ trong một giờ đồng hồ mỗi sáng Chúa nhật. Tại đó cô đã được chào đón bởi George và Pam Marhad, là những người thường xuyên cầu nguyện cho người bệnh, nhưng không được mọi người biết là đã nhận được các ân tứ chữa lành đặc biệt. Họ đã đặt tay và cầu nguyện. Cơn đau trong quả thận của Pamela Reddy biến mất, và vai của cô được biến đổi. Vài tuần sau đó, những lời cầu nguyện khác đều được nhậm, và cô đã tìm được một chỗ ở mới và một việc làm mới. Khi được khám sức khỏe để nhận công việc mới, tất cả các xét nghiệm của cô đều âm tính trở lại. Không còn bệnh thận và không còn dấu vết của bệnh viêm gan hoặc lao. Cổ của cô đã được bẻ thẳng, các xương vai không còn bị cọ xát và tầm hoạt động của cánh tay đầy trọn, không bị đau đớn.4

Khi Đức Chúa Trời hành động bằng quyền năng chữa lành, Ngài không đòi phải có các siêu sao, là người đại diện cho Ngài. Ngài có thể và đã làm việc qua những Cơ Đốc nhân bình thường, vâng lời, là những người hiểu và sống lối sống của nước trời. Một trong những sự chữa lành đầy kịch tính lớn nhất mà tôi đã được chứng kiến mới đây đó là trường hợp của nhà truyền giáo Sam Sasser, được đề cập trong chương 4, người đã bị què và mù vì ngộ độc san hô. Người mà lời cầu nguyện được Chúa dùng là David Ellis, người không hề có một chức vụ chữa lành thậm chí cũng không tham gia vào một nhóm nào như là Nhóm Thông Công 120 Người.

Các Ân Tứ và Các Vai Trò

Làm thế nào để chúng ta hiểu điều này đúng theo Kinh Thánh? Trong tác phẩm của tôi Your Spiritual Gifts Can Help Your Church Grow (Ân Tứ Thuộc Linh của Bạn Có Thể Giúp Hội Thánh Bạn Tăng Trưởng ). Tôi nhận ra và xác định 27 ân tứ thuộc linh mà tôi cảm thấy Đức Chúa Trời đang phân phát khắp thân thể của Đấng Christ. Đây là những thuộc tính đặc biệt cho chức vụ, là điều Chúa ban cho bởi ân điển Ngài cho mỗi một chi thể trong thân thể của Đấng Christ. Tôi tin rằng mỗi Cơ Đốc nhân đều có một ân tứ và thường là có trên một trong các ân tứ này, là điều Đức Chúa Trời trông mong họ sử dụng cho sự vinh hiển của Ngài. Nhưng tôi cũng tin rằng mỗi một Cơ Đốc nhân đều có một vai trò gây dựng trong hầu hết mỗi một lãnh vực ân tứ, dầu cho họ có ân tứ cụ thể hay không. Chẳng hạn, Đức Chúa Trời đã ban một ân tứ đức tin cho những người nhất định, nhưng mỗi một tín hữu đều có vai trò sống đời sống đức tin. Một số người có ân tứ truyền giáo, nhưng mỗi Cơ Đốc nhân đều có vai trò để sống làm một chứng nhân. Những người có ân tứ tiếp khách có thể tiếp khách anh em tốt hơn và thường xuyên làm điều đó hơn, nhưng mỗi một Cơ Đốc nhân đều có vai trò là người tiếp đãi. Cũng có thể nói như vậy về ân tứ dạy dỗ, ân tứ của lòng thương xót, ân tứ bố thí, ân tứ phân biệt các thần và những ân tứ khác. Điều này cũng áp dụng cho ân tứ chữa lành.

Tôi đã nhận được ân tứ chữa lành, trong khi George và Pam Marhad thì không. Họ có các ân tứ khác mà tôi không có. Vì cớ tôi có ân tứ này, nên tôi tin rằng Đức Chúa Trời đang giữ tôi ở một mức trách nhiệm và khai trình cao hơn trong vai trò quản lý ân tứ của tôi hơn là những người khác không có ân tứ đó. Nhưng là một thân, hết thảy chúng ta đều phải sẵn sàng để cầu nguyện cho người đau, hoặc trên cơ sở ân tứ hoặc trên cơ sở vai trò. Tôi không hề kỳ vọng là nếu tôi cầu nguyện cho Pamela Reddy thì Đức Chúa Trời sẽ chữa lành cho cô ấy nhanh hơn hoặc trọn vẹn hơn là Ngài đã làm việc qua Marhads. Thật vậy, tôi biết chắc rằng Đức Chúa Trời đã chọn Marhads làm điều đó thay vì tôi, bởi vì Pamela có những nhu cầu khác hơn là sự chữa lành mà Marhads đã có thể giúp đỡ tốt hơn tôi nhiều. Điều này theo quan niệm của tôi là cách mà thân thể Đấng Christ đã được chỉ định để hoạt động.

