Chức Vụ Chữa Lành- Chuyển Giao Quyền Năng, Hai Bản Tánh Của Chúa Jê-sus, Chúa Jesus Có Biết Sự Thật Không?
CHUYỂN GIAO QUYỀN NĂNG
Một trong những lời tuyên bố gây ngạc nhiên hơn hết của Chúa Jê-sus đã được tuyên phán với các sứ đồ vào cuối chức vụ của Ngài: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm; lại cũng làm việc lớn hơn nữa, vì ta đi về cùng Cha” (GiGa 14:12).
Chúng ta hiểu câu nói này như thế nào?
Khi tôi vào học trong chủng viện, tôi đã được dạy rằng đừng hiểu câu đó theo nghĩa đen. Đó chính là đường lối tổ chức của những người Tin Lành vào thời đó.
Nhiều người vẫn còn dạy điều đó. Ví dụ, Ray Stedman hỏi rằng: “Những công việc lớn hơn sự chữa lành thuộc thể có thể được thực hiện là điều gì? Ông trả lời: “Có chứ, đó là sự chữa lành thuộc linh. Điều Chúa muốn trước hết là chữa lành sự tổn thương trong tâm linh của con người.” Một lý do khiến Stedman nhấn mạnh điều này là vì ông cảm thấy “luôn luôn là một sai lầm khi quá nhấn mạnh đến phép lạ thuộc thể. Mặc dầu các phép lạ thu hút sự chú ý, nó cũng thường làm con người bị nhầm lẫn, đến nỗi những người quan sát hoàn toàn bỏ qua mục đích của điều Đức Chúa Trời đang muốn phán”. Điều này không chắc là sự giải thích được chấp nhận rộng rãi nhất giữa vòng những Cơ Đốc nhân Hoa Kỳ ngày nay.
Tất nhiên, những người Ngũ tuần và ân tứ cũng hiểu Lời Chúa theo nghĩa đen. Và tôi tin rằng những người Tin Lành đang đi vào làn sóng thứ ba cũng không nên sợ khi phải hiểu những lời này theo nghĩa đen. Tôi đồng ý với Michael Harper, là người nói rằng: “Những Cơ Đốc nhân đầu tiên đã xưng nhận sở hữu cùng một năng quyền mà Chúa Cứu Thế đã bày tỏ, đặc biệt trong công tác chữa lành bệnh của họ.” Và họ đã nhận được điều này như thế nào? “Chúa Jê-sus đã chuyển giao cùng các ân tứ ấy về Đức Thánh Linh cho họ”.
Điều then chốt rõ ràng trong vấn đề này là hiểu chính xác công việc của Đức Thánh Linh. Hãy lưu ý Chúa Jê-sus đã nói đến quyền phép mà Ngài muốn nói sẽ đến “bởi vì ta đi về cùng Cha.” Ý nghĩa của điều đó là gì? Sau đó Chúa Jê-sus đã nói: “Nếu ta không đi, thì Đấng Yên Ủi sẽ không đến cùng các ngươi, nhưng nếu ta đi thì ta sẽ sai Ngài đến cùng các ngươi” (GiGa 16:7). Đấng Yên Ủi, tất nhiên, chính là Đức Thánh Linh. Điều này dẫn tôi đến giả định thần học của chương này: Đức Thánh Linh chính là nguồn gốc của tất cả quyền phép Chúa Jê-sus trong chức vụ trên đất của Ngài . Chúa Jê-sus đã không thi hành quyền phép của chính Ngài hoặc bởi chính mình Ngài . Ngày nay chúng ta có thể trông đợi để cũng làm giống như Ngài hoặc làm những điều lớn hơn Chúa Jê-sus nữa bởi vì chúng ta đã được ban cho cùng một nguồn quyền năng tương tự .
HAI BẢN TÁNH CỦA CHÚA JÊ-SUS
Thần học Cơ Đốc kinh điển dạy rằng Chúa Cứu Thế Jê-sus có hai bản tánh, thần tánh và nhân tánh. Điều này không có nghĩa là Ngài có hai thân vị, nhưng là một thân vị với hai bản tánh. Cũng không phải Ngài có một nửa tánh thần và nửa tánh người giống như một số các nhân vật trong truyện thần thoại. Thật lạ lùng thay, Ngài là Đức Chúa Trời 100 phần trăm, và là con người 100 phần trăm. Về mặt toán học thì điều đó dường như không thể hiểu được, nhưng về mặt Kinh Thánh và thần học thì được. Cụm từ Latinh cổ mà các thần học gia hay nói đến là: vere deus et vere homo , hoàn toàn Đức Chúa Trời và hoàn toàn con người.
Tôi nhấn mạnh điều này bởi vì tôi không muốn mình bị hiểu lầm. Đối với tôi, giáo lý kinh điển về nhị tánh của Chúa Cứu Thế là một giáo lý không thể tranh cãi về mặt thần học. Không hề có điều gì tôi nói trong vài trang kế tiếp đây được giải thích để làm tổn hại đến sự kiện Chúa Jê-sus hoàn toàn là Đức Chúa Trời và hoàn toàn là con người. Những vấn đề mà tôi sắp đưa ra không hề thắc mắc liệu có phải Chúa Jê-sus có hai bản tánh hay không, nhưng muốn nói đến việc hai bản tánh mà Ngài có liên quan với nhau như thế nào.
