Thánh Kinh Bảo Huấn- Đức Chúa Jê-sus (Chương III-Phần 2)
IV. Những giới hạn của người
(1) Những giới hạn của thể xác nhục thể )
(a) Giăng 4:6 Tại đó có cái giếng Gia-cốp. Nhơn đi đàng mỏi mệt, Đức Chúa Jê-sus ngôi gần bên giếng, bâý giờ độ chừng giờ thứ sáu (12 giờ trưa).
Thân thể Chúa mệt mỏi.
So sánh với Ê-sai 40:28 Ngươi không biết sao, không nghe sao? Đức Chúa Trời hằng sống là Đức Giê-hô- va, là Đấng đã dựng nên đầu cùng đất, chẳng mỏi chẳng mệt, sự khôn ngoan Ngài không thể dò.
(b) Ma-thi-ơ 8:24 Thình lình biển nổi bão lớn, đến nỗi sóng đầy phủ thuyền, nhưng Ngài đang ngủ.
Đức Chúa Jê-sus ngủ.
So sánh với Thi thiên 121:4-5 Đấng gìn giữ Ysơraên không hề nhắp mắt cũng không buồn ngủ. Đức Giê-hô–va là Đấng gìn giữ ngươi. Đức Giê-hô-va là bóng che ở bên hữu ngươi.
(c) Ma-thi-ơ 21:18 Sáng mai, khi trở lại thành, thì Ngài đói.
Đức Chúa Jê-sus đói.
(d) Giăng 19:8 Sau đói Đức Chúa Jê-sus biết mọi việc đã được trọn rồi, hầu cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, thì phán rằng: Ta khát.
Đức Chúa Jê-sus khát.
(e) Lu ca 22. 44 Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất.
Đức Chúa Jê-sus có những đau đớn (thống khổ của thể xác).
(g) I Cô-rinh-tô 15:3 Vả, trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhân lãnh ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh.
Đức ChúaJê-sus chết.
Điểm Xác Nhận Thứ Nhất: Đức Chúa Jê-sus mệt mỏi, đói, khát, bị đau đớn và chịu chết. Khi làm người, Ngài chịu những giới hạn của con người .
(2) Những giới hạn về khôn ngoan hiểu biết
(a) Lu-ca 2:52 Đức Chúa Jê-sus khôn ngoan thêm, thân hình lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta.
Đức Chúa Jê-sus tăng trưởng cả về khôn ngoan lẫn vóc dáng và tính tình, vì Ngài chịu trong các điều kiện tăng trưởng thông thường của con người.
(b) Mác 11:13 Vừa thấy đàng xa một cây vả có lá, Ngài đến đó xem hoặc có chi chăng, song tới gần rồi chỉ thấy có lá mà thôi, vì bấy giờ không phải mùa vả. Mác 13:32 Về ngày và giờ đó, chẳng ai biết chi hết, các thiên sứ trên trời hay là Con cũng chẳng biết nữa, song chỉ Cha mà thôi.
Điểm Xác Nhận Thứ Nhì: Khi làm người, sự hiểu biết của Đức Chúa Jê-sus chịu giới hạn.
Ghi chú 1: Chính Đức Chúa Jê-sus tự giới hạn sự hiểu biết của Ngài.
Phi líp 2:7 chính Ngài đã tự bỏ mình đi (he empticd Himself – Ngài làm cho mình trống không). Chúng ta phải hiểu câu này theo ‘văn cảnh’ (context), là ‘Ngài tự bỏ vinh quang’ chứ không tự bỏ các thuộc tính của Ngài vẫn có trước khi nhập thể.
Ghi chú 2: Theo Giăng 3:34 ‘Vì Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến thì rao truyền lời của Đức Chúa Trởi bởi Đức Chúa Trời ban Thánh Linh cho Ngài không chừng mực , thì: Đức Chúa Jê-sus rao truyền lời của Đức Chúa Cha với sự linh ứng trọn vẹn của Đức Thánh Linh.
Ghi chú 3: Bản tính Thần linh vẫn ở trong Chúa Jê-sus khi Ngài mang thân thể con người (Cô-lô-se 2:9) đã có lần chói sáng qua bức màn của thể xác, nhưng Ngài vẫn là người trọn vẹn khi sống trên trần gian.
(c) Hê-bơ-rơ 4:15 Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội.
Hê-bơ-rơ 2:18 Vả, vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy.
