Chức Vụ Chữa Lành- Chúng Ta Cầu Nguyện Cho Người Đau Ở Đâu Và Khi Nào?

CHÚNG TA CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI ĐAU Ở ĐÂU VÀ KHI NÀO?

cau-nguyen-cho-nguoi-benh-o-dau-khi-nao

Một khi chúng ta đã cam kết cầu nguyện cho người đau như là một phần của lối sống của nước trời, theo như tôi mong ước hết thảy chúng ta sẽ được như vậy, thì khi nào và ở đâu chúng ta cầu nguyện? Rõ ràng là chúng ta cần cầu nguyện bất cứ nơi đâu và bất cứ nơi nào có thể. Nhưng bởi vì chúng ta là con người và có những giới hạn của cá nhân mình, hệ thống hóa chức vụ mình thường là điều ích lợi. Điều này thật có lý đối với tôi để nghĩ về cách thực hành chức vụ cầu nguyện cho người đau trên bốn mức độ:

  1. Chúng Ta Cầu Nguyện trong vòng Gia Đình của Mình

Nên trở thành bản năng để chúng ta đặt tay và cầu nguyện cho vợ hoặc chồng mình, con cái mình và những người khác trong gia đình chúng ta khi bệnh tật đến. Nói điều này tôi không hàm ý rằng chúng ta cứ phớt lờ ý kiến của bác sĩ. Nhưng rất nhiều gia đình Cơ Đốc, khi bệnh tật thăm viếng chúng ta, thì tủ thuốc, phòng mạch của bác sĩ và bệnh viện không phải là nguồn phương tiện đầu tiên chúng ta tìm đến mà chỉ là một trong các nguồn phương tiện. Vì sao chúng ta không cầu nguyện và đến bác sĩ chứ? Đôi khi Đức Chúa Trời muốn chữa lành trực tiếp, đôi khi Ngài muốn sử dụng phương tiện chữa lành bàng các mũi thuốc tiêm hoặc sự giải phẫu. Nhưng Ngài ít khi nào chữa lành trực tiếp nếu chúng ta không cầu xin Ngài.

Tôi hiếm khi gặp phải những nan đề về tiêu hóa thuộc bất cứ loại nào. Nhưng cách đây mấy ngày, khi tôi bắt đầu chuẩn bị viết cuốn sách này, tôi thấy khó chịu trong bao tử ngay trước buổi trưa, và đến buổi chiều thì tôi đã ốm. Tôi đi ngủ sớm, hy vọng rằng sáng mai sẽ khỏe, nhưng tôi thức giấc vẫn còn mệt. Tôi biết cơn cúm bao tử đang xảy ra khắp nơi, bởi vì một số các bạn của tôi đã ngã gục với căn bệnh này gần một tuần lễ. Tôi có cả một ngày phải viết lách ở trước mặt, và tôi cần có sức khỏe đầy đủ. Vì vậy, tôi đã gọi điện cho vợ tôi, tôi trở mình trên giường và nói: “Anh cần một lời cầu nguyện chữa lành chính thức.” Vì vậy, Doris đã đặt tay lên và cầu nguyện quở trách tật bệnh, cảm tạ Đức Chúa Trời tôi không còn gặp rắc rối nào nữa.

Sẽ có những người hỏi tôi vì sao lại đề cập những việc lặt vặt như vậy. Thật ra, một số các bạn của tôi cũng đã cật lực phản đối khi tôi thuật lại các câu chuyện như vậy. Một số người cảm thấy rằng việc chịu khổ có một giá trị cứu rỗi và rằng tôi sẽ trở thành một Cơ Đốc nhân tốt hơn và gần gũi với Chúa hơn nếu tôi chịu đựng chứng đau bao tử, hơn là cầu xin Chúa cất nó đi. Những người khác thắc mắc vì sao tôi cho rằng Đức Chúa Trời sẽ quan tâm đến chứng cảm cúm bao tử của tôi khi mà chúng ta biết rằng mối quan tâm thật sự của Ngài là “chế độ phân biệt chủng tộc ở tại Nam Phi” hoặc “cuộc nội chiến ở tại Nicaragua.” Tất cả những gì tôi có thể nói đó là tôi đề cập điều này ở đây chính xác là vì đó là việc tương đối nhỏ nhặt, và tôi cảm thấy rằng Đức Chúa Trời được vinh hiển thậm chí trong những việc nhỏ khi các thành viên trong gia đình bày tỏ đủ tình yêu đối với nhau và đủ đức tin đặt nơi Chúa để cầu nguyện cho việc chữa lành. Tôi có thể hình dung thể nào tôi đã cảm nhận nếu như vợ tôi, thay vì đặt tay sẽ nói rằng: “Đừng lo, anh yêu. Đó chỉ là bệnh cúm thôi mà, và anh sẽ khỏe cũng như mọi người khác thôi. Trong khi đó anh hãy học những bài tập mà Chúa muốn dạy anh.” Thật đúng là lời lẽ của những kẻ an ủi Gióp!

