Chức Vụ Chữa Lành- Một Sự Chuyển Đổi Mô Hình (Phần 2)

Những Người Ngũ tuần Cũng Tốt

Giai đoạn thứ hai của việc chuyển đổi mô hình của tôi có liên quan đến khảo sát tăng trưởng của Hội Thánh. Trong chương vừa qua, tôi có nói rằng vào cuối thập niên 60 Donald Mc Garvan giúp tôi có được một cái nhìn về sự tăng trưởng của Hội Thánh khi tôi học tập dưới quyền ông ở tại Trường Fuller thuộc Hội Truyền Giáo Thế Giới. Ông đã chỉ dẫn các sinh viên nghiên cứu các Hội Thánh tăng trưởng bất cứ nơi nào được tìm thấy, để khám phá những nguyên tắc mà sau này có thể được áp dụng cho các Hội Thánh khác.

mot-su-chuyen-doi-mo-hinh-2

Khi tôi trở lại Bolivia để ứng dụng điều đã được học, tôi phát hiện, trước sự sửng sốt vô cùng của tôi, đó là các Hội Thánh phát triển nhanh nhất ở tại châu Mỹ Latinh là các Hội Thánh Ngũ tuần, những người mà tôi hết sức khinh miệt. Tôi phát hiện ra rằng trong khi khoảng 20 phần trăm những người Tin Lành châu Mỹ Latinh là người Ngũ tuần vào năm 1950, thì đến năm 1970, con số đã lên khoảng 70 phần trăm và đang gia tăng. Đây là một hiện tượng mà người lãnh đạo về sự tăng trưởng của Hội Thánh không thể bỏ qua, nhưng tôi nhận thấy rằng với danh tiếng mà mình đã có được thì không thích hợp để bày tỏ bất cứ sự quan tâm nào nơi các Hội Thánh Ngũ tuần ở tại Bolivia. Ví dụ, Bruno Frigoli, nhà truyền giáo của Hội thánh Ngũ tuần, đã trở thành một trong những kẻ thù tồi tệ nhất của tôi, tuy nhiên, ngay bên kia rặng núi Andes ở tại Chilê là một nhóm đông đảo những người Ngũ tuần đang chứng tỏ sự tăng trưởng bùng nổ.

Ở Chilê không ai biết tôi cả. Vì vậy, với lượng lo lắng nào đó, tôi đã bay qua rặng núi ấy và tham dự một vài buổi nhóm Ngũ tuần tại đó. Trước sự kinh ngạc của tôi, những người này đã cư xử y như những Cơ Đốc nhân thật sự đã được sanh lại. Tôi đã quan sát bông trái của Thánh Linh trong đời sống họ. Tôi đã nói chuyện với những người lãnh đạo của họ và khám phá ra những người nam những người nữ của Đức Chúa Trời. Tôi dã hỏi những câu hỏi về thần học và đã nhận được những câu trả lời thật khôn ngoan.

Một khác biệt lớn đó là các buổi nhóm thờ phượng của họ. Không giống như sự dự đoán theo chương trình trong nhiều Hội Thánh Tin Lành của chúng tôi ở tại Bolivia, những người Ngũ tuần này thật sự đã vui đùa trong Hội Thánh. Họ ca hát và nhảy múa trong Thánh Linh, vỗ tay và đưa tay lên cao. Trước khi tôi biết điều này, tôi quyết định làm thử, và tôi thấy chính mình cũng rất vui thích. Tôi đã nghe một số các thứ tiếng và những lời tiên tri, và tôi bắt đầu nghĩ rằng các ân tứ này có lẽ đã không biến mất cùng với các sứ đồ.

