Chức Vụ Chữa Lành- Cần Lượng Đức Tin Bao Nhiêu; Sự Chịu Khổ Có Thể Có Ích Lợi Chăng? Bệnh Tật Và Sự Chịu Khổ

CẦN PHẢI CÓ LƯỢNG ĐỨC TIN BAO NHIÊU?

Mặc dầu nhiều khi Đức Chúa Trời thi hành những công việc lạ lùng một cách tối thượng và trực tiếp như Ngài đã làm với Saulơ trên đường Đamách, đó là một ngoại lệ. Nguyên tắc mà chúng ta tìm thấy cả trong Kinh Thánh lẫn trong kinh nghiệm thực tế là Ngài thường sử dụng những tác nhân con người, và một phần quan trọng của sự liên kết để có quyền phép Đức Chúa Trời tuôn chảy qua tác nhân con người chính là đức tin. Nhưng vai trò mà đức tin nắm giữ thường bị hiểu lầm. Chúng ta cần phải rõ ràng trong hai lãnh vực quan trọng: tác nhân đức tin và lượng đức tin.

can-luong-duc-tin-bao-nhieu

Tác nhân đức tin dấy lên câu hỏi : ai cần đức tin để sự chữa lành xảy ra ? Kinh Thánh cho chúng ta những minh họa riêng rẽ về tác nhân đức tin là người bệnh , những người trung gian và người chữa lành .

Đức tin của người bệnh đôi khi được liên kết với việc chữa lành. Hai người mù xuất hiện trước mặt Chúa Jê-sus để xin được chữa lành, Ngài phán: “Hai ngươi tin ta làm được điều hai ngươi ao ước sao?” Khi họ trả lời được Chúa Jê-sus đã phán: “Theo như đức tin các ngươi, phải được thành vậy.” Mắt hai người liền mở (xem Mat Mt 9:28-31).

Nhưng không phải luôn luôn là như vậy. Người tôi tớ của thầy đội đã được chữa lành khỏi bệnh bại mà thậm chí không biết Chúa Jê-sus là Đấng chữa lành cho anh, theo như chúng ta được biết. Trong trường hợp này, một người trung gian, là thầy đội, đã có đức tin. Chúa Jê-sus đã phán: “Ta chưa hề thấy ai trong dân Ysơraên có đức tin lớn dường ấy!” (8:10).

Khi Phierơ và Giăng tiếp cận với người què ở tại cổng đền thờ, ông ta thậm chí cũng không mong được chữa lành, cũng chẳng có người trung gian nào ở đó cả. Phierơ, trong trường hợp này chính là nhân tố đức tin khi ông nói: “Ta chẳng có vàng bạc chi hết, song điều ta có thì ta cho ngươi: nhơn danh Đức Chúa Jê-sus Christ ở Naxarét, hãy bước đi” (Cong Cv 3:6).

Những minh họa cho từng trường hợp một thuộc ba thành phần này có thể rất nhiều, nhưng vấn đề đã rõ ràng. Trong các trường hợp khác nhau, Đức Chúa Trời sẽ dùng các tác nhân đức tin khác nhau. Một trong những lỗi lầm phổ biến nhất thường bị vấp phải, liên quan đến vấn đề này là nói như vầy với người bệnh không được lành bởi sự cầu nguyện: “Nếu như anh có đủ đức tin, anh sẽ được lành.” Điều này không những không đúng Kinh Thánh mà còn không nhân đạo, bởi vì nó chất thêm nỗi đau không cần thiết vào nỗi khổ mà họ đã có rồi.

Số lượng đức tin là lãnh vực thứ hai. Cần phải có bao nhiêu đức tin để làm cho việc chữa lành xảy ra? Câu trả lời là điều này không có câu trả lời. Tất nhiên là càng có nhiều đức tin càng tốt. Êtiên đã làm nhiều phép lạ bởi vì ông là người “đầy dẫy đức tin và quyền phép” (6:8). Nhưng có rất nhiều trường hợp khác việc chỉ có đức tin bằng hột cải là thấy được những việc lạ lùng xảy ra. Ở phần trước tôi có nhắc đến việc tôi đã có đức tin ít ỏi thể nào khi tôi chứng kiến hai lỗ tai mọc ra trên hai bên đầu của một cậu bé sinh ra không có hai tai.