  1. Chúng Ta Cầu Nguyện theo như Lệ Thường trong Đời Sống Hàng Ngày

Hết thảy chúng ta đều có đời sống khác nhau và có các thông lệ khác nhau. Lịch trình của văn phòng tôi rất khít khao, nhưng tôi vẫn cố gắng dành chỗ trong đó khi có ai cần cầu nguyện chữa lành. Thường chỉ là vấn đề 5 đến 10 phút mà thôi.

Như tôi đã đề cập ở phần trước, tôi sử dụng 20 đến 30 phút đầu tiên trong mỗi buổi học trên lớp để cầu nguyện (các lớp học của tôi bắt đầu từ 2 đến 6 giờ mỗi buổi). Thoạt đầu tôi băn khoăn không biết các sinh viên có phàn nàn hay không. Có lẽ có một đôi người trong lớp học nhất định nào đó phàn nàn, nhưng một trong những nhận xét tích cực thường xuyên nhất trong các đánh giá về lớp học của tôi đó là những giờ cầu nguyện đã có ý nghĩa rất nhiều đối với các sinh viên. Tôi đã dạy một lớp học ở cấp tiến sĩ về sự tăng trưởng Hội Thánh dành cho các mục sư ở tại Úc châu mới đây chẳng hạn. Đức Chúa Trời thật tốt lành và một số điều rất đáng lưu ý đã xảy ra trong giờ cầu nguyện của chúng tôi. Ngày nọ, một trong các mục sư đã mang cậu con trai trong tuổi thiếu niên của mình đến lớp, cậu bé bị chấn thương bên hông không thể chơi cricket được. Vì vậy, chúng tôi đã cầu nguyện cho cậu bé và đặt tay trên cậu. Về sau, Mục Sư Philip Woolford đã viết:

Một phương diện khác về các phước hạnh của khóa học là những giờ cầu nguyện. Khi thời gian trôi đi, tôi đã tự hỏi mình: “Ngày nay Thánh Linh của Đức Chúa Trời sắp sửa làm những gì?” Đối với cá nhân tôi đó là một kinh nghiệm nâng đỡ đức tin khi được ở trong một bầu không khí đức tin như vậy, điều đó nhất định đã làm cho sáu giờ học mang tính nhất quán và tươi mới. Mới ngày hôm kia, khi nói chuyện với Ross Weymouth, tôi đã hỏi thăm ông về sức khỏe của con trai ông. Đó là cậu bé đã bị thương ở bên hông khi còn rất nhỏ và đã phải chịu đau khổ rất nhiều kể từ lúc ấy. Ross cho biết xương hông và xương chân của cậu đã được chữa lành và phục hồi kể từ ngày hôm đó. Thành thật mà nói, bạn không thể vẫn như trước sau khi chứng kiến một phép lạ như vậy.

Tôi cũng cố gắng nhạy bén đối với những cơ hội để mở đầu việc cầu nguyện cho người ta khi tôi đi đây đó hoặc ở tại các kỳ hội đồng. Trong những trường hợp như vậy, ý thức điều Cha muốn thực hiện là điều hết sức quan trọng. Để tránh thái độ có vẻ như khiếm nhã hoặc tự phụ, đúng thời điểm là điều hết sức quan trọng. Tôi nhớ lại rằng trong buổi nhóm quốc tế của Ủy Ban Lausanne dành cho việc Truyền Giáo Thế Giới được tổ chức vào tháng Một năm 1987 ở tại Callaway Gardens, Georgia, một dịch cúm nghiêm trọng đã làm cho ba nhân vật lãnh đạo hàng đầu hoàn toàn không thể làm việc được đó là, giám mục Jack Dain, vị cựu chủ tịch; Don Hoke, vị thủ quỹ; và Thomas Wang, vị giám đốc quốc tế vừa mới đắc cử.