Điều đầu tiên tôi đã làm khi trở về Bolivia là kết bạn với Bruno Frigoli. Không bao lâu sau khi Doris và tôi trở về Hoa Kỳ, tôi bắt đầu dạy dỗ ở tại Trường Thần Học Fuller. Đó là lúc tôi viết quyển sách hiện nay có tựa là Spiritual Power and Church Growth (Quyền Năng Thánh Linh và Sự Tăng Trưởng Hội Thánh) chia sẻ lại điều tôi đã học được từ những người Ngũ tuần châu Mỹ Latinh. Việc viết quyển sách này đã giúp tôi bước một bước lớn nữa hướng đến sự chuyển đổi mô hình. Và hiện nay tôi hài lòng để tường thuật rằng quyển sách ấy đã giúp cho nhiều người khác cùng làm giống như vậy.

Hội Thánh của Đức Chúa Trời

Giai đoạn thứ ba trong sự chuyển đổi mô hình của tôi đến qua một giai đoạn chức vụ vào khoảng giữa thập niên 70 với Hội Thánh của Đức Chúa Trời (Cleveland, TN). Những người lãnh đạo của họ đã mời tôi giúp họ hiểu biết và áp dụng các nguyên tắc tăng trưởng Hội Thánh; đây là giáo phái Ngũ tuần kinh điển đầu tiên mà tôi đã tiếp xúc với qua một khoảng thời gian kéo dài. Mặc dầu họ chi trả cho tôi để dạy dỗ họ, nhưng họ chắc không biết rằng tôi đã học tập rất nhiều khi dạy dỗ họ. Ở tại đó những người nam và người nữ của Đức Chúa Trời đã chứng tỏ với tôi một cách xác quyết rằng họ đã rờ đụng một chiều kích của quyền năng Đức Chúa Trời mà tôi có cần. Mỗi khi tôi thăm viếng họ tôi trở về được tươi mới về tâm linh. Nhiều lúc tôi thậm chí thấy mình âm thầm ao ước được làm một người Ngũ tuần!

Trước khi kết thúc với Hội thánh của Đức Chúa Trời, tôi đã ngờ vực hết sức mạnh mẽ rằng Đức Chúa Trời đã có điều gì đó rất khác biệt để dành cho tương lai tôi.

John Wimber Xuất Hiện

Giai đoạn thứ tư và là giai đoạn cuối cùng trong sự chuyển đổi mô hình của tôi đã đến như là kết quả của cuộc tiếp xúc của tôi với John Wimber.

Lần đầu tiên khi tôi gặp John năm 1975, ông là một mục sư Quaker đã ghi danh theo khóa học Tiến Sĩ Mục Vụ của tôi về Hội Thánh tăng trưởng. Ông đã dành được tiếng tốt như là một người lãnh đạo hữu hiệu về sự tăng trưởng ở tại Yorba Linda Friends Church, vì vậy, tôi đã nhận ra tên của ông khi nhìn thấy trong danh sách lớp. Chúng tôi bắt đầu làm quen với nhau, và sau một tuần, ông nói: “Thật sự, tôi luôn biết những điều mà anh đang dạy dỗ, nhưng tôi chưa biết phải gọi chúng là gì.” Đến cuối tuần lễ thứ hai, cũng là tuần lễ cuối cùng, tôi nhận ra rằng John có một năng lực cao lạ lùng với tư cách là người đang thực hành công tác tăng trưởng Hội Thánh và là một nhà cố vấn. Ông chính là người mà tôi đang cần.

Trong suốt thập kỷ 70, tôi đã hầu việc Chúa với tư cách là một viên chức điều hành chính của Hiệp Hội Tin Lành Fuller cũng như là một giảng viên ở tại chủng viện. Đến giữa thập kỷ này thì tôi bắt đầu một tiến trình thiết lập điều mà hiện nay được biết là Hiệp Hội Truyền Giáo và Tăng Trưởng Hội Thánh của Charles E. Fuller. Tôi làm điều này là vì, trong khi tôi đang làm khá tốt với tư cách là một lý thuyết gia về việc tăng trưởng Hội Thánh, tôi nhận ra mình cần liên kết với một người thực hành là người biết rõ hơn tôi cách để làm cho những lý thuyết trở nên hiệu quả ở mức độ cơ bản. Tôi thấy John Wimber chính là người đó, và tôi đã thuyết phục anh rời chức vụ của mình đến làm việc với tôi. John đã đưa Hiệp Hội Charles Fuller đến một khởi đầu tốt đẹp, và chúng tôi đã trở thành những người bạn thân thiết hết sức ngưỡng mộ nhau vì các ân tứ và chức vụ của mỗi người.