Tôi thích câu chuyện mà Kate Semmerling thuật lại về kinh nghiệm của cô khi là một y tá thực tập ở tại bệnh viện Haiti. Một người đàn bà ẵm một cậu bé trai với hai chân què quặt. Cậu bé không thể đứng hoặc đi được. Cô cố gắng giải thích rằng cô không làm được điều gì cả nhưng vì muốn cho người đàn bà này mang con về nên cô bảo: “Tôi thở dài và đề nghị cầu nguyện cho bà ta – một loại cầu nguyện xin Chúa ban phước cho người đàn bà này để bà ta chóng ra về.” Nhưng đã có một hạt cải đức tin bảo với cô rằng Chúa có thể chữa lành, mặc dầu cô đã không trông mong gì cả. Cô đặt hai tay lên đôi chân què quặt của đứa bé và thưa: “Lạy Chúa, xin hãy đến và làm công việc của Ngài ở đây.”

Như thế là đủ đức tin trong trường hợp đó. Năm phút sau, đôi chân của đứa bé phồng lên như thể chúng là những trái banh nhỏ đầy các bắp thịt mới. Kate nói: “Tôi ngỡ như mình đang ở trên mây. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy điều gì giống như vậy xảy ra trước đây.” Đôi chân cậu bé trở nên bình thường, cậu bé đứng lên và bước đi. Câu trả lời của Kate là: “Ôi, lạy Chúa, hãy nhìn xem!”13 Đó có phải là thái độ bày tỏ đức tin mạnh mẽ đâu.

SỰ CHỊU KHỔ CÓ THỂ LÀ ĐIỀU ÍCH LỢI CHĂNG?

Đau khổ là một vấn đề cực kỳ phức tạp, cả về mặt Kinh Thánh lẫn về mặt thần học. Nó nổi lên những câu hỏi mà thật sự không những cần phải có một chương mà đến cả một quyển sách để nói. Nhiều sách đã viết về vấn đề này, và sẽ còn nhiều sách được viết về sự chịu khổ nữa.

Vì nhận biết điều đó, tôi đã chọn trong phần ngắn ngủi này để xem xét một số những vấn đề có liên quan trực tiếp nhất đến chức vụ của chúng ta khi cầu nguyện cho người đau.

Một trong các vấn đề này thường có liên quan đến sự chịu khổ có tính cứu rỗi. Ý tưởng nằm đằng sau nó là: sự chịu khổ là điều ích lợi, và qua nó, mối quan hệ của chúng ta với Chúa sẽ được tăng cường.

Không ai nói về vấn đề này tốt hơn là Ken Blue. Ông ta cảm thấy rằng “quan niệm cho bệnh tật chủ yếu vì ích lợi cho chúng ta” và rằng “nó đưa chúng ta đến chỗ thanh tẩy linh hồn và gây dựng tâm tánh” hình thành một trong những vật cản lớn nhất cho các chức vụ chữa lành hiệu quả ngày nay. Vì ý tưởng này, nhiều người tin rằng chúng ta giống Chúa khi chịu đựng bệnh tật hơn là khi được chữa lành. Thật vậy, việc tìm kiếm sự chữa lành bị xem là ích kỷ. 14 Một số người nói rằng nếu chúng ta tin Chúa chữa lành cho mình thì tỏ ra thái độ lệ thuộc vào lối sống hay đòi hỏi quyền lợi.

Francis MacNutt bổ sung: “Khi chúng ta nói rằng Đức Chúa Trời đem bệnh tật đến hoặc Đức Chúa Trời bảo chúng ta phải chịu đựng bệnh tật, là chúng ta đang tạo ra một hình ảnh về Đức Chúa Trời mà nhiều người cuối cùng phải từ chối. Người làm mẹ hoặc người làm cha sẽ chọn điều gì? Bệnh ung thư cho con gái họ để thuần phục tánh kiêu ngạo của nó chăng?” 15 MacNutt chọn Mỹ Latinh để minh họa như là nơi đang thịnh hành kiểu dạy dỗ như thế. Ông nói rằng bởi vì “Đức Chúa Trời bằng cách nào đó được mô tả như là một Đấng khó hiểu muốn con người phải chịu khổ qua phương cách cứu rỗi,” nhiều người Mỹ Latinh cảm thấy rằng khi bệnh tật đến, đó là ý muốn của Đức Chúa Trời. Vì vậy, để có được sức khỏe, rõ ràng là họ không đi đến với Chúa nhưng tìm một thầy mo. Điều này, MacNutt lập luận, là một sự đảo ngược đáng buồn về mặt thần học. “Con người đối xử với Đức Chúa Trời như thể Ngài là một vị thần ngoại giáo được xoa dịu bởi nỗi đau khổ, còn để được chữa lành, họ quay sang thế giới các tà linh và ma quỷ.” 16