Tôi nghĩ đến việc cầu nguyện cho họ, nhưng không hiểu sao, tôi không thể có được tín hiệu đèn xanh từ nơi Đức Chúa Trời để thực hiện. Điều này có vẻ kỳ lạ, bởi vì tôi biết rằng các thành viên trong Hội Thông Công 120 Người đã cầu nguyện để Chúa dùng tôi cho việc chữa lành trong khi tôi có mặt tại đó. Jack Dain đã nằm trên giường suốt hai ngày cho đến khi Đức Chúa Trời dẫn dắt Thomas Zimmerman, vị tổng giám thị trước đây của Hội Assemblies of God, đặt tay trên ông và cầu nguyện, cơn sốt hạ hầu như lập tức từ 40 độ xuống nhiệt độ bình thường, và sau đó cũng trong ngày, Jack đã đứng dậy và đi lại được. Khi Giám Mục Dain làm chứng lại về sự can thiệp của Đức Chúa Trời trước mọi người, tôi cảm thấy nhói lên một sự ghen tị. Vì sao Đức Chúa Trời lại chọn Tom mà không chọn tôi? Thủ quỹ Don Hoke thì bệnh nhẹ hơn và nhanh chóng bình phục. Nhưng Thomas Wang thì đã nằm trên giường ngày thứ ba, thứ tư, thứ năm và thứ sáu mà không khá lên. Nan đề thật phức tạp, bởi vì ông đã được xếp lịch để có một chuyến đi hết sức quan trọng đến châu Âu vào ngày Chúa nhật đó.

Tôi cần phải thanh toán để trả phòng sớm vào ngày thứ sáu, và đang lúc tôi đang ở một mình nơi bàn khách sạn, vợ của Leighton Ford là Jeannie, thình lình xuất hiện và chúng tôi bắt đầu nói chuyện. Giữa vòng những điều khác, bà ta đề cập việc sức khỏe của Thomas Wang đã xấu đi và ông sẽ phải hủy chuyến đi châu Âu vào ngày Chúa nhật. Khi bà còn đang nói, tôi nhận ra rằng Chúa đang phán bảo tôi qua bà và tỏ cho tôi đây là lúc đúng thời điểm. Vì vậy, trước khi ra đi, tôi đã đến phòng ông. Vợ ông, bà Rachel, mở cửa. Trời tối, ông trùm kín chăn và dường như đang ngủ. Nhưng tôi biết điều cần phải làm, vì vậy, tôi đánh thức ông dậy. Cặp mắt ông đờ đẫn và khó khăn lắm ông mới nói chuyện được. Tôi xức dầu cho ông và cầu nguyện cụ thể để ông có thể đi đến Châu Âu vào ngày Chúa nhật. Khi cầu nguyện xong ông ngồi lên trên giường, duỗi mình và nói: “Tôi không biết đây có phải là sự tưởng tượng của tôi hay không nhưng tôi nghĩ mình đã khá hơn rồi.” Tôi ra sân bay. Vài ngày sau một người bạn chung của chúng tôi đã gởi đi một bức tin từ Thomas đã viết vào ngày thứ bảy: “Cảm ơn ông vì lời cầu nguyện hôm qua. Đến bây giờ thì mọi triệu chứng bệnh tật đã biến mất, và tôi sắp sửa lên đường đến châu Âu ngày mai. Cảm tạ Đức Chúa Trời. Ngài vẫn còn làm việc ngày nay như Ngài đã làm cách đây 2000 năm.”

Tôi đã phải xác lập một số những giới hạn về điều tôi có thể hoặc không thể làm. Ví dụ, tôi không bao giờ thực hiện các cú điện thoại đến nhà hoặc đến bệnh viện để cầu nguyện cho người đau. Tôi cảm thấy mình không đủ thời gian lẫn năng lực để làm được nhiều như vậy. Khi nhu cầu nổi lên, tôi gọi cho các thành viên trong đội cầu nguyện của tôi hoặc đội chăm sóc mục vụ dành cho loại chức vụ này.

