Chức Vụ Chữa Lành- Các Câu Hỏi Quan Trọng Chung Quanh Chức Vụ Chữa Lành

CÁC CÂU HỎI QUAN TRỌNG CHUNG QUANH CHỨC VỤ CHỮA LÀNH

cac-cau-hoi-quan-trong

Khi bạn bắt đầu chức vụ chữa lành trong Hội Thánh mình, kinh nghiệm cho thấy một nhóm các câu hỏi tiêu chuẩn thường nổi lên. Suốt quyển sách này tôi đã cố gắng để thiết lập một khung sườn cho lối nghĩ về sự chữa lành của Chúa theo quan điểm của Cơ Đốc giáo Tin Lành. Mặc dầu quan điểm này nhằm ý định không mang tính Ngũ tuần và ân tứ, song vẫn: (1) mạnh mẽ khẳng định công việc của Đức Chúa Trời trong các phong trào này, (2) đã học tập và được ích lợi rất nhiều từ hai phong trào kể trên, và (3) trùng lặp với hai phong trào trên một cách đáng kể trong nhiều lãnh vực. Tôi tin rằng khung sườn ấy đã cho chúng ta những cơ sở đúng Kinh Thánh, đúng thần học và dựa trên thực nghiệm hoặc lâm sàng để trả lời cho nhiều câu hỏi trong số những thắc mắc thường nổi lên. Tôi hi vọng rằng những người đã chịu khó đọc và nắm vững tài liệu này sẽ được giải đáp nhiều thắc mắc.

Như tôi đã mô tả khá chi tiết trong chương 2, phạm vi thực hành chức vụ chữa lành của tôi từ trước đến nay là lớp học Trường Chúa Nhật Thông Công 120 Người ở tại Hội Thánh Lake Avenue. Trong nhiều năm, chúng tôi đã cầu nguyện cho người đau trong cơ cấu của một Hội Thánh Tin Lành truyền thống, thật may mắn đã không làm cho Hội Thánh bị dội. Trong suốt nửa năm đó, chúng tôi đã học tập rất nhiều và đã đến chỗ có thể ghi chép lại các chủ trương chức vụ của mình liên quan đến việc chữa lành của Đức Chúa Trời.

George Eckart, một người tốt nghiệp Chủng Viện Fuller, đã đem đến vai trò lãnh đạo trong quá trình này với tư cách là người điều hành buổi cầu nguyện của lớp hoặc đội chữa lành. Ông đã viết lại chủ trương chữa lành của lớp học dưới dạng câu hỏi và trả lời, nằm trong phần phụ lục của quyển sách này. Mặc dầu tôi nhận biết rằng mỗi Hội Thánh cần phải tự may đo – nghĩa là thực hiện các chủ trương chức vụ của riêng mình cho phù hợp với các nhu cầu riêng biệt của mình, tôi nhiệt liệt giới thiệu tài liệu của George Eckart như là một điểm khởi đầu, đặc biệt dành cho các Hội Thánh chính hệ và Tin Lành truyền thống. Hãy xem tài liệu ấy, và nếu bạn thấy ích lợi, hãy sử dụng nó.

Trong khi đó, tôi đã chọn sáu trong số các câu hỏi quan trọng nổi lên liên quan đến các chức vụ chữa lành cho chương này.

Trước đây, tôi cũng đã đề cập khái quát về một số vấn đề này. Một số có xuất hiện trên bảng danh sách của George Eckart và một số thì không. Mỗi câu hỏi như vậy cũng như các câu hỏi khác tương tự đáng phải được thảo luận cả một chương, tuy nhiên, tôi chỉ sẽ đề cập sơ đến chúng. Mối quan tâm của tôi cũng không phải để tranh cãi và ra sức chỉ trích gay gắt những người mà tôi có thể bất đồng. Những con người khác mà tôi hết sức tôn trọng trả lời những câu hỏi này theo những cách khác nhau, và tôi không cảm thấy cần phải chứng minh là họ sai để tôi đúng hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tôi không tin quan điểm của mình là quan điểm đúng. Nếu tôi thấy nó sai, thì tôi đã thay đổi lập tức.