Không điều nào bên trên hàm ý rằng việc chịu khổ chẳng đem lại ích lợi gì. Tôi đã nhấn mạnh điều này ở chương 4. Tại đó tôi đã đề cập thế nào Phaolô cuối cùng đã được ích lợi từ “chiếc giằm xóc trong xác thịt của ông” (xem IICo 2Cr 12:7-10). Một số việc chịu khổ mang tính cứu rỗi. Giacơ đã bảo chúng ta là hãy “coi mọi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn” (1:2), bởi vì thử thách sẽ đem lại sự nhịn nhục và sự nhịn nhục làm chúng ta trưởng thành. Hêbơrơ chép rằng sự sửa phạt từ Cha sinh ra “bông trái công bình và bình an” (12:11). Dầu đây là một phần của toàn thể bức tranh, nhưng Đức Chúa Trời vẫn thường xuyên được nhìn theo đúng Kinh Thánh, là Đấng giải cứu khỏi sự chịu khổ chứ không phải là Đấng đem đến những khổ nạn.

BỆNH TẬT VÀ SỰ CHỊU KHỔ

Thật ích lợi khi chúng ta không nhầm lẫn tật bệnh nói riêng với sự chịu khổ nói chung. Trừ những ngoại lệ hiếm hoi, các câu Kinh Thánh trong Tân Ước nói về sự chịu khổ có liên quan đến những tấn công của ma quỷ, sự bắt bớ vì cớ Tin Lành hoặc sự phán xét của Đức Chúa Trời chứ không phải tật bệnh của con người. Một nghiên cứu để cho thông tin về vấn đề này đã được thực hiện bởi Peter H. Davids. Ông tìm thấy rằng trong nhóm từ chịu khổ (tiếng Hy lạp là thlipsis), 54 lần xuất hiện trong Tân Ước ám chỉ đến sự bắt bớ, sự chống nghịch, sự đói kém hoặc sự phán xét trong ngày tận thế. Chỉ có một từ khác là ám chỉ đến nỗi đau đớn sinh nở (xem GiGa 16:21). Nhóm từ đau khổ (tiếng Hy lạp, pascho) xuất hiện 65 lần. Chỉ có 1 trong số đó có liên quan đến tật bệnh và từ ấy được quy cụ thể cho sự tấn công của ma quỷ (xem Mat Mt 17:15). Thật thú vị thay, trong một từ khác, nỗi đau khổ của người đàn bà mắc bệnh không áp dụng cho tình trạng tật bệnh của bà mà là cho sự điều trị bà nhận được từ các thầy thuốc (Mac Mc 5:26). 17

Những đáp ứng thích hợp của người Cơ Đốc đối với việc chịu khổ ở một mặt và với bệnh tật về mặt kia được gợi ý trong Gia Gc 5:13-15. “Trong anh em có ai chịu khổ chăng?” Câu trả lời: “Người ấy hãy cầu nguyện.” Và rồi: “Trong anh em có ai đau ốm chăng?” Câu trả lời: “Hãy mời các trưởng lão Hội Thánh đến, sau khi nhân danh Chúa xức dầu cho người bệnh đoạn, thì các trưởng lão hãy cầu nguyện cho người… Chúa sẽ đỡ kẻ ấy dậy.”

Thật kỳ lạ, một số người nhấn mạnh đến những ích lợi mang tính cứu rỗi của tật bệnh chứ không phải khao khát xin Chúa chữa lành cho mình dường như không nhất quán khi họ hoặc những người thân yêu của họ bị đau ốm. Tôi thích câu trả lời của tiến sĩ A. B. Simpson: “Được rồi, nếu những người khuyên giục và khẳng định thực hành lời đề nghị này thật sự chấp nhận tật bệnh của họ, và nằm thụ động mà chịu đựng bệnh tật, thì ít ra họ cũng đã nhất quán. Nhưng bộ họ không đi mời một bác sĩ, hoặc làm hết sức mình để thoát khỏi ‘ý muốn ngọt ngào này của Đức Chúa Trời sao’?” 18 Tất nhiên là họ làm. Nhà thần học gì hoặc nhà đạo đức gì mà lại khuyên vợ hay chồng mình đang bị đau răng kinh khủng cứ ở nhà để tìm kiếm ích lợi của sự cứu rỗi mà không đến gặp nha sĩ? Ai cũng biết trong thực tế gốc rễ của vấn đề không phải là bệnh tật có nên được chữa lành hay không, mà ai là người phải chữa lành bệnh tật. Bác sĩ hay nha sĩ thì được, nhưng dường như lại là ngạo mạn khi xin Chúa trực tiếp làm điều đó.