Tôi có ân tứ chữa lành, nhưng tôi không có các ân tứ của mục sư, của sự kêu gọi cổ vũ, của lòng thương xót hoặc sự phục vụ. Vì vậy, tôi thấy rằng mình tốt nhất là cầu nguyện cho sự chữa lành một lần. Nếu người ấy được lành sau đó thì tốt. Nhưng nếu cần thêm nữa, như điều mà Francis MacNutt gọi là “sự cầu nguyện dầm thấm” hoặc sự chữa lành bên trong hoặc sự tư vấn mục vụ, thì tôi không có năng lực cũng không có khuynh hướng tham gia vào. Vì vậy, tôi chuyển người ấy sang cho lớp tổ cầu nguyện hoặc cho đội chăm sóc mục vụ, trong đó có những thành viên có ân tứ trong các lãnh vực này và làm được một công việc tốt đẹp dưới quyền phép của Đức Thánh Linh. Tôi thật biết ơn Chúa đã không kêu gọi tôi làm tất cả những điều đó, nhưng Ngài đã khiến tôi là một phần trong thân thể mà Ngài đang kiểm soát.

Nói về các ân tứ, bạn chớ có ngạc nhiên khi khám phá rằng một số người với ân tứ chữa lành đã được ban cho các chuyên môn trong những lãnh vực nhất định. Ví dụ, Francis MacNutt có rất ít thành công trong sự cầu nguyện cho người điếc, nhưng lại thành công ở mức độ khá cao khi cầu nguyện cho những người có nan đề về xương và về bụng hoặc ngực, ngoại trừ ung thư. Chuyên môn của tôi, như tôi đã nói, là về chiều dài của hai chân (trong hầu hết những trường hợp có liên quan đến sự điều chỉnh xương chậu) và những vấn đề liên quan đến cột sống. Những người khác tốt nhất trong lãnh vực chữa lành nội tâm. Điều này không có gì bất thường. Chúng ta mong đợi một số người với ân tứ truyền giáo có thể chuyên biệt trong sự truyền giáo cá nhân, trong khi những người khác lại chuyên môn hơn trong vấn đề truyền giáo giữa công chúng. Một số người với ân tứ dạy dỗ có thể sử dụng nó tốt hơn với những người lớn, những người khác thì với trẻ con. Một số người tháo vát đủ để làm tất cả trong công tác truyền giáo.

Mặc dầu lý tưởng là mỗi Cơ Đốc nhân đều nên cầu nguyện cho người đau song một số người đề kháng điều này vì một lý do nằm trên tất cả những lý do khác. Đó là điều này quá liều lĩnh đối với họ. Dưới đây là cách mà Mục Sư John Gunstone thuật lại về kinh nghiệm ban đầu của ông: “Tôi đã từng có một nỗi sợ hãi lớn. Tác hại sẽ là gì trên một người bệnh nếu tôi cầu nguyện để họ được chữa lành nhưng họ lại không cảm thấy sự cải thiện?” Ông ta thú nhận là đến bây giờ ông vẫn cảm thấy sợ ở một mức độ nào đó, nhưng ông luôn thường xuyên cầu nguyện cho người đau, bởi vì thứ nhất, ông nhận biết rằng chính Đức Chúa Trời là Đấng chữa lành không phải ông; và thứ hai: “Tôi không thể nhớ bất cứ ai đã đến chỗ cay đắng một cách nghiêm trọng vì lời cầu nguyện chữa lành đã không được nhậm như chúng tôi mong đợi.” 6 Những lo sợ mà một số người trong chúng ta thường nghĩ đó là mình có thể khiến người ta có cái nhìn không tốt về Chúa dường như không được Đấng Toàn năng đồng ý. Ngài có thể tự lo liệu cho Ngài. Ngài chỉ muốn chúng ta vâng lời.