Điểm Xác Nhận Thứ Ba: Khi làm người, với nhân tính, Đức Chúa Jê-sus phải trải qua các cơn cám dỗ thử thách.
(Xin xem Hê-bơ-rơ 5:7-9)
Ghi chú 1: Động từ PEIRAZO trong các câu trên đây có thể dịch là: ‘cám dỗ hay ‘thử thách’, ‘trắc nghiệm’. Danh từ cùng gốc là PEIRASMOS cũng có nghĩa là : ‘sự cám dỗ’ , hay ‘sự thử thách’.
Ghi chú 2: Chúa Jê-sus có ‘nhân tính’ (bản tính người) nhưng không có ‘bản tính xác thịt’ bản tính tội lỗi). Khi chưa phạm tội, A-đam có ‘bản tính người’ , nhưng không có ‘bản tính tội lỗi’, là bản tính đã vào trong A-đam và nhân loại từ lúc A-đam phạm tội.
Ghi chú 3: Những giới hạn về tâm linh và thể xác Đức Chúa Jê-sus chịu trong thời gian Ngài sống trên trần gian với nhân tính, là hoàn toàn do Ngài tự nguyện, như được chứng minh trong các câu Kinh Thánh sau đây:
Hê-bơ-rơ 2:14 Vậy thì, vì con cái có phần về huyết và thịt nên chính Đức Chúa Jê-sus cũng có phần (*) vào đó, hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết là ma quỉ.
Phi-líp 2:6-7 Ngài vốn có hình Đức chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ, chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người,…
(*) ‘có phần’ (the tookpart) là tự Ngài ‘dự phần’. Trong nguyên văn Hy-lạp, động từ này được chia với thì quá khứ dứt khoát chủ động (aorist indicative active).
(**) ‘đã tự bỏ mình đi’. Trong nguyên văn Hy-lạp, động từ này cũng được chia với thì quá khứ dứt khoát chủ động.
Đức Chúa Jê-sus đã tự nguyện nhận các giới hạn đó để thực hiện ân điển cứu rỗi chúng ta, theo chương trình đã được ấn định từ trước khi sáng thế, do tình yêu thương nhiệm mầu cao cả của Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh.
Ghi chú 4: Mặc dù chịu cám dỗ thử thách khi có nhân tính, Đức Chúa Jê-sus đã đắc thắng vì Ngài không phạm tội.. (Hê-bơ-rơ 4:15 Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn là có một Thầy Tế Lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội.)
Xác Nhận Chung: Đức Chúa Jê-sus tự nguyện nhận lấy nhân tính với các giới hạn tâm linh và thể xác.
(3) Những Giới hạn về quyền năng
(a) Mác 1:35 Sáng hôm sau, trời còn mờ mờ, Ngài chờ dậy, bước ra, đi vào nơi vắng vẻ mà cầu nguyện tại đó.
Ma-thi-ơ 14:23 Xong rồi, Ngài lên núi để cầu nguyện riêng, đến chiều tối, Ngài ở đó một mình.
Lu-ca 22:41-45 Ngài bèn đi khỏi các môn đồ, cách chừng liệng một cục đá, quì xuống mà cầu nguyện rằng: lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này khỏi Con! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý con. . . Có một thiên sứ từ trên trời hiện xuống cùng Ngài mà thêm sức cho Ngài. Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trởn nên như giọt máu lớn rơi xuống đất. Cầu nguyện xong. Ngài đứng dậy, trở lại cùng các môn đồ, thấy đang ngủ mê vì buồn rầu.
Hê-bơ-rơ 5:7 Khi Đấng Christ còn trong xác thịt, thì đã kêu lớn tiếng khóc lóc mà dâng những lời cầu nguyện nài xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết, và vì lòng nhân đức (godly fear=kính sợ) Ngài, nên được nhậm lời.
Điểm Xác Nhận Thứ Nhất: Đức Chúa Jê-sus cầu nguyện với Đức Chúa Cha (25 lần được ghi lại trong Tân Ước). Đức Chúa Jê-sus nhận được quyền năng để phục vụ Đức Chúa Cha và để chiến thắng ma quỉ nhờ lời cầu nguyện, cũng như chúng ta. Khi làm người, Đức Chúa Jê-sus cũng thuận phục điều kiện ‘ai xin sẽ được’ do Đức Chúa Cha ấn định.
