Chức Vụ Chữa Lành- Truyền Giáo Bằng Quyền Phép Ngày Nay, Thấy Là Tin

TRUYỀN GIÁO BẰNG QUYỀN PHÉP NGÀY NAY

Hầu hết các Cơ Đốc nhân đều thành thật tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: Có phải đó đúng là điều mà Chúa đang làm trong thế giới ngày nay không? Đúng như vậy.

Vấn đề này thật vô cùng quan trọng bởi vì, như Kinh Thánh đã dạy, gió của Thánh Linh muốn thổi đâu thì thổi (xem GiGa 3:8). Điều Chúa đang làm trong thế giới ngày hôm qua không nhất thiết là điều Ngài đang làm ngày nay. Đó là lý do vì sao Chúa Giê-xu phán: “Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội Thánh” (KhKh 2:7).

truyen-giang-bang-quyen-phep

THẤY LÀ TIN

Trong chương vừa qua tôi đề cập rằng một trong những bí quyết của sự chuyển đổi mô hình cá nhân của tôi từ một người chống Ngũ tuần sang một người dự phần trong làn sóng thứ ba là do một sự đánh giá thành thật về phong trào Ngũ tuần ở tại châu Mỹ Latinh. Sự phát triển lạ lùng của các Hội Thánh ấy, vượt xa sự phát triển của loại các Hội Thánh mà tôi đã cùng làm việc với, đã thu hút sự chú ý của tôi. Một sự xem xét kỹ lưỡng tiếp theo đó đã thuyết phục tôi rằng tôi đang quan sát một công việc phi thường của Đức Thánh Linh. Câu hỏi đối với tôi trở thành: Liệu tôi có một lỗ tai để nghe điều Đức Thánh Linh đang phán cùng các Hội Thánh chăng?

Tôi không cô độc. Donald A. McGavran, được nhiều người xem là nhà truyền giáo học xuất sắc của thế kỷ hai mươi, đã cống hiến đời sống mình để quan sát và phân tích sự tăng trưởng và không tăng trưởng của các Hội Thánh trên khắp thế giới. Trải qua phần lớn sự nghiệp năng động của ông, là sự nghiệp đã kéo dài trong suốt 55 năm, từ năm 1925 đến năm 1980, phản ứng của ông trước các câu chuyện về những sự chữa lành bằng phép lạ là một phản ứng của “bất cứ một người Mỹ bình thường nào”. Ông tin rằng nếu bạn đau ốm, bạn hãy đi bệnh viện. “Lời gợi ý cho rằng bạn hãy gọi ai đó và để người ấy xức dầu cho bạn rồi cầu nguyện,” ông nói: “thường bị coi là mê tín.” Ông ta tất nhiên là không phủ nhận sự dạy dỗ đó là đúng Kinh Thánh. Và ông thường thú nhận: “Có lẽ trong một thời kỳ khác, cách đây rất lâu, thì nó hiệu quả. Chứ ngày nay thì không.”

Tuy nhiên, thái độ của ông đã thay đổi trong thập niên 1960, trong khoảng thời gian ông trở thành tu viện trưởng của Trường Thần Học Fuller thuộc Hội Truyền Giáo Thế Giới ở tại Pasadena, tiểu bang California. Sự khảo sát tiếp tục của ông đang chứng minh rằng hầu hết những Hội Thánh tăng trưởng nhanh chóng là những Hội Thánh không hạn chế chính mình trước sự hành động của Đức Thánh Linh. Bấy giờ ông nói: “Bằng chứng mà tôi khám phá từ quốc gia này đến quốc gia khác – kể cả Bắc Mỹ – đơn giản không cho phép tôi giữ mãi quan niệm cũ của mình. Và tôi có thể nói rằng, khi tôi suy gẫm về điều đó, những xác quyết theo Kinh Thánh của tôi không cho phép điều đó.”