LIỆU CHÚA JÊ-SUS CÓ THẬT SỰ BIẾT KHÔNG?
Một điểm bắt đầu thú vị cho điều này là điều tôi nghĩ đến như là rắc rối của Mac Mc 13:32. Ở đây Chúa Jê-sus đang ở trên núi Ôlive nói chuyện cách riêng tư với Phierơ, Giacơ, và Giăng cùng Anhrê. Họ đã hỏi Ngài khi nào thời kỳ cuối cùng sẽ đến. Chúa Jê-sus nói với họ về nhiều điều sẽ phải xảy ra trong thời kỳ cuối cùng, như là giặc giã và tiếng đồn về giặc, động đất và bắt bớ cùng các tiên tri giả. Nhưng còn về thời điểm? Đây là điều Ngài đã phán: “Về ngày và giờ đó, chẳng ai biết chi hết, các thiên sứ trên trời, hay là Con cũng chẳng biết nữa; song chỉ Cha mà thôi.”
Trừ phi Chúa Jê-sus đang sử dụng một hình thức chơi chữ nào đó, Ngài đang thông báo cho các môn đồ rằng Ngài không thể nói cho họ khi nào giờ cuối cùng sẽ đến, đơn giản chỉ vì Ngài không biết. Lý do vì sao đây là một rắc rối thì đã rõ ngay. Chúa Jê-sus được xem là Đức Chúa Trời 100 phần trăm. Mà Đức Chúa Trời là Đấng toàn tri – có nghĩa là Ngài biết mọi sự. Như vậy, làm thế nào mà có điều gì, thậm chí một điều mà Chúa Jê-sus tự Ngài thú nhận là không biết?
Các nhà thần học đã vật lộn với vấn đề này qua nhiều năm. Hầu hết những lời giải thích theo truyền thống có thể được xếp vào hai loại sau đây:
- Luận thuyết bí mật hoàn toàn . Những người tin vào điều này khẳng định rằng ở đây chúng ta đang bàn về một vấn đề mà không có sự giải thích hợp lý về mặt con người. Đường lối của Đức Chúa Trời vượt trên đường lối của chúng ta, và tốt nhất là chúng ta hãy thừa nhận rằng mình không thể hiểu được điều đó.
- Luận thuyết về nhân tánh của Chúa Jê-sus . Hiện nay có nhiều nhà thần học thuộc phái tự do phủ nhận thần tánh của Chúa Cứu Thế. Họ không cho rằng ban đầu Ngài thật sự đã là Đức Chúa Trời. Và đây chính là bằng chứng cho quan điểm của họ. Nhưng trong khi chứng minh quan điểm của họ, họ cũng gặp rất nhiều khó khăn để giải thích những câu Kinh Thánh như là: “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời … Và Ngôi Lời đã trở nên xác thịt ở giữa chúng ta” (GiGa 1:1, 14). Những Cơ Đốc nhân Tin Lành không chấp nhận luận thuyết nhân tánh Jê-sus.
- Luận thuyết hai phương diện . Luận thuyết này tuyên bố rằng bởi vì Chúa Jê-sus vừa là thần vừa là người, nên Ngài thay đổi qua lại giữa hai bản tánh này trong mình. Có những lúc Ngài là Đức Chúa Trời. Có những lúc khác, Ngài là con người. Khi biến nước thành rượu, Ngài là Đức Chúa Trời. Khi Ngài đói, Ngài là con người.
Luận thuyết cuối cùng này cho đến nay được ưa chuộng nhất giữa vòng những người Tin Lành, và được nhiều người coi là đương nhiên. Nó thích đáng ở một điểm, bởi vì nó luôn giữ ý tưởng về thần tánh của Chúa Cứu Thế. Nhưng ở những mặt khác thì nó suy yếu. Trong suốt nhiều năm, tôi đã giữ theo lý luận này, dầu phải cố gắng để áp dụng nó vào Mac Mc 13:32. Từ quan điểm đó chúng ta sẽ phải hiểu rằng Chúa Jê-sus thật sự muốn nói với các môn đồ: “Nói theo cách loài người, ta cũng không biết khi nào ngày cuối cùng sẽ đến.” Sự giả định ở đây là nếu như vào thời điểm đó Ngài quyết định phán với tư cách là Đức Chúa Trời, thì Ngài đã biết thời điểm và đã bảo cho họ biết trước rồi. Bản thân điều này nghe có vẻ đáng ngờ.
Hơn nữa, nếu Chúa Jê-sus đang phán với bản tánh của con người vào lúc ấy, thì làm sao Ngài bảo rằng các thiên sứ trên trời cũng không biết khi nào ngày cuối cùng sẽ đến? Con người chúng ta thật không có cách nào để hiểu được điều đó. Vì vậy, lý luận hai phương diện cho rằng Chúa Jê-sus thay đổi giữa thần tánh và nhân tánh thì thật khó hiểu. Dường như đối với tôi, nó không còn là một thần học thích đáng nữa.