SỰ CHỮA LÀNH CÓ THẬT KHÔNG?

Liệu những người chúng ta cầu nguyện có thật sự được chữa lành do chúng ta đã cầu nguyện cho họ không? Chúng ta có thể chứng minh một mối liên hệ nhân quả không?

Câu trả lời đối với các câu hỏi này đưa chúng ta trở lại với vấn đề thế giới quan. Tin là thấy. Nếu bạn đã quyết định rằng Đức Chúa Trời ngày nay không còn chữa lành, thì không thể nào để chứng minh cho bạn bất cứ ai đã được chữa lành bởi sự cầu nguyện. Ví dụ, ngày nay có khoảng 1.500 thành viên của Hiệp Hội Quốc Tế Trái Đất Hình Dẹp (International Flat Earth Society), là những người tin quả quyết rằng trái đất hình dẹp, quy cho lý thuyết quả đất hình tròn là của Satan. Không có một số lượng bằng chứng khoa học nào rằng trái đất hình tròn thuyết phục họ tin khác hơn. Tương tự như vậy, không có một số lượng các trường hợp được ghi nhận bằng tài liệu y học nào về sự chữa lành thiên thượng thuyết phục được những người ấy, là kẻ đã quyết định không tin điều đó khả thi.

Rex Gardner xử lý vấn đề này một cách khá bao quát. Ông là một bác sĩ dày dạn kinh nghiệm biết rõ nghề y. Với tư cách là một Cơ Đốc nhân, ông quả quyết Đức Chúa Trời đã chữa lành trực tiếp qua lời cầu nguyện. Nhưng, là một bác sĩ, bản thân ông phải chịu đựng những nguyên tắc cư xử trong nghề y và ông nói rằng “thậm chí trong những trường hợp tài liệu ghi nhận rõ ràng, các bệnh nhân và các bác sĩ đều có sẵn đó cho việc chất vấn, và hồ sơ bệnh lý có thể được khám xét, thì bằng chứng của sự chữa lành phép lạ vẫn là điều không thể xảy ra được.” 1 Điều này thật đáng buồn, nhưng là sự thật. Bởi vì y học hiện đại được đặt cơ sở trên chủ nghĩa duy lý khoa học, mà qua định nghĩa, loại trừ sự can thiệp của Đức Chúa Trời, chúng ta không nên ngạc nhiên rằng bởi vì hầu hết các bác sĩ không tin vào phép lạ, nên họ không thấy phép lạ.

Rất nhiều rắc rối do những người hoài nghi về số lượng thấp các phép lạ được xác minh một cách chính thức ở tại Lourdes gây ra. Nhưng một trong các chuyên gia hàng đầu của Lourdes, là Đức Cha Rene Laurentin, đồng ý rằng một lần nữa đây lại là vấn đề của thế giới quan. Ông phát hiện rằng một số các nhân viên y tế trong ủy ban xác minh Lourdes đã bỏ phiếu chống lại việc xác minh “bởi vì họ cần có thêm một thử nghiệm nữa. Và nếu như đã có được một thử nghiệm, tôi nghĩ họ sẽ đòi một thử nghiệm nữa, không bao giờ kết thúc.” Họ làm việc dựa trên cơ sở giả định rằng mọi sự trong thiên nhiên đều có thể được giải thích liên quan đến thiên nhiên. Vì vậy, “Về nguyên tắc, chủ nghĩa duy lý luôn luôn tìm được một cách thoát ra.” 2 Như Chúa Jê-sus đã nói rõ, ra sức chứng minh công việc của Đức Chúa Trời cho một kẻ hoài nghi không tin là một ngõ cụt.