Đối với một số người thật khó để thừa nhận một lối suy nghĩ như vậy đã thay đổi triệt để như thế nào so với quá khứ. Ví dụ, Rufus Anderson, một trong những nhà truyền giáo học nổi tiếng của thế kỷ vừa qua, đã bày tỏ sự khôn ngoan trong các thời kỳ của mình khi ông viết, vào năm 1869 rằng những người truyền giáo không thể nào được coi như là các sứ đồ thời nay bởi vì họ “thiếu các ‘dấu kỳ, các dấu lạ và những công việc quyền năng,’ mà thánh Phaolô, trong thư 2Côrinhtô đã công bố phải là những dấu hiệu cần thiết của một sứ đồ.”2

Trong lịch sử chưa bao giờ có một tỉ lệ phần trăm dân số thế giới được nghe Tin Lành cao như vậy , cũng không có sự gia tăng của những Cơ Đốc nhân Tin Lành đáng khích lệ như vậy .

Ông McGavran đã thuật lại một sự trao đổi bày tỏ ý kiến với Giám Mục Hội Giáo Lý là Waskom Pickett về Ấn Độ vào những năm 1930. Pickett đã nói rằng khi ông khảo sát cuốn sách của mình Christian Mass Movements (Các phong trào quần chúng Cơ Đốc ) ở tại Ấn Độ (1936) ông, “đã phát hiện nhiều phép lạ, dấu kỳ và những điều kỳ diệu hơn cả trong sách Công vụ.”

McGavran đã hỏi: “Tại sao ông không thuật lại những điều đó trong tác phẩm của ông?”

Pickett trả lời: “Nếu như tôi có ghi lại, thì không ai tin phần còn lại của quyển sách.”

Có lẽ ông đã đúng. Phong trào Ngũ tuần chỉ mới bắt đầu, và nhiều Cơ Đốc nhân trong thời nay đã thật nghi ngờ rằng đó có phải là công việc hợp lý của Đức Thánh Linh chăng. Nhưng không lâu nữa.

QUYỀN NĂNG ĐẰNG SAU MÙA GẶT

Như tôi đã nhắc đến trong chương một, năm kết thúc của thế kỷ hai mươi đang chứng kiến sự tăng trưởng lớn nhất của Cơ Đốc giáo khắp thế giới mà chưa từng được biết đến. Nhà khảo sát Patrick Johnstone nói rằng: “Mùa gặt con người được đưa vào nước Trời trong những năm gần đây là điều chưa từng có. Trong lịch sử chưa bao giờ có một tỉ lệ phần trăm dân cư thế giới cao như vậy được nghe về Tin Lành, cũng không hề có những Cơ Đốc nhân Tin Lành gia tăng đáng khích lệ như vậy.” 3

Tờ tạp chí Tin Lành định kỳ rất có ảnh hưởng Christianity Today mới đây đã ghi nhận hiện tượng này và giao cho Sharon E. Mumper thực hiện phần đăng tin trên trang bìa. Phần giới thiệu bài báo của bà là: “Nơi đâu trên thế giới Hội Thánh đang tăng trưởng?” Mở đầu bằng câu chuyện về một phép lạ chữa lành ở tại Trung Hoa, tỏ rõ rằng một biến cố như vậy không có gì là lạ lùng ngày nay cả. Mumper nói rằng: “Những sự chữa lành, đuổi quỷ, và các dấu kỳ và phép lạ siêu nhiên khác đã cặp theo sự tăng trưởng lạ lùng của Hội Thánh không những ở tại Trung Hoa mà còn ở nhiều nơi đáng ngạc nhiên khác trên thế giới.” 4