(b) Công vụ 10:38 thể nào Đức Chúa Trời đã xức cho Đức Chúa Jêsus ở Na-xa-rét bằng Đức Thánh Linh và quyền phép, rồi Ngài đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước và chữa lành hết thảy những người bị ma quỉ ức hiếp; vì Đức Chúa Trời ở cùng Ngài.
Điểm Xác Nhận Thứ Nhì: Đức Chúa Jê-sus có quyền năng để thi hành chức vụ Đức Chúa Cha giao phó, không phải bởi Thần tính cố hữu của Ngài, nhưng bởi ‘sự xức dầu Thánh Linh’ . Ngài cũng phải được xức dầu , đúng theo điều Đức Chúa Cha ấn định cho tất cả mọi người phục vụ Ngài.
Xác Nhận Chung: Khi làm người, Đức Chúa Jê-sus chịu những giới hạn của nhân tính, và phải thoả mãn những điều kiện Đức Chúa Trời ấn định cho mọi người muốn phục vụ Ngài với đầy dẫy quyền năng Thánh Linh.
V. Mối Liên Hệ Giữa Đức Chúa Jê-sus Và Đức Chúa Trời
Giăng 20:17 Đức Chúa Jê-sus phán rằng: Chớ rờ đến(p) ta; vì ta chưa lên cùng Cha! Nhưng hãy đi đến cùng anh em ta, nói rằng ta lên cùng Cha ta và Cha các ngươi, cùng Đức Chúa Trời ta và Đức Chúa Trời các ngươi.
Điểm Xác Nhận: Đức Chúa Jê-sus gọi Cha Ngài là ‘Đức Chúa Trời Ta’ (Ngài đứng trong địa vị của con người, và làm đại diện cho nhân loại để đến với Đức Chúa Trời).
VI. Giống Con Người trong mọi sự (ngoại trừ bản tính tội lỗi)
Hê-bơ-rơ 2:17 Nhân đó, Ngài phải chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho đối với Đức Chúa Trời, trở nên thầy tế lễ thượng phẩm, hay thương xót và trung tín, đặng đền tội cho chúng dân.
Điểm Xác Nhận: Đức Chúa Jê-sus tình nguyện làm giống chúng ta là ‘các em’ của Ngài trong mọi sự khi Ngài tình nguyện nhận các điều kiện thể xác và tâm linh của nhân tính (bản tính người) .
Xác Nhận Chung: Đức Chúa Jê-sus hoàn toàn là người, do sự tình nguyện của Ngài, để cứu chuộc nhân loại. (xem Phi-líp 2:5-8; 2 Cô-rinh-tô 8:9). Ngài dự phần bản tính của con người để chúng ta được dự phần bản tính Đức Chúa Trời, (theo lời Chúa trong 2 Phi-e-rơ 1:4b Ngài lại ban lời hứa rất qúi rất lớn cho chúng ta, hầu cho nhờ đó anh em được lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đến, mà trở nên người dự thần bổn tánh Đức Chúa Trời)
Hỏi: Có cách nào chúng ta có thể ‘làm cho nhất trí’ hai chân lý vô cùng quan trọng trong Kinh Thánh là : (1) Đức Chúa Jê-sus là Đức Chúa Trời, và (2) Đức Chúa Jê-sus là người thật, với nhân tính của loài người ?
Đáp: ‘Làm cho nhất trí’ hai chân lý đó không phải là trách nhiệm chính của chúng ta. Điều chúng ta phải làm là tìm hiểu các câu Kinh Thánh liên hệ với hai chân lý này. Tìm hiểu bằng cách cầu nguyện xin Đức Thánh Linh rọi ánh sáng của Ngài vào Lời Chúa, rồi nghiên cứu mỗi câu Kinh Thánh theo văn phạm và nghĩa trong nguyên văn, theo luật xử dụng (law ofusage) và luật ‘văn cảnh’ (law of context). Chúng ta luôn luôn nắm vững niềm tin: Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời, được Đức Thánh Linh hà hơi và nguyên văn Kinh Thánh không sai lầm. Một lỗi lầm quan trọng chúng ta có thể mắc phải, là cố gắng giải thích tất cả các đoạn văn trong Kinh Thánh cách nào để có thể ‘làm nhất trí’ với các đoạn văn khác. Nếu làm vậy, chúng ta sẽ trở thành ‘nhà thần học một chiều’, rồi tạo ra nhiều trường phái chống đối nhau.