Tôi có cả một tập tin gồm các lời làm chứng của các bác sĩ y khoa, là những người khẳng định các trường hợp được Chúa chữa lành. Trước kia tôi vẫn thường tìm cách để sưu tập thêm và xin các bức phim chụp quang tuyến X, đơn sơ tin rằng nếu như tôi chỉ cần đưa ra đủ những bằng chứng lạ lùng thật sự này, thì tôi có thể thuyết phục mọi người, kể cả những nhà thần học mà tôi đã từng trao đổi. Nhưng không bao lâu sau, tôi đã phát hiện rằng những người được thuyết phục dầu là các bác sĩ hay là các nhà thần học, đều là những người đã tin hoặc là những người có ý muốn tin. Một số những người hoài nghi, sẽ được ghi nhận, rất cởi mở để xem xét những bằng chứng có thể khiến họ thay đổi suy nghĩ, như sứ đồ Thôma. Những người khác thì cương quyết nhất định vẫn không tin, và không điều gì khiến họ thay đổi, cũng như những người Pharisi trong thời Chúa Jê-sus, việc cố gắng thuyết phục những người vô tín ấy, tôi đã khám phá ra rằng không kết quả hơn việc ra sức thuyết phục các thành viên của Hiệp Hội Trái Đất Hình Dẹp rằng trái đất hình tròn.

Những người hoài nghi năng nỗ thường nhắc đến cuốn Chữa lành: Một Bác sĩ trong Việc khảo sát Phép lạ của William A. Nolen. Trong đó, bác sĩ Nolen, đã kiểm tra một số những lời tuyên bố được chữa lành kể cả trong chức vụ của bà Kathryn Kuhlman, và kết luận rằng những người chữa lành bằng đức tin không thể chữa lành những bệnh có liên quan đến các cơ quan, mà chỉ các bác sĩ mới chữa được. Tôi đề cập đến điều này để làm tương phản những phát hiện của Nolen với những phát hiện của Michael Cassidy. Trong tác phẩm của mình Bursting the Wineskins, Cassidy, người sáng lập tổ chức African Enterprise đã chứng minh rằng bước ngoặt trong linh trình của ông đến chỗ tin rằng Đức Chúa Trời thật sự sử dụng những người chữa lành bằng đức tin để chữa trị các căn bệnh thuộc về cơ quan chính là một buổi nhóm của bà Kathryn Kuhlman. Ông đã đến đó, theo lời ông, với một tinh thần hoài nghi và một “ ý định sẽ phát hiện ra những việc giả mạo.” Nhưng ông đã thấy một cậu bé trai bảy tuổi với hai chân bị biến dạng không hề đi được trong suốt cuộc đời của mình đã quăng đi cặp nạng sau khi cầu nguyện và chạy đi chạy lại ở trên tòa giảng. Cassidy rõ ràng đã cởi mở đủ để thấy những sự việc trong chức vụ của bà Kathryn Kuhlman mà Nolen không nhìn thấy. Cassidy nói: “Điều đó chính là lý do vì sao tôi tin rằng ngày nay Đức Chúa Trời vẫn còn chữa lành.”

Một số khảo sát được phát họa mang tính khoa học có lẽ sát gần với một số khảo sát mang tính thuyết phục. Ví dụ, một bài báo được xuất bản trong các bản lưu của Hiệp Hội Bệnh Tim Hoa Kỳ mô tả một khảo sát của bác sĩ khoa tim Randolph C. Byrd ở tại Bệnh Viện Đa Khoa thuộc San Francisco. Ông chia khoảng 400 bệnh nhân thành hai nhóm, sau đó ông xin các nhóm cầu nguyện tại nhà cầu nguyện cho các bệnh nhân trong nhóm này mà không cầu nguyện cho nhóm kia. Không một bệnh nhân nào, kể cả nhân viên bệnh viện biết là họ thuộc vào nhóm nào. Nhóm người đã được cầu nguyện thì ít bị biến chứng và ít người chết hơn.4 Có bao nhiêu bác sĩ sẽ được thuyết phục bởi kết quả này là điều vẫn còn phải xem xét, bởi vì các bác sĩ thường bất đồng với nhau, chưa nói đến những bất đồng của họ với các chuyên gia y tế thế tục khác.