  1. Chúng Tôi Cầu Nguyện trong Các Nhóm Nhỏ .

Một nơi hết sức tự nhiên để cầu nguyện cho người bệnh là trong các buổi nhóm của các nhóm nhỏ. Các nhóm này có thể là các lớp Trường Chúa Nhật, các buổi nhóm học Kinh Thánh tại nhà, các nhóm huấn luyện công tác hoặc bất cứ một cơ hội nào khác mà trong đó các Cơ Đốc nhân gặp nhau thường xuyên.

  1. Chúng Tôi Cầu Nguyện trong Cả Hội Thánh

Có nhiều cách để đưa chức vụ chữa lành vào trong toàn thể Hội Thánh, nhưng ở đây tôi chỉ xin đề cập đến ba cách. Như đã minh họa, tôi sẽ dẫn chứng ba mục sư, tất cả đều là những người bạn của tôi, họ đã đưa loại chức vụ chữa lành thuộc làn sóng thứ ba này vào trong Hội Thánh của họ thành công mà không làm cho Hội Thánh của họ bị dội.

Người ôn hòa nhất trong ba người là mục sư của tôi, Paul Cedar. Cách đây một thời gian, khi đang giảng dạy về sách Giacơ, Đức Chúa Trời đặc biệt gây ấn tượng trên ông với khúc Kinh Thánh trong đoạn 5 nói về việc cầu nguyện cho người đau. Đúng vào thời điểm đó, vợ của một chấp sự bị ốm nặng đang theo học khóa học này, đã mời những trưởng lão trong Hội Thánh đến, họ xức dầu cho bà và cầu nguyện, bà đã được chữa lành một cách đáng lưu ý. Từ đó trở đi, Paul Cedar đã tổ chức một tổ cầu nguyện trong Hội Thánh (vợ tôi là một trong số các thành viên), cầu nguyện cứ ba tuần một lần cho những người đau sau buổi nhóm Chúa nhật. Vào cuối mỗi buổi nhóm, Mục Sư Cedar mời những người cần cầu nguyện chữa lành hay bất cứ nhu cầu nào khác đi ra theo một cánh cửa nhất định dẫn đến một căn phòng cầu nguyện sau khi tan nhóm. Tại đó đội cầu nguyện giúp đỡ họ, và rất nhiều trường hợp chữa lành đã được tường thuật.7

Một bước mạnh dạn hơn đã được thực hiện cách đây không lâu bởi Lloyd Ogilvie, mục sư của Hội Thánh Trưởng Lão Hollywood, California. Ông kết thúc mỗi buổi nhóm thờ phượng bằng lời mời gọi công khai để mọi người tiến lên phía trước và được những trưởng lão cầu nguyện cho, ngay phía trước tòa giảng trong suốt bài thánh ca kết thúc, thực hiện việc cầu nguyện chữa lành như là một phần không thể thiếu được của buổi nhóm. Ogilvie nói rằng: “ Làm sao để chức vụ chữa lành trở thành một phần trong giờ thờ phượng buổi sáng Chúa nhật tức là đang đưa sự nhấn mạnh ấy vào trong huyết mạch của thân thể Đấng Christ.” 8

Robert Wise, vị mục sư của Hội Thánh Cộng Đồng của Chúa ở tại thành phố Oklahoma của chúng tôi (một Hội Thánh Cải Chánh của Hội Chúng Hoa Kỳ), đi xa hơn trong việc lên lịch và quảng bá công khai số các buổi nhóm chiều Chúa nhật đều đặn như là các buổi nhóm chữa lành. Họ gọi đó là The Fellowship of the Healing Christ (Mối Thông Công của Đấng Christ Chữa Lành) và sử dụng một nghi thức khá là có tổ chức như một trật tự của sự thờ phượng. Tin đồn đã lan ra khắp cộng đồng, và nhiều người, thậm chí từ các Hội Thánh khác, đã đến để cầu nguyện hoặc đem những người bạn đau ốm hay những người bà con cần được chữa lành.