Chúng ta đừng quên rằng có những trường hợp chúng ta thấy có hai chân lý được dạy rất rõ trong Kinh Thánh, nhưng dường như hai chân lý đó không nhất trí và còn có vẻ như là mâu thuẫn với nhau nữa. Nhưng những khía cạnh dường như mâu thuẫn hay thiếu nhất trí đó sẽ lần lân được sáng tỏ và hoà hợp với nhau cách diệu kỳ. Chúng ta vẫn còn có thể thắc mắc vì một số chân lý hiện nay chúng ta chưa hiểu hết, nhưng sẽ đến ngày chúng ta được Đức Thánh Linh giải thích thấu đáo để chúng ta không còn thắc mắc nữa vì Tác giả Kinh Thánh là Đấng Toàn tri, Đấng Khôn ngoan tuyệt đối với sự cảm ứng và hướng dẫn của Đức Thánh Linh các người chép Kinh Thánh đã không ngần ngại đặt lời dạy về Thần tính của Đức Chúa Jê-sus ngay bên cạnh lời dạy về Nhân tính của Ngài, như trong một số câu được nêu ra sau đây :
Ma-thi-ơ 8:24-26 Thình lình biển nổi bão lớn, đến nỗi sóng dậy phủ thuyền; nhưng Ngài đương ngủ. Các môn đồ đến gần, đánh thức Ngài, mà thưa rằng: Lạy Chúa, xin cứu chúng tôi với, chúng tôi hầu chết! Ngài phán rằng: Hỡi kẻ ít đức tin kia, cớ sao các ngươi sợ? Ngài bèn đứng dậy, quở gió và biển; thì liền yên lặng như tờ.
Lu-ca 3:21-22 Vả, chính giờ đó, Đức Chúa Jê-sus chữa lành nhiều kẻ bịnh, kẻ tàn tật, kẻ mắc quỉ dữ, và làm cho nhiều người đui được sáng. Đoạn, Ngài đáp rằng: Hãy về báo cho Giăng sự các ngươi đã thấy và đã nghe: Kẻ đui được sáng, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, Tin lành đã rao giảng cho kẻ nghèo.
Giăng 11:38, 43, 44 Bấy giờ, Đức Chúa Jê-sus lại đau lòng nữa, bèn đến phần mộ: Mộ bằng một cái hang, trước cửa hang có một hòn đá chận lại…. Khi Ngài nói xong, bèn kêu lên một tiếng lớn rằng: Hỡi La-xa-rơ, hãy ra! Người chết đi ra, chân tay buộc bằng vải liệm và mặt thì phủ khăn. Đức Chúa Jêsus phán cùng chúng rằng: Hãy mở cho người, và để người đi.
Lu-ca 9:28, 29, 35 Độ tám ngày sau khi phán các lời đó, Đức Chúa Jê-sus đem Phi-e-rơ, Giăng và Gia-cơ đi với mình lên trên núi để cầu nguyện. Đương khi cầu nguyện, diện mạo Ngài khác thường, áo Ngài trở nên sắc trắng chói lòa…. Bấy giờ, nghe có tiếng từ trong đám mây phán ra rằng: Nầy là Con ta, Người được lựa chọn của ta, hãy nghe Người.
Ma-thi-ơ 16:16, 17, 21 Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống. Bấy giờ, Đức Chúa Jê-sus phán cùng người rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi có phước đó; vì chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều nầy đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy… Từ đó, Đức Chúa Jê-sus mới tỏ cho môn đồ biết rằng mình phải đi đến thành Giê-ru-sa-lem, phải chịu tại đó nhiều sự khốn khổ bởi những người trưởng lão, thầy tế lễ cả, cùng thầy thông giáo, và phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại.
Hê-bơ-rơ 1:6 và 2:18 Còn khi Ngài đưa Con đầu lòng mình vào thế gian, thì phán rằng: Mọi thiên sứ của Đức Chúa Trời phải thờ lạy Con…. Vả, vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy.
Hê-bơ-rơ 4:14, 15 Ấy vậy, vì chúng ta có thầy tế lễ thượng phẩm lớn đã trải qua các từng trời, tức là Đức Chúa Jê-sus, Con Đức Chúa Trời, thì hãy bền giữ đạo chúng ta đã nhận tin. Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta,song chẳng phạm tội.