Tất cả điều này thật khớp với những phát hiện của riêng tôi sau một chương trình khảo sát khá lớn kéo dài hai năm do nhà xuất bản Zondervan giao cho tôi như là một phần trong cuốn Từ điển của Phong trào Ngũ tuần và Ân tứ của họ. 5 Khi mới bắt đầu, tôi đã biết rằng những người Ngũ tuần và ân tứ đang phát triển một cách nhanh chóng, nhưng tôi vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ cho những gì tôi phát hiện. Mặc dầu các con số cứ tiếp tục thay đổi vì cớ các nhà khảo sát lại khám phá ra những nhóm tăng trưởng mới, nhưng chúng tôi cũng đã có được một con số khá ổn định có thể tin cậy được vào năm 1985. Trong 40 năm đầu hoặc vào khoảng đó của phong trào, những người Ngũ tuần và ân tứ đã phát triển lên đến 16 triệu người vào năm 1945, một sự phát triển tốt nhưng chưa phải là ngoạn mục. Sau đó sự tăng tốc bắt đầu, và trong 40 năm tiếp theo họ gia tăng lên đến 247 triệu người. Qua 10 năm gần đây của giai đoạn (1975 đến 1985), họ đã tăng từ 96 triệu đến 247 triệu, mức tăng trưởng trong một thập niên (DGR) đến 157 phần trăm.

Điều này hàm ý triển vọng gì? Phải thừa nhận rằng tôi không phải là một sử gia chuyên nghiệp, dầu vậy tôi vẫn đánh liều lời giả định sau đây: Trong lịch sử không có một phong trào phi chính trị, phi quân sự nào của con người lại phát triển cách nhanh chóng như phong trào Ngũ tuần hoặc ân tứ trong 40 năm qua. Dẫu cho nếu có một sử gia nào đó muốn xuyên tạc giả định của tôi, thì mục đích của tôi khi tuyên bố điều đó vẫn sẽ còn lại, tức là nếu đây là một công việc hiện thời của Đức Thánh Linh, là điều mà tôi hoàn toàn tin chắc, thì những người lãnh đạo Cơ Đốc đang mắc phải một lỗi lầm nghiêm trọng nếu như họ không chịu để một lỗ tai lắng nghe điều Thánh Linh đang muốn phán cùng các Hội Thánh.

Tôi không bảo rằng tất cả chúng ta phải gia nhập các phong trào ân tứ hoặc Ngũ tuần. Nhưng tôi muốn nói rằng chúng ta hãy tham gia vào phong trào của Đức Thánh Linh. Làn sóng thứ ba là một sự chọn lựa có khả năng thực hiện nhiều hơn đối với nhiều người. Như chúng ta đã thấy, nhà khảo sát David Barrett đã ước tính có 27 triệu người thuộc làn sóng thứ ba cần được thêm vào con số trên để có được một bức tranh đầy đủ hơn về điều Đức Chúa Trời đang thực hiện trên thế giới.

Tôi cần phải bổ sung thêm ngay rằng đó không phải là tất cả những gì Đức Chúa Trời đang làm. Như tôi đã đề cập ở phần trước, có những nơi trên thế giới, sự tăng trưởng Hội Thánh mạnh mẽ đang diễn ra mà không có các dấu kỳ và phép lạ. Ví dụ, hãy xem các Hội Thánh ở tại Guatemala gắn bó với Hội Truyền Giáo Trung Ương Hoa Kỳ (CAM). Nhà sáng lập của CAM không ai khác hơn là C. I. Scofield, nhà biên tập của chương trình học Kinh Thánh mang tên ông là người đã dạy rằng các ân tứ dấu lạ đã không còn được sử dụng nữa cùng với sự kết thúc của thời kỳ các sứ đồ. Hội truyền giáo này, liên kết chặt chẽ với Chủng Viện Thần Học Dallas, đã giữ một thái độ chống Ngũ tuần trải suốt nhiều năm. Dầu vậy, các Hội Thánh của họ vẫn tăng trưởng tốt dưới sự ban phước của Đức Chúa Trời. Số thành viên được báp tem của họ gia tăng từ 38.480 người năm 1980 lên đến 49.584 người trong năm 1983 và mức độ tăng trưởng thập kỷ là 138 phần trăm. 6

Nhiều ví dụ khác có thể được đưa ra, như là ở tại Singapore, nơi mà nhóm các Hội Thánh tăng trưởng đứng thứ nhì, sau Ngũ tuần, là Hội Thánh Trưởng Lão Thánh Kinh, một giáo phái chống Ngũ tuần kiên định.