Vào lúc này cả hai chúng tôi đều là những người Tin Lành thuộc hệ phái chánh. Chúng tôi đã đến một chỗ đó là ngưỡng mộ những người Ngũ tuần và những người thuộc phong trào ân tứ, nhưng vẫn giữ khoảng cách đối với họ. Tôi có một chút lợi thế thuộc loại ân tứ đối với John trong những ngày ấy bởi vì thỉnh thoảng tôi đã có sử dụng một ngôn ngữ cầu nguyện. Còn John đã nói tiếng lạ nhiều năm trước đây khi còn là một tân tín hữu, nhưng đã được bảo rằng ông không nên làm điều đó nữa, vì vậy, ông đã thôi. Lúc ấy chúng tôi chẳng bao giờ thảo luận về vấn đề đó cả, tôi cũng không coi việc nói các thứ tiếng là một yếu tố trọng tâm trong đời sống thuộc linh của mình.

Thế rồi Chúa kêu gọi John mở một Hội Thánh mới. Tôi ủng hộ ý tưởng đó, trong trí tôi nghĩ rằng một hội chúng nhỏ sẽ giữ cho ông bận rộn suốt những ngày cuối tuần khi mà ông không đi ra để tư vấn với các mục sư. Tôi thật ít khi nào ngờ rằng Hội Thánh nhỏ ấy cuối cùng sẽ phát triển thành một Hội Thông Công Cơ Đốc Vineyard thuộc Anahem, có trên 6.000 thành viên. Khi Đức Chúa Trời bắt đầu ban phước cho Hội Thánh bằng sự tăng trưởng phi thường, John Wimber đã bị buộc phải từ chức với Hiệp Hội Charles Fuller vào năm 1977. Chúa cũng đã biết về điều đó, và đã chuẩn bị Carl George of Gainesville, Florida để nhận lấy chỗ của John và đưa Hiệp Hội này tiến lên từ điểm đó. Nhưng John và tôi vẫn là những người bạn thân thiết, và cứ mỗi tháng tám thì ông lại tiếp tục giúp tôi dạy khóa Tiến sĩ mục vụ ở tại Chủng Viện Fuller được gọi là Church Growth II.

Tôi bắt đầu thoáng nhận biết rằng suốt năm 1978 đến năm 1980, John và những người khác trong hội chúng của ông đã bắt đầu cầu nguyện cho người đau và chứng kiến Đức Chúa Trời chữa lành một số người. Vì tò mò, thỉnh thoảng tôi đã đến thăm Hội Thánh vào các buổi tối Chúa nhật khi Hội Thánh vẫn nhóm lại ở trong phòng thể dục của Trường Trung Học Canyon ở tại Placentia, California. Đến năm 1981, John đề nghị chúng tôi dành ra một trong những buổi sáng của mình ở tại Church Growth II cho ông để giảng thuyết về đề tài: “Các Dấu kỳ, Phép lạ và Sự Tăng Trưởng của Hội Thánh.” Nếu như lời đề nghị này đến từ bất cứ người nào khác, thì hẳn tôi đã do dự. Điều này đang dời chuyển vào trong một lãnh thổ chưa được thám hiểm cả trong phong trào tăng trưởng Hội Thánh lẫn trong Chủng Viện Thần Học Fuller. Nhưng tôi tin cậy John Wimber; ông đã tỏ ra là một con người hết sức ngay thẳng và đáng tin cậy đến nỗi tôi cho phép ông điều đó. Tôi đã làm được một điều đặc biệt khi mời viện trưởng của trường Fuller thuộc Hội Truyền Giáo Thế Giới của chúng tôi là Paul E. Pierson đến ngồi dự trong lớp học.